Hiệu ứng nhà kính là gì nguyên nhân hậu quả

Theo một số nghiên cứu thì hiệu ứng nhà kính là thành phần dạng khí, có khả năng hấp thụ các bức xạ hồng ngoại trong dải bước sóng của Trái Đất gây ra được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, rồi phân tán nhiệt lại cho Trái Đất và gây nên hiệu ứng nhà kính. Nguyên nhân bao gồm khí thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và sự đô thị hoá. Việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong phương tiện giao thông và hoạt động công nghiệp tạo ra lượng khí thải như CO2, NOx và SOx, góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính. Sự gia tăng sử dụng phân bón và chất thải hữu cơ trong nông nghiệp cũng tạo ra khí methane (CH4) , một chất gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả CO2.

Các khí nhà kính còn bao gồm hơi nước (H2O), nitơ oxit (N2O), ozon (O3) và các khí CFC. Trong đó, Carbon dioxide, metan và oxit nitơ là những khí đáng lo ngại nhất. Bởi, Carbon dioxide tồn tại ở trong khí quyển 1000 năm, metan tồn tại 10 năm, oxit nitơ tồn tại 120 năm. Chỉ trong khoảng 20 năm, oxit nitơ tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 280 lần C02, metan gấp 80 lần C02. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giảm lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cũng như hiểu rõ mức độ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, Việt Nam đã ủng hộ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và chủ động tham gia các thỏa thuận pháp lý liên quan đến giảm nhẹ BĐKH. Cụ thể, Việt Nam đã ký Công ước Khí hậu năm 1992, phê chuẩn năm 1994; đã ký Nghị định thư Kyoto năm 1998 và phê chuẩn năm 2002; đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Công ước Khí hậu và Nghị định thư Kyoto; đã gửi Ban thư ký Công ước Khí hậu Thông báo quốc gia lần thứ nhất (2003), Thông báo quốc gia lần thứ hai (2010), Báo cáo Cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất (2014), phản ánh những nỗ lực mới nhất về việc ứng phó với biến đổi khí hậu và kiểm kê KNK.

Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu thì ước tính lượng phát thải khí nhà kính từ năm 2020 đến năm 2030 ở Việt Nam như sau:

Đơn vị: Triệu tấn CO2 tương đương

Những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, số dân tăng nhanh, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và từ sự gia tăng của phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải KNK còn hạn chế. Theo báo cáo về giám sát phát thải KNK của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố, lượng khí thải trong năm 2013 khoảng 45 triệu tấn CO2, chiếm 20% lượng phát thải quốc gia. Theo dữ liệu trung tâm dự báo KTTV quốc gia Việt Nam năm 2022 thì chỉ số PM2.5 ở Hà Nội trung bình hàng năm là 49 μg/m³ tại khu vực giao thông và 46 μg/m³ tại khu vực đô thi chung còn ở TP.HCM thì trung bình hàng năm là 26,946 μg/m³ và những con số này đều vượt quá giới hạn quốc gia (25μg/m³) và giới hạn của WHO năm 2021 (5 μg/m³) . Chỉ số PM 2.5 là một trong số nhiều nguyên nhân thải ra lượng CO2 quá ngưỡng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, từ các vấn đề hô hấp đến các bệnh ung thư và các vấn đề về tim mạch. Theo nghiên cứu của các chuyên gia khoa hô hấp tại bệnh viện Royal Brompton ở Vương Quốc Anh, đã xác định rõ những tác hại mà hiệu ứng nhà kính gây ra đối với sức khỏe con người. Các tác hại này bao gồm tăng cao nguy cơ mắc bệnh hô hấp do ô nhiễm không khí, đặc biệt là các chất gây ô nhiễm như bụi mịn PM2.5 và ozone, gây ra các bệnh như viêm phổi, hen suyễn và suy thoái phổi. Ngoài ra, hiệu ứng nhà kính cũng góp phần vào các vấn đề về sức khỏe tâm thần, do tăng nhiệt độ và biến đổi khí hậu, gây căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Đồng thời, nó còn tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của con người, gây khó chịu trong công việc, giảm hiệu suất lao động và đe dọa sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Ðể giải quyết vấn đề nêu trên, Việt Nam đang đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời trong quá trình giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội - những địa điểm có lượng khí nhà kính cao. Các dự án được xây dựng và triển khai nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp và du lịch. Trong giai đoạn từ 2018 đến 2023, Cục Bảo vệ Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất các chính sách nhằm thực hiện kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường của thành phố. Các biện pháp thí điểm đã được triển khai, bao gồm xây dựng các dự án nhằm tăng cường hiệu quả cho các tòa nhà trong khu vực, thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp thành phố và xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ngành Giao thông. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai giai đoạn mở rộng dự án vào năm 2022, hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia. Đồng thời, hướng dẫn về quy trình quản lý và kiểm kê tổng hợp khí nhà kính đã được xây dựng, giúp TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trên toàn quốc thực hiện công tác kiểm kê một cách tốt nhất. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là một trong năm thành phố đã thực hiện kiểm kê đầy đủ nguồn phát thải khí nhà kính và dự kiến sẽ là địa phương dẫn đầu trong việc kiểm soát nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên. Tại Hà Nội, các hoạt động giảm phát thải KNK cũng đang được tích cực triển khai. UBND thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thống kê phát thải KNK ở các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp... Triển khai chương trình hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm trên địa bàn; hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố thực hiện trách nhiệm theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các hoạt động nhằm góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và thực hiện thành công mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK tại Việt Nam trong thời gian tới, hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường. Mỗi người dân chúng ta cần phải hiểu được môi trường quan trọng thế nào tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta vậy nên cần phải chung tay và hợp tác giữa chính quyền, các tổ chức nghiên cứu, và cộng động để đảm bảo bảo vệ môi trường và sức khoẻ của người dân trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính ngày càng trở nên nghiêm trọng.