100 bài báo khoa học hay nhất mọi thời đại năm 2022

1. Mở đầu

Các bài báo khoa học (research papers) là một trong những nguồn kiến thức và cơ sở dữ liệu quan trọng nhất đối với một người làm công tác nghiên cứu khoa học. Chúng ta đọc các bài báo khoa học vì nhiều nhu cầu khác nhau: cập nhật thông tin có liên quan đến nghiên cứu của bản thân, chuẩn bị tư liệu khi viết tham luận hoặc bài giảng, làm nghiên cứu tổng quan khi bắt đầu một hướng nghiên cứu mới.

Đối với các nghiên cứu sinh, việc nghiên cứu tài liệu (literature research) thường cần từ 6 tháng đến 1 năm. Giai đoạn này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp định hướng và rút ngắn được thời gian nghiên cứu.

Làm thế nào để chọn được một bài báo tốt để đọc? Làm thế nào để tìm được thông tin hữu ích trong một “biển kiến thức”, mà không bị “chết đuối” bởi những hạn chế về thời gian và sức ép của những công việc thường nhật khác? Đó là trăn trở của không ít những những người “mới vào nghề nghiên cứu”.

Tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc, đặc biệt là những người đang theo học và nghiên cứu trong các chương trình cao học và nghiên cứu sinh, một số kinh nghiệm tìm kiếm và kỹ năng đọc các bài báo, mà tôi đã rút ra được.

2. Tìm kiếm và chọn lọc các bài báo khoa học

a) Tìm kiếm bước đầu

Sự phát triển của Công nghệ Thông tin cho phép chúng ta có thể sử dụng nhiều công cụ tìm kiếm hàn lâm rất mạnh như Google Scholar, hay ISI Web of Knowledge, hoặc IEEE Xplore. Điều quan trọng là phải tìm được những bài báo mới nhất trong lĩnh vực đang quan tâm. Điều này không khó nếu bạn biết lựa chọn khéo léo các từ khóa (key words). Với khoảng 10 bài đầu tiên vừa tìm được, chúng ta cố gắng tìm được ý nghĩa của chúng, bằng cách đọc lướt nhanh chúng theo cách như sau:

* Đọc tên bài báo và tóm tắt (Title and Abstract)

* Đọc phần mở đầu (Introduction)

* Đọc tiêu đề của các mục và tiểu mục, mà chưa cần đọc nội dung bên trong

* Xem lướt các hình vẽ, đồ thị

* Đọc phần tài liệu tham khảo xem có bài nào đã đọc rồi không.

Trong quá trình tìm kiếm, chúng ta chỉ nên dành 10 phút cho mỗi bài báo. Sau thời gian này, bạn phải biết bài báo có thuộc chủ đề mà bạn đang quan tâm không, để có thể quyết định bỏ qua chúng, hoặc giữ lại cho các lần đọc sau.

Công đoạn này được gọi là đọc lướt, cũng là bước đầu tiên để đọc một bài báo, mà tôi sẽ đề cập trong mục 3.

Việc đọc phần mở đầu (Introduction) rất quan trọng, vì thông thường các tác giả thường tóm tắt các công việc có liên quan, trước khi đi vào chi tiết các vấn đề của mình. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo cấu trúc của một bài báo trong tài liệu [1].

Bài báo mà tôi nói ở trên thuộc loại bài báo kỹ thuật (technical paper), trong đó tác giả trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất của mình. Giá trị khoa học của bài báo cũng nằm ở đóng góp mang tính học thuật của tác giả về phương pháp đề xuất, đó gọi là yêu cầu về “cái mới” (novelty) của các công bố khoa học.

Một dạng bài báo thường được đọc và trích dẫn rất nhiều là các bài tổng quan (review paper). Đây thường là những bài báo do các tác giả có uy tín viết, đánh giá tổng quan về một sự phát triển, một nhánh nghiên cứu nào đó với những phân tích và tổng hợp dựa trên kết quả nghiên cứu của chính tác giả và của các tác giả khác. Loại bài báo này có thể không có phương pháp đề xuất mới, mà giá trị của nó nằm ở những đánh giá tổng hợp của tác giả giúp người đọc có cái nhìn hệ thống về các vấn đề trong lĩnh vực chuyên môn.

Nếu trong quá trình tìm kiếm, bạn tìm được một bài báo tổng quan (review paper) về lĩnh vực bạn quan tâm, thì bạn là người may mắn. Ngoài những đánh giá tổng hợp của tác giả, thường là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực, bạn còn có được danh sách hàng chục bài báo đã được chọn lọc trong phần tài liệu tham khảo. Điều này giúp bạn tiết kiệm đáng kể thời gian tìm kiếm.

b) Tìm kiếm mở rộng

Nếu trong giai đoạn đầu tiên bạn chưa tìm đủ những tài liệu mong muốn, vì nhiều lý do khác nhau: các tài liệu còn tản mát  làm cho bạn chưa đủ thông tin để tập trung vào chủ đề chính mà mình quan tâm, hoặc bạn chưa thể hiểu ngay những ý chính của các bài báo đó do chúng là những vấn đề mới đối với bạn, thì bạn phải tiến hành tìm kiếm mở rộng.

Điểm xuất phát của việc tìm kiếm mở rộng này là tìm tên các tác giả. Qua những bài báo mà bạn đã tìm được (trong giai đoạn đầu tiên), bạn hãy lưu ý tới các tên được lặp lại nhiều. Các tác giả được trích dẫn nhiều thường có những ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực và họ thường chọn những hội nghị khoa học có chất lượng tốt nhất và những tập san có uy tín nhất để gửi bài.

Từ thực tế đó, bạn có thể thăm các website của các tác giả để biết được các bài báo quan trọng nhất của họ, và xem họ đã đăng những bài nào mới đây nhất. Quá trình tìm kiếm tiếp tục được mở rộng bằng việc bạn thăm trang Web các hội nghị quan trọng và kết nối với các kỷ yếu hội nghị (Proceedings) gần nhất. Từ đó bạn có thể lướt nhanh để chọn ra những bài mà mình quan tâm nhất (với giả thiết bạn được quyền truy cập vào trang Web của các Proceedings này.

Quá trình tìm kiếm mở rộng này tùy thuộc vào quỹ thời gian của bạn. Đối với các nghiên cứu viên mới, đây là một trải nghiệm thú vị, giúp bạn “làm quen” với các nhà nghiên cứu trong cùng lĩnh vực, giúp bạn tự bồi dưỡng thêm kiến thức, thông qua các bài báo và các quyển sách của các tác giả ưa thích mà bạn tìm được.

Các bước để tìm kiếm một bài báo khoa học được tóm tắt trong Hình 1: bắt đầu từ việc tìm các bài báo mới nhất trong lĩnh vực, rồi dựa theo tên các tác giả được lặp lại nhiều để thăm các trang Web cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu của các tác giả này, cũng như những hội nghị quan trọng nhất trong ngành. Từ nguồn dữ liệu phong phú, chúng ta phải chọn ra những bài báo có chất lượng nhất và quan trọng nhất để đọc.

Hình 1. Các bước tìm kiếm một bài báo khoa học.

Hình 1. cũng chỉ ra cách đọc của mỗi công đoạn trong quá trình tìm kiếm, mà tôi sẽ trình bày kỹ hơn trong mục sau.

3. Phương pháp đọc một bài báo khoa học

Để đọc và hiểu thấu đáo các bài báo khoa học một cách có hiệu quả nhất, chúng ta không nên đọc kỹ ngay, từ đầu bài báo đến cuối bài báo, mà hãy theo phương châm “từ khát quát đến cụ thể”, theo các bước sau:

* Lần thứ nhất: đọc lướt để biết được ý tưởng chính của bài báo

* Lần thứ hai: đọc hiểu để nắm được nội dung bài báo

* Lần thứ ba: đọc kỹ để hiểu sâu bài báo

Đây là 3 bước kế tiếp nhau, giúp bạn có thể điều chỉnh mức độ đọc một bài báo, tùy thuộc vào quỹ thời gian và mục tiêu mà bạn đọc bài báo đó.

a) Đọc lướt:

Mục đích của đọc lướt là để biết được ý tưởng chính của bài báo một cách nhanh nhất. Vì vậy đọc lướt phát huy tác dụng tối đa trong quá trình tìm kiếm và chọn lọc các bài báo. Kỹ thuật đọc lướt đã được đề cập trong mục 2. a).

b) Đọc hiểu:

Sau khi đã có một tập hợp các bài báo mà bạn cho là nên đọc, bây giờ là lúc bạn dành nhiều thời gian hơn cho mỗi bài báo, thường là 2-3 tiếng đối với các nghiên cứu viên mới, và 30 phút đến 1 tiếng với những bạn đọc có kinh nghiệm. Trình tự đọc trong lần này là:

* Đọc lại phần mở đầu (Introduction)

* Xem xét kỹ cấu hình (configuration) được đề cập, vì đây chính là đối tượng nghiên cứu của bài báo

* Xem các thuật toán đề xuất, nhưng chưa cần đi sâu vào chi tiết, hay chứng minh tính đúng đắn của chúng

* Đặc biệt chú ý đến các hình vẽ, đồ thị, bảng biểu và kết quả

* Đọc phần Kết luận (Conclusion) và lưu ý các đóng góp (contribution) của bài báo

Bạn có thể sử dụng kỹ thuật sau trong lần đọc thứ hai này:

* Dùng bút chì gạch chân, hoặc bút dấu dòng (high-lighting pen) để đánh dấu những từ quan trọng.

* Viết chú thích bên lề bài báo tại những chỗ chưa hiểu

Sau lần đọc thứ hai này bạn phải tóm tắt được ý chính của bài báo và bạn có thể chia các tài liệu mình thu nhận được làm 3 loại:

* Các tài liệu tâm đắc nhất.

* Các tài liệu có thể bỏ qua, không thuộc chuyên môn, không cần thiết quay lại.

* Các tài liệu mình chưa hiểu hoàn toàn, cần phải quay lại vào một dịp khác.

c) Đọc kỹ:

Mục đích của lần đọc này là để hiểu sâu vấn đề, nên nó thường được ứng dụng cho những bài báo mà bạn cho là quan trọng nhất (key papers) sau lần đọc thứ hai.

Trong lần thứ ba này, thường kéo dài 3 giờ hoặc hơn đối với các nghiên cứu viên mới. Đây là lúc bạn phải chú ý đến từng chi tiết. Kỹ thuật hiệu quả nhất là sử dụng giấy bút để làm lại các tính toán của tác giả, đặc biệt là những phần mà bạn chưa hiểu trong lần đọc trước. Nói một cách khác, bạn phải tái hiện lại công việc của tác giả. Sau lần đọc thứ ba này, bạn có thể hiểu được một cách có hệ thống nội dung của bài báo, giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn và củng cố thêm kiến thức của mình.

Trong trường hợp vấn đề của bạn nằm trong bài báo mà bạn đang đọc, việc nghiên cứu một cách sâu sắc các bài báo then chốt đôi khi sẽ giúp bạn tìm được một kẽ hở, để từ đó phát triển ý tưởng của mình và đề xuất phương án giải quyết. “Sự may mắn” trong trường hợp này sẽ do chính bạn tạo ra, với sự hỗ trợ của kỹ năng (skill) đọc, một kỹ năng mà bạn có thể có được qua rèn luyện.

4. Kết luận:

Tìm kiếm và đọc tài liệu là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình nghiên cứu. Phương pháp đọc mà tôi rút ra được có xuất xứ từ những kinh nghiệm của cha tôi. Khi tôi còn là một học sinh cấp 2, ông thường nhắc tôi phải học bài 3 lần “lần đầu để biết, lần thứ hai để hiểu và lần thứ ba để thuộc”.

Nhớ lại lúc bắt đầu chương trình cao học vào năm 1992, tôi đã áp dụng phương pháp này để trong một học kỳ đầu tiên có thể sưu tầm và đọc khoảng 50 bài báo và gần một chục quyển sách chuyên ngành, làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo. Kỹ năng đọc đã được tôi áp dụng hơn 20 năm qua, và thấy rất hữu ích cho các công việc của mình, như việc chọn lọc các bài báo khi tìm tài liệu tham khảo, hay trong khâu phản biện các bài báo khoa học.

Tôi hy vọng những kinh nghiệm của tôi phần nào giúp được các bạn có thể đọc các tài liệu một cách có hiệu quả nhất, đặc biệt là các bạn đang theo học các chương trình cao học và nghiên cứu sinh. q

Tài liệu tham khảo

[1]    “Bài báo khoa học, ISI, và một số “thước đo” đánh giá nhà khoa học”, Tạp chí Tự động hóa Ngày nay, số 134, tháng 1+2/2012.

PGS.TS. TẠ CAO MINH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Số 145 (1+2/2013)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay