Ca sĩ thái thị liên là ai?

Học trò của bà có nhiều nghệ sỹ, nhà giáo ưu tú nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Đỗ Hồng Quân... Cả cuộc đời của bà là tấm gương sáng về đào tạo và biểu diễn âm nhạc.

NSND Thái Thị Liên sinh năm 1918 trong một gia đình có 7 người con ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Bố của bà là kỹ sư Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Anh ruột của bà là luật sư nổi tiếng Thái Văn Lung - người đã được đặt tên đường ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác. Chị ruột của bà là nghệ sỹ dương cầm Thái Thị Lang, cũng là một nghệ sỹ piano danh tiếng.

NSND Đặng Thái Sơn và người mẹ vĩ đại - NSND Thái Thị Liên. Ảnh: Đình Toán.

Ngay từ năm 4 tuổi, bà đã được gia đình cho học piano tại trường dòng và tiểu học dành cho con em người Pháp trong vòng 7 năm. Năm 11 tuổi, khi theo học trường Trung học nữ sinh Pháp, bà đã học đàn chuyên nghiệp với bà giáo Armande Caron. Năm 16 tuổi, bà đã có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại tại tòa thị chính Sài Gòn.

Đến năm 1946, bà sang Pháp du học và thi đỗ vào Conservatoire Paris. Những ngày tháng trên đất Pháp, bà đã gặp và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp. Năm 1948, bà Thái Thị Liên theo chồng chuyển đến sống tại Praha [Tiệp Khắc cũ] và trở thành người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Praha.

Cuối năm 1951, bà theo chồng về Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại Đoàn văn công Trung ương.

Tháng 11/1956, bà cùng 7 nhạc sĩ như: Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Doãn Mẫn, Vũ Đức Tuân… sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam [tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam] và là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano cho tới năm nghỉ hưu 1977.

NSND Thái Thị Liên và con gái là GS.NGND.NSND Trần Thu Hà. Ảnh: TL.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc chia sẻ: “Khi trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập thì tất cả xuất phát từ con số 0, với một người tốt nghiệp bên Tiệp trở về thì bằng tâm huyết, bằng tình yêu, bằng sự đam mê của mình, bà đã tự tay biên soạn ra bộ giáo trình để dạy piano. Đây là sách dạy dàn piano đầu tiên. Trong giáo trình này có điểm rất đặc biệt là bà đã đưa đến 60% lượng các bài chuyển thể từ cả làn điệu dân ca, lấy yếu tố dân tộc để đưa vào giảng dạy piano chuyên nghiệp".

Những năm tháng chiến tranh, dù trường phải đi sơ tán nhiều nơi, NSND Thái Thị Liên vừa phải dạy học, vừa phải nuôi con thơ nhưng tiếng đàn piano của bà chưa bao giờ thôi ngân nga. Chính những đêm diễn tấu piano của bà dưới ánh trăng đã gieo mầm cho tình yêu âm nhạc cho các con.

Và từ “mầm âm nhạc” ấy mà Việt Nam đã có được một NSND Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin, một GS.NGND.NSND Trần Thu Hà - nguyên Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, NSND Thái Thị Liên còn có con trai là TS Trần Thanh Bình từng nhiều năm là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học [thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo].

NSND Thái Thị Liên biểu diễn trong sự kiện 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

TS Trần Thanh Bình từng chia sẻ rằng, NSND Thái Thị Liên dạy các con tình yêu nghệ thuật, cả nhà sống trong môi trường âm nhạc. Nhưng bà không áp đặt các con phải làm thế này, thế kia theo ý mình mà tôn trọng ý nguyện của các con. Ai thích âm nhạc, say mê âm nhạc thì học, mà đã học thì phải học thật giỏi, phải say mê đến cùng.

Chia sẻ trên một tờ báo, NSND Đặng Thái Sơn từng bày tỏ: "Trước đây, mẹ tôi đã giúp tôi rất nhiều, nhưng nay mẹ tôi đã ngoài chín mươi tuổi, nên mình phải biết làm nhiều thứ, thế nên tôi cũng biết đi chợ, mua các thức ăn, đồ uống… Mẹ tôi cũng là người rất thích nhạc Chopin, khi còn đi sơ tán trong những đêm yên tĩnh, trong bóng tối, mẹ tôi chơi đàn dưới ngọn đèn dầu, tôi nghe và yêu thích từ đấy. Cho đến Concour Chopin năm 1970, mẹ tôi mới được mời làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của mẹ mà tôi mới có sách, có đĩa để học… Hai mẹ con chúng tôi luôn ở bên nhau, trong suốt quãng đời vừa qua của mình, cho đến giờ tôi mới chỉ xa mẹ một lần 3 năm khi tôi ở bên Nga…".

GS Trần Thu Hà cũng chia sẻ: "Đặt tay lên nốt nhạc đầu tiên cũng là người mẹ và cho đến khi trưởng thành được đi học đến khi trở về và cho đến tận bây giờ sau mấy chục năm ngoài những chuyện tình cảm gia đình ra, nhiều vấn đề khác thì một chủ đề rất lớn giữa 2 mẹ con là nghệ thuật và âm nhạc".

4 năm trước, NSND Thái Thị Liên đã về Việt Nam sinh sống. Bà sống riêng, có một người giúp việc. Hàng ngày, GS Trần Thu Hà vẫn về ăn cơm trưa với mẹ. Đặc biệt, dù tuổi đã xấp xỉ 100 nhưng NSND Thái Thị Liên vẫn chưa bao giờ rời xa cây dương cầm. Hàng ngày, bà vẫn dành 2 tiếng để luyện đàn hoặc dạy các cháu học. Với bà đó là cách để rèn luyện trí óc và nuôi dưỡng tâm hồn.

Dù tuổi đã cao nhưng NSND Thái Thị Liên chưa bao giờ ngơi tiếng đàn.

Trong sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSND Thái Thị Liên đã khiến nhiều người sững sờ khi biểu diễn bản Mazurka [Chopin].

Và sắp tới đây, vào tối 23/11, NSND Thái Thị Liên sẽ cùng hai con là GS Trần Thu Hà và NSND Đặng Thái Sơn cùng các học trò NSƯT Trần Tuyết Minh, NGƯT Hoàng Kim Dung và pianist trẻ Đan Thu Nga biểu diễn trong đêm nhạc “Trăm mùa Thu vàng”. Đây là đêm nhạc vinh danh NSND Thái Thị Liên và mừng bà bước qua tuổi 100. Đặc biệt, trong đêm nhạc này, ngoài việc biểu diễn dương cầm, NSND Đặng Thái Sơn còn phá lệ chia sẻ những câu chuyện đầy kỷ niệm về người mẹ vĩ đại cũng là người thầy cao cả của mình.

Hà Tùng Long

Nếu tính cứ 20 năm là một thế hệ, thì Nghệ sỹ nhân dân, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên là thế hệ trước, còn tôi là thế hệ sau. Tôi không là học trò của bà, nhưng tôi học được ở bà nhiều điều về sự phấn đấu bền bỉ trong nghề nghiệp và cả sự nuôi dưỡng những tài năng trong gia đình.

Ngày 4 tháng 8 vừa rồi, bà vui vẻ thổi nến mừng sinh nhật 101 tuổi tây [102 tuổi ta]. Tuổi cao nhưng bà vẫn minh mẫn. Hàng ngày ngoài đọc báo, xem truyền hình, chơi bài, tập đàn, lên thực đơn cho chị giúp việc đi chợ, bà còn thích đi dạo gần nhà: vòng quanh hồ Tây, vườn Bách Thảo, siêu thị. Lâu lâu đi nhà hàng, nghe biểu diễn, trời đẹp thì cùng con cháu đi Đồ Sơn, Tam Đảo, Ba Vì… ngồi xe hơi không mệt mỏi. Ở tuổi này có lẽ rất hiếm các cụ được như thế. Cuộc đời của bà tự vươn lên, vượt qua mọi gian truân của số phận.

Nghệ sỹ nhân dân, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên 

Sinh ra trong một gia đình trí thức thượng lưu ở Sài Gòn, bà Thái Thị Liên học đàn piano từ năm 4 tuổi tại trường dòng [công giáo] và tiểu học dành cho con em người Pháp.

Từ năm 11 tuổi, cùng lúc theo học ở Trường Trung học Marie Curie, bà đã bước vào con đường chuyên nghiệp với bà giáo Armande Caron.

Đến năm 16 tuổi, bà có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại tại tòa thị chính Sài Gòn.

Năm 1946, bà sang Pháp với dự định tiếp tục học cao hơn về âm nhạc. Nhưng do những biến động của gia đình và thời cuộc, bà đã theo chồng - nhà ngoại giao cách mạng Trần Ngọc Danh - chuyển từ Paris sang Praha và theo học ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha, và tốt nghiệp năm 1951.

Cuối năm 1951, bà theo chồng về Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại Đoàn văn công Trung ương…

NSND Thái Thị Liên và con gái là GS.NGND.NSND Trần Thu Hà. Ảnh: TL.

Những người con của bà đều thành danh, gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp với sự nghiệp âm nhạc. Đó là 2 người con của bà với nhà cách mạng Trần Ngọc Danh: GS.NGND Trần Thu Hà - nguyên giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - và KTS.TS Trần Thanh Bình [người thiết kế phòng hoà nhạc của Học viện]. Và đặc biệt là NSND Đặng Thái Sơn, người con trai với thi sỹ Đặng Đình Hưng.

Bà cùng với các nhạc sỹ Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Vũ Tuấn Đức, Doãn Mẫn, Lều Thọ Hợp đã sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam [nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam]. Bà đã trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sỹ piano và là Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Piano suốt 20 năm, trong đó có cả những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên

Nghệ sỹ Thái Thị Liên còn đóng góp nhiều hoạt động biểu diễn: Người đầu tiên biểu diễn chương trình recital từ cuối những năm 50 ở Hà Nội, tham gia các chương trình hòa tấu với các chuyên gia Liên Xô cũ như GS Khodjaev và Fedoshenko tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Hải Phòng… Cuối năm 1955, bà đã cùng với ca sỹ Minh Đỗ ghi âm tại Tiệp Khắc đĩa nhạc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà đã cùng với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cho ra đời bài hát “Ru con Nam Bộ” và được phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay. Bài hát được kết hợp giữa hai điệu Lý Bốn mùa và Lý Giao duyên.

Tôi đã được dự đêm nhạc “Trăm mùa thu vàng” vinh danh nghệ sỹ, nhà giáo Thái Thị Liên nhân dịp bà tròn 100 tuổi [tháng 11/2017]. Thật cảm động khi nghe tiếng đàn điêu luyện và đôi tay già như múa trên phím đàn của bà và tiếng đàn trẻ trung réo rắt của các thế hệ học trò do bà hướng dẫn đào tạo. Cảm động hơn là phần tiếp đó: “Quà tặng mẹ thặng thầy” của nghệ sĩ nhân dân, con trai của bà Đặng Thái Sơn biểu diễn. Tôi thích nhất bản nhạc có tên “Dòng nước giỡn đùa”. Nó gợi nhớ đến triết lý sống “như nước” và câu ca dao mang tên nghệ sỹ “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”.

Một nghệ sỹ châu Á đầu tiên năm 1980 đã nhận giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin – mà mẹ là người thầy đầu tiên dạy dỗ. Bà thường nhắc con cháu cố gắng phát huy truyền thống của gia đình, trong đó có gia đình ông ngoại Thái Văn Lân rất yêu nghệ thuật, chị gái của bà là Thái Thị Lang học piano ở nhạc viện cao đẳng quốc gia Paris, người Việt nam đầu tiên chuyển soạn những bài dân ca của quê hương thành tiểu phẩm cho piano. Anh trai của bà là Thái Văn Lung từng chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng tại Thủ Đức trước năm 1945 và hy sinh anh dũng…

Truyền thống của gia đình bên nội cũng như bên ngoại, đại gia đình nghệ sỹ, nhà giáo âm nhạc Thái Thị Liên cho đến nay không ngừng được phát huy, khi mỗi năm lại thêm một tuổi. Với bà đã vượt ngưỡng 100, bà thấy vui với con cháu và đồng nghiệp từng gắn bó với giáo trình, với cây đàn piano và những kỹ thuật kỳ diệu đầy sáng tạo trên đôi tay và tâm hồn của người Việt./.

Video liên quan

Chủ Đề