Các nước muốn thực hiện chính sách đối ngoại mở rộng và hội nhập quốc tế cần phải

[Bqp.vn] - Là một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế theo phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Đối ngoại quốc phòng là bộ phận quan trọng của nền ngoại giao Nhà nước, mục tiêu của đối ngoại quốc phòng là thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ vững hoà bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới.

Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, an ninh của Việt Nam không thể tách rời an ninh khu vực nói riêng và an ninh của thế giới nói chung. Hợp tác quốc phòng là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng để thực hiện các mục tiêu quốc phòng của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam chủ trương mở rộng đối ngoại quốc phòng, tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh của khu vực và của cộng đồng quốc tế.

Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương mở rộng và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ quốc phòng song phương đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương. Việt Nam đẩy mạnh quan hệ đối ngoại quốc phòng dưới mọi hình thức như trao đổi các đoàn quân sự các cấp, tham vấn - đối thoại quốc phòng, tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế... nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột.

Việt Nam mong muốn mở rộng quan hệ quốc phòng song phương với tất cả các quốc gia. Các lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ quốc phòng của Việt Nam với các nước là trao đổi các đoàn quân sự, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; hợp tác huấn luyện, đào tạo, giải quyết các vấn đề nhân đạo… Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng chính thức với 65 nước trong đó có các cường quốc trên thế giới; đã thiết lập tuỳ viên quốc phòng tại 31 nước và đã có 42 nước thiết lập tuỳ viên quốc phòng tại Việt Nam.

Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN trong khuôn khổ chương trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và phù hợp quan hệ song phương với từng nước theo hướng mở rộng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác đào tạo, huấn luyện, phối hợp xử lý các vấn đề an ninh mà các bên cùng quan tâm.

Việt Nam chú trọng mở rộng đối thoại quốc phòng với các nước có liên quan, giúp cho các bên hiểu rõ quan điểm của nhau, tạo ra cơ hội giải quyết các vấn đề có liên quan đến lợi ích của các bên. Việt Nam đã tiến hành đối thoại quốc phòng - an ninh thường xuyên ở nhiều cấp độ với các quốc gia trong khối ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ… Cùng với việc tăng cường trao đổi các đoàn quân sự cấp cao, giao lưu giữa các sĩ quan trẻ, hợp tác giữa các nhà trường, các viện nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Việt Nam với các nước cũng được coi trọng. Việt Nam đã đón 46 đoàn gồm 81 lượt tàu, hơn 18000 lượt sĩ quan và thuỷ thủ hải quân các nước tới thăm các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2008, lần đầu tiên, Việt Nam đã cử đoàn tàu hải quân đi thăm hữu nghị nước ngoài.

Do điều kiện địa lý, lịch sử và quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu, nhiều vấn đề quốc phòng, an ninh của Việt Nam ngày càng liên quan chặt chẽ với các quốc gia láng giềng. Vì vậy, đi đôi với hoạt động trao đổi các đoàn quân sự, hợp tác về huấn luyện, đào tạo... với tất cả các nước, Việt Nam ưu tiên hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề quốc phòng - an ninh song phương. Việt Nam đã hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Trung Quốc; đang tiến hành phân giới cắm mốc tại nhiều khu vực biên giới quan trọng và đã thoả thuận hoàn thành phân giới cắm mốc vào năm 2012 với Cămpuchia; đã hoàn thành phân định và đang tăng dày mốc biên giới với Lào; đang tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát khu vực biên giới trên đất liền giữa bộ đội biên phòng Việt Nam với lực lượng biên phòng và an ninh các nước để thực hiện nghiêm chỉnh các Điều ước quốc tế về biên giới, các thoả thuận hợp tác biên phòng nhằm phòng chống các loại tội phạm như buôn lậu qua biên giới, di cư bất hợp pháp, buôn bán phụ nữ và trẻ em, ma tuý... góp phần xây dựng biên giới hoà bình và hữu nghị. Việt Nam đã cố gắng giải quyết các vấn đề biên giới trên biển, mở rộng hợp tác với các nước khác để bảo đảm an ninh biển. Hải quân Việt Nam đã lập đường dây nóng và tiến hành tuần tra chung với hải quân một số nước như Cămpuchia, Malaixia, Thái Lan, Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp bảo vệ an ninh trên các vùng chồng lấn và khu vực giáp ranh trên biển.

Thiết lập và duy trì quan hệ giữa Tổng cục Tình báo quốc phòng Việt Nam và các cơ quan tình báo quân sự các nước là kênh trao đổi thông tin quan trọng về các vấn đề quốc phòng - an ninh.

Việt Nam đánh giá cao và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác đa phương trên lĩnh vực giữ gìn an ninh của các tổ chức, các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN], Diễn đàn khu vực ASEAN [ARF], Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương [APEC]...

Là thành viên chính thức của Liên hợp quốc từ năm 1977, Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của mình đồng thời tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các vấn đề an ninh quốc tế. Trong thời gian là Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc [nhiệm kỳ 2008 - 2009] Việt Nam đã tham khảo ý kiến của các nước không liên kết, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên Hội đồng bảo an để đưa ra các quyết định về các vấn đề an ninh quốc tế phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Việt Nam đánh giá cao vai trò và coi hoạt động giữ gìn hoà bình là một chức năng quan trọng của Liên hợp quốc. Để hoàn thành tốt chức năng này, các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; bảo đảm tính vô tư, không thiên vị và chỉ được triển khai khi được các bên liên quan đồng ý. Việt Nam đang hoàn tất quá trình chuẩn bị để có thể tham gia một cách có hiệu quả các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước khác, chuẩn bị nhân sự có đủ trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kiến thức luật pháp quốc tế để có thể tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc với hiệu quả cao nhất.  

Xuất phát từ chủ trương ủng hộ và tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, an ninh và giải trừ quân bị, Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh cũng như giải quyết hậu quả xung đột vũ trang và chiến tranh. Việt Nam đã cùng các nước Đông Nam Á khác ký Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân [SEANWFZ]. Việt Nam kêu gọi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư của Hiệp ước này để Đông Nam Á mãi mãi là khu vực không có vũ khí hạt nhân. Phù hợp với chủ trương nhất quán là ủng hộ và tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về giải trừ quân bị, Việt Nam hoan nghênh những sáng kiến nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, tàng trữ, và sử dụng các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Đồng thời, Việt Nam cho rằng các quốc gia có quyền nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ hạt nhân, hoá học và sinh học vì mục đích hoà bình theo các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam đã tham gia và chấp hành nghiêm chỉnh nhiều công ước, hiệp định, nghị định thư về cấm phổ biến các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt và các công ước quốc tế về giải trừ quân bị khác. Việt Nam cũng đang nghiêm chỉnh xem xét các điều ước, công ước quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi tham gia.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Để nâng cao hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực này, Việt Nam chủ trương mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác cả song phương và đa phương như trao đổi thông tin, kinh nghiệm, lập cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan của các nước để phòng ngừa, đối phó và xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống có liên quan. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang chuẩn bị về nhân sự và trang bị kỹ thuật để có thể tham gia các hoạt động diễn tập đa phương tìm kiếm cứu nạn trên Biển Đông, trước hết là với các nước láng giềng và các nước trong khu vực.

Việt Nam chú trọng tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN dựa trên các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các cơ chế này được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc “đồng thuận”, “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”, “không biến Cộng đồng ASEAN thành liên minh quân sự hay khối phòng thủ chung”... và các nguyên tắc cơ bản khác của Hiến chương ASEAN. Việt Nam đánh giá cao và tích cực tham gia Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN [ADMM] và các hội nghị quan chức quốc phòng khác, ủng hộ các sáng kiến tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN nhằm giải quyết các vấn đề an ninh mà các bên cùng quan tâm. Trên tinh thần đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương với các nước ASEAN trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh như tham dự các hội nghị quốc phòng các nước ASEAN ở tất cả các cấp, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng quốc phòng, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, tham gia các hoạt động nhân đạo trong phòng chống thiên tai, cử quan sát viên tới dự các cuộc diễn tập quân sự của các nước trong khu vực... Năm 2010, với tư cách là chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác tổ chức thành công các hội nghị và hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng giữa các nước trong ASEAN. Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng ủng hộ và tham gia tích cực vào nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác về quốc phòng - an ninh với các đối tác bên ngoài ASEAN nhằm góp phần duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới.

Video liên quan

Chủ Đề