Cách thiết kế hồ sơ học tập

Từ VLOS

Hồ sơ học tập là bộ sưu tập có hệ thống các hoạt động học tập của HS trong thời gian liên tục. Nó giúp GV và HS đánh giá sự phát triển và trưởng thành của HS. Thông qua hồ sơ học tập, HS hình thành ý thức sở hữu hồ sơ học tập của bản thân, từ đó biết được bản thân tiến bộ đến đâu, cần hoàn thiện ở mặt nào.

Nội dung hồ sơ học tập khác nhau ứng với cấp độ của HS và phụ thuộc vào nhiệm vụ môn học mà HS được giao. Hồ sơ học tập không nên chứa quá nhiều thông tin, GV và HS cần thống nhất các mục chính và tiêu chí lựa chọn các mục để đưa sản phẩm vào hồ sơ một cách hợp lí.

Việc đánh giá hồ sơ học tập được thực hiện ở 3 đối tượng[sửa]

- Bản thân HS: Mô tả ngắn gọn mỗi nội dung trong hồ sơ, nêu rõ lí do chọn nội dung đó, nội dung nào đã học được, mục tiêu tương lai của mình và đánh giá tổng thể hố sơ học tập của bản thân.

- Bạn cùng lớp tham gia đánh giá hồ sơ, chỉ ra những điểm mạnh, những câu hỏi cho hồ sơ và đề xuất một số công việc tiếp theo cho bạn mình.

- GV đánh giá hồ sơ học tập dựa trên chính các đánh giá của HS và bạn học. Mặc dù GV hoàn toàn có quyền cho điểm hồ sơ học tập của HS, nhưng quan trọng hơn là GV thảo luận điều đó với HS để tìm được tiếng nói chung cho mục đích tương lai.

Gợi ý cấu trúc một hồ sơ học tập[sửa]

- Trang bìa: trang trí theo sở thích cá nhân, bao gồm tên HS, lớp, trương, môn học, hình ảnh.

- Trang giới thiệu: Viết theo sở thích cá nhân, có thể là: Ảnh cá nhân, lời nói đầu, thông tin cá nhân quá trình học tập, tiểu sử, sở thích… thậm chí cả âm nhạc, phim ảnh đối với hồ sơ học tập điện tử.

- Bảng chú dẫn: Đưa ra các chú dẫn về cấu trúc hồ sơ học tập và các ký hiệu sử dụng trong hồ sơ.

- Thư mục tài liệu: Liệt kê các phần trong hồ sơ học tập theo thứ tự để tiện tra cứu.

- Các minh chứng: những sản phẩm chứng minh năng lực của HS.

- Kế hoạch phát triển cá nhân.

Tiêu chí đánh giá hồ sơ học tập[sửa]

- Bố cục của hồ sơ học tập: Cấu trúc, hoàn chỉnh, tính đa dạng, sáng tạo độc đáo.

- Về chất lượng minh chứng: Tính xác thực, giá trị thời sự, phù hợp tính đa dạng, số lượng.

- Về chất lượng của việc tự nhận thức và tự đánh giá: Nhận thức về chủ đề, nhận thức về năng lực và trải nghiệm, nhận thức có chiều sâu, sự tiến bộ, tư duy phê phán, tự nhận thức có ý nghĩa.

TS. Trần Vân Anh*

Môn Lịch sử ở trường phổ thông nhằm giúp cho học sinh có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới; góp phần hình thành ở học sinh thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, cách mạng, bồi dưỡng các năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội. Tuy vậy, thực tế ở trường phổ thông hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá kĩ năng và thái độ của học sinh (HS) trong dạy học Lịch sử (LS) chưa được thể hiện rõ. Làm sao để có thể đánh giá được học sinh có thực sự “học và hành” lịch sử, có phát triển được các kĩ năng học tập bộ môn trong quá trình học tập là trăn trở của không ít giáo viên Lịch sử. Người viết xin giới thiệu biện pháp xây dựng và sử dụng túi hồ sơ học tập của HS trong dạy học LS nhằm đóng góp ý kiến về cách giải quyết vấn đề này.

  1. Túi hồ sơ học tập- mục đích xây dựng và nội dung của túi hồ sơ học tập của HS.

Túi hồ sơ (portfolios) hay túi hồ sơ học tập của HS là một tập hợp các bài làm của HS thể hiện sự cố gắng, sự tiến bộ và kết quả đạt được của HS trên một hay nhiều lĩnh vực. Việc xây dựng và sử dụng túi hồ sơ học tập của HS được nhiều nhà giáo dục đề xuất và phát triển, như: Graves,D.H. và Sunstein,B.S.(1992); Hewitt, G. (1995); Johnson,B.L.(1996); Bruke, K.(1997); Martin-Kniep,G.O(1999)…

Túi hồ sơ có ý nghĩa đặc biệt bởi vì nó có một mục đích được xác định rõ ràng và có đối tượng phục vụ cụ thể trong đầu. Túi hồ sơ thể hiện sự

*Khoa KH Xã hội và Nhân văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội

đầu tư cá nhân về phía người học thông qua việc học sinh tham gia vào quá trình lựa chọn nội dung, các tiêu chí lựa chọn nội dung, cách trình bày, các tiêu chí đánh giá…Túi hồ sơ học tập giúp đưa ra cái nhìn đa chiều về sự phát triển và thành tích học tập của HS qua các bài làm, trong đó có sự tiến bộ bài làm sau với bài làm trước, sau khi giáo viên (GV) đã sửa chữa.

Đối với GV, túi hồ sơ học tập của HS bổ sung thêm vào công cụ đánh giá HS. Martin-Kniep đã ví nó như “cửa sổ để quan sát tư duy và quá trình học tập của HS” với các cơ sở để tin tưởng vào công cụ này. Đó là: túi hồ sơ lưu trữ được những bài làm cùng với sự cố gắng và tiến bộ của HS, là bằng chứng về cách tư duy của HS, sự mô tả sâu hoạt động học của HS, sự vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế của HS.

Đối với HS, túi hồ sơ học tập là một tài liệu học tập và là công cụ tự đánh giá. Những bài làm được tập hợp trong túi hồ sơ không những chỉ ra kiến thức mà HS đã nghiên cứu, tự học mà còn cho thấy quá trình học tập và sự tiến bộ về kĩ năng hay không qua từng bài làm. Mỗi túi hồ sơ học tập là sản phẩm cá nhân HS nên nó thể hiện sự sáng tạo, sự kiên trì, sự phát triển các kĩ năng của HS. Qua đó, HS có thể tự đánh giá quá trình và kết quả học tập của mình cũng như của bạn.

Căn cứ vào mục đích xây dựng, người ta chia ra các loại túi hồ sơ khác nhau. Túi hồ sơ giới thiệu sản phẩm tập hợp các bài làm có thành tích hoặc tiềm năng đạt thành tích. Túi hồ sơ sự phát triển thể hiện các bước tiến bộ của HS theo thời gian. Túi hồ sơ quy trình nhằm thể hiện các bước tiến hành công việc từ khi bắt đầu tới sane phẩm cuối cùng. Túi hồ sơ chuyển giao mục đích thông báo quá trình và kết quả học tập của HS khi thay đổi GV, trường lớp. Túi hồ sơ lưu niệm nhằm để lưu giữ những dấu ấn đáng ghi nhớ nhất của HS trong qua trình học tập.

Trên cơ sở mục đích xây dựng túi hồ sơ học tập , nội dung túi hồ sơ học tập của mỗi HS cũng khác nhau. Tuy nhiên, các túi hồ sơ có một cấu trúc chung, thống nhất. Bao gồm những nội dung chính: lời giới thiệu về túi hồ sơ học tập của HS, các bài làm của HS ( bản thảo, bản chính thức), các kết quả hoạt động nhóm, bản tự đánh giá của HS, bản nhận xét của bạn bè, bản đánh giá của GV. Ngoài ra, tùy thuộc vào yêu cầu của giáo viên, sự sáng tạo của HS, mục địch của túi hồ sơ mà nội dung trong đó được bổ sung phù hợp.

  1. Xây dựng và sử dụng túi hồ sơ học tập của HS trong dạy học Lịch sử.

          Bộ môn Lịch sử là một môn khoa học xã hội, với nhiều dạng bài làm phong phú, đa dạng. Lâu nay, ngoài vở ghi trên lớp là phổ biến, thì rất ít HS có vở bài tập LS (tùy theo yêu cầu của GV) và mỗi HS có từ 2 đến 3 bài làm lịch sử để chung với tập bài kiểm tra tất cả các môn. Căn cứ vào những thứ đó khó có thể đánh giá một cách toàn diện sự tiến bộ của HS. Vì vậy, việc xây dựng và sử dụng túi hồ sơ học tập là một biện pháp giúp đánh giá quá trình và kết quả học tập của HS toàn diện hơn.

Để xây dựng túi hồ sơ học tập, trước hết GV cần xác định mục đích, định hướng kết quả của  túi hồ sơ học tập và thiết kế cấu trúc túi hồ sơ, đồng thời thông báo kế hoạch sử dụng cũng như lịch trình hoàn thiện túi hồ sơ hay tổ chức triển lãm túi hồ sơ học tập.

Đối với môn Lịch sử, việc cấu trúc nội dung túi hồ sơ theo chương trình sẽ giúp GV và HS kiểm soát được các bài làm tốt hơn, trên cơ sở kiến thức và kĩ năng được hình thành, HS sẽ tự quyết định lựa chọn bài làm nào của mình đưa vào túi hồ sơ. Ví dụ, đối với phần II: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX, ở lớp 10 THPT, GV có thể yêu cầu HS đưa vào túi hồ sơ những bài làm theo nội dung chương, bài. Cụ thể, chương I, Việt Nam thời nguyên thủy đến thế kỉ X, HS đưa vào túi hồ sơ những nội dung sau:

  • Tranh ảnh về những dấu tích của người nguyên thủy ở Việt Nam.( rèn luyện kĩ năng sưu tầm tư liệu, tranh ảnh)
  • Bài viết của các em về chủ đề : So sánh các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam, khuyến khích có tranh ảnh minh họa.( Bài viết rèn luyện kĩ năng phân tích, so sánh), khuyến khích trình bày sáng tạo, vẽ tranh hoặc sưu tầm tranh ảnh minh họa cho bài viết.
  • Bảng thống kê các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thời Bắc thuộc ( bài thực hành rèn kĩ năng tổng hợp, khái quát, lập bảng)
  • Một bài viết luận: Những đóng góp của Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Khúc Thừa Dụ và Ngô Quyền trong cuộc đấu tranh giành độc lập thời Bắc thuộc.( rèn luyện kĩ năng khai thác tài liệu, biết trình bày, lập luận một vấn đề lịch sử, bồi dưỡng lòng biết ơn các anh hùng dân tộc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc)

Trên cơ sở đó, HS tự lựa chọn hình ảnh, nội dung bài làm và cách thể hiện mang dấu ấn các nhân, tùy theo năng lực sáng tạo, khả năng khai thác thông tin và lòng say mê của HS.

Việc sử dụng túi hồ sơ học tập hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào cách thức tổ chức của GV. Có nhiều cách sử dụng để túi hồ sơ phát huy lợi ích của nó.

  • GV ra nhiệm vụ học tập, yêu cầu HS hoàn thành và lưu giữ bài làm trong túi hồ sơ.
  • GV thường xuyên kiểm tra nội dung túi hồ sơ để đánh giá thái độ, sự say mê, sự sáng tạo và sự tiến bộ trong học tập của HS.
  • Nhận xét, đánh giá công khai túi hồ sơ của HS và tổ chức cho HS chia sẻ thông tin, phương pháp làm việc, tự đánh giá bài làm và túi hồ sơ của mình.
  • Giới thiệu bài làm tốt theo tuần, tháng hoặc triển lãm, trưng bày tất cả túi hồ sơ học tập của HS tại những dịp sinh hoạt câu lạc bộ Lịch sử, nhân kỉ niệm ngày lễ lớn, hoặc hội nghị Cha mẹ HS.

Việc xây dựng và sử dụng túi hồ sơ học tập trong dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông       thể hiện phương châm dạy học “ học đi đôi với hành”, đồng thời nó cũng thể hiện quan điểm dạy học tích cực “lấy người học làm trung tâm”, dạy học hướng tới phát triển các năng lực người học. Tuy nhiên, việc xây dựng và sử dụng túi hồ sơ trong dạy học Lịch sử đòi hỏi người GV phải kiên trì, sáng tạo và say mê tự học nâng cao chuyên môn.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Ngọc Liên, ( 2009), Phương pháp dạy học lịch sử Tập 1,2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  2. G.O.Martin-Kniep (2011), Tám đổi mới để trở thành người giáo viên giỏi, NXB Giáo dục Việt Nam.
  3. Robert J.Marzano, (2011), Các phương pháp dạy học hiệu quả, NXB Giáo dục Việt Nam.