Cách ứng xử của con người với môi trường

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. [Ảnh: AFP/TTXVN]

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc [UNEP] đã lựa chọn chủ đề của Ngày Môi trường thế giới [5/6] năm nay là “Phục hồi hệ sinh thái”, nhằm tập hợp sự đoàn kết của các quốc gia trong công cuộc bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.

Đây cũng là sự kiện khởi động cho Thập kỷ Liên hợp quốc [LHQ] về phục hồi hệ sinh thái [2021-2030], với mục tiêu chung là: phòng ngừa, ngăn chặn và đảo ngược sự tàn phá của không gian tự nhiên.

Theo Ủy ban Đa dạng sinh học Liên hợp quốc, hệ sinh thái trên Trái Đất - nền tảng của sự sống - đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Đa dạng sinh học cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người.

Tuy nhiên, 14/18 đóng góp này của thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ che phủ rừng đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990-2015.

Hệ sinh thái rạn san hô có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, trong thời gian từ 1970-2015 đã giảm 35% xuống còn 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng. Khoảng 7 triệu loài động, thực vật khác cũng đang đứng trước nguy cơ "biến mất" do những tác động của con người gây ra. 

Trong khi đó, việc tiêu thụ động vật hoang dã, phá hủy môi trường sống đã khiến các bệnh truyền nhiễm có nhiều khả năng lây sang người. “Sức khỏe” của hệ sinh thái càng suy giảm sẽ khiến "bức tường" miễn dịch giữa con người và mầm bệnh càng mong manh.

Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên, tổn hại nhiều sinh mạng và tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Mức độ khốc liệt còn lớn hơn nhiều so với những gì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cho thế giới hiện nay.

Những tổn thất về đa dạng sinh học cùng biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững của toàn cầu.

Theo Liên hợp quốc, kế sinh nhai của hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học biển và ven biển, trong khi 1,6 tỷ người kiếm sống nhờ vào rừng. Do đó, việc bảo tồn các loài sinh vật trên Trái Đất không còn trong khuôn khổ "lòng vị tha" mà có vai trò quan trọng để đảm bảo sự sống của con người.

Trong tuyên bố khởi động Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo Trái Đất đang tiến tới "thời điểm không thể quay đầu" khi nạn chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm sông ngòi và đại dương, các bãi cỏ bị cày xới... dường như rơi vào quên lãng.

Ông nêu rõ: "Chúng ta đang tàn phá chính các hệ sinh thái vốn là nền tảng của xã hội. Sự suy thoái thế giới tự nhiên đang hủy hoại chính nguồn thực phẩm, nước và tài nguyên cần thiết để con người và các sinh vật tồn tại, cũng như cuộc sống của 3,2 tỷ người - tương đương 40% dân số thế giới."

Năm 2010, tại thành phố Nagoya [tỉnh Aichi, Nhật Bản], khoảng 190 quốc gia tham gia Công ước Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc đã thông qua một chiến lược hành động đến năm 2020 đầy tham vọng, nhằm giảm áp lực của xã hội con người đối với thế giới tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong khuôn khổ công ước này, các nước đã đưa ra 20 mục tiêu về đa dạng sinh học đến năm 2020 nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái trên toàn cầu. Các quyết định của cuộc họp các bên liên quan lần thứ 12, 13 và 14 của Công ước Đa dạng sinh học đều kêu gọi các bên tham gia công ước xây dựng và thông qua các kế hoạch phục hồi hệ sinh thái.

Một số mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững có liên quan đến phục hồi hệ sinh thái cần những hành động khẩn cấp trên toàn cầu nếu muốn đạt được chỉ tiêu đề ra. Kế hoạch chiến lược của Công ước Ramsar giai đoạn 2016-2024 cũng bao gồm các mục tiêu về phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hệ sinh thái tiếp tục bị suy thoái nhanh chóng, các hệ sinh thái biển, từ ven biển đến biển sâu, hiện đang chịu những tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử do các hoạt động của con người. Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Frontiers in Forest and Global Change, các nhà khoa học nhận định chỉ 3% diện tích đất trên thế giới [không bao gồm Nam Cực] vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái, với các quần thể động vật nguyên thủy khỏe mạnh và môi trường sống chưa bị xáo trộn.

Sự đa dạng sinh học tự nhiên trên toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng bởi kỹ thuật canh tác hiện đại; nạn phá rừng; sự hủy hoại môi trường sống ở những vùng đầm lầy và trên đại dương...

[Liên hợp quốc khởi động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái]

Báo cáo của Diễn đàn liên chính phủ về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái cũng chỉ ra rằng tốc độ tuyệt chủng của các loài trên toàn cầu đã tăng lên ít nhất hàng chục đến hàng trăm lần so với tốc độ trung bình trong 10 triệu năm qua và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.

Ước tính, khoảng 7 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng trong khoảng 30 năm tới; 3/4 loài chim trên thế giới đang bị đe dọa; 1/4 loài có vú có khả năng biến mất khỏi Trái Đất.

Mặt khác, các mục tiêu Aichi đến năm 2020 gần như đều không đạt được. Trong 20 mục tiêu Aichi, chỉ có 4 mục tiêu có khả năng cao để đạt được, các mục tiêu còn lại được đánh giá là có khả năng đạt được thấp hoặc không đạt được.

Báo cáo này cùng với Công ước Đa dạng sinh học nhấn mạnh thế giới cần tiến hành những nỗ lực khẩn cấp ngay bây giờ và hành động hiệu quả để ngăn chặn sự suy giảm hệ sinh thái đang diễn ra một cách nghiêm trọng.

Liên hợp quốc quyết định giai đoạn 2021-2030 là thập niên về phục hồi hệ sinh thái dựa trên đề xuất của hơn 70 quốc gia, với mục tiêu thúc đẩy các nỗ lực toàn thế giới nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy thoái của các hệ sinh thái và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hệ sinh thái với cuộc sống của con người.

Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng việc phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái góp phần quan trọng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Hiệp định Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Khung đa dạng sinh học toàn cầu.

Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia tăng cường ý chí chính trị, huy động các nguồn lực, nâng cao năng lực về nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để tạo động lực phục hồi hệ sinh thái ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương; lồng ghép việc phục hồi hệ sinh thái vào các chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia, từ đó tạo cơ hội cho các hệ sinh thái tăng khả năng thích ứng và cơ hội để duy trì, cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người.

Các quốc gia xây dựng, thực hiện các chính sách, kế hoạch ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái, phù hợp với luật pháp và ưu tiên quốc gia cũng như xây dựng, củng cố các sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả phục hồi hệ sinh thái; tạo điều kiện để hiệp lực và thống nhất một cách nhìn tổng thể nhằm đạt được cam kết, ưu tiên quốc gia thông qua phục hồi hệ sinh thái; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt trong bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Điều may mắn là Trái Đất có khả năng phục hồi và chúng ta vẫn còn thời gian để đảo ngược những thiệt hại mà mình đã gây ra. Bằng cách khôi phục các hệ sinh thái với những nỗ lực chưa từng có để chữa lành Trái Đất, chúng ta có thể thúc đẩy một sự chuyển đổi, góp phần đạt được tất cả các Mục tiêu phát triển nền vững."

Theo ông Guterres, việc hoàn thành những mục tiêu này sẽ không chỉ bảo vệ tài nguyên của hành tinh, mà còn giúp tạo ra hàng triệu việc làm mới vào năm 2030, tạo ra lợi nhuận hơn 7.000 tỷ USD/năm và giúp xóa bỏ đói nghèo.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn [đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn]. Việt Nam hiện có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, trong đó có 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh cùng 56 khu bảo vệ cảnh quan.

Đặc biệt, 9 cơ sở được công nhận là “khu dự trữ sinh quyển thế giới,” 3 cơ sở là “khu di sản thiên nhiên thế giới” do tổ chức UNESCO công nhận, 9 khu ramsar [đất ngập nước], 10 khu vườn di sản ASEAN.

Là một trong số những thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật, các nguồn gene phong phú, đặc hữu, quý, hiếm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết chung tay cùng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hợp tác để đẩy lùi tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững.

Như lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres, 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể chữa lành “những vết thương” do chính mình gây ra đối với Trái Đất, ngăn chặn biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học.

Chỉ có hành động mạnh mẽ, con người mới có thể kết thúc 10 năm này bằng viễn cảnh sáng sủa: chung sống hòa bình với thiên nhiên và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người./.

Thanh Phương [TTXVN/Vietnam+]

Môi trường đã quá ngưỡng chịu đựng

Năm 2016 là một năm ghi nhận nhiều sự cố về môi trường, trong đó có sự cố xả thải, gây ô nhiễm biển nghiêm trọng ở bốn tỉnh miền trung của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Thực trạng nhức nhối hiện nay có bắt nguồn từ việc, trong suốt thời gian dài, chúng ta ứng xử với môi trường thiếu sự tôn trọng, thậm chí có thời điểm, có nơi còn vắt kiệt môi trường để phục vụ cho mục tiêu thoát nghèo và “đốt cháy giai đoạn” tăng trưởng kinh tế. Vậy nên, có thể nói chúng ta chưa tránh được “vết xe đổ” của việc trả giá đắt về môi trường cho quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc.

Điều đó thể hiện ở việc, tài nguyên thiên nhiên không chỉ bị khai thác không bền vững, mà sử dụng cũng không hiệu quả. Khoáng sản bị khai thác để xuất khẩu, thiếu kiểm soát, gây suy thoái môi trường ở các khu vực khai thác. Đất đai bị thâm canh tăng năng suất, bạc màu do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách. Rừng tự nhiên bị khai thác mạnh mẽ, rừng ngập mặn bị phá hủy để nuôi trồng thủy sản do đó đã giảm 67% diện tích so với năm 1943. Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ ồ ạt đã gây nhiều hệ lụy như gây mất rừng, làm suy kiệt dòng chảy, phá vỡ hệ sinh thái, xả lũ gây ngập lụt vùng hạ du. Nguồn lợi thủy sản bị suy giảm do đánh bắt quá mức, với các phương thức khai thác không bền vững…

Môi trường ở nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng nề do phải chứa đựng lượng lớn chất thải, vượt quá khả năng tự hồi phục. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011-2015 cho thấy, môi trường không khí ở các đô thị lớn bị ô nhiễm bụi do hoạt động xây dựng, số lượng phương tiện tăng nhanh trong khi quy hoạch và cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý mới chỉ đạt khoảng 10%; các hồ, ao, kênh mương trong các đô thị nơi chứa đựng nước thải, bị ô nhiễm nặng nề. Sau hơn 20 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường, chúng ta vẫn còn khoảng 25% trong tổng số 283 khu công nghiệp, 95% trong tổng số gần 900 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. Khoảng 60% chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu vực khai thác khoáng sản, chung quanh các nhà máy nhiệt điện, xi-măng, thép… chưa được ngăn chặn.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu [BĐKH] đang diễn biến phức tạp, khó lường và càng ngày càng gia tăng các tác động. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đã xuất hiện nhiều cơn bão có cường độ mạnh hơn, khó dự báo hơn. Lũ lụt do mưa lớn ở miền trung; hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đặc biệt là BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2016 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề. Có thể nói, thiên nhiên đang giận dữ và đang có những hành động đáp trả lại những tác động xấu, vô ý thức của con người lên môi trường tự nhiên, đòi hỏi con người phải có những hành động sửa chữa lỗi lầm mình gây ra.

Chung sức tạo sự bền vững cho ngôi nhà trái đất. Ảnh: Minh Lý

Chọn cách quản trị hiệu quả

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức về suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và BĐKH, tháng 9-2015, Liên hợp quốc đã chính thức thông qua và kêu gọi thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Các mục tiêu này nhấn mạnh hoạt động bảo vệ, gìn giữ môi trường, theo đó, đến 2030, các nước cần phấn đấu để đạt được sự “tách rời” giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái tài nguyên, môi trường. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng chứng kiến việc đạt được thỏa thuận Pa-ri về BĐKH, với cam kết có ý nghĩa lịch sử về cắt giảm phát thải các-bon, hướng tới mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2oC vào cuối thế kỷ 21.

Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc yêu cầu phải bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Nghị quyết các Đại hội Đảng XI, XII đã nhấn mạnh về phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với BĐKH. Các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh… đã được ban hành, nhấn mạnh phát triển phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng các quy luật tự nhiên, thân thiện với môi trường, từng bước chuyển dần sang tăng trưởng xanh, phát triển các-bon thấp. Mục tiêu đến năm 2020 là phải kiềm chế được mức độ gia tăng và đến 2030 phải ngăn chặn, đẩy lùi được xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên môi trường. Mặt khác. Việt Nam cũng cam kết cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 để chung tay với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH.

Ưu tiên trong bảo vệ môi trường hiện nay là phải đẩy mạnh hơn nữa phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường thông qua việc không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm. Thực hiện tổng điều tra các nguồn thải trên toàn quốc; giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn, ngăn ngừa xảy ra các sự cố môi trường. Siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường để hạn chế dòng công nghệ cũ, lạc hậu và chất thải tràn vào nước ta. Cần phải rà soát, đánh giá để hạn chế phát triển các loại hình sản xuất, công nghệ có tiềm năng gây ô nhiễm lớn, tiêu tốn tài nguyên. Đầu tư, đẩy mạnh việc quản lý, xử lý các loại chất thải; từng bước giải quyết các vấn đề môi trường tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn.

Hơn nữa cần phải chú trọng việc quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cần nhìn nhận tài nguyên là các nguồn “vốn tự nhiên” mà thiên nhiên đã ban tặng, chúng ta có trách nhiệm không được làm thâm hụt, mà phải sử dụng một cách khôn khéo, thông minh, để có thể duy trì, phát triển… Không chỉ vậy, chúng ta cần quản lý sao cho có “lãi”, nghĩa là phải có được tài nguyên, môi trường tốt hơn cho các thế hệ con, cháu của chúng ta.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, cần phải biến tư duy, nhận thức về bảo vệ môi trường thành hành động; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng đi vào thực tế cuộc sống. Các bộ, ngành và địa phương phải quán triệt, nâng cao ý thức trách nhiệm về môi trường đối với thế hệ mai sau; loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế, bỏ qua các quan tâm về môi trường. Chẳng hạn như, cần hết sức cân nhắc việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển Hòn Cau, việc nhấn chìm 1,5 triệu tấn chất thải xuống biển ở Bình Thuận, hay phát triển dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận, các dự án sản xuất giấy và bột giấy ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Đến lúc cần phải thực hiện quản trị môi trường hiệu quả bằng cách hoàn thiện thể chế, tăng trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào quản lý tài nguyên và môi trường ở nước ta.

PGS Lưu Đức Hải, Khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Tăng cường hệ thống pháp luật

Trước hết, chúng ta cần rà soát lại những dự án có ảnh hưởng đến môi trường của Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt kiểm tra lại nguồn xả thải của doanh nghiệp liên quan đến môi trường. Tăng cường luật pháp, chính sách về vấn đề môi trường, như tăng thêm những hình phạt, xem xét, sửa đổi lại một số điều luật cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại chính sách về năng lượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến giá và cơ chế quản lý ngành năng lượng. Cùng với việc quan tâm những giải pháp ứng phó với BĐKH, chúng ta cần tập hợp sức mạnh của cộng đồng, bắt đầu từ chính quyền, doanh nghiệp đến cộng đồng dân cư cùng tham gia vào việc bảo vệ môi trường.

Video liên quan

Chủ Đề