Cảm giác là gì tâm lý học

1. Cảm giác

Mục lục

  • 1 1.1. Khái niệm cảm giác
  • 2 1.2. Đặc điểm cảm giác
  • 3 1.3. Bản chất cảm giác
  • 4 1.4. Vai trò của cảm giác
  • 5 1.5. Các loại cảm giác
    • 5.1 a. Cảm giác bên ngoài
    • 5.2 b. Cảm giác bên trong
  • 6 1.6. Các quy luật của cảm giác
    • 6.1 a. Quy luật ngưỡng cảm giác
    • 6.2 b. Quy luật thích ứng của cảm giác
    • 6.3 c. Quy luật tác động lẫn nhau của cảm giác
  • 7 Tác phẩm, tác giả, nguồn

1.1. Khái niệm cảm giác

Trong cuộc sống thường ngày con người luôn bị tác động bởi các sự vật hiện tượng vô cùng đa dạng và phong phú. Các sự vật hiện tượng bằng các thuộc tính của mình như màu sắc, âm thanh, hình dáng, khối lượng, tính chất... tác động vào các giác quan của con người, từ đó trong đầu óc con người có được hình ảnh về các thuộc tính của các sự vật hiện tượng. Quá trình phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính, bề ngoài của sự vật, hiện tượng đang tác động vào các giác quan của con người, như vậy gọi là cảm giác. Cảm giác là một quá trình nhận thức phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính, bề ngoài của sự vật hiện tương đang trực tiếp tác động vào các giác quan của con người.

Con người có thể phản ánh được các thuộc tính của sự vật hiện tượng là do nó có một hệ thống hết sức phức tạp các cơ quan cảm giác có thể tiếp nhận các kích thích từ các sự vật, hiện tượng đó. Mỗi kích thích liên quan tới một thuộc tính của sự vật, hiện tượng [ví dụ: hình dáng, màu sắc kích thích thị giác, âm thanh kích thích thính giác..], các kích thích này tác động lên các giác quan, các giác quan tiếp nhận các kích thích, sau đó mã hoá, chuyển tới não bộ. Tại vỏ não các thông tin này được xử lí và con người Có được Cảm giác. Tất cả các thông tin bên ngoài được chuyển vào trong thông qua các "kênh cảm giác" của chúng ta.

Quá trình cảm giác gồm ba khâu như sau:

1. Kích thích xuất hiện và tác động vào một cơ quan thụ cảm.

2. Xuất hiện xung thần kinh được truyền theo các dây thần kinh tới não.

3. Vùng thần kinh cảm giác tương ứng ở vỏ não hoạt động tạo ra cảm giác.

Con người còn có những cảm giác từ các kích thích xuất hiện bên trong cơ thể. Nói cách khác, con người không chỉ có các cảm giác phản ánh các thuộc tính của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan mà còn có các cảm giác phản ánh chính các trạng thái của cơ thể đang tồn tại [cảm giác đói, cảm giác khát...]. Đa số các cảm giác có nguồn gốc từ các kích thích bên trong thường ít rõ ràng và được điều chỉnh bởi hệ thần kinh.

1.2. Đặc điểm cảm giác

Từ những điều nêu trên có thể thấy cảm giác có những đặc điểm sau:

- Cảm giác là một quá trình nhận thức phản ánh dấu hiệu trực quan, bề ngoài cụ thể của sự vật, hiện tượng.

- Cảm giác chỉ phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính của sự vật hiện tượng chứ chưa phản ánh đầy đủ, trọn vẹn sự vật, hiện tượng. Cơ sở sinh lí của cảm giác là hoạt động của các giác quan riêng lẻ.

- Cảm giác phản ánh sự vật, hiện tượng một cách trực tiếp, khi sự vật, hiện tượng đang hiện diện, đang tác động vào các cơ quan thụ cảm.

1.3. Bản chất cảm giác

Mặc dù là hình thức phản ánh tâm lý sơ đẳng có cả ở động vật nhưng cảm giác của con người khác về chất so với cảm giác ở động vật. Sự khác biệt đó là ở chỗ: cảm giác của con người có bản chất xã hội. Bản chất xã hội của cảm giác do chính bản chất xã hội của con người quy định. Bản chất xã hội của cảm giác được quy định bởi các yếu tố sau:

- Đối tượng phản ánh của cảm giác không chỉ đơn giản là các sự vật hiện tượng tự nhiên mà chủ yếu là các sản phẩm được tạo ra nhờ lao động xã hội của loài người, trong đó tích đọng các chức năng người, chức năng xã hội.

- Con người ngoài hệ thống tín hiệu thứ nhất, còn có hệ thống tín hiệu thứ hai - một đặc trưng xã hội của loài người. Cảm giác ở con người không chỉ diễn ra nhờ hệ thống tín hiệu thứ nhất mà cả hệ thống tín hiệu thứ hai.

- Cảm giác ở con người chịu sự chi phối của các hiện tượng tâm lý cấp cao khác.

- Sự rèn luyện, hoạt động của con người là những phương thức đặc thù của xã hội giúp hình thành và phát triển cảm giác.

1.4. Vai trò của cảm giác

Cảm giác là hình thức phản ánh tâm lý đơn giản nhất, là mắt xích đầu tiên trong mối quan hệ con người - môi trường. Điều này thể hiện ở chỗ, cảm giác chỉ phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính bên ngoài sự vật, hiện tượng. Các sự vật hiện tượng đó đang trực tiếp tác động vào các cơ quan cảm giác của chúng ta. Tức là sự vật đang hiện diện "ở đây" và "bây giờ" trong mối quan hệ với con người.

Cảm giác chính là các kênh thu nhận các loại thông tin phong phú và sinh động từ thế giới bên ngoài. cung cấp cho các quá trình nhận thức cao hơn sau nảy Không có các nguyên vật liệu của cảm giác thì không thể có các quá trình nhận thức cao hơn. Lênin nói rằng: "Cảm giác là nguồn gốc duy nhất của hiểu biết. Ngày nay các nhà Tâm lý học còn chỉ ra vai trò của từng loại cảm giác trong việc thu nhận thông tin từ thế giới khách quan:

- Vị giác: 1 %

- Xúc giác: 1,5%

- Khứu giác: 315%

- Thính giác: 11%

- Thị giác: 83%

Cảm giác giữ cho não bộ ở trạng thái hoạt hoá, đảm bảo cho hoạt động của hệ thần kinh.

Cảm giác giúp con người cơ hội làm giàu tâm hồn, thưởng thức thế giới diệu kì xung quanh chúng ta.

1.5. Các loại cảm giác

a. Cảm giác bên ngoài

Cảm giác bên ngoài là các cảm giác có nguồn gốc là các kích thích từ các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan.

Cảm giác nhìn [thị giác]: Cơ quan cảm giác thị giác là mắt cung cấp các thông tin [hay phản ánh các thuộc tính] về màu sắc, hình dạng, kích thước độ sáng, độ xa của đối tượng. Mắt tiếp nhận kích thích là sóng điện từ, với các bước sóng khác nhau. Bước sóng là khoảng cách giữa 2 đỉnh sóng. Sóng ánh sáng mà con người nhìn thấy được có bước sóng từ 400Nm - 700Nm [Nanomet]. Các màu sắc có bước sóng khác nhau, phân bố trong vùng bước sóng kể trên. Ngoài phạm vi bước sóng đó con người không nhìn thấy [như tia hồng ngoại > 700Nm, tia X < 400Nm...]. Cảm giác thị giác không mất ngay sau khi một kích thích ngừng tác động. Hình ảnh của vật được lưu lại khoảng 1/5 giây Hiện tượng này được gọi là lưu ảnh.

Cảm giác thị giác đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin. Có đến hơn 80% thông tin từ thế giới xung quanh đi vào não qua con đường thị giác.

Cảm giác nghe [thính giác]: Cơ quan cảm giác thính giác là tai tiếp nhận các kích thích liên quan tới sự thay đổi về sóng âm. Khi một hành động nào đó diễn ra nó tạo ra các âm thanh vì chúng khiến các đồ vật rung lên. Năng lượng rung được truyền tới môi trường xung quanh đẩy các phân tử đi tới, đi lui tạo ra sóng âm. Cảm giác nghe phản ánh cao độ [tần số dao động], cường độ [biên độ dao động], âm sắc [hình thức dao động]. Con người có thể nghe được các âm thanh có độ cao từ 16 đến 20000 héc. Cảm giác nghe giúp con người có được các thông tin về không gian trên những khoảng cách xa, định hướng các sự kiện ngoài tầm nhìn... Đặc biệt thính giác đóng vai trò tối quan trọng trong giao lưu ngôn ngữ, là phương thức giác quan chính trong hoạt động giao lưu của con người.

Cảm giác ngửi [khứu giác]: là cảm giác cho biết tính chất của mùi vị, có do sự tác động của các phân tử trong các chất bay hơi lên màng ngoài của khoang mũi. Khứu giác là một trong các cảm giác cổ xưa nhất nhưng vô cùng quan trọng đối với động vật. ở con người, vai trò của khứu giác tương đối ít quan trọng hơn.

Cảm giác nếm [vị giác]: Cảm giác nếm được tạo nên do tác động của các thuộc tính hoá học có ở các chất hoà tan trong nước lên các cơ quan thụ cảm vị giác ở lưỡi, họng và vòm khẩu. Có bốn vị cơ bản là: ngọt, mặn, chua, đắng. Các cảm giác vị giác khác là sự kết hợp của các vị cơ bản đó.

Cảm giác da [mạc giác]: Cảm giác da do những kích thích cơ học hoặc nhiệt độ tác động lên da tạo nên. Cảm giác da không chỉ có vai trò nhận biết sự tác động của sự vật mà còn có vai trò quan trọng trong sự phát triển sinh lí của con người. Các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được vuốt ve nhiều tăng trọng tốt hơn những đứa trẻ khác, hay âu yếm vuốt ve sẽ làm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

b. Cảm giác bên trong

Cảm giác bên trong là các cảm giác có nguồn gốc từ các kích thích bên trong cơ thể.

Cảm giác vận động và cảm giác sờ mó: Cảm giác vận động là cảm giác phản ánh những biến đổi trong các cơ quan vận động, báo hiệu mức độ co cơ và vị trí các phần trong cơ thể. Nhờ có cảm giác này mà chúng ta có thể vận động trong môi trường sống, có thể phối hợp các hành động một cách nhịp nhàng.

Cảm giác sờ mó là sự kết hợp giữa cảm giác vận động và cảm giác đụng chạm. Cảm giác này được thực hiện bởi bàn tay con người.

Cảm giác thăng bằng là cảm giác phản ánh vị trí và những chuyển động của đầu.

Cảm giác rung, do các dao động của không khí tác động lên bề mặt của thân thể tạo nên.

Cảm giác cơ thể phản ánh tình trạng hoạt động của các cơ quan nội tạng như đói, no, đau...

1.6. Các quy luật của cảm giác

a. Quy luật ngưỡng cảm giác

Không phải mọi kích thích đều có thể gây ra được cảm giác. Một đốm sáng nhỏ ở quá xa thì không thể trông thấy được hay một âm thanh nhỏ phát ra từ xa cũng không thể nghe thấy Một kích thích chỉ có thể gây ra được cảm giác khi cường độ của nó đạt tới m ột giới hạn nhất định. Giới hạn của cường độ kích thích mà ở đó kích thích gây ra được cảm giác gọi là ngưỡng cảm giác Có hai loại ngưỡng cảm giác: ngưỡng cảm giác phía dưới và ngưỡng cảm giác phía trên.

Ngưỡng cảm giác phía dưới là cường độ tối thiểu cần để gây ra được một cảm giác. Ngưỡng ac3m giác phía trên là cường độ tối đa mà ở đó còn gây ra được Cảm giác.

Cường độ kích thích nằm giữa ngưỡng trên và ngưỡng dưới gọi là vùng cảm giác được. Bên cạnh các ngưỡng trên còn có ngưỡng sai biệt. Ngưỡng sai biệt là mức đô khác biệt tối thiểu về cường độ hoặc tính chất của hai kích thích để có thể phân biệt sự khác nhau giữa chúng Các cơ quan cảm giác khác nhau có ngưỡng riêng của mình ở các cá nhân khác nhau ngưỡng cảm giác cũng không giống nhau. Nó chịu ảnh hưởng của các điều kiện giáo dục và rèn luyện.

Hiện nay các nhà khoa học còn đưa ra thuyết phát hiện tín hiệu. Thuyết này cho rằng tính nhạy cảm của cảm giác không chỉ phụ thuộc vào cường độ của kích thích và khả năng đáp lại của cơ quan cảm giác mà còn phụ thuộc vào sự biến đổi của các nhân tố hoàn cảnh và tâm lý. Các nhân tố tâm lý ở đây chính là kì vọng, kinh nghiệm và động cơ của con người trong tình huống cảm giác cụ thể đó. Ví dụ, khi con người đang ở trạng thái sẵn sàng để tiếp nhận thông tin thì tính nhạy cảm của nó cao hơn so với lúc bình thường.

b. Quy luật thích ứng của cảm giác

Thích ứng là khả năng thay đổi độ nhạy cảm của cảm giác cho phù hợp với sự thay đổi của cường độ kích thích, khi cường đô kích thích tăng thì độ nhạy cảm giảm và khi cường độ kích thích giảm thì độ nhạy cảm tăng.

Cảm giác của con người có thể thích ứng với các thay đổi môi trường như thích ứng với nhiệt độ của nước nóng, buồng tối. Đồng thời cảm giác của con người còn thích ứng với các kích thích kéo dài mà không thay đổi cường độ hoặc một tính chất nào đó. Trong trường hợp này ta sẽ ngừng nhận thấy kích thích đến khi kích thích đó có sự thay đổi.

Sự thích ứng cảm giác giúp con người thích nghi với những điều kiện môi trường luôn biến đổi, bảo vệ hệ thần kinh không bị quá tải bởi các kích thích cũ liên tục, đồng thời nó còn cho phép con người luôn được đổi mới cảm giác bằng các kích thích mới đa dạng hơn, phong phú hơn.

Sự thích ứng của cảm giác ở các loại cảm giác khác nhau có mức độ không giống nhau. Nó có thể phát triển nhờ rèn luyện và hoạt động nghề nghiệp.

c. Quy luật tác động lẫn nhau của cảm giác

Các cảm giác luôn tác động tới nhau, làm thay đổi tính nhạy cảm của nhau. Sự tác động diễn ra theo quy luật như sau: Sư kích thích yếu lên một cơ quan Phân tích này sẽ làm tăng độ nhạy cảm của một cơ quan Phân tích kia, sự kích thích lẫn cơ quan Phân tích này làm giảm độ nhạy cảm của cơ quan phân tích kia Sự tác động có thể đồng thời hay nối tiếp trên những cảm giác cùng loại hay khác loại. Có hai loại tương phản tương phản nối tiếp và tương phản đồng thời. Tương phản nối tiếp là tương phản khi hai kích thích tác động nối tiếp nhau lên một cơ quan cảm giác, còn tương phản đồng thời xảy ra khi hai kích thích tác động cùng một lúc lên cơ quan cảm giác.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Giáo trình Tâm lý học đại cương
  • Tác giả: Nguyễn Xuân Thức [Chủ biên] - Nguyễn Quang Uẩn - Nguyễn Văn Thạc - Trần Quốc Thành - Hoàng Anh - Lê Thị Bừng - Vũ Kim Thanh - Nguyễn Kim Quý - Nguyễn Thị Huệ - Nguyễn Đức Sơn
  • Nguồn: Nhà Xuất bản Đại học Sư Phạm, 2007

Xem thêm

  • Hoạt động nhận thức
  • Tình cảm và ý chí
  • Nhân cách và sự hình thành nhân cách
  • Giáo trình Tâm lý học đại cương
  • Các kiểu nhân cách
  • Sự hình thành và phát triển tâm lý, ý thức
  • Các quy luật của đời sống tình cảm
  • Xu hướng
  • Vai trò của tình cảm trong nhân cách con người
  • Tính cách
Read more ...

Liên kết đến đây

  • Hoạt động nhận thức

Có thể bạn muốn xem

"Like" us to know more!
Knowledge is power
Lấy từ //vi.kipkis.com/index.php?title=Cảm_giác&oldid=15501

Video liên quan

Chủ Đề