Cảm nghĩ về môn học khởi nghiệp

Thảm họa hay cơ hội? Xuôi dòng hay vượt thác? Làm lính hay làm tướng?... Có cả trăm câu hỏi chúng ta đang tự vấn bản thân trong thời gian này. Chắc hẳn nhiều bạn trẻ và nhiều bạn trung niên, thậm chí cả các bạn già của tôi đang tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp. Xin chia sẻ suy nghĩ nhân ngày đầu xuân khai phím.

Khởi nghiệp có phải là mở công ty?

Không hẳn. Đơn giản khởi nghiệp chỉ là việc chúng ta bắt đầu thực hiện một công việc mới cho riêng mình có định hướng lâu dài, mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội, và từ đó tạo ra và phát triển cơ hội kinh doanh cho bản thân và những người khác. Bạn chưa nhất thiết phải tổ chức thành 1 doanh nghiệp ngay lập tức, mà điều quan trọng nhất là sự bắt đầu.

Hầu hết ai cũng có vài ý tưởng khởi nghiệp, nhưng khởi nghiệp chỉ thật sự xảy ra khi bạn quyết định làm gì và bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Đừng nhầm lẫn “khởi nghiệp” với “start-up” vì 2 khái niệm này khác nhau rất nhiều.

Bạn vừa tập bán hàng online? Dạy học? Làm đại lý bảo hiểm? Làm môi giới nhà đất? Tự nấu món ăn rồi bán? mở quán ăn? Viết sách? Mở shop hoa tươi?... Nếu bạn có mục tiêu lâu dài, có mong muốn gắn bó và phát triển với những công việc này có nghĩa là bạn vừa khởi nghiệp rồi đấy! Chúc mừng bạn! Ít nhất thì bạn cũng đã có ý tưởng rõ ràng và đã bắt tay vào làm!

Khởi nghiệp có oai không?

KHÔNG! Trái ngược với các câu chuyện thành công, người khởi nghiệp thực ra phải trải qua quãng thời gian vô cùng vất vả, cả về thể xác lẫn tinh thần. Bạn sẽ làm việc với sự tập trung về sức khỏe, trí tuệ và thời gian gấp nhiều lần người khác, thúc đẩy công việc theo kịp kế hoạch, phạm sai lầm (rất nhiều), sửa chữa sai lầm, làm lại, làm tiếp… và thực tế tỷ lệ thành công là không nhiều. Áp lực đè lên người khởi nghiệp đến từ mọi phía, từ gia đình, thị trường, vốn, kiến thức và kỹ năng… Tất nhiên rồi, làm kinh doanh ai chẳng phải chịu thế! Nhưng với người mới bắt đầu, còn ít kinh nghiệm thì những điều này cũng trở nên những mối đe dọa không nhỏ trên con đường tìm kiếm sự thành công.

CÓ! Thực ra bạn nên tự thấy mình rất oai, nên tự hào về bản thân mình dám nghĩ dám làm, dám xây dựng ước mơ của mình, chỉ có điều đừng tự oai quá mà thành kiêu căng, độc đoán, chủ quan. Hãy sử dụng niềm tự hào cá nhân đúng cách để phát triển dự án khởi nghiệp của mình.

Ai là đối thủ lớn nhất của bạn?

Kinh Doanh là lao vào thương trường. Bạn nghe đầy tai câu nói “thương trường là chiến trường” rồi nhỉ?

Không phải là các đối thủ cạnh tranh trên thị trường của bạn đâu, mà là chính bạn đấy! Dù làm một mình hay làm cùng người khác, bạn cũng buộc phải từ bỏ những thói quen không phù hợp, thay đổi tư duy “làm ăn”, tạo lập các thói quen mới, chấp nhận và thích nghi với sự khác biệt, biết ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình… Ít người khởi nghiệp ý thức được những điều này, lại càng ít người hiểu và làm được.

Cho nên một lần nữa tôi lại muốn bạn biết tự hào về bản thân mình, vì dám khởi nghiệp nghĩa là bạn đã dám chấp nhận thay đổi bản thân. Tôi không có ý lý tưởng hóa sự thay đổi này theo hướng một chiều, nhưng những trải nghiệm các bạn có được trong quá trình khởi nghiệp chắc chắn sẽ làm cho bạn lớn lên, dày dặn lên, hiểu biết lên. Tất nhiên, các ứng phó, cách lớn lên của bạn thế nào lại là từ lựa chọn và quyết định của bạn (xin nhắc lại, bạn tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình đấy nhé!). Tôi chúc mừng bạn vì đã dám đương đầu với đối thủ lớn nhất của mình!

Khởi nghiệp – Được và mất?

Xin lỗi bạn, tôi không có ý “bàn lùi” hay làm nguội lạnh mong muốn khởi nghiệp của bạn, nhưng cứ thẳng thắn mà nói với nhau thì mới là bạn tốt, phải không nào?

Chắc chắn là bạn sẽ mất rất nhiều! Mất tiền, mất thời gian, mất công sức, mất cơ hội và trong nhiều trường hợp còn mất cả bạn bè, làm hỏng cả các mối quan hệ gia đình… Tỷ lệ khởi nghiệp thành công trong năm đầu chỉ dưới 20% và tồn tại được 5 năm cũng chỉ dưới 5%.

Ngay cả khi bạn đã khởi nghiệp thành công thì cũng không có nghĩa rằng bạn sẽ thành công mãi! Các điều kiện cạnh tranh trên thị trường, các thay đổi về nhu cầu của khách hàng, hay thậm chí cách nghĩ cách làm của bạn ở mỗi thời điểm đều có thể gây ra nguy cơ thất bại. Bạn thấy đấy, nhiều công ty đã từng có thời kỳ huy hoàng, rồi cũng có ngày lụi tàn. Những tập đoàn lớn cũng thường có số lượng dự án hỏng ăn nhiều hơn thành công.

Nhưng phải ĐƯỢC thì mới khởi nghiệp chứ?! Tất nhiên rồi! Được và Lãi bạn ạ!

Thay vì chỉ mơ ước, bạn được cơ hội biến ước mơ của mình thành hiện thực. Thay vì chỉ nghe người ta nói, bạn được thực sự trải nghiệm những điều không trường lớp, sách vở hay câu chuyện nào của ai có thể cho bạn. Thay vì mải mê chạy theo cơ hội của riêng mình, bạn được tạo ra cơ hội cho nhiều người khác. Thay vì thu mình nhỏ bé trong kén an toàn, bạn được lựa chọn cách vươn mình, lớn mạnh theo ý muốn!

Những kiến thức và kinh nghiệm có được từ những trải nghiệm khởi nghiệp, những mối quan hệ mới, những cách nghĩ cách làm mới, bản lĩnh mới là những khoản lãi luôn dày lên theo năm tháng. Tin tốt là bạn có thể dung những khoản lãi này để đầu tư không giới hạn cho những vụ khởi nghiệp mới mà không bị mất vốn!

Nếu bạn có ý tưởng tốt, có lòng quyết tâm, có suy nghĩ và thái độ tích cực với cuộc đời mình, hãy mạnh dạn khởi nghiệp! Tôi dám chắc bạn sẽ trở thành người bản lĩnh hơn, ham học hỏi hơn, trách nhiệm hơn, có sức ảnh hưởng lớn hơn. Bạn sẽ thấy cuộc đời mình ý nghĩa và thú vị hơn nhiều!

Năm mới chúc bạn nhiều sức khỏe, tâm bình trí sáng, khởi nghiệp thành công!

Lê Sỹ Quyền - 16/2/2021

#khoinghiep, #startup, #khaibut

Cảm nghĩ về môn học khởi nghiệp
Thầy Nguyễn Trọng Tùng trong một giờ dạy về Kinh doanh - Hướng nghiệp.

Trang bị sớm cho học sinh kiến thức, năng lực tài chính

Thầy Nguyễn Trọng Tùng là 1 trong 3 giáo viên Việt Nam xuất sắc của "Chương trình đào tạo tài chính dành cho học sinh" khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2022. Trước khi gắn bó với nghề dạy học, thầy đã có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông trong vai trò là phóng viên - thư ký tòa soạn báo Sinh viên Việt Nam và Hoa Học trò.

“Kiến thức là hành trang giúp con người có sự tự tin và tự lập. Giáo dục là nền tảng vững chắc để con người đạt được sự tự chủ, tự do”. Quan điểm này cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến bước chuyển về nghề nghiệp của thầy Tùng với mục tiêu tạo nên giá trị tốt hơn của bản thân và có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Có một profile dày dặn thành tích, cùng kinh nghiệm cả trong lĩnh vực giáo dục lẫn truyền thông - kinh doanh, thầy Tùng mang đến một làn gió mới cho các lớp học kinh doanh - hướng nghiệp. Với thầy, sự chờ đón, hào hứng, tiếp thu hiệu quả của mỗi học sinh trong từng tiết học mới chính là thành tựu đáng tự hào nhất.

Cảm nghĩ về môn học khởi nghiệp
Thầy Nguyễn Trọng Tùng - 1 trong 3 giáo viên Việt Nam xuất sắc của "Chương trình đào tạo tài chính dành cho học sinh" khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2022.

Chia sẻ về bộ môn khá mới mẻ: Kinh doanh - Hướng nghiệp, thầy Nguyễn Trọng Tùng cho rằng, môn học này tổng hòa nhiều kiến thức, giúp học sinh huy động nhiều kỹ năng và vận dụng những gì đã học vào giải quyết tình huống thực tế. Đây là một điều quan trọng để việc học tập mang nhiều tính thực tiễn hơn trong cuộc sống.

Ngoài ra, môn học này cũng làm tiền đề cho hoạt động hướng nghiệp của học sinh trong tương lai. Các chuyên gia hướng nghiệp cũng nhận định rằng, hoạt động hướng nghiệp diễn ra càng sớm, học sinh sẽ càng có thời gian hiểu bản thân và định hướng tương lai.

“Môn Kinh doanh - Hướng nghiệp tại Dewey được thiết kế dành riêng cho học sinh nhà trường dựa trên giáo trình của tổ chức Junior Achievement (JA). JA đã có hơn 100 năm lịch sử cung cấp các chương trình đào tạo về kinh tế, kỹ năng dành cho giới trẻ toàn cầu và được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2022. Thông qua bộ môn Kinh doanh - Hướng nghiệp, học sinh được nâng cao tư duy tài chính cá nhân, tư duy hướng nghiệp, tư duy khởi nghiệp và cải thiện 4 kỹ năng trụ cột bao gồm giao tiếp, sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện. Tôi tin rằng những kỹ năng và kiến thức đó sẽ cần thiết cho nhiều môn học cũng như cuộc sống của học sinh.” - thầy Tùng chia sẻ.

Nhiều phụ huynh cũng đồng tình và đánh giá cao nội dung học ở môn Kinh doanh - Hướng nghiệp. Tại nước ngoài, học sinh được học về giá trị của tiền bạc, được thực hiện các hoạt động kinh doanh để gây quỹ, từ thiện hay quyên góp từ rất sớm.

Nhìn về Việt Nam, theo thầy Tùng, việc học các kiến thức kinh doanh gắn liền với thực tế còn hạn chế. “Với chương trình của The Dewey Schools, học sinh khối 6 sẽ được học về tiền bạc, ngân sách, lên lớp 7 sẽ bắt đầu tìm hiểu về doanh nghiệp khởi nghiệp và quảng cáo. Chương trình cho học sinh lớp 8 sẽ tập trung vào hướng nghiệp cơ bản và chương trình lớp 9 sẽ xoay quanh việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Những nội dung trên sẽ được phát triển với kiến thức sâu hơn hơn trong chương trình phổ thông” - thầy Nguyễn Trọng Tùng cho hay.

Cảm nghĩ về môn học khởi nghiệp
Mọi giờ học thầy Tùng đứng lớp đều bắt đầu bằng một trò chơi khởi động tạo niềm hứng khởi.

Bài học từ đôi Biti’s tới lon Pepsi

Trên thực tế, với đặc thù là một môn học mới, không dễ để học sinh có thể bắt nhịp nhanh với nội dung học. Giáo viên phải thực sự sáng tạo, đầu tư vào nội dung giảng dạy để việc học hiệu quả và học sinh tìm được niềm hứng khởi trong môn học. Để việc học hiệu quả, thầy cô phải nỗ lực sáng tạo và luôn đổi mới cho phù hợp.

Thầy Tùng cho biết, trong giờ học, mình và đồng nghiệp luôn sử dụng rất nhiều các trò chơi, hoạt động tương tác trong giờ học để đạt được mục đích giúp học sinh làm chủ kiến thức, có khả năng vận dụng trong thực tế.

Ngoài các bài giảng trên lớp, thầy cô cũng tìm cơ hội để học sinh có thể tham quan các mô hình kinh doanh thực tế, tìm hiểu các công ty, hình thành phẩm chất nghề nghiệp.

Học sinh sẽ có cơ hội trở thành giáo viên, học tập chủ động và truyền thụ kiến thức tới bạn bè. Lộ trình học từ lớp 6 tới lớp 12 của học sinh phản ánh đúng triết lý của nhà trường khi giáo dục chính là cuộc sống và những điều các em học có giá trị cho cả hiện tại và tương lai.

Đặc biệt, các giờ học kinh doanh - hướng nghiệp của thầy Tùng luôn không bắt đầu bằng những kiến thức khô khan. Với những câu hỏi xem thế giới đang có gì biến động, những câu chuyện kinh doanh - marketing nào đang trở thành xu thế, thầy Tùng kéo học sinh vào cuộc trò chuyện, thảo luận, tạo một không gian chia sẻ mở và học sinh thấy kiến thức không còn xa lạ. Các bài học thường đi từ những case study (tình huống thực tế) phù hợp và gần gũi với học sinh.

“Khi học về quảng cáo, tôi cho học sinh xem series clip “Đi để trở về” của Biti’s để cùng nhau thảo luận về những thông điệp đằng sau sản phẩm. Học sinh đa phần đều biết tới ca sĩ Soobin Hoàng Sơn cũng như những MV trẻ trung, gần gũi với các bạn.

Hoặc trong bài học về xây dựng thương hiệu với học sinh khối 9, chiến dịch Pepsi cùng ban nhạc Black Pink được đưa ra làm ví dụ khi các sản phẩm Pepsi in hình thành viên Black Pink được săn lùng ráo riết trên thị trường. Muốn dạy học sinh được với môn học mới phải nói đúng “ngôn ngữ” của các bạn, hiểu được những điều người trẻ quan tâm và hứng thú.” - thầy Tùng chia sẻ.

Nói về kỷ niệm với môn học, thầy Tùng nhớ lại câu chuyện khi hỏi học sinh lớp 6 về nghề nghiệp mong muốn trong tương lai. Bên cạnh các câu trả lời như Youtuber, kỹ sư, bác sĩ, một học sinh đã trả lời muốn làm thợ hồ khi quan sát những người thợ hồ làm việc với niềm hạnh phúc: “Niềm hạnh phúc của một người thợ hồ đâu có ít hơn niềm hạnh phúc của một giám đốc”

“Những bài học ở môn kinh doanh - hướng nghiệp không chỉ quan trọng với học sinh. Đôi khi chính các quan sát tinh tế của học sinh lại mang đến cho mình những góc nhìn đa dạng về cuộc sống và giáo viên cũng là người được học rất nhiều.”. Tâm sự điều này,Nguyễn Trọng Tùng thể hiện mong muốn sẽ có một mạng lưới các giáo viên, học sinh với mục tiêu truyền thụ, hướng dẫn, đào tạo về năng lực tài chính, một trong những năng lực nền tảng cần thiết cho bất kỳ một người trẻ nào.