Chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam đối với Trung Quốc

Mục lục bài viết

  • 1.Tổng quan về quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc
  • 2.Thương mại hàng hoá chính ngạchViệt Nam-Trung Quốc
  • 3.Thương mại hàng hoá biên giớiViệt Nam-Trung Quốc
  • 4.Thương mại dịch vụ Việt Nam-Trung Quốc
  • 5.Quan hệ đầu tư Việt Nam-Trung Quốc

1.Tổng quan về quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc

Kể từ khi khởi xướng công cuộc cải cách kinh tế năm 1979, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa [Trung Quốc] luôn theo đuổi chính sách tự do hóa thương mại, sản xuất hướng về xuất khẩu, đạt tăng trưởng cao và xóa đói giảm nghèo. Nền kinh tế của Trung Quốc, từ một nước nông nghiệp, đã nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế sản xuất hàng hóa năng động nhất, đang dần dần trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, với tổng giá trị xuất nhập khẩu là 2,97 nghìn tỉ USD, trong đó xuất khẩu là 1,58 nghìn tỉ và nhập khẩu là 1,39 nghìn tỉ. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, xét trên cả tiêu chí GDP danh nghĩa [tổng sản phẩm quốc nội] và PPP [ngang giá sức mua]. Theo IMF, GDP danh nghĩa/đầu người và PPP/đầu người của Trung Quốc năm 2011 được xếp hạng tương ứng đứng thứ 90 và 91. Tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Trung Quốc giai đoạn 2001- 2010 đạt 10,5%, và dự đoán trong giai đoạn 2011-2015 sẽ đạt 9,5%. Trong giai đoạn 2007-2011, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tương đương với tổng mức tăng trưởng của tất cả các nước G7 cộng lại. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt 2,85 nghìn tỉ USD vào thời điểm cuối năm 2010. Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 1,6 nghìn tỉ USD chứng khoán Hoa Kỳ. Bằng việc nắm giữ 1,16 nghìn tỉ USD trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, Trung Quốc đang là chủ nợ công nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ. Trung Quốc là nước tiếp nhận FDI lớn thứ ba thế giới, thu hút 106 tỉ USD năm 2010. Với tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài 52,2 tỉ USD năm 2008, Trung Quốc được xếp hạng là nước đầu tư lớn thứ 6 trên thế giới. Trung Quốc đã trở thành thành viên của WTO năm 2001. Thương mại quốc tế tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc. Tương tự, Việt Nam bắt đầu tiến hành ‘Đổi mới’ từ năm 1986, với sự chuyển đổi từng bước từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Nhờ cải cách kinh tế, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 8% trong giai đoạn 1990-1997 và 7% trong giai đoạn 2000-2005, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kể cả trong thời kì thế giới phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối những năm 2000, tăng trưởng vẫn rất mạnh mẽ và giữ ở mức 6,8% năm 2010. Theo IMF, năm 2010, GDP danh nghĩa của Việt Nam đạt 103,574 tỉ USD và GDP danh nghĩa/đầu người đạt 1.173 USD. Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO ngày 11/1/2007. Hiện tại, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất của châu Á. Các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, các nước ASEAN, Hoa Kỳ và EU.Kể từ năm 1991, khi hai nước chính thức bình thường hoá quan hệ cho đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã có những phát triển vượt bậc. Hai nước đã mở lại đường hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá và người giữa hai nước, đồng thời mở 7 cặp cửa khẩu cấp quốc gia trong vùng biên giới giữa hai nước. Từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Sau chuyến thăm Trung Quốc tháng 5/2007 của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, các dự án trong khuôn khổ hợp tác ‘hai hành lang, một vành đai kinh tế’ giữa hai nước được xúc tiến thực hiện.

2.Thương mại hàng hoá chính ngạchViệt Nam-Trung Quốc

Thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu được thực hiện theo hai phương thức: Thương mại chính ngạch và thương mại biên giới.

Thương mại chính ngạch

Năm 1991, tổng kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 32 triệu USD. Trong thời gian gần đây, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng mạnh, năm 2011 đạt khoảng 30 tỉ USD.Tuy nhiên, kể từ năm 2001, Việt Nam luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại trong quan hệ với Trung Quốc. Do đó, từng bước cân bằng cán cân thương mại là mục tiêu mà cả hai bên cùng đang hướng tới. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng, gồm 4 nhóm hàng chính: [i] Hàng nhiên, nguyên liệu: Dầu thô, than, quặng kim loại, các loại hạt có dầu, dược liệu [cây làm thuốc]...; [ii] Hàng nông sản: Lương thực [gạo, sắn khô], rau củ quả [đặc biệt là các loại hoa quả nhiệt đới như: Chuối, xoài, chôm chôm, thanh long…], chè, hạt điều; [iii] Hàng thuỷ sản: Thuỷ sản tươi sống, thuỷ sản đông lạnh, một số loại mang tính đặc sản như: rắn, rùa, ba ba tự nhiên hoặc được nuôi thả; [iv] Hàng tiêu dùng: Hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bột giặt, bánh kẹo…, trong khi đó Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến [xăng dầu, máy móc thiết bị, phụ tùng ô-tô, phân bón, dược phẩm…]. Do nhu cầu của Việt Nam về nhập khẩu các loại hàng hoá từ Trung Quốc còn rất lớn và cùng với việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo quy định của Hiệp định ACFTA, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam tăng ở mức độ nhất định và các giải pháp hạn chế nhập siêu chưa thể phát huy tốt hiệu quả, thì tình hình nhập siêu từ Trung Quốc giai đoạn 2007-2015 sẽ chưa thể có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng việc tăng nhập khẩu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc là điều kiện để tăng xuất khẩu ở thị trường khác.

3.Thương mại hàng hoá biên giớiViệt Nam-Trung Quốc

Nói chung, thương mại biên giới được hiểu là sự dịch chuyển hàng hoá và dịch vụ qua biên giới quốc tế trên bộ giữa các quốc gia. Như vậy, thương mại biên giới là một phần của hoạt động thương mại quốc tế thông thường giữa các nước. Tuy nhiên, thương mại biên giới có tác động kinh tế-xã hội và chính trị sâu sắc hơn nhiều so với hoạt động thương mại thông thường diễn ra ở các cảng biển và cảng hàng không. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên bộ chạy qua 2 tỉnh của Trung Quốc và 6 tỉnh của Việt Nam. Hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam [Trung Quốc] có điều kiện địa lí đặc biệt thuận lợi để phát triển kinh tếthương mại với Việt Nam. Có thể nói thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam-Trung Quốc. Kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế năm 1979, Chính phủ Trung Quốc đã có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế các vùng biên giới, coi thương mại biên giới là ‘khâu đột phá’, nhằm khai thác lợi thế so sánh của các vùng này với các nước láng giềng. Hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây nằm trong vành đai kinh tế ‘đại Tây Nam’ của Trung Quốc, bao gồm Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Tây Tạng và Quảng Tây, trong đó Quảng Tây được xem là ‘hành lang’ ra biển cho toàn bộ vùng Tây Nam Trung Quốc. Trong giai đoạn 2006-2011, tốc độ tăng trưởng thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc trung bình 29%/năm,42 góp phần quan trọng vào thương mại hai chiều giữa hai nước. Tổng thương mại biên giới hai nước đạt 2,8 tỉ USD năm 2006, trên 7,1 tỉ USD năm 2010 và trên 6,3 tỉ USD năm 2011.43 Nhìn chung, thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc phát triển có tác động quan trọng làm thay đổi diện mạo nghèo nàn của khu vực biên giới, mở rộng thương mại quốc tế, nâng cao đời sống cho nhân dân biên giới hai nước. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại biên giới giữa hai nước cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự quản lí và những điều chỉnh kịp thời bằng chính sách và các quy định pháp luật của cả hai nước nhằm ổn định và phát triển các hoạt động thương mại khá đặc thù này, vì lợi ích của cả hai nước và tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế, nhất là khi Việt Nam và Trung Quốc đều đã trở thành thành viên chính thức của WTO và cùng tham gia vào Hiệp định ACFTA. Cần xây dựng một chiến lược dài hạn và hiệu quả nhằm phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của cả hai nước.

4.Thương mại dịch vụ Việt Nam-Trung Quốc

Hợp tác du lịch Việt Nam-Trung Quốc cũng là điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Hiệp định hợp tác du lịch hai nước ngày 8/4/1994 đã tạo cơ sở pháp lí cho quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng gia tăng. Từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc luôn đứng đầu và vượt xa nước đứng thứ hai trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ có số khách đến Việt Nam đông nhất. Số người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc cũng ngày một tăng. Thương mại dịch vụ dự đoán sẽ phát triển nhanh. Thương mại dịch vụ giai đoạn 2007-2015 sẽ phát triển mạnh hơn so với thương mại hàng hoá. Trong số các lĩnh vực dịch vụ thương mại, dịch vụ vận tải, kho ngoại quan và cảng biển sẽ phát triển rất nhanh, đặc biệt là sau 2010. Dự báo, hàng quá cảnh của Trung Quốc qua cảng Hải Phòng có thể sẽ lên tới 1 triệu tấn vào năm 2010 và 5 triệu tấn vào năm 2015.

5.Quan hệ đầu tư Việt Nam-Trung Quốc

Tính đến tháng 7/2011, Trung Quốc có 805 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng kí 4,1 tỉ USD, đứng thứ 14 trên tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Dự án lớn nhất của Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam hiện nay là dự án thép Fuco tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD. Ngoài ra, còn một số dự án lớn khác như Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt-Trung, vốn đầu tư 175 triệu USD; khu công nghiệp An Dương [Hải Phòng], vốn đầu tư 175 triệu USD… Tính đến năm 2011, Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Trung Quốc, với tổng vốn đăng kí 13 triệu USD. Những con số này cho thấy đầu tư hai chiều Việt-Trung còn thấp so với tiềm năng, lợi thế và mong muốn của cả hai nước. Theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài [Bộ kế hoạch và đầu tư], các dự án đầu tư của Trung Quốc chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân, chưa có nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế lớn. Quan hệ đầu tư Việt Nam-Trung Quốc có một số đặc điểm sau: Thứ nhất, khác với quan hệ xuất nhập khẩu giữa hai nước là quan hệ hai chiều, quan hệ đầu tư chủ yếu chỉ có một chiều từ phía Trung Quốc vào Việt Nam. Bởi vì so với Việt Nam, Trung Quốc là nước có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Việt Nam đầu tư vào Trung Quốc không đáng kể, chỉ tập trung tại hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Thứ hai, số lượng và tốc độ đầu tư đạt mức trung bình. Cho đến nay, Trung Quốc không phải là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Thứ ba, các chỉ tiêu chất lượng của đầu tư chưa cao. Thứ tư, bên cạnh việc đầu tư theo hình thức FDI, Trung Quốc còn viện trợ phát triển cho Việt Nam theo các dự án ODA. Thứ năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã góp phần nhất định vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, xét cả về tiềm năng lẫn sự phát triển mọi mặt của quan hệ hai bên, lượng đầu tư như vậy chưa tương xứng với tiềm năng của thương mại hai nước, đặc biệt là của phía Trung Quốc. Trung Quốc đã là ‘thành viên của câu lạc bộ nghìn tỉ đô-la GDP’, dự trữ ngoại tệ 2,85 nghìn tỉ USD tính đến cuối năm 2010, đầu tư trên phạm vi thế giới đạt 52,2 tỉ USD năm 2008 và được xếp hạng là nhà đầu tư lớn thứ 6 của thế giới.Tuy nhiên, con số về đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong những năm qua chưa tương xứng với vị thế địa-kinh tế của Việt Nam - nước được coi là cầu nối thị trường Trung Quốc khổng lồ đầy tiềm năng với Đông Nam Á.

Luật Minh Khuê[sưu tầm và biên tập]

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề