Chuyện vui người nước ngoài học tiếng Việt

Một bạn gái người Việt, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, tâm sự về việc học và nói tiếng mẹ đẻ qua những câu chuyện rất giản dị và hài hước, nhưng chứng tỏ một sự cố gắng và tình yêu sâu sắc dành cho gia đình và quê hương.

Mỗi khi có ai đó khen: "Các con của anh chị nói/viết tiếng Việt giỏi ghê!" là nét mặt bố mẹ tôi lại rạng rỡ, rồi phấn khởi khoe thêm: "Cháu lớn còn làm phiên dịch cho hội giúp đỡ người nhập cư cơ mà". Bởi thế tôi biết bố mẹ tôi sẽ rất vui khi bài "Mưa phùn-Mưa xuân" của tôi được vào danh sách bình chọn của cuộc thi "Xuân Quê hương" do VnExpress tổ chức; đó sẽ là món quà quý giá tôi tặng bố mẹ nhân dịp Tết năm nay.

Mới đầu tôi cũng thắc mắc, người Việt mà giỏi tiếng Việt thì có gì là lạ? Sau tôi mới biết, ở nuớc ngoài này có rất nhiều đứa trẻ cũng có bố mẹ Việt như chị em tôi nhưng không hề biết nói tiếng Việt hoặc có biết thì cũng biết ít ít… Tôi rất biết ơn bố mẹ đã cho chị em tôi một vốn tiếng Việt để được những lời khen như vậy.  

Các bạn trẻ, thanh thiếu niên kiều bào vẫn luôn hướng về Việt Nam. Ảnh: quehuongonline

Tôi nhớ lần đầu về thăm quê hương, vừa tới nhà tụi tôi đã có thể đi chơi ngay với các anh chị em họ và các cháu cùng lứa tuổi. Bố mẹ tôi cũng rất an tâm, không phải lo lắng như nhiều gia đình Việt kiều khác. Tôi càng thấy được thông thạo tiếng Việt thật là hữu ích khi ở thêm tại quê nhà.

Trong buổi họp mặt đại gia đình, ông bà, chú bác, cô dì đều rất vui khi nghe những câu trả lời bằng tiếng Việt tuy hơi ngô nghê nhưng khá sõi của tụi tôi. Nét mặt ai cũng hả hê giống như bố mẹ tôi khi đuợc nghe những lời khen ở bên kia vậy. Mọi người cùng thích thú, cười rộ lên rồi trầm trồ nhắc lại những từ ngữ ít dùng mà tụi tôi vẫn biết để nói. Tất cả đều bât ngờ về trình độ nói tiếng Việt của tụi tôi, ai cũng tưởng là bên đó nói toàn tiếng Tây nên tiếng Việt biết ít thôi...

Tôi cũng không ngờ rằng việc giỏi tiếng Việt của tụi tôi lại khiến cho mọi người vui nhiều đến thế. Còn vui hơn cả khi nhận những món quà bố mẹ tôi mang ở Pháp về tặng cho mọi người.

Quảng cáo

Bố mẹ tôi vẫn thường truyền cho mọi người thân quen một kinh nghiệm đơn giản là: "Khi ở nhà phải cấm tuyệt đối không cho tụi nó nói tiếng Tây [Nhật, Đức, Anh…] vì về tiếng nói, trẻ con mau biết mà cũng mau quên lắm…".

Đúng vậy, như chị em tôi đã từng nói giỏi tiếng Nhật vì được học 3 năm mẫu giáo ở Nhật. Vậy mà qua Pháp có mấy tháng thôi, tiếng Pháp còn chưa tỏ mà tiếng Nhật đã quên ráo không còn nhớ một từ nào. Vì thế cho nên khi ở nhà kể cả một tiếng "oui" hay "non" ngắn ngủi bố mẹ cũng bắt đổi lại nói là "vâng", là "không" mới được chấp nhận.

Bây giờ tụi tôi lớn rồi, chắc tiếng Việt đã ngấm kỹ vào trí nhớ rồi nên thi thoảng có lỡ quên bố mẹ mới linh động châm chước cho thôi…

Và cũng như lời bố mẹ vẫn nói với mọi người: "Đừng lo nói nhiều tiếng Việt tụi nó sẽ không học giỏi tiếng bản xứ", kết quả học tập của chị em tôi hàng năm vẫn luôn đứng nhất nhì lớp. Cả hai đều được chọn là một trong ba học sinh của lớp được phép học hai ngoại ngữ Anh và Đức, số còn lại chỉ được học một ngoại ngữ thôi. Bài thi tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp tôi còn đạt điểm tối đa.

Sống ở Tây mà không biết tiếng Tây hơi lạ cũng đã đành, người Việt mà không biết tiếng Việt thì thế nào nhỉ? Tôi chưa biết nghĩ sâu xa nhưng từ lúc nhỏ tôi đã thấy có một điều phiền toái như thế này: Trong những dịp lễ lạt, cưới xin hay Tết nhất tụ họp, gia đình thường hay có đủ bà con họ hàng, bạn bè thân quen đến từ các nước: Bỉ, Luxembougr, Đức.., có khi có cả Mỹ, Canada… Người lớn gặp nhau thì tất nhiên rất vui rồi, còn đám trẻ con chúng tôi có rât nhiều đứa không biết nói tiếng Việt. Thật là tai họa…

Bạn hình dung xem cảnh một lũ trẻ con tóc đen, da vàng rất muốn xông vào chơi với nhau vì là "bên ta" cả, nhưng mỗi đứa xì xồ một thứ tiếng thì làm sao vào cuộc chơi được đây! Khi đó các ông bố, bà mẹ mới thật sự thấm thía việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho con em mình cần thiết đến mức nào.

Quảng cáo

Lớn lên được hoc ngoại ngữ, chúng tôi có thể giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Nhưng nghĩ đến cảnh toàn người Việt với nhau, cả khi ở ngay trên đất Việt Nam mà cứ phải uốn lưỡi nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ nước ngoài thì hình như cũng không hay cho lắm!

Ngoài ra, chúng tôi cũng có không ít những bất ổn, vui buồn, bởi sống thiếu môi trường quê hương đấy các bạn ạ! Những người lớn bên đây hay bàn luận, nhận xét đám trẻ con chúng tôi cứ ngồ ngộ: tây chẳng ra tây, ta chẳng ra ta; ngô ngố như một lũ gà công nghiệp và hay lôi lại những kỷ niệm ngô ngố đó ra làm câu chuyện vui:

Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ từ "chị" mà cả nhà vẫn thường gọi tôi là tên gọi riêng của tôi nên khi mẹ dạy đánh vần: "mờ e me nặng mẹ", tôi đọc theo, nhưng đến câu: "chờ i chi nặng chị" thì tôi nhất định không chịu đoc, nói là mẹ dạy sai rồi: mẹ to như thế thì mới nặng, chứ con tí như thế này thì làm sao lại "nặng" được?

Khi lớn hơn một tí thì lại thắc mắc tên môt người chị họ sao lại là Anh Thư, chị đâu phải là con trai mà gọi là Anh, bình thường vẫn gọi là chị Thư đấy thôi? Rồi sao lại có thể gọi lẫn lộn là "chị anh Thư"?

Đến tận bây giờ lớn rồi, tụi tôi cũng vẫn còn rất nhiều điều khó hiểu trong ngôn ngữ Việt Nam kiểu như vậy nên có rất nhiều chuyện làm người lớn dở khóc dở cười. 

Tôi thấy tiếng Việt thú vị ở chỗ, vẫn là một từ mà ta phát âm trầm bổng cao thấp thì lại ra một nghĩa khác, ví như: quả dưa, nói thấp tí thôi đã ra quả dừa, cao lên thì lại là quả dứa; ba thứ quả khác hẳn nhau.

Hay như từ chào nếu đổi dấu thì ra: chao, cháo, chão, chảo, chạo; mỗi từ một nghĩa. Ở tiếng Pháp thì chào là: bông giua [bonjour]. Cho dù có phát âm thành: bồng giùa, bống giúa , bổng giủa… thì vẫn cứ có nghĩa là chào mà thôi.

Vậy thế nên mới có chuyện, hồi mới qua chưa được hoc tiếng Pháp, mẹ tôi cứ nghĩ từ "bít-tất" là từ ta mượn dùng của tiếng Pháp [vì thường những từ đó vẫn có thêm cái gạch nối ở giữa như củ cà-rốt; mũ cát-quét, cái cà -vạt, kẻ ca-rô…] nên cứ ra sức đổi kiểu phát âm cao thấp, trầm bổng để diễn tả cái từ muốn nói là "bít-tất" với một ngưới bản xứ vì cứ nghĩ do mình phát âm chưa chuẩn. Sau đó mới biết tất tiếng Pháp là một từ khác hẳn [chaussettes]. Vậy từ "bít-tất" có bạn nào biết xuất xứ là thế nào không? Xin kể cho mọi người cùng biết cho vui!

Chịu khó viết bài nhu thế này cũng là dịp để rèn luyện cho tiếng Việt thêm thành thạo và chắc mọi người đang rất mong được đọc thêm nhiều bài viết của "lũ gà công nghiệp" chúng mình! 

Xin chúc cho tiếng Việt luôn được giữ gìn và phát triển hơn nữa trong cộng đồng giới trẻ Việt sống ở hải ngoại.

Mai Hương Ly [Thụy Sĩ]

Các nữ sinh viên nước ngoài xinh đẹp đang học tiếng Việt tại Hà Nội - Ảnh: TÙNG VŨ

"Em bắt... công an"

Những năm 1980, ga Hàng Cỏ, Hà Nội không chỉ là nơi chứng kiến những cuộc chia ly và hội ngộ đầy xúc cảm của hành khách đi tàu. Đó còn là địa bàn hoạt động của "gái làng chơi". "Bắt khách" ở sân ga, rồi dẫn sang công viên Thống Nhất gần đó là xong một chuyến "tàu nhanh". Không ít sinh viên nước ngoài rất thông thạo, tìm hiểu kỹ lưỡng khu "đèn đỏ" này.

Một buổi sáng, khi GS Hoàng Trọng Phiến - trưởng khoa tiếng Việt Trường ĐH Tổng hợp - vừa đến trường đã thấy một sinh viên Mông Cổ chờ sẵn và xin được gặp. Vừa bước vào phòng, cậu sinh viên đã tỏ ra thành thật: "Tối qua, em bắt công an". Nghe vậy, GS Phiến tá hỏa: "Trời! Sao em lại bắt công an? Không chừng to chuyện, rắc rối...".

Phải đến khi cậu kể tường tận tối qua "trót dại", "dẫn bạn gái đi chơi" ở ga Hàng Cỏ bị công an đưa về đồn, vị chủ nhiệm khoa mới vỡ lẽ. GS Phiến giải thích tình huống ấy không thể nói "em bắt công an", mà đúng ra là "công an bắt em".

"Có sinh viên ra chợ Kim Liên thấy mọi người mua cà chua với giá rất rẻ, cô bán hàng lại "chua" thêm câu "rẻ thối ra". Vậy là khi về trường, nhìn thấy cô giáo mặc chiếc váy rất xinh liền nhanh nhảu vận dụng ngay: Cô mặc chiếc áo đẹp... thối!" - GS Phiến hóm hỉnh kể lại.

Rồi có nữ học viên người Anh rất thông minh vẫn được khen là nói hay, nói giỏi mà cũng có lần suýt "độn thổ" vì tiếng Việt. Ấy là khi cô gái này đến chơi nhà bạn trai người Việt nhưng bạn trai chưa về, chỉ có ông bố ngồi ở phòng khách. 

Đúng lúc này, cô có nhu cầu đi... WC. Tỏ ra thạo tiếng Việt, cô gái rành rọt hỏi: "Bác ơi, phòng đi đái ở đâu ạ?". Ông bố "ớ" ra một lúc mới chỉ cho cô gái kèm lời chỉ dẫn "Nhà vệ sinh! Nhà vệ sinh!".

Còn Justin Jay Jordens [Úc] - một trong hai sinh viên đầu tiên của khoa châu Á Đại học Quốc gia Australia sang học tập tại khoa tiếng Việt - lại nhớ mãi câu chuyện cô bạn đồng hương cùng đến từ xứ sở chuột túi thấy dưới sân ký túc xá có vài con bò gặm cỏ thì lạ lẫm và thích thú lắm. 

Đến khi cô giáo yêu cầu đặt câu với từ "trong", "ngoài", "trên", "dưới", thì cô gái xinh đẹp dù muốn nói "Ngoài sân, có nhiều con bò lắm" nhưng khi phát âm lại bật ra thành: "Ngoài sân, em có nhiều... bồ lắm".

Lý do chọn tiếng Việt để học - Video: Dương Liễu

Một tiết dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Học... chửi bậy

Những năm 1990, Hakkan - sinh viên khoa tiếng Việt đến từ Thụy Điển - đã gây thương nhớ cho biết bao nữ sinh bởi vẻ điển trai của mình. Khi đó, Hakkan thường xuất hiện trong đoạn phim quảng cáo trên tivi cho thương hiệu tủ lạnh Electrolux. Anh đứng bên chiếc tủ lạnh đã cũ nhưng vẫn dùng "ngon lành" cùng dòng quảng cáo ấn tượng: "40 năm vẫn chạy tốt".

Dù nói tiếng Việt thuộc dạng "ngon lành" nhưng Hakkan cũng tự thừa nhận nhiều khi không hiểu người Việt nói gì vì nhiều người nói nhanh quá. Một hôm, Hakkan cùng thầy Hùng đang ngồi uống cà phê gần phố Mã Mây thì một thanh niên Việt đầu húi cua đi qua, nhìn thấy Hakkan liền tuôn một tràng: "Này, Hakkan. Đ* mẹ. Hôm qua, Hakkan hẹn ra uống rượu, Hakkan đ* ra, làm mất vui".

Hakkan nghe rất chăm chú nhưng không hiểu gì liền quay ra phân trần: "Thầy ơi, nó là bạn em. Nó bán nước chè ngoài quán kia thầy ạ. Nhưng nó nói gì em không hiểu. Hình như nó bảo hôm qua không uống rượu?".

Những từ này Hakkan không hiểu đúng là những từ sinh viên chưa được học trên giảng đường. Thầy đành phải giải thích trong tiếng Việt có một số từ không được hay lắm nên được xếp vào nhóm từ bậy. Nhưng trong một số trường hợp, với một số nhóm người, cách nói này lại được dùng với ý nghĩa rất thân mật, gần gũi.

Nghe thế, Hakkan thích quá, đề nghị: "Vậy thầy dạy em để em chửi nhau với chúng nó nhé. Khó mấy em cũng phải học. Chắc thằng này từ trước đến giờ hay nói từ bậy với em mà em không biết". Vậy là hai thầy trò rủ nhau về phòng riêng rồi đóng chặt cửa để dạy và học các câu vừa tục vừa bậy, các câu để chửi nhau.

Sinh viên quốc tế của khoa Việt Nam học giao lưu với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Khoa Việt Nam học cung cấp

Cà phê ... nhẹ?

Những thầy giáo có thâm niên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhắc mãi về sự "hiểu lầm tai hại" đã từng xảy ra với những sinh viên Cuba sang Việt Nam học 50 năm trước.

Năm 1967, khi máy bay Mỹ leo thang ác liệt, các lưu học sinh nước ngoài được lệnh sơ tán khỏi Hà Nội. Điểm tập kết là một thôn nằm ở huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ. Trong 34 lưu học sinh khi đó có 10 người từ Cuba sang.

Bấy giờ, không chỉ dạy ngôn ngữ, mà việc phục vụ đời sống sinh hoạt cho lưu học sinh cũng đặc biệt được coi trọng. Sau mỗi tuần lại có buổi hỏi ý kiến góp ý để cải tiến bữa ăn. Nhiều tuần liền, nhóm sinh viên Cuba đều than "cà phê nhẹ quá". Nhân viên nhà bếp liền tăng độ đậm đặc lên dần. Đến một ngày sinh viên không chịu nổi phải la lên "đặc quá".

"Lúc bấy giờ mới vỡ lẽ: nặng - nhẹ, đặc - loãng là hai phạm trù khác hẳn nhau. Lúc đó ở ta chỉ có duy nhất một loại cà phê, trong khi ở Cuba thì có nhiều loại nặng - nhẹ khác nhau" - thầy Hồ Hải Thụy, người có mặt tại khoa từ những ngày đầu, nhớ lại.

Không dám nói từ "bưởi"

Có những sinh viên kêu tiếng Việt khó đến mức "nói một từ bình thường mà người nghe lại hiểu lầm thành từ rất bậy bạ chỉ cái bộ phận nhạy cảm của đàn ông".

"Tôi nín thở mỗi khi bạn cùng lớp học tiếng Việt nhắc đến "quả bưởi". Chính tôi cũng cố gắng nói cho đúng mà mỗi lần phát âm đều nghe tiếng cười rúc rích xung quanh. Đến nỗi có một thời gian đi chợ, muốn mua bưởi tôi chỉ có thể chỉ tay vào quả đó mà không dám cất lời" - một học viên nước ngoài thành thật kể về nỗi ám ảnh phát âm tiếng Việt.

____________________________________

Kỳ tới: Chuyện "Dâu tây" và "cô đĩ đẹp"

NGỌC HÀ

Video liên quan

Chủ Đề