Có bao nhiêu dân tộc có chữ viết riêng ở Việt Nam?

Chữ viết của các dân tộc thiểu số [DTTS] ở nước ta khá đa dạng, phong phú, xét về nguồn gốc, sự hình thành, và phát triển. Trong các DTTS ở nước ta, nhiều dân tộc đã có chữ viết, thậm chí một số dân tộc có nhiều hơn một hệ thống chữ viết. Một số hệ chữ viết có lịch sử trên dưới nghìn năm. Đó là các hệ chữ viết của các dân tộc Khmer, Thái, Chăm, Tày, Nùng, Dao... Chữ Thái cổ, Chăm cổ, Khmer dựa trên tự dạng Sanskrit. Chữ cổ của người Tày, Nùng, Cao Lan, Dao... thuộc dạng chữ vuông, bắt nguồn từ chữ Hán, có truyền thống vài thế kỷ. Nhiều hệ chữ viết khác, được chế tác gần đây, dựa trên tự dạng La-tinh. Có thể phân biệt chữ viết các DTTS ở nước ta thành hai loại: - Các hệ thống chữ viết cổ truyền: Đây là các hệ thống chữ viết đã có lịch sử nhiều thế kỷ, như chữ Hán, chữ Nôm Việt [còn gọi là "chữ Nho"], chữ Chăm cổ truyền, chữ Khmer, chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, Nôm Dao, Nôm Sán Chí, chữ Lự, chữ Thái cổ... Đó có thể là chữ viết ghi ý, hoặc nửa ghi âm nửa ghi ý, gốc Trung Quốc có tự dạng Hán, hoặc là chữ ghi âm gốc Ấn Độ có tự dạng Sanskrit.

- Các hệ thống chữ viết "mới" [còn gọi là các chữ viết từ dạng Latinh]. Đây là các hệ thống chữ viết có lịch sử không dài, được chế tác trên cơ sở các ký hiệu của chữ La-tinh, có tự dạng La-tinh như chữ Quốc ngữ, chữ Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Bru Vân Kiều, Tày - Nùng, Mường, Thái... Các hệ chữ viết tự dạng Latinh của các DTTS ở nước ta ra đời trong những thời kỳ khác nhau. Một số bộ chữ ra đời trước năm 1945 [Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho] nhưng lại có hệ thống chữ La-tinh được chế tác sau năm 1960.

Chữ viết các DTTS dùng để thực hiện vai trò tích cực trong việc làm nên những thành tựu văn hóa [chẳng hạn văn học nghệ thuật, các văn bản truyền thanh truyền hình và tất cả những sáng tạo được ghi bằng chữ] cũng như bảo tồn và phát triển chúng, bằng cách ghi lại cho người khác và các thế hệ kế tiếp nhau cùng đọc.

Trong hoàn cảnh cụ thể của các DTTS ở Việt Nam hiện nay, chữ viết có vai trò như một phương tiện để tăng cường sự cố kết trong nội bộ một dân tộc và hướng về cội nguồn. Có thể xem chữ là một phương tiện để người ở các nơi khác nhau có được "tiếng nói chung". Chữ viết còn giúp cho thông tin tuyên truyền, cho việc chuyển tải các kiến thức khác nhau [trong đó có các kiến thức về chính ngôn ngữ các DTTS]; tạo điều kiện [qua mặt chữ và các loại sách giáo dục] cho học sinh và cán bộ công chức, đồng bào thuộc các dân tộc khác nhau học tiếng, hiểu biết hơn về văn hóa các DTTS anh em.

Tuy nhiên, có một thực tế lâu nay là một bộ phận người trẻ trong các DTTS không sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình, trong khi những người có vốn hiểu biết tiếng "mẹ đẻ" thì tuổi cao, lần lượt ra đi .Cho nên muốn bảo tồn, phát triển nó trong cộng đồng các DTTS, trước hết chữ viết các DTTS cần phản ánh [ghi] được đầy đủ các âm hoặc đại diện được cho ý muốn ghi lại hoặc truyền đạt... Để người các DTTS dễ dàng và nhanh chóng học theo cách "bắc cầu" từ tiếng DTTS sang tiếng Việt, từ chữ DTTS sang chữ Quốc ngữ, cũng như cán bộ, công chức, đồng bào thuộc các dân tộc khác dễ dàng, nhanh chóng học tiếng DTTS, đồng thời cũng dễ dàng cho các thầy cô, các hệ thống chữ cần phải gần gũi với chữ Quốc ngữ, nhưng tránh đi những bất hợp lý của chữ Quốc ngữ.

Với những yêu cầu này, một câu hỏi cần được đặt ra: Vậy trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, nên truyền bá và sử dụng chữ viết của các DTTS dạng chữ cổ, hay là tự dạng La-tinh, hay cả hai?

Theo chúng tôi, nên truyền bá và sử dụng các hệ thống chữ tự dạng Latinh, đồng thời có biện pháp bảo tồn các hệ thống chữ cổ truyền. Muốn vậy, cần có các cách dạy và học chữ các DTTS ở nước ta một cách phù hợp và hiệu quả; có thể theo một số mô hình sau: Mô hình thứ nhất:Học sinh DTTS lâu nay, theo chương trình giáo dục, sách giáo khoa... chung trong cả nước đều đang theo cách này: "đi thẳng vào tiếng phổ thông".

Mô hình thứ hai:Dạy - học tiếng mẹ đẻ và bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh trước, sau đó chuyển dần sang dạy - học tiếng Việt và bằng tiếng Việt, còn tiếng của học sinh lùi xuống vị trí là một môn học. Mô hình này đã được áp dụng vào những năm 60 của thế kỷ 20, ở cả miền bắc và miền nam. Ở miền bắc, cách này được thực hiện vào khoảng 1961 - 1968 ở một số vùng đồng bào người Mông, Tày, Nùng, Thái. Hiện nay ở Việt Nam, nó vẫn đang được "thử nghiệm" ở người Mông, Gia Rai và Khmer, với sự trợ giúp của tổ chức UNICEF, cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học, với tên gọi chương trình "Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ".

Mô hình thứ ba:Bắt đầu dạy -học tiếng Việt và bằng tiếng Việt; tiếng mẹ đẻ của học sinh chỉ được dạy - học như một môn học [có thể ở giai đoạn bất kỳ trong từng cấp học]. Mô hình này hiện cũng đang phổ biến ở Việt Nam. Ưu điểm nổi bật của nó là rất đơn giản về tổ chức và quản lý, không gây nên những xáo trộn đối với hệ thống giáo dục hiện thời, không đòi hỏi cao đối với giáo viên và học sinh, giống như lớp học dành cho những ai muốn học thêm một ngôn ngữ.

Xét về nhiều phương diện, và trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, thiết nghĩ sẽ là thích hợp và có hiệu quả, nếu kiên trì áp dụng mô hình dạy - học tiếng nói, chữ viết các DTTS như một môn học. Với vai trò quan trọng của chữ viết trong đời sống xã hội ở vùng đồng bào các DTTS, cùng không ít những vấn đề đặt ra đối với chữ viết của họ, việc truyền bá và sử dụng chữ viết này, cần được chuẩn bị kỹ càng về mặt nhận thức cũng như tổ chức công tác, cùng những điều kiện vật chất để bảo đảm cho một bộ chữ sống và hoạt động.

Các nhà ngôn ngữ học cần nghĩ đến việc biên soạn các sách công cụ như từ điển, ngữ pháp cơ bản và sách giáo khoa, các sách tham khảo bằng chữ DTTS hoặc song ngữ [truyện cổ tích, truyện thơ, dân ca, luật tục, các sáng tác mới...], để chữ viết có vai trò trong đời sống và thật sự trở thành trực quan với nhiều người, đồng thời được truyền bá và tạo nên động cơ cho người học, có điều kiện thực hành, cũng như chống tái mù chữ. Từ đó bảo tồn và phát triển chữ viết của các DTTS, phát huy chức năng tích cực của chúng trong đời sống xã hội.

Chủ Đề