Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mac lenin 2

ThS. Bùi Thị Huyền
Khoa Lý luận cơ sở

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế nước ta. Quá trình tái cơ cấu DNNN được thực hiện thông qua tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Qua cổ phần hóa, DNNN đã trở thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, tạo động lực và cơ chế quản lý năng động; huy động thêm nguồn vốn của xã hội vào sản xuất kinh doanh; hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của doanh nghiệp được nâng lên. Thực tiễn khẳng định cổ phần hóa đã trở thành giải pháp quan trọng để cơ cấu lại, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Thời gian qua, việc tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực, thể chế quản lý DNNN tiếp tục được hoàn thiện, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa được cải thiện đáng kể. Cụ thể:

Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, cả nước đã sắp xếp, cổ phần hóa được 490 doanh nghiệp, trong đó riêng năm 2015 là 244 doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, cả nước đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. 

Sau khi cổ phần hóa, các chỉ tiêu về tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN đều có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm các DNNN duy trì đóng góp từ 26 đến 28% tăng trưởng GDP, chiếm 24,82% ngân sách. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN đều đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực tài chính tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;  góp phần phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều những cơ chế, chính sách được đổi mới, bổ sung, hoàn thiện nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, ngăn ngừa thất thoát vốn và tài sản Nhà nước nhưng quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN vẫn còn nhiều hạn chế:

Một là, tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại các DNNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp gặp vướng mắc, lúng túng, chưa thống nhất trong quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn theo các quy định mới; vẫn còn doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Hai là, kết quả sắp xếp, cổ phần hóa DNNN mới chủ yếu thay đổi về số lượng, chứ chưa thực sự thay đổi về  chất lượng. Số lượng DNNN có thể giảm đi nhưng tỷ lệ cổ phần hóa rất thấp. Nhìn chung tái cơ cấu DNNN vẫn còn nhỏ lẻ, rất ít, chưa thay đổi được cơ cấu của doanh nghiệp để quản trị tốt hơn. 

Ba là, công tác thoái vốn Nhà nước trong các DNNN chưa thực hiện được nhiều. Đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn còn ở không ít ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, làm cho DNNN chưa tập trung tối đa vào những lĩnh vực cần thiết. 

Những hạn chế của quá trình cổ phần hóa DNNN do một số nguyên nhân như sau:

Những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn Nhà nước. 

Việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa được đẩy nhanh do vướng những quy định pháp lý về thời gian thực hiện, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. 

Quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, do những doanh nghiệp phải cổ phần hóa đều là những doanh nghiệp lớn, nhiều tài sản như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV)… nên việc cổ phần hóa không thể nhanh như các doanh nghiệp nhỏ, mà phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa .

Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN cần tiếp tục thực hiện những giải pháp trọng tâm sau: 

Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII (về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước), Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội (về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước), tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

Phải lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa. Gắn trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu DNNN cho lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương. 

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán để không thất thoát vốn Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để kịp thời xử lý các vướng mắc khó khăn phát sinh về cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn để thúc đẩy tiến độ tái cơ cấu DNNN theo thị trường gắn với hội nhập. 

Ngoài ra, cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng cần chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, cần thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định.

----------

Tài liệu tham khảo:

1. Ban kinh tế Trung Ương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy ban kinh tế Quốc hội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: "Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Nhà nước kiến tạo trong hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh”, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, H. 2017.

2. Minh Phương, Đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (http://dangcongsan.vn).