Cơ quan quản lý kế toán và doanh nghiệp singapore năm 2024

Thao túng báo cáo tài chính (BCTC) là một trong những vấn đề được rất nhiều bên quan tâm, không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới như nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia phân tích tài chính, kiểm toán viên, cơ quan quản lý… Nếu tình trạng thao túng BCTC diễn ra thường xuyên và gặp ở nhiều công ty sẽ để lại những hệ quả tiêu cực, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư. Trong xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu và muốn xây dựng một thị trường chứng khoán phát triển, thì tính trung thực và minh bạch của các thông tin tài chính là quan trọng, cần thiết và nhiều quốc gia trên thế giới luôn chú trọng để bảo vệ các nhà đầu tư trước các rủi ro về gian lận, thao túng BCTC. Các cơ quan quản lý quan tâm đến việc kiểm soát vấn đề thao túng BCTC của các công ty và ban hành các quy tắc, quy định trong kế toán sao cho đảm bảo được sự đúng đắn và hợp lý của các thông tin tài chính và đảm bảo độ tin cậy của hoạt động kế toán, kiểm toán. Trên thế giới đã xảy ra rất nhiều vụ bê bối tài chính liên quan đến việc thao túng BCTC, do đó về cơ bản các cơ quan quản lý của các quốc gia trên thế giới đang tham gia vào một “cuộc chiến không hồi kết” với vấn đề này. Tuy nhiên, những kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong kiểm soát việc thao túng BCTC được coi là những bài học rất hữu ích, để Việt Nam quan tâm lựa chọn áp dụng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tìm hiểu và tổng hợp về kinh nghiệm của các quốc gia về kiểm soát thao túng BCTC và những bài học đối với Việt Nam.

Từ khóa: thao túng báo cáo tài chính, kinh nghiệm, kiểm soát thao túng báo cáo tài chính.

1. Kinh nghiệm của Singapore

Tại Singapore, ACRA (Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp và Kế toán - Accounting and Corporate Regulatory Authority - ACRA) là cơ quan quản lý quốc gia về tất cả các tổ chức kinh tế, kế toán viên hành nghề và các nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp (DN) và cũng là cơ quan tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN. Mục tiêu hoạt động của ACRA là cung cấp một môi trường đáng tin cậy và sôi động, thúc đẩy sự phát triển của DN và hoạt động của các kế toán viên hành nghề. Đây được xem là một điểm sáng trong việc tổ chức hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh thế giới góp phần đưa Singapore trở thành một nơi hấp dẫn để kinh doanh trong khu vực và trên thế giới. ACRA có một số chức năng quan trọng như: quản lý một số đạo luật liên quan đến kế toán và quản lý DN; báo cáo, kiến nghị và tư vấn cho Chính phủ về các vấn đề liên quan đến đăng ký và quy định của các tổ chức kinh tế, kế toán viên công chứng và các tổ chức cung cấp dịch vụ DN; thiết lập và quản lý một kho lưu trữ tài liệu và thông tin liên quan đến các tổ chức kinh doanh, kế toán viên công chứng và các nhà cung cấp dịch vụ DN và cung cấp cho công chúng quyền truy cập vào các tài liệu và thông tin đó; đại diện cho chính phủ ở cấp độ quốc tế trong các vấn đề liên quan đến đăng ký và quy định của các tổ chức kinh doanh, kế toán viên công chứng và các nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp; và vai trò nâng cao nhận thức của công chúng về cấu trúc kinh doanh mới, các yêu cầu tuân thủ, thông lệ quản trị công ty và bất kỳ vấn đề nào trong quyền hạn của Cơ quan.

Thông tin tài chính có chất lượng là rất quan trọng đối với các thị trường mạnh mẽ và sôi động. Hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư, nhà cung cấp, tổ chức tài chính, khách hàng, ban lãnh đạo DN và nhiều hơn nữa đã và đang yêu cầu BCTC đáng tin cậy và kịp thời để có được bức tranh chính xác hơn về DN, cả về mặt tạo ra giá trị cũng như hiểu hơn về rủi ro liên quan. Ngày nay, hoạt động của các DN cũng trở nên thách thức hơn với các mô hình kinh doanh phức tạp hơn. Để đối phó với các vấn đề nảy sinh, chuẩn mực BCTC ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi sự đánh giá chuyên nghiệp hơn của người lập BCTC. Ví dụ, kế toán mua bán và sáp nhập DN, đo lường giá trị hợp lý của tài sản và ghi nhận doanh thu của các giao dịch đa yếu tố… Điều cần thiết là, thị trường phải tin tưởng vào mức độ minh bạch, trung thực và chất lượng của BCTC. Để đáp ứng điều này, ACRA đã bắt đầu Chương trình Giám sát BCTC (Financial Reporting Surveillance Programme - FRSP) để thực thi việc chống lại các BCTC kém chất lượng dẫn đến thông tin không đáng tin cậy và/hoặc không tuân thủ các chuẩn mực kế toán quy định và hướng dẫn các công ty đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn mực kế toán được quy định tại Singapore để cung cấp cho các nhà đầu tư BCTC đáng tin cậy và có ý nghĩa để ra quyết định. Điều này sẽ làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư và các bên liên quan khác vào tính minh bạch, liêm chính và chất lượng của BCTC tại Singapore. FRSP đưa ra các quy định bắt buộc trách nhiệm của giám đốc các DN phải được thực thi một cách nghiêm túc liên quan đến việc phải tuân thủ các chuẩn mực kế toán khi lập và trình bày BCTC và đưa ra một cái nhìn trung thực, hợp lý về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và dòng tiền của DN. Để nâng cao tính minh bạch, ACRA công bố báo cáo tóm tắt các hoạt động và kết quả của FRSP. Các báo cáo này nhằm giúp các công ty tránh được những cạm bẫy phổ biến và cải thiện BCTC của họ bằng cách nâng cao hiểu biết của họ về việc áp dụng và giải thích các chuẩn mực kế toán và các yêu cầu của luật pháp. Và để hướng dẫn ban lãnh đạo các DN và những người lập BCTC khác, ACRA công bố hướng dẫn thực hành BCTC nêu bật các lĩnh vực trọng tâm xem xét của FRSP cho năm tiếp theo. Điều này sẽ nhắc nhở ban lãnh đạo DN về rủi ro có sai sót trọng yếu trên BCTC cũng như cách đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư và những người sử dụng BCTC khác. Tính đến năm 2020, thông qua chương trình FRSP, ACRA đã công bố 3 báo cáo vào các năm 2015, 2016 và 2020. Các báo cáo này là kết quả của 3 chu kỳ soát xét BCTC của các DN mà chủ yếu là các công ty niêm yết và một vài công ty chưa niêm yết. Các báo cáo đã công bố tóm tắt những phát hiện chính từ các chu kỳ đánh giá của FRSP và cung cấp những tìm hiểu sâu sắc của ACRA về chất lượng BCTC của các công ty được thành lập tại Singapore. Các chương trình kiểm tra qua 3 lần tập trung vào các vấn đề về không tuân thủ các chuẩn mực lập BCTC, nguyên nhân gốc rễ và tóm tắt các giải thích của ban lãnh đạo các đơn vị vi phạm.

Báo cáo năm 2015 cho biết, các nguyên nhân chính dẫn đến sự không tuân thủ chuẩn mực về lập BCTC tập trung vào các vấn đề sau đây: sự kiểm tra không đầy đủ; sự quá phụ thuộc vào đội ngũ kế toán mà có thể thiếu năng lực và sự thận trọng; HĐQT đã không có những phản kháng đầy đủ trước các xét đoán của ban giám đốc. Trong báo cáo năm 2016, một số nguyên nhân gốc rễ của các sai phạm của các BCTC được đưa ra bao gồm: sự bất cân xứng thông tin giữa hoạt động kinh doanh và chức năng tài chính; thiếu thời gian và quy trình để xem xét các vấn đề kế toán phức tạp; thất bại hoặc không nâng cao kỹ năng đội ngũ tài chính hoặc thu hút các chuyên gia tài chính. Với báo cáo năm 2020, ACRA đưa ra các nguyên nhân dẫn đến sự không tuân thủ các chuẩn mực kế toán là thiếu sự hiểu biết chuyên sâu và thiếu sự thận trọng nghề nghiệp. Các chuẩn mực kế toán ở Singapore dựa trên các nguyên tắc và có thể phức tạp. Đội ngũ tài chính, giám đốc tài chính hoặc thành viên ủy ban kiểm toán (Audit Committee) thiếu kiến thức chuyên sâu có thể dẫn đến việc áp dụng sai các chuẩn mực kế toán. Điều này trở nên khó khăn hơn khi các vấn đề kế toán phức tạp hoặc liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn như định giá doanh nghiệp và đánh giá tổn thất. BCTC của một DN được lập nên để kể một cách trung thực câu chuyện về kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của DN. HĐQT và ban giám đốc ở vị trí tốt nhất để đảm bảo rằng “câu chuyện” được kể phản ánh sự thật kinh tế và họ phải nỗ lực để làm như vậy.

Song song với chương trình FRSP, ACRA còn triển khai Chương trình Giám sát hành nghề (Practice Monitoring Programme – PMP). Đây là một công cụ quản lý quan trọng trong việc thúc đẩy chất lượng kiểm toán. Chất lượng kiểm toán là nền tảng của niềm tin thị trường vào độ tin cậy của thông tin tài chính mà thị trường đưa ra quyết định phân bổ vốn. PMP cung cấp sự đảm bảo chất lượng cho thị trường thông qua việc xác định xem liệu kế toán viên công chứng có tuân thủ các chuẩn mực, phương pháp, thủ tục và các yêu cầu khác về kiểm toán hay không. Điều này mang lại cho người sử dụng BCTC sự tin tưởng vào các ý kiến kiểm toán. Đều đặn từ năm 2007 đến năm 2020, hàng năm ACRA đã công bố 14 bản báo cáo PMP, đưa ra những phát hiện từ các cuộc thanh tra chính của chương trình PMP, nhằm giúp KTV và DN kiểm toán cải thiện chất lượng kiểm toán. ACRA cũng đã đưa ra những hướng dẫn cho thành viên HĐQT, để thực hiện trách nhiệm đối với việc lập BCTC.

Kinh nghiệm cụ thể của Singapore là phân chia các đối tượng áp dụng pháp luật thành các nhóm với các biện pháp và hình thức xử lý tương ứng. Với nhóm sẵn sàng tuân thủ các quy định pháp luật thì cần cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong nhóm này như triển khai và đơn giản hóa các ứng dụng dịch vụ công thông qua việc hỗ trợ kê khai, cập nhật thông tin và báo cáo của DN qua các phương tiện điện tử. Nhóm có tinh thần tôn trọng pháp luật nhưng lại gặp khó khăn trong quá trình thực hiện quy định thì có thể cung cấp thêm các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn. Đối với nhóm không muốn tuân thủ pháp luật hoặc cố tình vi phạm thì cần áp dụng nhiều biện pháp thanh tra kiểm tra. Nhóm vi phạm quy định pháp luật cũng được chia thành nhiều trường hợp khác nhau: nếu vi phạm lần đầu có thể cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu DN phải tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn như biện pháp khắc phục hậu quả; nêu vi phạm nhiều lỗi hoặc vi phạm nhiều lần, cần có các biện pháp xử phạt nghiêm như phạt tiền, và tăng dần mức phạt tương ứng với mức độ vi phạm, thậm chí có thể thể xóa tên đơn vị khỏi cơ sở dữ liệu đăng ký của ACRA, hạn chế quyền được thành lập, quản lý DN của cá nhân vi phạm hoặc đưa ra tòa án giải quyết. Những kinh nghiệm của ACRA Singapore thực sự là điển hình trong khu vực và trên thế giới để Việt Nam áp dụng trong việc quản lý ở cấp độ nhà nước đối với việc thao túng BCTC của các DN, đặc biệt là các công ty niêm yết.

2. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (Securities and Exchange Commission - SEC) là cơ quan độc lập của chính phủ liên bang Hoa Kỳ. SEC chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi Luật Chứng khoán liên bang, đề xuất các quy tắc chứng khoán và điều chỉnh ngành chứng khoán, chứng khoán và trao đổi quyền chọn của quốc gia và các hoạt động và tổ chức khác, bao gồm thị trường chứng khoán điện tử ở Hoa Kỳ. Trong hơn 85 năm kể từ khi thành lập ở đỉnh cao của cuộc Đại suy thoái, SEC hoạt động với sứ mệnh bảo vệ các nhà đầu tư, duy trì thị trường công bằng, trật tự và hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện hình thành vốn. Luật Chứng khoán năm 1934 xác định các hành vi bị cấm trên thị trường và cho phép SEC có chức năng cưỡng chế thực thi pháp luật.

Trong cấu trúc tổ chức của SEC có Vụ Giám sát thực thi pháp luật (Enforcement Division – ED – sau đây gọi là Vụ Giám sát). Vụ này được thành lập năm 1972 để củng cố các hoạt động giám sát thực thi pháp luật mà trước đây đã được xử lý bởi các bộ phận điều hành khác nhau tại trụ sở của SEC ở Washington. Nhân viên của Vụ Giám sát tiến hành điều tra các vi phạm có thể xảy ra đối với Luật Chứng khoán liên bang và truy tố các vụ kiện dân sự tại các tòa án liên bang cũng như các thủ tục hành chính. Vụ Giám sát hỗ trợ SEC trong việc thực thi pháp luật bằng cách đưa ra các khuyến nghị từ kết quả của các cuộc điều tra vi phạm Luật Chứng khoán, đưa ra các kiến nghị SEC khởi kiện các vụ kiện dân sự, thậm chí là hình sự tại tòa án, hoặc khởi kiện các vụ việc này thay mặt cho SEC. Là một bộ phận hỗ trợ cho thẩm quyền giám sát thi hành pháp luật của SEC, Vụ Giám sát phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành pháp luật của Hoa Kỳ và trên thế giới để đưa ra các vụ án hình sự khi thích hợp. Vụ thu thập bằng chứng về những vi phạm có thể xảy ra đối với luật chứng khoán từ nhiều nguồn, bao gồm các hoạt động giám sát thị trường, đầu mối và các khiếu nại của nhà đầu tư, các bộ phận và văn phòng khác của SEC, các tổ chức tự quản và các nguồn khác của ngành chứng khoán, và các báo cáo từ các phương tiện truyền thông. Tất cả cuộc điều tra của SEC đều được tiến hành riêng tư, bí mật. Bằng chứng về các dữ kiện được triển khai thu thập đến mức tối đa có thể thông qua điều tra không chính thức, phỏng vấn nhân chứng, kiểm tra hồ sơ môi giới, soát xét dữ liệu giao dịch và các phương pháp khác. Với trình tự điều tra chính thức, nhân viên của Bộ phận có thể buộc các nhân chứng bằng trát hầu tòa để làm chứng và xuất trình sổ sách, hồ sơ và các tài liệu liên quan khác. Tiếp theo của cuộc điều tra, nhân viên SEC trình bày những phát hiện của họ lên SEC để soát xét. SEC có thể ủy quyền cho nhân viên nộp đơn kiện lên tòa án liên bang hoặc khởi kiện hành chính. Trong nhiều trường hợp, SEC và bên bị buộc tội quyết định giải quyết vấn đề mà không cần xét xử tại tòa.

Các vi phạm phổ biến mà có thể dẫn đến cuộc điều tra của SEC bao gồm: Trình bày sai hoặc bỏ sót thông tin quan trọng về chứng khoán; Thao túng giá chứng khoán trên thị trường; Đánh cắp tiền hoặc chứng khoán của khách hàng; Vi phạm trách nhiệm đối xử công bằng với khách hàng của người môi giới chứng khoán; Giao dịch nội gián (vi phạm mối quan hệ tin cậy bằng cách giao dịch trên thông tin quan trọng, không công khai về chứng khoán); Thao túng giá chứng khoán trên thị trường; Bán chứng khoán chưa đăng ký.

Trên website của SEC, từ năm 1995 đến nay, đều công bố đầy đủ và tương đối chi tiết tên của các cá nhân, tổ chức, các KTV vi phạm các quy định liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó các vi phạm về kế toán và kiểm toán được đưa ra ở một mục riêng và hình thức kỷ luật của họ đối với các hành vi vi phạm. Đây cũng là một nguồn các tình huống về thao túng BCTC mà các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà nghiên cứu và phân tích sử dụng như nguồn tư liệu thực tế hữu ích và cũng là những cảnh báo, đề phòng đối với những cá nhân, đơn vị có ý định vi phạm.

3. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Ủy ban Giám sát Giao dịch Chứng khoán (Securities and Exchange Surveillance Commission - SESC) được thành lập năm 1992, thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản. Đến năm 2001, khi Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản, (FSA) được thành lập, SESC thuộc sự quản lý của FSA. SESC hoạt động như một hội đồng, bao gồm một chủ tịch và hai ủy viên. Mỗi thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và hoạt động như một tác nhân độc lập (independent agent) với nhiệm kỳ 3 năm.

Với mục tiêu đảm bảo tính công bằng và minh bạch của thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, SESC có các trách nhiệm cũng như chức năng như sau: Điều tra các hành vi sai trái của thị trường bao gồm giao dịch nội gián và thao túng thị trường; Điều tra các vi phạm trong yêu cầu công bố thông tin của các công ty niêm yết; Giám sát các hành vi vi phạm pháp luật của người điều hành DN công cụ tài chính (Financial Instrusment business operators - FIBOs) và những người điều hành hoạt động kinh doanh chưa đăng ký; Khuyến nghị về các hành vi hành chính hoặc lệnh nộp phạt hành chính bằng tiền, hoặc nộp đơn tố giác tội phạm dựa trên kết quả của các cuộc điều tra, kiểm tra hoặc giám sát nêu trên. Nếu phát hiện vi phạm qua các cuộc kiểm tra thường xuyên hàng năm, sẽ công bố công khai và xử phạt. SESC có thể xử phạt hành chính hoặc đưa vụ việc ra tòa. Các đơn vị trực thuộc SESC có nhiệm vụ xem xét các chứng khoán dựa trên kết quả giám sát trong ngày về xu hướng của thị trường và các nguồn tin khác như: Chứng khoán có giá tăng hoặc giảm mạnh, hoặc có các biến động khó giải thích khác; Chứng khoán có thông tin nội bộ quan trọng mà khi được công bố có thể ảnh hưởng trọng yếu đến quyết định của nhà đầu tư; Chứng khoán là tâm điểm trên báo chí và các bản tin tài chính; Chứng khoán có thông tin từ nguồn tin khác. Trong suốt quá trình soát xét các giao dịch có vi phạm về thao túng, nội gián hoặc gian lận khác, SESC sẽ rà soát các công ty chứng khoán liên quan xem có tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện các giao dịch trên hay không. Trường hợp phát hiện giao dịch nghi vấn, vụ việc sẽ được chuyển sang bộ phận điều tra để làm rõ. Các tổ chức tự quản (Hiệp hội các công ty chứng khoán và các sở giao dịch công cụ tài chính) có nhiệm vụ thực hiện giám sát công ty chứng khoán và giám sát các giao dịch. SESC và các tổ chức tự quản có các cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các mảng giám sát như rà soát các giao dịch nội gián hay các giao dịch phi pháp khác cũng như vấn đề về quản lý niêm yết. Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tôkyô, hoạt động giám sát giao dịch và cưỡng chế thi hành pháp luật do 02 phòng thực hiện là Phòng Giám sát giao dịch, Phòng Thanh tra và Kiểm tra (Participants Examination and Inspection and Market Surveillance departments).

4. Kinh nghiệm của Malaysia

Điểm nhấn mạnh trong kinh nghiệm của Malaysia đề cập đến quá trình hội tụ IFRS/IAS - một quốc gia có sự quyết tâm và thể chế mạnh mẽ, để chuyển đổi và hội tụ đầy đủ IFRS với một trong những động lực chính, đó là nâng cao tính minh bạch và chất lượng thông tin của các BCTC của các DN tại Malaysia. Chế độ lập BCTC của Malaysia đã bước sang một kỷ nguyên mới sau khi Luật Báo cáo tài chính, Financial Reporting Act, (1997), được ban hành, nhiệm vụ ban hành các chuẩn mực kế toán được thuộc về Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Malaysia (MASB), và các chuẩn mực do MASB ban hành có hiệu lực thi hành theo quy định của Luật Công ty, (1965); Companies Act, (1965), cũng như các luật khác có liên quan đến các ngành đặc thù. Theo luật mới, hai cơ quan độc lập đã được thành lập: Tổ chức Báo cáo Tài chính (Financial Reporting Foudation - FRF) và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Malaysia (MASB). FRF, với tư cách là cơ quan được ủy thác, có trách nhiệm giám sát hoạt động của MASB, các thỏa thuận tài chính và cấp vốn, và là nguồn quan điểm ban đầu cho MASB về các chuẩn mực và tuyên bố được đề xuất. Mặt khác, MASB đóng vai trò như một cơ quan thiết lập chuẩn mực và chịu trách nhiệm thực hiện “quy trình phù hợp” để phát triển các chuẩn mực. Kể từ năm 2006, các chuẩn mực báo cáo tài chính của Malaysia (được gọi là khung FRS) giống hệt với IFRS và IAS tương ứng. Sự khác biệt nằm ở các chuẩn mực mà Malaysia đã không áp dụng. Vào ngày 01/8/2008, FRF và MASB đã công bố kế hoạch chuyển sang hội tụ đầy đủ IFRS trước ngày 01/01/2012. Tháng 01/2011, MASB đã ban hành việc áp dụng IFRS/IAS, sự hội tụ đầy đủ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2012.

Không thể bỏ qua vai trò của các cơ quan quản lý kế toán, trong quá trình hội tụ. Một hệ thống quy định được thiết lập tốt và cơ chế thực thi hiệu quả là những động lực quan trọng thúc đẩy các công ty chuẩn bị tốt cho quá trình hội tụ IFRS. MASB đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Hội tụ (Convergence Task Force - CTF) với đại diện đến từ các tổ chức nghề nghiệp và cơ quan quản lý có tiếng nói. Chức năng chính của CTF là điều phối các nỗ lực hội tụ, được thực hiện bởi các thành viên chủ chốt khác nhau, trong chuỗi giá trị BCTC.

Đối với sự hội tụ IFRS ở Malaysia, tính hợp pháp của IFRS là rất quan trọng vì tính hợp pháp chứng minh và giải thích cấu trúc và sự tồn tại của một tổ chức trong quá trình thực hiện IFRS. Hơn nữa, tính hợp pháp của việc hội tụ IFRS đòi hỏi sự phù hợp giữa thể chế và môi trường của nó. Tính hợp pháp của IFRS là một cơ sở mạnh mẽ cung cấp cho các quốc gia áp dụng khả năng cạnh tranh trên thị trường vốn toàn cầu. Có nghĩa là, các quốc gia và tổ chức có ý định áp dụng IFRS dựa trên sức mạnh hợp pháp hóa của IFRS để mở rộng thị trường vốn và kinh doanh trên toàn cầu: thứ nhất, các nước kém phát triển với các chuẩn mực kế toán “chất lượng thấp” được coi là gần đây đã áp dụng IFRS để ngang bằng với các nước phát triển hơn như Anh và Úc; thứ hai, các quốc gia ngay cả với các chuẩn mực kế toán trong nước có chất lượng cao hơn như Úc và Canada cũng đã áp dụng IFRS hoặc thay đổi các chuẩn mực trong nước của họ để có thể cạnh tranh trong môi trường toàn cầu. Nhìn chung, thể chế hóa phát sinh khi có một quá trình xã hội mà qua đó các quốc gia và tổ chức chấp nhận các chuẩn mực kế toán quốc tế, vì lợi ích của sự hài hòa kế toán quốc tế.

Một số phân tích, đánh giá khi nghiên cứu các công ty trước và sau khi áp dụng IFRS đã cho thấy, có sự khác biệt đáng kể giữa mức độ thao túng BCTC trong những năm trước khi áp dụng IFRS và sau khi áp dụng IFRS ở Malaysia, các công ty của Malaysia có chất lượng thông tin kế toán cao hơn sau khi áp dụng IFRS.

5. Những bài học rút ra cho Việt Nam trong kiểm soát việc thao túng BCTC

Thứ nhất, Ủy ban Chứng khoán và cơ quan quản lý liên quan cần thúc đẩy hoạt động kiểm tra, giám sát BCTC của các công ty niêm yết định kỳ với tần suất nhiều hơn. Với cách thức điều tra của Hoa Kỳ, thì việc thu thập bằng chứng tối đa từ nhiều nguồn, nhiều phương pháp và cần thực hiện một cách riêng tư, bí mật sẽ là một cách thức thu thập bằng chứng khách quan, có ý nghĩa hơn trong việc kết luận kết quả của các hành vi vi phạm. Và đến giai đoạn công khai, các cơ quan này sẽ được trao nhiều quyền và cơ chế cưỡng chế đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm và có quyền yêu cầu nhân chứng phải tham gia thông qua sự hợp tác chặt chẽ, khách quan với các cơ quan tố tụng. Với những kinh nghiệm ở trên có thể thấy rằng việc xây dựng một môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đối với hoạt động kế toán và kiểm toán đối với các quốc gia được đề cập ở trên đóng một vai trò quan trọng, đối với việc ngăn chặn và phát hiện các hoạt động thao túng lợi nhuận của các DN. Và các chế tài xử lý của Việt Nam cần phải có đủ tính chất răn đe, ngăn chặn vi phạm.

Thứ hai, Ủy ban Chứng khoán hàng năm cần công bố các báo cáo thường niên, kết quả của quá trình soát xét, kiểm tra BCTC các DN và yêu cầu các DN phải có công bố về các báo cáo quản trị công ty một cách đầy đủ, kịp thời. Cũng như tại Hoa Kỳ, Việt Nam cũng cần công khai và nêu tóm tắt một cách đầy đủ, dễ hiểu ở mức độ hợp lý các trường hợp vi phạm và hình thức xử lý đối với các cá nhân, DN vi phạm liên quan đến thao túng BCTC. Những trường hợp công khai này vừa có tính chất răn đe, vừa tạo nguồn các tình huống thực tế để các nhà đầu tư, các chuyên gia có thể tham khảo để có được sự hiểu biết thực tiễn hơn và có những suy xét hợp lý trước khi đưa ra quyết định. Như tại Hoa Kỳ và Singapore, đối với các trường hợp vi phạm về thao túng BCTC, thì một biện pháp được đưa ra mà Việt Nam cũng cần học hỏi, đó là việc yêu cầu tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng thêm về kiến thức, kỹ năng cũng như đạo đức cho ban lãnh đạo, đội ngũ nhân sự kế toán.

Thứ ba, đối với các thành viên tham gia HĐQT của các công ty niêm yết cần phải có yêu cầu về năng lực chuyên môn, tính thận trọng và có hiểu biết hợp lý về kế toán, kiểm toán để có thể đọc, hiểu được BCTC của các công ty để tránh sự phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ kế toán mà trong nhiều trường hợp không có được năng lực, kỹ năng và sự hiểu biết đầy đủ. Và đối với quá trình bổ nhiệm ban giám đốc các công ty niêm yết cần đảm bảo các vị trí điều hành, quản lý tài chính, kế toán phải có đầy đủ kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và sự chính trực để đảm nhiệm vai trò của mình.

Thứ tư, với kinh nghiệm của một số nước điển hình như Malaysia đã chỉ ra chất lượng BCTC của các công ty trước và sau khi áp dụng IFRS/IAS, đã có sự cải thiện đáng kể và giảm rất nhiều việc thao túng BCTC của các DN. Và trong quá trình chuyển đổi áp dụng đầy đủ IFRS/IAS tại Malaysia, đã cho thấy có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam áp dụng, từ việc nâng cao vị thế, vai trò của các tổ chức ban hành chuẩn mực kế toán, cấu trúc và mô hình hoạt động của FRF, MASB,… và cả về thể chế pháp lý của các chuẩn mực khi áp dụng. Quá trình tổ chức thành lập các lực lượng đặc nhiệm để triển khai và hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc phổ biến, đào tạo IFRS/IAS tại Malaysia, để có được sự chuẩn bị tốt, phù hợp trong cả quá trình chuyển đổi.

Thứ năm, cần có các quy định yêu cầu, thúc đẩy DN tích cực trau dồi, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng của đội ngũ nhân sự kế toán, tài chính để cập nhật các yêu cầu, quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán. Đối với các nước phát triển, vai trò của kiểm toán độc lập được coi trọng, đánh giá rất cao nhưng cũng được giám sát và kiểm soát chặt chẽ.

Tài liệu tham khảo

1. ACRA, Financial Reporting Surveillance Program, (2015), Singapore.

2. ACRA, Financial Reporting Surveillance Program, (2016), Singapore.

3. ACRA, Financial Reporting Surveillance Program, (2020), Singapore.

4. Abdullah,W.R, (2018), “Mitigating Earnings Management: Adoption of IFRS and Corporate Governance Practices in Malaysia”, International Journal of Academic research in business & Social sciences.