Của chuột và người ý nghĩa


Sau khi đọc “Của chuột và người”, tôi có tình cờ đọc được một bài phân tích “Của chuột và người” rất chi tiết, rất hàn lâm về bản năng và cái tôi của hai nhân vật chính trong truyện. Tôi cũng khá ưng hướng nhìn của người phân tích, tuy vậy chủ ý cá nhân thì tôi vẫn thích cách phân tích theo hướng nhân học và văn vẻ hơn đôi chút.

Đa số đánh giá đều nói nếu đã đọc Chùm Nho Phẫn Nộ thì cũng phải đọc thêm cả Của Chuột và Người của John Steinbeck để phần nào nắm được bối cảnh Mỹ trong thập niên 1930-1940 và hiểu được nghệ thuật tiểu thuyết Mỹ cùng thời kì đó. Tôi thấy người đọc thường hay so sánh giữa hai tác phẩm Chùm Nho Phẫn Nộ và Của Chuột và Người bởi lẽ, như thường đánh giá, cả hai đều muốn nói lên ý nghĩa tự do của con người, đề cập đến tiềm năng của tinh thần và mối liên kết giữa cá nhân với tập thể. Nhưng đối với riêng tôi, mặc dù tán thành đã đọc một trong hai thì nên đọc nốt quyển còn lại, nhưng không phải để “nắm được toàn cảnh” như người ta thường nói – bởi lẽ nếu chỉ để “nắm được toàn cảnh” thì một tác phẩm Chùm Nho Phẫn Nộ là đã đủ rồi – mà để đối chiếu sự đối lập giữa hai tác phẩm. Nếu chú ý, ta có thể thấy Chùm Nho Phẫn Nộ về mặt khái quát là đại diện cho cả một thời kì và số phận của những con người trong thời kì đó đấy, nhưng mang nặng chất hiện thực nặng nề thì Chùm Nho Phẫn Nộ vẫn mang nỗi thương cảm, sự gắn bó và niềm hi vọng luôn được duy trì trong tình trạng leo lét giữa tình người và gia đình. Của Chuột và Người khác hẳn. Cũng như cái tên và theo thiển ý của tôi là mang nghĩa: con người cũng chỉ như loài chuột, “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”, tác phẩm này cay nghiệt hơn, vô vọng hơn, vì không chỉ chủ yếu hướng về một cá nhân, sự “cô độc”, và sự buông trôi phó mặc thời vận. Bên cạnh đó, cấu trúc kết thúc lặp lại mở đầu tạo nên cảm tưởng thời gian xoay vòng và vô vọng không lối thoát, kết hợp với giọng văn khách quan tường thuật khiến Của Chuột và Người mang một thứ xúc cảm buông thả thờ ơ. Chính với tôi, đó là những điểm nổi bật hơn cả của Của Chuột và Người.

Nội dung câu chuyện thì rất đơn giản thôi. Nó kể lại vỏn vẹn ba ngày trong cuộc đời của hai công nhân lao động thuê George Milton và Lennie Small ở một trang trại hẻo lánh vùng Salinas, California. Geogre nhỏ người tinh ranh, Lennie bự con nhưng đần độn, chỉ thích mân mê những vật mềm mại dễ thương, nhưng vì sức mạnh quá khủng khiếp và sống hoàn toàn bằng bản năng thú vật, Lennie thường xuyên vô tình phá hỏng hoặc giết chết những con vật bé nhỏ hay những món đồ xinh đẹp. Trước khi đến trang trại ở Salinas, Lennie từng làm việc cùng Geogre ở một trang trại khác, nhưng vì Lennie quá thích vạt áo mềm mại của một cô gái, anh ta bám ghì lấy nó khiến cô gái hoảng hồn và gây nên một sự hiểu lầm lớn, khiến cả 2 phải bỏ chạy ngay trong đêm. Ở trang trại mới, họ quen với những công nhân mới: lão Candy làm thuê lụm khụm, tay nài ngựa đen tàn phế Crooks, một người làm thuê tên Slim, con trai chủ trại Curly,… Curly gây sự với Lennie thì Lennie bự con hơn hắn ta, nhưng khi Geogre ra lệnh cho Lennie đánh trả thì Lennie đã vô tình làm gãy tay Curly, và khiến vợ Curly thích thú. Hôm sau khi Geogre đi uống rượu với Slim, Lennie đã lỡ bóp chết con chó được cho và trốn đi, nhưng vợ của Curly lân la tán tỉnh và để Lennie sờ mái tóc mượt mà của ả. Lennie quá thích thú mân mê mái tóc đến mức hành động có chút thô bạo khiến cô ta sợ hãi phản kháng, và vì quá hốt hoảng Lennie cũng lỡ bay bẻ cổ giết luôn ả ta. Quá hoảng sợ, Lennie chạy trốn như Geogre dặn. Khi mọi người trở về phát hiện ra và bắt đầu săn lùng Lennie, Geogre đã đến chỗ Lennie, nhắc lại giấc mơ, bắn chết Lennie thật nhẹ nhàng và sau đó cùng Slim đi uống rượu…

Tôi đồng tình với cách các nhà phân tích cho rằng Geogre và Lennie là hai biểu tượng ý thức và vô thức trong con người - ở đây hiển nhiên Geoger là ý thức và Lennie là vô thức. Lennie sống, nói đúng hơn là tồn tại một cách hoàn toàn bản năng và thú vật, chỉ có thoả mãn hoặc không thoả mãn, và hoàn toàn không thể thấu hiểu được bất cứ điều xấu xa hay tốt đẹp nào do mình gây ra hay chứng kiến xung quanh. Lennie gần như hoàn toàn bị điều khiển bởi Geogre. Hướng phân tích rằng thực ra chính Geogre mới là người cần Lennie, cũng như ý thức cần vô thức, và tình bạn không vụ lợi giữa Geogre và Lennie là hình thức ý thức bảo vệ vô thức cũng khá là thuyết phục, nhưng cá nhân tôi lại nhìn nhận ở khía cạnh nông cạn hơn: Lennie là ước mơ hão huyền thuộc về bản năng của Geogre – cả 2 đều mơ về một mảnh vườn, một ngôi nhà, vật nuôi thực phẩm tự cung và quyền tự do không ai bắt bẻ được. Và việc Lennie liên tục bắt Geogre tả lại giấc mơ đó cũng như việc Geogre luôn kể tỉ mỉ lại ước mơ chính là hình ảnh ẩn dụ của việc Geogre lang thang cầu bơ cầu bất nhưng tận thẳm thâm tâm từ trong vô thức, anh luôn muốn có một chỗ được an ổn, và luôn nhắc nhở chính mình, luôn bảo vệ cái “vô thức Lennie” đó như bảo vệ thứ ảo tưởng ý nghĩa duy nhất trong đời anh. Nhưng cũng không ít lần Geogre phát khùng với Lennie vì Lennie chỉ tối ngày làm hỏng chuyện, chỉ hão huyền và mù quáng, và nếu không có Lennie, không có cái ước mơ trong vô thức, thì anh đã có thể dễ dàng đi uống rượu kiếm gái mà sống một cuộc sống buông thả đi cho rồi. Theo phân tích tôi đọc được thì người ta viết rằng cuộc sống tự do cho riêng mình, có bạn gái, không có Lennie, mới là ao ước thực của Geogre. Nhưng tôi không cho là như vậy. Có vẻ tôi có cái cảm giác rằng thực ra Geogre muốn tự làm chủ vận mệnh của mình, chứ không muốn tiếp tục bị bản năng khống chế nữa. Lennie chính là ao ước thực của Geogre, cũng như ruộng vườn và cuộc sống tự làm chủ mình chính là ao ước thực sự của Geogre, nhưng trước bối cảnh xã hội, Geogre hiểu được ao ước nguyên thuỷ của mình chỉ là ảo tưởng hão huyền mà thôi, và nếu không có cái ảo tưởng hão huyền đó, anh ta có thể có cuộc sống tự do thuộc về mặt lý trí. Nói cách khác, tôi cho rằng Geogre muốn bỏ đi gông xiềng của ảo tưởng để sống tự do. [Tức là anh ta đổi ao ước thực của mình để có tự do về mặt lý trí. Càng viết càng rối….]

Thế nên, hành động giết Lennie cuối cùng không chỉ là đơn thuần là việc giải thoát cho Lennie khỏi cuộc sống không phù hợp với Lennie – nếu Lennie tiếp tục sống thì chỉ gây ra tai hoạ chứ không thể làm việc gì cho nên hồn cả; đó còn là hành động kết liễu giấc mơ trước hiện thực, chọn lựa cuộc sống trôi nổi bằng lý trí của Geogre. Đó là hành động giải thoát mình khỏi ảo tưởng không bao giờ thành hiện thực để tập trung sống chỉ vì bản thân giữa thời kì khổ ải. Nhưng đây cũng chẳng phải cuộc đấu tranh thiện ác, bởi Geogre cũng đâu có thiện và Lennie cũng đâu có ác. Khi phân tích một con người, không thể dùng tâm lý học nói chung và những lý thuyết đơn thuần theo motif phân loại để đánh giá kiểu này được. Phải dựa trên hoàn cảnh và con người được nói đến. Thiển ý cá nhân tôi là, đây là cuộc đấu giữa hiện thực-ảo tưởng, lí trí-vô thức; bởi ra có thể thấy rõ ràng Geogre nghĩ cho mình nên chẳng thể được coi là cái thiện, cũng như Lennie làm điều xấu nhưng hoàn toàn không ý thức được điều xấu thì làm sao có thể đánh giá là cái ác? Cuộc đấu đó chỉ đơn thuần là sự lựa chọn mà thôi. Thế nên cái cuộc chiến chính John Steinbeck nói đến, “cuộc đấu tranh vĩnh cửu của con người”, “trong cuộc chiến bất phân thắng bại” chỉ là cuộc đấu tranh với chính những mâu thuẫn của mình mà thôi.

Ngoài những điều lan man nghe có vẻ tâm linh và bác học ở trên ra, những ý nghĩa đơn giản hơn của tác phẩm Của chuột và người được thể hiện khá rõ ràng. Trong suốt thời kì Đại Khủng Hoảng, khi con người sống không bằng con chuột trên đất Mỹ, số phận lang bạt của những kẻ làm thuê buộc họ trở nên cay nghiệt, cô độc, bất chấp mọi điều để sống cuộc sống tha hoá. Không giống như sự đồng tâm hiệp lực, sự đùm bọc lẫn nhau và tình người khổ đau dưới vực thẳm của Chùm nho phẫn nộ, những nhân vật trong Của chuột và người đều hoàn toàn cô độc, bất cần, nhưng thẳm sâu đều mang những vết thương của thời đại: Candy sợ bị bỏ rơi khi trở nên vô dụng, Crooks bị coi khinh vì là người da đen tàn tật,… Những kiếp người trôi nổi không hi vọng, giống như Geogre “bắn chết” giấc mơ của mình.

Có thể tác phẩm mang nhiều ý nghĩa như vậy mà cũng có thể nó chẳng mang nhiều ý nghĩa đến như thế. Rốt cuộc chỉ có trí liên tưởng của độc giả mới có thể định nghĩa cho nó được mà thôi. Thế nhưng không thể phủ nhận được tầm quan trọng của bộ đôi tiểu thuyết Của Chuột và Người cùng với Chùm Nho Phẫn Nộ của John Steinbeck, không chỉ nó chúng đại diện cho trường phái tiểu thuyết kiểu Mỹ, chúng còn là những tài liệu lịch sử tường thuật quan trọng về thời kì Đại Khủng Hoảng ở đất nước vốn mang đầy “giấc mơ”.

Lấy bối cảnh nước Mỹ thời Đại suy thoái, cuốn tiểu thuyết mỏng đã trở thành kinh điển này kể một câu chuyện chân thực và hấp dẫn, dù bi kịch, về hai kẻ bên lề cố gắng tìm lấy một chỗ cho mình trong một thế giới nghiệt ngã. Lang thang khắp nơi tìm việc, George và Lennie, người bạn to lớn ngờ nghệch của hắn, chẳng có gì ngoài nhau và một giấc mơ chung: rằng một ngày nào đó họ sẽ kiếm đủ tiền để mua một trang trại. Nhưng rồi cũng như trong câu thơ của Robert Burus đã gợi cảm hứng cho nhan đề tác phẩm này, như trong chính cuộc đời này, những dự định tốt nhất thường đổ bể, những giấc mơ đẹp nhất thường không thành, mọi hy vọng của họ đã bị kết liễu ngay khi số phận đẩy Lennie ngờ nghệch đến chỗ gây ra một tội lỗi bất khả sửa chữa, để rồi từ đó hy vọng lao thẳng tới thất vọng và tất cả rơi vào một kết cục bi thảm không thể vãn hồi…

John Ernst Steinbeck Jr. [1902–1968] là nhà văn vĩ đại người Mỹ từng giành giải Pulitzer năm 1939 và Nobel văn chương năm 1962.Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ với hàng chục tiểu thuyết, truyện ngắn và sách phi hư cấu, trong đó đáng chú ý nhất có thể kể đến Của chuột và người [1937], The Long Valley [1938], The Grapes of Wrath [1939], East of Eden [1952], The Winter of Our Discontent[1961], và Travels with Charley [1962].

Tác giả: John Steinbeck Dịch giả: Hoàng Ngọc Khôi Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn

Công ty phát hành: Nhã Nam

Of Mice and Men xuất bản tháng 2/1937 vào thời kinh tế khủng hoảng, lúc đó chính John Steinbeck [1902-1968] mới bắt đầu có cuộc sống tương đối ổn định sau khi phát hành cuốn Tortilla Flat [1935]. Of Mice and Men kể về tình bạn và những ước mơ chung của George và Lennie, hai công nhân nông nghiệp lang thang khắp nơi để kiếm sống.

George là một kẻ khôn ngoan, thực tế, biết lượng sức mình, biết điều gì là có thể, điều gì là hão huyền, nhưng hắn cũng có những hy vọng tuy tầm thường mà viễn vông, tự dối mình, như phần lớn chúng ta đều có lần đã có. George là bạn và cũng là kẻ bảo vệ Lennie, một đứa khờ khạo và ngây thơ như con trẻ, nhưng có sức khoẻ phi thường. Tình bạn của George và Lennie góp phần củng cố những ao ước của cả hai về một tương lai mơ hồ, về miếng đất mà họ sẽ mua để trồng trọt, nuôi con lợn hay con bò, đàn gà và bầy thỏ, để được thu hoạch những gì do chính tay họ vun trồng, để thoát khỏi kiếp đi làm thuê khắp chốn. Nhưng cũng như “những toan tính kỹ nhất của chuột và người”, George và Lennie thất bại.

Steinbeck viết Of Mice and Men dưới hình thức giống như một vở kịch nhiều màn. Mở đầu mỗi màn là lời giới thiệu ngắn gọn về thời gian và không gian, với sắc nắng và hoàng hôn của núi đồi California, rồi im lặng. Rồi các nhân vật ra vào, đàm thoại và độc thoại, bộc lộ dần cá tính của họ cũng như cho biết thêm về bối cảnh xã hội, từ đó đưa tình tiết lên đến cao điểm, và cuối cùng kết thúc bằng một thảm kịch. Màn cuối trở lại cảnh ban đầu, như thể khép lại một vòng đời: vẫn là buổi chiều tà ở California, cũng những ngọn đồi rực hồng dưới nắng, bên vũng nước xanh thẳm của dòng Salinas, với con chim diệc, con rắn nước, bụi liễu, hàng cây ngô đồng, một lối mòn, và một đống tro tàn của nhiều ngọn lửa trong quá khứ. Khung cảnh ấy và thời gian ấy sẽ chứng kiến một niềm mơ ước giản dị sắp trở thành hiện thực, nhưng bỗng chốc hoá ra phù du. Lời đối thoại được viết theo cách phát âm phi chuẩn mực của tầng lớp công nhân nông nghiệp đi lang bạt tìm miếng ăn chỗ ngủ, với những chữ đồng âm dị nghĩa, tiếng lóng, những câu sai văn phạm, tối nghĩa, vấp váp, và nhiều khi tục tằn, nhưng giàu biểu cảm, màu sắc và hình tượng, thể hiện rõ đặc điểm hoang dã của các nhân vật và bối cảnh ấy.

Câu chuyện xảy ra ở vùng đất mang tên Soledad, “cô đơn”. Nội dung chính của tác phẩm là nỗi cô đơn của con người, là ước mơ của những kẻ dưới đáy bậc thang xã hội. Ước mơ có một chốn cho riêng mình của George và Lennie, ước mơ được thu hoạch những gì do chính bàn tay mình làm ra và ước mơ sống yên ổn trong tuổi già cũng như được chết tươm tất của Candy, khao khát được đối xử như một con người của gã da đen gù lưng Crooks, và thậm chí những mơ mộng đáng thương của đứa con gái dại dột mỗi lần xuất hiện chỉ đem lại tai họa vô tình đến cho kẻ khác.

Và một ước mơ chung, và dường như tầm thường nhất, nhưng không thể nào thực hiện: ước mơ được có người trò chuyện, được chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, của George, Lennie, Candy, Crooks và đứa con gái không tên. Những cái tên riêng nói lên đặc điểm hoặc suy nghĩ thầm kín của từng nhân vật: Small và Candy và Curley và Slim và Crooks, hay một cái tên rất thông thường như George, và thậm chí vô danh như người nữ duy nhất trong truyện. Họ biết họ muốn gì, và họ thường thất bại, nhưng họ sẽ thổ lộ với kẻ khác để được chia sẻ. Candy muốn tự tay mình bắn con chó già của ông để nó không phải sống khổ nữa, thay vì để cho người lạ bắn. Ông tâm sự với George, từ đó gieo vào tiềm thức gã ý niệm phải dứt khoát khi cần có quyết định rốt ráo để kẻ khác không làm hại được bạn gã. Hoàn cảnh kinh tế và thành kiến xã hội, cũng như lỗi lầm và khả năng giới hạn của từng người không cho phép họ thực hiện những mơ ước bình thường và đơn sơ của họ.

Năm 1937, khi trả lời phỏng vấn của báo New York Times về vở kịch cùng tên do ông viết lại theo góp ý của đạo diễn George S. Kaufman, Steinbeck nói:

“Bản thân tôi cũng là đứa ma cà bông một thời gian. Tôi làm việc trong vùng đã xảy ra câu chuyện ấy. Các nhân vật trong một chừng mực nào đó là tổng hợp của nhiều người. Lennie có thật. Hiện giờ hắn bị nhốt trong một nhà thương điên ở California. Tôi làm việc chung với hắn nhiều tuần. Hắn không giết cô gái nào. Hắn giết một tay cai thợ. Bực mình vì ông sếp đuổi bạn hắn, hắn đâm cây chĩa vô bụng ông ta.”[1]

Steinbeck ban đầu đặt tên Something That Happened cho cuốn tiểu thuyết này, nhưng ông đổi lại là Of Mice and Men sau khi đọc bài thơ “To A Mouse” của nhà thơ xứ Scotland, Robert Burns [1759-1796]. Câu thơ nói về nỗi hối tiếc của một nông dân khi lưỡi cày của ông ta phá vỡ ổ chuột. Sau đây là một đoạn trích trong bài thơ:

But, Mousie, thou art no thy-lane In proving foresight may be vain: The best-laid schemes o’ Mice an’ Men Gang aft agley, An’ lea’e us nought but grief an’ pain, 

For promis’d joy![2]

Nhưng chuột nhỏ ơi, mày không đơn độc, Khi cho thấy lo xa có thể hão huyền: Vì các toan tính kỹ nhất của chuột và người Thường sai lệch, Và chỉ để lại cho chúng ta nỗi đau buồn, 

Thay vì niềm vui mong đợi!

Of Mice and Men được Steinbeck viết lại thành kịch để trình diễn lần đầu trên sân khấu vào tháng 11 năm 1937, sau đó được diễn hàng trăm buổi và nhận giải thưởng New York Drama Critics. Tác phẩm cũng được chuyển thành phim truyện và phim truyền hình nhiều lần. 

Với một kết thúc dữ dội, cuốn truyện vừa này đã được dùng để dạy trong trường trung học ở Mỹ, nhưng cũng có thời bị liệt vào loại sách cấm, bị lấy khỏi các thư viện. Trong bối cảnh xáo trộn hiện nay ở khắp nơi, có lẽ Of Mice and Men nên được đọc và diễn lại để nhắc cho chúng ta rằng con người thường có những ước mơ đơn giản mà không thành sự thật, bất kể họ nghèo khổ hay giàu sang, thô lỗ hay phức tạp, ở quê hương mình hay lưu lạc nơi đâu. Chúng ta đều là những George và Lennie, Candy và Crooks và đứa con gái không tên gần một thế kỷ trước. Họ vẫn đang hiện diện trên thế gian, trên bãi rác của văn minh và thịnh vượng sát bên cảnh hỗn mang cùng khổ vào buổi đầu của thiên niên kỷ này. Phải chăng những điều xảy ra với họ chính là những toan tính hão huyền, nhưng không sao khác được, của chuột và người, của chúng ta? Có lẽ nào đó là những điều không sao khác được?

Tháng 8 năm 2018

Phạm Văn/Tạp chí da màu

[1] New York Times, “Men, Mice and Mr. Steinbeck”, 5/12/1937, in lại trong Conversations with John Steinbeck, Thomas Fensch biên tập, University Press of Mississippi ấn hành, bản in lần thứ tư, 1999, trang 8-10. [2] Trích từ //en.wikipedia.org/wiki/To_a_Mouse. Viết theo tiếng Anh ngày nay:

But little Mouse, you are not alone, In proving foresight may be vain: The best laid schemes of mice and men Go often askew, And leave us nothing but grief and pain, 

For promised joy!


Video liên quan

Chủ Đề