Cuộc Duy tân Minh Trị có tác dựng như thế nào đối với Nhật Bản

(Last Updated On: 17/02/2022)

Nhật Bản là một quốc gia đảo ở châu Á. Đất nước Nhật Bản trải dài theo hình cánh cung gồm 4 đảo chính: Hônshu (Bản Châu). Hôkkaiđô (Bắc Hải đảo) Kyushu (Cửu Châu) và Shikôku (Tứ quốc). Diện tích chừng 374.000 km2. Nhật Bản nằm ở vòng cung núi lửa và luôn xảy ra chấn động. Đất nước nhiều núi, ít sông và sông ngắn, vùng đồng bằng trồng trọt chỉ khoảng 15%, là một vùng cằn cỗi, ít tài nguyên, nhân dân Nhật Bản phải vật lộn vất vả để tồn tại và phát triển.

Nhờ vị trí cách biển khá rộng với Trung Hoa nên ảnh hưởng của vòng cung văn hóa Trung Hoa có nhiều hạn chế và do đó, Nhật Bản có khả năng tạo nên một thế giới mang bản sắc riêng.

Vào thời kỳ cận đại, cũng nhờ vào những điều kiện của riêng mình, Nhật Bản đã tìm được con đường tự hội nhập với thế giới phát triển, và với công cuộc Duy tân Minh Trị, Nhật Bản trở thành một đế quốc tư bản duy nhất ở châu Á.

I – Tình hình kinh tế chính trị xã hội Nhật Bản trước Duy tân Minh trị

1. Tình hình kinh tế và sự khủng hoảng của chế độ phong kiến

Vào giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Nhật Bản Tôkugawa sau mấy thế kỷ thống trị đã rơi vào tình trạng bế tắc, suy thoái, không thể nào đáp ứng sự phát triển, không đủ sức chống lại sự xâm nhập của đế quốc ÂuMỹ.

Nền nông nghiệp dựa trên quan hệ phong kiến, quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà nước phong kiến, tình trạng cát cứ không phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất. Pháp luật, không công nhận nông dân Nhật có quyền chiếm hữu đất đai mặc dầu họ được canh tác trên những mảnh đất cha truyền con nối. Việc mua bán đất bị cấm ngặt, nhưng trong thực tế việc gán đất đã xảy ra đến quy mô lớn. Vì thiên tai, mất mùa hoặc do bệnh tật trong các gia đình nông dân, họ không đủ sức nạp nghĩa vụ tô thuế, lao dịch nên phải gán đất cho nhà giàu ở nông thôn hay chủ buôn bán, người cho vay nặng lãi ở thành thị. Về hình thức, người nông dân vẫn giữ đất của mình và tiếp tục cày cấy nhưng thực ra, họ đã trở thành tá điền, không chỉ nộp tô thuế cho Daimyô mà còn phải nộp tô tiễn hay tô hiện vật cho chủ nợ. Người phú nông chủ nợ, có quyền sở hữu đất đai, thực tế được gọi là Dzinusi tức là địa chủ. Ở Nhật Bản lúc bấy giờ còn khuyến khích khai hoang và dành cho chủ đất nhiều quyền lợi, được miễn thuế trong một thời gian nhất định. Sắc lệnh khẩn hoang năm 1721 đã tạo điều kiện cho các thương gia cho vay lãi ở thành thị xuất vốn tham gia khai khẩn đất hoang. Như vậy độc quyền chiếm hữu đất đai của quý tộc bị phá vỡ ở một mức độ đáng kể. Bên cạnh những lãnh chúa phong kiến truyền thống đã xuất hiện giai cấp địa chủ Dzinusi gồm phú nông và các nhà buôn cho vay nặng lãi.

Địa chủ bóc lột nông dân Nhật Bản nặng nề, vượt quá quy định pháp luật, mức tô thuế trung bình 50% số thu hoạch. Song nông dân, và nhất là tá điền phải trả tô cho cả lãnh chúa lẫn địa chủ lên tới 70% thu hoạch hay cao hơn nữa.

Sự phát triển của các quan hệ hàng hóa, tiền tệ, hiện tượng chiếm hữu đất đai kinh doanh và việc hình thành những quan hệ mới, đã làm thay đổi các quan hệ trong nông nghiệp.

Diện tích trồng cây phục vụ công nghiệp và thị trường đem lại nhiều lợi nhuận như các cây bông, dâu, chè, thuốc lá, chàm tăng nhanh. Thời kỳ này Nhật Bản đã vượt lên trong sản xuất, cạnh tranh về hàng tơ lụa, làm cho nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, diện tích trồng bông, dâu ở quanh các thành phố lớn như Ôsaka, Kyôtô đã vượt qua diện tích trồng lúa. Chính quyền Shôgun thu tô thuế bằng tiền thay cho hiện vật. Từ năm 1722-1836 số lúa nộp cho Shôgun giảm 10% trong khi thuế thu bằng tiền tăng gấp 3 lần.

Một hiện tượng mới ở nông thôn là sự xuất hiện chế độ làm thuê năm, thuê tháng và thuê công nhật. Tuy ở Nhật Bản, việc nông dân ra khỏi lãnh địa đi làm thuê đều bị bắt trả về cho lãnh chúa, nhưng hiện tượng trốn khỏi lãnh địa vẫn xảy ra không gì ngăn chặn nổi. Nông dân đi kiếm việc làm ở thị trấn và những vùng thiếu lao động.

Vào đầu thế kỷ XIX, những dấu hiệu khủng hoảng của nền kinh tế tự nhiên ngày càng lộ rõ. Tình trạng mất mùa, đói kém, ôn dịch liên tiếp xảy ra. Trong 50 năm từ 1790-1840 theo tài liệu thống kê không đầy đủ, nước Nhật có 22 lần mất mùa, nạn đói bao trùm một phần khá lớn đất nước.

Quan hệ phong kiến tan rã làm cho hàng vạn cư dân chạy ra thị trấn kiếm việc làm, tạo nên tầng lớp thị dân mới. Vào đầu thế kỷ XVIII những thành phố như Edô, Ôsaka, Kyôtô v.v.. đã có hàng chục vạn cư dân sinh sống. Thủ đô Êdô vào giữa thế kỷ XIX có tới gần 60 vạn dân, Ôska có khoảng 30 vạn.

Vào đầu thế kỷ XVIII, đặc biệt là thế kỷ XIX, công thương nghiệp phát triển mạnh mẽ và tác động trở lại đối với xã hội. Tổ chức sản xuất thủ công nghiệp truyền thống là các phường hội ở thành thị, lao động tại nhà của nông dân. Các công trường thủ công và phường hội đầu tiên xuất hiện ở các công quốc vào những năm 20 của thế kỷ XVIII. Chính quyền đã giao cho phường hội độc quyền sản xuất kinh doanh một thứ hàng hóa và phải nộp nhà nước một khoản nghĩa vụ bằng tiền.

Những thương đoàn lúa gạo, tơ lụa, thương nhân đông tới hàng ngàn. Thương đoàn lúa gạo Osaka có tới 1351 nhà, ở Êđô có tới 1706 nhà. Họ được độc quyền buôn bán trong nước.

Công trường thủ công phân tán, khá phổ biến đem lại hiệu quả cho nền sản xuất kinh doanh. Nông dân thường nhận nguyên liệu từ những chủ kinh doanh, sản xuất tại nhà và giao hàng cho chủ theo định kỳ. Sản phẩm của họ làm ra đều thuộc về chủ. Cũng có nhiều nơi, thực tế nông dân lĩnh lương của nhà buôn. Ở miền Trung Nhật Bản trên đảo Hônshu trong các ngành tơ, lụa, kéo sợi, dệt vải, công nghiệp tại gia phát triển nhanh chóng. Mỗi khu vực trong nước chuyên môn sản xuất một mặt hàng nào đấy. Sự tiêu thụ ngày càng tăng về vải lụa vào nửa đầu thế kỷ XVIII cho phép xuất hiện nhiều công trường thủ công dệt. Ở miền Nam trong công quốc Satsuma ngành sản xuất tơ lụa có nhiều xí nghiệp thuê từ 20 đến 30 công nhân.

Vào nửa sau thế kỷ XVIII công trường thủ công sản xuất lụa vải xuất hiện ở nhiều tỉnh, có đến 100 công trường do phong kiến tổ chức quản lý. Ở Tôkyô năm 1850 có công trường có từ 10 đến 20 máy dệt. Trong những năm 50 – 60 đã xuất hiện công nghiệp luyện thép và những công xưởng đóng tàu ở các công quốc phía Tây Nam.

Tuy công nghiệp Nhật Bản có những bước phát triển nhưng gặp nhiều khó khăn. Tính biệt lập của các công quốc làm xuất hiện hàng rào quan thuế và đủ thứ hạn chế của chính phủ, đặc biệt là việc cấm nông dân không được bỏ đất, chạy ra thành thị.

Đến giữa thế kỷ XIX, số công trường thủ công lên tới hàng trăm nhưng công nghiệp chế tạo vẫn chưa ra đời. Tỉ lệ sản phẩm công nghiệp Nhật so với thế giới không đáng kể, ngành đúc đồng khoảng 6% và ngành sản xuất tơ cũng chỉ mới chiếm 10% (năm 1867).

2. Sự tan rã quan hệ giai cấp cũ và xuất hiện giai cấp mới

Mặc dù chính phủ Shôgun cố làm cho nước Nhật vươn lên, nhưng lại muốn duy trì nguyên trạng các đẳng cấp. Tuy vậy, quy luật phát triển xã hội đã thay đổi, quan hệ hàng hóa tiền tệ đã làm xói mòn những giá trị tưởng chừng bất biến, làm thay đổi các đẳng cấp trong xã hội.

Daimyô là những quý tộc phong kiến lớn quản lý các vùng lãnh địa trong nước. Họ thực sự là một quốc vương của một lãnh địa, có chế độ thuế khóa, luật pháp và quân đội riêng, ở Nhật Bản có gần 300 Daimyô có quyền lực lớn. Họ không duy trì được sự phát triển kinh tế xã hội, không đủ sức cung cấp nhu cầu cuộc sống cho mình và cho đạo quân võ sĩ. Mâu thuẫn ngày càng lớn. Các Daimyô phân hóa thành hai thế lực.

– Thế lực của các phiên phía Bắc, kinh tế không phát triển, thành lực lượng bảo thủ. Đại diện là Daimyô ở Hôkkaiđô.

– Thế lực của các phiên Tây Nam, tiếp xúc với thị trường kinh tế phát triển như Satsuma, Tosa, Choshu, Hizen đều giàu mạnh lên, có xu hướng canh tân, chống lại tính bảo thù và sự hạn chế của chế độ quân sự phong kiến.

Samurai là tầng lớp được luyện cả văn và võ. Trừ một số Samurai lớp trên, đại đa số là bộ phận phục vụ quân sự của các Daimyô. Bộ phận này vào thời kỳ cận đại đã lên tới hơn hai triệu. Số lượng phát triển đông đảo làm cho các Daimyô không đủ sức thỏa mãn những nhu cầu kinh tế. Họ là người có học, có kiến thức tổ chức và quân sự, là tầng lớp được ưu đãi trong xã hội phong kiến.

Cuộc đấu tranh phát triển xã hội làm cho họ phân hóa thành người kinh doanh, rời bỏ cuộc sống trong các lãnh địa để ra thành thị. Nhờ có học vấn nên họ nhanh chóng nắm được kiến thức mới. Họ trở thành bộ phận quý tộc có tư tưởng chống lại Shôgun, muốn tiến hành cuộc cải cách xã hội.

Thương nhân Osaka có vị trí đặc biệt quan trọng. Osaka là trung tâm kinh tế của Nhật Bản lúc bấy giờ. Những tập đoàn thương gia lúa gạo lớn đã nắm được mạch sống của đất nước. Các Daimyô gặp khó khản kinh tế phải bán trước số thóc một hay vài năm, và như vậy họ tự rơi vào tình trạng lệ thuộc về tài chính. Các phú thương dần dần nắm lấy đất đai và do đó họ nắm cả nông dân, tham gia bóc lột trực tiếp. Đến nửa sau thế kỷ XVIII, quyền sở hữu đất đai thực tế đã nằm trong tay các nhà buôn giàu có.

Daimyô thành con nợ của thương nhân, còn thương nhân tuy giàu có nhưng lại thiếu quyền lực và vị trí xã hội. Thương gia có thể dùng tiền mua tước hiệu Samurai, cũng có thể qua con đường hôn nhân với con cái Samurai để tạo nên vị trí của mình. Về pháp luật và cách nghĩ theo thói quen truyền thống, thương gia dù giàu có cũng không được coi trọng. Họ thường là chủ nợ của các lãnh chúa, của võ sĩ, thậm chí cả Tướng quân (Shôgun) nhưng họ không có địa vị xã hội tương ứng.

Nông dân chiếm 80 % – 90% cư dân, là lực lượng cơ bản của nền sản xuất Nhật Bản. Nhưng vốn là tá điền của lãnh chúa, nông dân không có quyền rời khỏi lãnh địa, nếu trốn chạy, lãnh chúa có quyền bắt về. Cùng với sự phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế nông dân càng khó khăn, hàng vạn người phải ra thành thị kiếm sống vì không có đất, không có việc làm. Đó là nguồn cư dân cơ sở của thành thị. Thân phận khốn khó của nông dân làm cho họ bất mãn với chế độ Tướng quân (Shôgun).

3. Phong trào đấu tranh của nông dân và thị dân

Phong trào đấu tranh của nông dân như những đợt sóng xói mòn chế độ phong kiến. Thực ra thì ở Nhật Bản phong trào nông dân và dân nghèo chưa bao giờ lật đổ được chế độ thống trị và tạo nên những vương triều mới.

Nhưng do phải đấu tranh để sinh tồn, các cuộc khởi nghĩa của nông dân và thị dân ngày càng gia tăng. Theo thống kê thế kỷ XVII có 188 cuộc khởi nghĩa, thế kỷ XVIII có tới 514 cuộc và trong 67 năm của thế kỷ XIX có tới 538 cuộc. Các cuộc khởi nghĩa lan dần đến ven hoặc vào thành phố lớn như Edô, Nagasaki, Takayama và cả hầm mỏ Ykunô.

Trong những năm 30 – 40 của thế kỷ XIX, do mất mùa, giá gạo lên cao, cuộc khởi nghĩa của nông dân lan ra thành thị đã thúc đẩy dân nghèo nổi dậy. Cuộc đấu tranh năm 1837 của Ôsyô Heihatiro – là một Samurai lãnh đạo, đã nổ ra ở Ôsaka. Những người khởi nghĩa đòi giảm thuế, giảm tô, chống sự lộng hành của thôn trưởng, chống đầu cơ tích trữ của các thương gia và các chủ nợ.

Những cuộc đấu tranh của dân thành thị đề ra khẩu hiệu mọi người bình đẳng. Có thể kể đến cuộc khởi nghĩa ở Bongô, Hirôshima, cuộc khởi nghĩa của Ikuta Yôrôsi ở Kashiwadaki, cuộc khởi nghĩa của 2000 nông dân ở Nôshi thuộc Sêtsu, cuộc nổi dậy của nông dân Omi năm 1842.

Các cuộc khởi nghĩa cho thấy chính quyền Tôkugawa sau mấy thế kỷ tồn tại đã đến lúc không đủ sức điều hòa các mâu thuẫn xã hội và giải quyết con đường phát triển xã hội của Nhật Bản.

II – Tư bản phương Tây mở của Nhật Bản và Thiên hoàng Minh Trị lên ngôi

1. Tư bản phương Tây mở cửa Nhật Bản

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Âu-Mỹ đã đòi hỏi mở cửa Nhật Bản để giao lưu buôn bán. Mỹ lúc này đặc biệt chú ý đến Nhật vì Nhật có thể thành trạm cho các tàu Mỹ dừng chân để tỏa ra các khu vực Trung Quốc và Thái Bình Dương. Đô đốc M.C.Perry 1853 đã đưa 4 chiến thuyền đến cảng Uraga (trong vịnh Tôkyô ngày nay) yêu cầu Nhật Bản cứu trợ và bảo vệ những thủy thủ Mỹ, mở cửa thông thương, tiếp than cho tàu từ California đến Trung Quốc. Năm 1854 Perry dẫn 4 chiến thuyền đến và đã ký hiệp ước Kanagawa buộc Nhật Bản đồng ý mở cửa Shimôda và Hakodate. Theo đó Mỹ có quyền lấy than, lương thực, nước cho các chuyến tàu biển qua đó.

Năm 1858 Mỹ ký hiệp ước buôn bán bất bình đẳng với Nhật mở cửa Êdô, Nigata, Kôbe, Yôkôhama, Osaka và Nagasaki giành được quyền lãnh sự tài phán và tối huệ quốc về quan thuế. Ít lâu sau Anh, Pháp, Nga và các cường quốc châu Âu cũng ký hiệp ước với Nhật. Những hiệp ước bất bình đẳng làm cho Nhật Bản rơi vào địa vị phụ thuộc và Mỹ nắm quyền lũng đoạn.

2. Ảnh hưởng của việc mở cửa

a) Khẩu hiệu: “Chống ngoài, ủng hộ Thiên hoàng”.

Năm 1853 khi Perry đến Nhật Bản đòi ký hiệp ước thì phủ Shôgun đã phải báo cáo xin ý kiến Thiên hoàng. Shôgun cũng hỏi ý kiến các Daimyô về đề nghị của Perry.

Nói chung, các lãnh chúa không tán đồng mở cửa và ký kết hiệp ước với các nước phương Tây. Nhưng sau năm 1854 Shôgun đã nhận rõ là Nhật sẽ không kháng cự được và quyết định ký hiệp ước với họ.

Mâu thuẫn về kinh tế, quyền lợi chính trị và ngoại giao làm cho lực lượng chống Shôgun hợp thành một thế lực. Họ nêu khẩu hiệu “Bài ngoại”. Shôgun đàn áp các thế lực lãnh chúa, võ sĩ có khuynh hướng cải cách chống lại mình. Lực lượng đối lập chống Shôgun đã hình thành, đưa ra khẩu hiệu “chống ngoài, ủng hộ Thiên hoàng”.

b) Kinh tế:

Việc mở cửa và bồi thường thiệt hại do các võ sĩ gây racho người ngoại quốc đã làm cho gánh nặng tài chính ngày càng lớn. Những món tiền lớn chi vào việc mua vũ khí và chiến thuyền Âu-Mỹ xây dựng pháo đài, càng làm cho tài chính thiếu hụt, thuế má nặng nề.

Thêm vào đó là hàng hóa nước ngoài nhập ngày càng nhiều vào thị trường Nhật Bản làm cho nhiều ngành nghề thủ công bị ảnh hưởng, đời sống của những người nông dân, dân nghèo gặp khó khăn lớn. Ngành tơ lụa, vải sợi đều không thể cạnh tranh với bên ngoài, tạo nên sự hỗn loạn trong cuộc sống kinh tế.

Tỉ giá hối đoái vàng và bạc so với bên ngoài chênh nhau 3 lần làm cho vàng Nhật Bản bị đưa ra ngoài. Việc “chảy máu vàng” làm cho giá cả tăng vọt. Lúa gạo từ năm 1860 đến 1867 trượt giá đến 14 lần, giá muối tăng 10 lần.

Tình hình kinh tế không ổn định đã ảnh hưởng tới cuộc sống khó khăn của hàng triệu Samurai. Họ phải sống vất vưởng, những nguyên tắc đạo đức không còn giữ được nữa. Ngay cả nguyên tắc của các đẳng cấp cũng phải biến đổi theo. Những võ sĩ, vốn là người có quyền điều khiển trực tiếp trật tự xã hội Nhật Bản, ngày nay đã mất hết quyền. Điều này làm cho tầng lớp Samurai bất bình. Họ trở thành lực lượng hay gây gổ với người ngoại quốc. Về một chừng mực nào đấy, họ đại diện cho tinh thần dân tộc.

Việc mở cửa và ảnh hưởng của nó làm cho phong trào đòi lật đổ Shôgun càng mạnh mẽ. Các lực lượng chống Shôgun, đứng đầu các công quốc Satsuma, Chôshu, Hizen, Tôsa đã hợp thành những bộ phận chủ yếu chống lại lực lượng bảo thủ, ủng hộ Thiên hoàng, đòi trả quyền cho Thiên hoàng, và đòi tiến hành cải cách.

3. Sự can thiệp của nước ngoài và cuộc đấu tranh chống Shôgun

Những cuộc nổi dậy của Samurai chống lại người nước ngoài được dùng làm cớ để quân Anh và quân Pháp đổ bộ vào Yôkôhama vào tháng 5-1863 và họ ở lại đây đến năm 1875.

Vào đầu năm 1860 các nước tư bản chủ nghĩa đã liên kết nhau ủng hộ Shôgun nhằm bảo vệ quyền lợi của chính họ. Chính quyền Shôgun lún sâu trên con đường thỏa hiệp. Năm 1862 nhân việc một nhà buôn của Anh là Richardson bị giết, Anh đòi bồi thường tiền và đưa hạm đội tới gây áp lực. Tháng 8 năm 1863, chiến hạm Anh oanh kích cảng Kagôshima thuộc công quốc Satsuma. Satsuma chịu trả tiền bồi thường; lập tức Anh thiết lập quan hệ với công quốc Satsuma và sau đó với Choshu. Đó là hai công quốc chống lại Shôgun.

Trong khi Anh bắt đầu liên minh với lực lượng chống Shôgun thì Pháp lại đứng về phía Shôgun.

Đến năm 1864 sự can thiệp của nước ngoài vào Nhật Bản ngày càng tăng. Hạm đội MỹAnh-Pháp-Hà Lan tấn công Shimonoseki, đòi quyền qua lại cảng này.

Chạm trán với kỹ thuật châu Âu và sau đó được viện trợ của Anh về quân sự, các công quốc chống Shôgun đều bỏ khẩu hiệu chống người nước ngoài. Từ năm 1864 trở đi ai đánh nhau với người nước ngoài đều bị trị tội.

III – Sự thiết lập chính quyền mới của Thiên hoàng Minh Trị

1. Shôgun buộc phải trao trả quyền hành cho Thiên hoàng

Năm 1866 nạn mất mùa và đói kém gây nên cuộc khủng hoảng lớn. Thị dân nổi dậy đòi lúa gạo ngay trong các thành phố quan trọng như Edô, Ôsaka v.v.. Còn nông dân thì có phong trào phản phong đòi giải phóng khỏi sự ràng buộc đất đai của chế độ phong kiến. Thái độ xấc xược của bọn nước ngoài càng tăng thêm lòng căm phẫn của nhân dân. Và do đó, phong trào chống ngoài vẫn không mất đi trong nhân dân, mặc dù lực lượng chống Shôgun trong số các Daimyô đã bắt tay với các nước đế quốc.

Cuộc nổi dậy của nông dân chứng tỏ nhân dân đang muốn thay đổi

một thể chế xã hội đã không còn có khả năng làm cho đất nước phát triển. Phong trào đòi bình đẳng, đòi cung cấp thóc gạo và giảm tô lan rộng.

Vào năm 1865 quyền hành ở Choshu thuộc phái chống Shôgun mạnh lên. Choshu tổ chức quân đội theo kiểu phương Tây, không phân biệt võ sĩ hay nông dân đều dùng súng và trang bị tàu chiến. Họ dùng chuyên gia người Anh và Omura Yasujiro một quý tộc quân sự có tài đã lãnh đạo xây dựng quân đội cận đại cho Choshu.

Satsuma là công quốc mạnh ở phía Nam đã liên minh với Choshu chống lại Shôgun. Như vậy lực lượng của phe chống đối dần dần chiếm thế mạnh. Tháng 6-1866 cuộc chinh phạt của Shôgun nhằm khuất phục Choshu bị thất bại, những ngày cuối của chính quyền Shôgun đã đến.

Ngày 9-11-1867 trước thế lực của các công quốc Choshu, Satsuma cùng Thiên hoàng, Shôgun Keiki đã xin trao trả quyền cho Thiên hoàng Mutsuhitô, vừa lên ngôi mới 15 tuổi.

2. Thiên hoàng Minh Trị lên nắm quyền

Như vậy, quyền lực Shôgun của dòng họ Tôkugawa kéo dài 265 năm đã kết thúc, lịch sử Nhật Bản sang một trang mới. Ngày 3-1-1868 Thiên hoàng ra lệnh truất quyền Shôgun và thành lập Chính phủ mới. Các lực lượng quân sự của Satsuma và Choshu được giao phó bảo vệ chính phủ hoàng triều.

Shôgun Keiki sau khi bị tước bỏ quyền lợi liền nổi dậy kéo quân về Kyôtô. Nhưng lực lượng quân sự của Thiên hoàng cùng với các phiên Satsuma, Choshu đã đánh tan đạo quân của Keiki. Bị thất bại, Keiki chạy về Edô, sau đó đầu hàng. Nhà vua tha cho trở về lãnh địa, nhưng vẫn được lãnh tước hiệu quý tộc cao nhất.

Cuộc đấu tranh chuyển quyền lực từ Shôgun sang Minh Trị, thực ra không phải là cuộc “trả lại quyền bính”, mà đã đánh dấu một bước đi lên, đổi mới có ý nghĩa cách mạng.

Một chính quyền mới được thành lập do Thiên hoàng đứng đầu tuyên bố sẽ lập một nghị viện có khả năng phản ánh ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân. Đẳng cấp quý tộc tư sản hóa (Samurai) là lực lượng chủ yếu trong chính quyền mới mong muốn canh tân đất nước, mặc dầu còn nhiều hạn chế.

Cuộc cải cách hành chính được thực thi ngay vào giữa tháng 6-1869. Các công quốc trao trả quyền quản lý đất đai và cùng với cư dân trong lãnh địa tạo nên hệ thống hành chính thống nhất trong cả nước. Thiên hoàng nắm quyền lãnh đạo tối cao, các lãnh chúa được bổ nhiệm chức vụ tri huyện. Xóa bỏ tước hiệu Daimyô, đổi thành Kadoku (quý tộc cấp cao) và tầng lớp Samurai là Shidoku (sĩ tộc) và Xôdudôku (tốt tộc), các tầng lớp khác là bình dân. Chế độ đẳng cấp của Nhật Bản bước đầu thay đổi. Chế độ thu tô lãnh địa thay bằng chế độ lương bổng. Tháng 7-1869 tiến hành cải cách quan chế, thành lập các bộ và cử các bộ trưởng.

Tiếp theo là sự biến đổi về quan hệ trong nông nghiệp. Minh Trị muốn giải phóng sức sản xuất và ổn định cuộc sống nông thôn, nhưng Nhật Bản không giải quyết theo kiểu Anh hoặc Pháp mà chỉ quyết định cho phép ruộng đất trở thành hàng hóa, được tự do mua bán. Đất ruộng được định giá và căn cứ vào giá để đánh thuế. Thuế đất là 3% giá đất và nộp bằng tiền. Về kinh doanh, chủ đất có quyền tự do trồng trọt các loại cây có lãi nhất. Việc cho phép tự do mua bán ruộng đất và giải phóng sức lao động khỏi ruộng đất đã tạo nên khả năng bổ sung nguồn nhân lực cho thành thị và đưa kinh doanh nông.nghiệp vào quỹ đạo của kinh tế thị trường.

Chính quyền Minh Trị nhận thức một cách đúng đắn tầm quan trọng của công thương nghiệp. Ngay khi lên nắm chính quyền, Minh Trị đã khuyến khích phát triển công thương nghiệp. Ngoài việc tạo điều kiện thiết lập một thị trường thống nhất trong nước, nhà nước còn tính tới thị trường quốc tế và du nhập kỹ thuật tiên tiến. Việc thực hiện chế độ tiền tệ thống nhất, đo lường thống nhất, quan thuế thống nhất đã tạo nên những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Ngành công nghiệp được coi trọng, đặc biệt là công nghiệp quân sự. Chính phủ tiếp thu những cơ sở súng đạn của các công quốc và mở rộng với quy mô lớn. Các ngành khai thác mỏ, luyện kim, đóng tàu cũng được chú ý.

Để có thể nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu tiếp thu kỹ thuật và phát triển xã hội, Minh Trị chú ý tới cải cách giáo dục và thi hành chế độ cưỡng bức giáo dục.

Nhìn chung chế độ Nhà nước của Minh Trị Thiên hoàng ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, dựa vào lực lượng tầng lớp võ sĩ và các lãnh chúa có tư tưởng cải cách. Tư tưởng của tầng lớp quý tộc tư sản hóa đã quyết định con đường phát triển của Nhật Bản. Đây là một cuộc cải cách duy tân mang tính chất quy luật thời đại, nhằm đưa đất nước tiến lên con đường phát triển, tạo cơ sở cho một nước Nhật giàu mạnh, thoát khỏi tình trạng bị phụ thuộc đế quốc phương Tây.

Nước Nhật thời Minh Trị, với lực lượng xã hội có tư tưởng canh tân đã làm nên kỳ tích một thời trong lịch sử châu Á: giữ được nền độc lập và trở thành một nước tư bản trên thế giới.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục