Đặc điểm cuộc sống nhà trường của học sinh tiểu học

Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học Hiện nay, sự phát triển kinh tế thị trường cùng với xu hướng toàn cầu hoá đã "buộc" các bậc cha mẹ "phải làm việc quên mình" và dường như "quên luôn cả những đặc điểm tâm sinh lý của con em mình". Đặc biệt khi trẻ bắt đầu vào lớp 1, trước mắt trẻ là một môi trường hoàn toàn mới. Vì thế mà không ít trường hợp các gia đình hiện nay lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nam" vì con cái. Dưới đây là những đặc điểm tâm sinh lý cơ bản nhất của học sinh tiểu học và những điều cần lưu ý đối với các bậc cha mẹ và thầy cô giáo: 1. Đặc điểm về mặt cơ thể - Hệ xương còn nhiều mô sụn, xương sống, xương hông, xương chân, xương tay đang trong thời kỳ phát triển (thời kỳ cốt hoá) nên dễ bị cong vẹo, gẫy dập,...Vì thế mà trong các hoạt động vui chơi của các em cha mẹ và thầy cô (sau đây xin gọi chung là các nhà giáo dục) cần phải chú ý quan tâm, hướng các em tới các hoạt động vui chơi lành mạnh, an toàn. - Hệ cơ đang trong thời kỳ phát triển mạnh nên các em rất thích các trò chơi vận động như chạy, nhảy, nô đùa,...Vì vậy mà các nhà giáo dục nên đưa các em vào các trò chơi vận động từ mức độ đơn giản đến phức tạp và đảm bảo sự an toàn cho trẻ. - Hệ thần kinh cấp cao đang hoàn thiện về mặt chức năng, do vậy tư duy của các em chuyển dần từ trực quan hành động sang tư duy hình tượng, tư duy trừu tượng. Do đó, các em rất hứng thú với các trò chơi trí tuệ như đố vui trí tuệ, các cuộc thi trí tuệ,...Dựa vào cơ sinh lý này mà các nhà giáo dục nên cuốn hút các em với các câu hỏi nhằm phát triển tư duy của các em. Chiều cao mỗi năm tăng thêm 4 cm; trọng lượng cơ thể mỗi năm tăng 2kg. Nếu trẻ vào lớp 1 đúng 6 tuổi thì có chiều cao khoảng 106 cm (nam) 104 cm (nữ) cân nặng đạt 15,7 kg (nam) và 15,1 kg (nữ). Tuy nhiên, con số này chỉ là trung bình, chiều cao của trẻ có thể xê dịch khoảng 4-5 cm, cân nặng có thể xê dịch từ 1-2 kg. Tim của trẻ đập nhanh khoảng 85 - 90 lần/ phút, mạch máu tương đối mở rộng, áp huyết động mạch thấp, hệ tuần hoàn chưa hoàn chỉnh. 2. Đặc điểm về hoạt động và môi trường sống 2.1 Hoạt động của học sinh tiểu học - Nếu như ở bậc mầm non hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi, thì đến tuổi tiểu học hoạt động chủ đạo của trẻ đã có sự thay đổi về chất, chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập. Tuy nhiên, song song với hoạt động học tập ở các em còn diễn ra các hoạt động khác như: + Hoạt động vui chơi: Trẻ thay đổi đối tượng vui chơi từ chơi với đồ vật sang các trò chơi vận động. + Hoạt động lao động: Trẻ bắt đầu tham gia lao động tự phục vụ bản thân và gia đình như tắm giặt, nấu cơm, quét dọn nhà cửa,...Ngoài ra, trẻ còn còn tham gia lao động tập thể ở trường lớp như trực nhật, trồng cây, trồng hoa,... + Hoạt động xã hội: Các em đã bắt đầu tham gia vào các phong trào của trường, của lớp và của cộng đồng dân cư, của Đội thiếu niên tiền phong,... 2.2 Những thay đổi kèm theo - Trong gia đình: các em luôn cố gắng là một thành viên tích cực, có thể tham gia các công việc trong gia đình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các gia đình neo đơn, hoàn cảnh, các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn,...các em phải tham gia lao động sản xuất cùng gia đình từ rất nhỏ. - Trong nhà trường: do nội dung, tích chất, mục đích của các môn học đều thay đổi so với bậc mầm non đã kéo theo sự thay đổi ở các em về phương pháp, hình thức, thái độ học tập. Các em đã bắt đầu tập trung chú ý và có ý thức học tập tốt. - Ngoài xã hội: các em đã tham gia vào một số các hoạt động xã hội mang tính tập thể (đôi khi tham gia tích cực hơn cả trong gia đình). Đặc biệt là các em muốn thừa nhận mình là người lớn, muốn được nhiều người biết đến mình. Biết được những đặc điểm nêu trên thì cha mẹ và thầy cô phải tạo điều kiện giúp đỡ trẻ phát huy những khả năng tích cực của các em trong công việc gia đình, quan hệ xã hội và đặc biệt là trong học tập. 3. Sự phát triển của quá trình nhận thức (sự phát triển trí tuệ) 3.1 Nhận thức cảm tính 3.1.1 Các cơ quan cảm giác: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác đều phát triển và đang trong quá trình hoàn thiện. 3.1.2 Tri giác: Tri giác của học sinh tiểu học mang tính đại thể, ít đi vào chi tiết và mang tính không ổn định: ở đầu tuổi tiểu học tri giác thường gắn với hành động trực quan, đến cuối tuổi tiểu học tri giác bắt đầu mang tính xúc cảm, trẻ thích quan sát các sự vật hiện tượng có màu sắc sặc sỡ, hấp hẫn, tri giác của trẻ đã mang tính mục đích, có phương hướng rõ ràng - Tri giác có chủ định (trẻ biết lập kế hoạch học tập, biết sắp xếp công việc nhà, biết làm các bài tập từ dễ đến khó,...) Nhận thấy điều này chúng ta cần phải thu hút trẻ bằng các hoạt động mới, mang màu sắc, tích chất đặc biệt khác lạ so với bình thường, khi đó sẽ kích thích trẻ cảm nhận, tri giác tích cực và chính xác. 3.2 Nhận thức lý tính 3.2.1 Tư duy Tư duy mang đậm màu sắc xúc cảm và chiếm ưu thế ở tư duy trực quan hành động. Các phẩm chất tư duy chuyển dần từ tính cụ thể sang tư duy trừu tượng khái quát Khả năng khái quát hóa phát triển dần theo lứa tuổi, lớp 4, 5 bắt đầu biết khái quát hóa lý luận. Tuy nhiên, hoạt động phân tích, tổng hợp kiến thức còn sơ đẳng ở phần đông học sinh tiểu học. 3.2.2 Tưởng tượng Tưởng tượng của học sinh tiểu học đã phát triển phong phú hơn so với trẻ mầm non nhờ có bộ não phát triển và vốn kinh nghiệm ngày càng dầy dạn. Tuy nhiên, tưởng tượng của các em vẫn mang một số đặc điểm nổi bật sau: Ở đầu tuổi tiểu học thì hình ảnh tưởng tượng còn đơn giản, chưa bền vững và dễ thay đổi. Ở cuối tuổi tiểu học, tưởng tượng tái tạo đã bắt đầu hoàn thiện, từ những hình ảnh cũ trẻ đã tái tạo ra những hình ảnh mới. Tưởng tượng sáng tạo tương đối phát triển ở giai đoạn cuối tuổi tiểu học, trẻ bắt đầu phát triển khả năng làm thơ, làm văn, vẽ tranh,.... Đặc biệt, tưởng tượng của các em trong giai đoạn này bị chi phối mạnh mẽ bởi các xúc cảm, tình cảm, những hình ảnh, sự việc, hiện tượng đều gắn liền với các rung động tình cảm của các em. Qua đây, các nhà giáo dục phải phát triển tư duy và trí tưởng tượng của các em bằng cách biến các kiến thức "khô khan" thành những hình ảnh có cảm xúc, đặt ra cho các em những câu hỏi mang tính gợi mở, thu hút các em vào các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể để các em có cơ hội phát triển quá trình nhận thức lý tính của mình một cách toàn diện. 3.3 Ngôn ngữ và sự phát triển nhận thức của học sinh tiểu học Hầu hết học sinh tiểu học có ngôn ngữ nói thành thạo. Khi trẻ vào lớp 1 bắt đầu xuất hiện ngôn ngữ viết. Đến lớp 5 thì ngôn ngữ viết đã thành thạo và bắt đầu hoàn thiện về mặt ngữ pháp, chính tả và ngữ âm. Nhờ có ngôn ngữ phát triển mà trẻ có khả năng tự đọc, tự học, tự nhận thức thế giới xung quanh và tự khám phá bản thân thông qua các kênh thông tin khác nhau. Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình nhận thức cảm tính và lý tính của trẻ, nhờ có ngôn ngữ mà cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng của trẻ phát triển dễ dàng và được biểu hiện cụ thể thông qua ngôn ngữ nói và viết của trẻ. Mặt khác, thông qua khả năng ngôn ngữ của trẻ ta có thể đánh giá được sự phát triển trí tuệ của trẻ. Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng như vậy nên các nhà giáo dục phải trau dồi vốn ngôn ngữ cho trẻ trong giai đoạn này bằng cách hướng hứng thú của trẻ vào các loại sách báo có lời và không lời, có thể là sách văn học, truyện tranh, truyện cổ tích, báo nhi đồng,....đồng thời cũng có thể kể cho trẻ nghe hoặc tổ chức các cuộc thi kể truyện đọc thơ, viết báo, viết truyện, dạy trẻ cách viết nhật kí,...Tất cả đều có thể giúp trẻ có được một vốn ngôn ngữ phong phú và đa dạng. 3.4 Chú ý và sự phát triển nhận thức của học sinh tiểu học Ở đầu tuổi tiểu học chú ý có chủ định của trẻ còn yếu, khả năng kiểm soát, điều khiển chú ý còn hạn chế. Ở giai đoạn này chú không chủ định chiếm ưu thế hơn chú ý có chủ định. Trẻ lúc này chỉ quan tâm chú ý đến những môn học, giờ học có đồ dùng trực quan sinh động, hấp dẫn có nhiều tranh ảnh,trò chơi hoặc có cô giáo xinh đẹp, dịu dàng,...Sự tập trung chú ý của trẻ còn yếu và thiếu tính bền vững, chưa thể tập trung lâu dài và dễ bị phân tán trong quá trình học tập. Ở cuối tuổi tiểu học trẻ dần hình thành kĩ năng tổ chức, điều chỉnh chú ý của mình. Chú ý có chủ định phát triển dần và chiếm ưu thế, ở trẻ đã có sự nỗ lực về ý chí trong hoạt động học tập như học thuộc một bài thơ, một công thức toán hay một bài hát dài,...Trong sự chú ý của trẻ đã bắt đầu xuất hiện giới hạn của yếu tố thời gian, trẻ đã định lượng được khoảng thời gian cho phép để làm một việc nào đó và cố gắng hoàn thành công việc trong khoảng thời gian quy định. Biết được điều này các nhà giáo dục nên giao cho trẻ những công việc hay bài tập đòi hỏi sự chú ý của trẻ và nên giới hạn về mặt thời gian. Chú ý áp dụng linh động theo từng độ tuổi đầu hay cuối tuổi tiểu học và chú ý đến tính cá thể của trẻ, điều này là vô cùng quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giáo dục trẻ. 3.5 Trí nhớ và sự phát triển nhận thức của học sinh tiểu học Loại trí nhớ trực quan hình tượng chiếm ưu thế hơn trí nhớ từ ngữ - lôgic Giai đoạn lớp 1,2 ghi nhớ máy móc phát triển tương đối tốt và chiếm ưu thế hơn so với ghi nhớ có ý nghĩa. Nhiều học sinh chưa biết tổ chức việc ghi nhớ có ý nghĩa, chưa biết dựa vào các điểm tựa để ghi nhớ, chưa biết cách khái quát hóa hay xây dựng dàn bài để ghi nhớ tài liệu. Giai đoạn lớp 4,5 ghi nhớ có ý nghĩa và ghi nhớ từ ngữ được tăng cường. Ghi nhớ có chủ định đã phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả của việc ghi nhớ có chủ định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tích cực tập trung trí tuệ của các em, sức hấp dẫn của nội dung tài liệu, yếu tố tâm lý tình cảm hay hứng thú của các em... Nắm được điều này, các nhà giáo dục phải giúp các em biết cách khái quát hóa và đơn giản mọi vấn đề, giúp các em xác định đâu là nội dung quan trọng cần ghi nhớ, các từ ngữ dùng để diễn đạt nội dung cần ghi nhớ phải đơn giản dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ thuộc và đặc biệt phải hình thành ở các em tâm lý hứng thú và vui vẻ khi ghi nhớ kiến thức. 3.6 Ý chí và sự phát triển nhận thức của học sinh tiểu học Ở đầu tuổi tiểu học hành vi mà trẻ thực hiện còn phụ thuộc nhiều vào yêu cầu của người lớn (học để được bố cho đi ăn kem, học để được cô giáo khen, quét nhà để được ông cho tiền,...) Khi đó, sự điều chỉnh ý chí đối với việc thực thi hành vi ở các em còn yếu. Đặc biệt các em chưa đủ ý chí để thực hiện đến cùng mục đích đã đề ra nếu gặp khó khăn. Đến cuối tuổi tiểu học các em đã có khả năng biến yêu cầu của người lớn thành mục đích hành động của mình, tuy vậy năng lực ý chí còn thiếu bền vững, chưa thể trở thành nét tính cách của các em. Việc thực hiện hành vi vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hứng thú nhất thời. Để bồi dưỡng năng lực ý chí cho học sinh tiểu học đòi hỏi ở nhà giáo dục sự kiên trì bền bỉ trong công tác giáo dục, muốn vậy thì trước hết mỗi bậc cha mẹ, thầy cô phải trở thành tấm gương về nghị lực trong mắt trẻ. Nói tóm lại, sáu tuổi vào lớp 1 là bước ngoặt lớn của trẻ thơ. Môi trường thay đổi: đòi hỏi trẻ phải tập trung chú ý thời gian liên tục từ 30 - 35 phút. Chuyển từ hiếu kỳ,tò mò sang tính ham hiểu biết, hứng thú khám phá. Bước đầu kiềm chế dần tính hiếu động, bột phát để chuyển thành tính kỷ luật, nền nếp, chấp hành nội quy học tập. Phát triển độ tinh nhạy và sức bền vững của các thao tác tinh khéo của đôi bàn tay để tập viết,...Tất cả đều là thử thách của trẻ, muốn trẻ vượt qua được tốt những điều này thì phải cần có sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội dựa trên sự hiểu biết về tri thức khoa học. 4. Sự phát triển tình cảm của học sinh tiểu học Tình cảm của học sinh tiểu học mang tính cụ thể trực tiếp và luôn gắn liền với các sự vật hiện tượng sinh động, rực rỡ,...Lúc này khả năng kiềm chế cảm xúc của trẻ còn non nớt, trẻ dễ xúc động và cũng dễ nổi giận, biểu hiện cụ thể là trẻ dễ khóc mà cũng nhanh cười, rất hồn nhiên vô tư... Vì thế có thể nói tình cảm của trẻ chưa bền vững, dễ thay đổi (tuy vậy so với tuổi mầm non thì tình cảm của trẻ tiểu học đã "người lớn" hơn rất nhiều. Trong quá trình hình thành và phát triển tình cảm của học sinh tiểu học luôn luôn kèm theo sự phát triển năng khiếu: Trẻ nhi đồng có thể xuất hiện các năng khiếu như thơ, ca, hội họa, kĩ thuật, khoa học,...khi đó cần phát hiện và bồi dưỡng kịp thời cho trẻ sao cho vẫn đảm bảo kết quả học tập mà không làm thui chột năng khiếu của trẻ. Chính vì thế, việc giáo dục tình cảm cho học sinh tiểu học cần ở nhà giáo dục sự khéo léo, tế nhị khi tác động đến các em; nên dẫn dắt các em đi từ hình ảnh trực quan sinh động, hấp dẫn và đặc biệt phải luôn chú ý củng cố tình cảm cho các em thông qua các hoạt động cụ thể như trò chơi nhập vai, đóng các tình huống cụ thể, các hoạt động tập thể ở trường lớp, khu dân cư,... 5. Sự phát triển nhân cách của học sinh tiểu học Nét tính cách của trẻ đang dần được hình thành, đặc biệt trong môi trường nhà trường còn mới lạ, trẻ có thể nhút nhát, rụt rè, cũng có thể sôi nổi, mạnh dạn...Sau 5 năm học, "tính cách học đường" mới dần ổn định và bền vững ở trẻ. Nhìn chung việc hình thành nhân cách của học sinh tiểu học mang những đặc điểm cơ bản sau: Nhân cách của các em lúc này mang tính chỉnh thể và hồn nhiên, trong quá trình phát triển trẻ luôn bộc lộ những nhận thức, tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ của mình một cách vô tư, hồn nhiên, thật thà và ngay thẳng; nhân cách của các em lúc này còn mang tính tiềm ẩn, những năng lực, tố chất của các em còn chưa được bộc lộ rõ rệt, nếu có được tác động thích ứng chúng sẽ bộc lộ và phát triển; và đặc biệt nhân cách của các em còn mang tính đang hình thành, việc hình thành nhân cách không thể diễn ra một sớm một chiều, với học sinh tiểu học còn đang trong quá trình phát triển toàn diện về mọi mặt vì thế mà nhân cách của các em sẽ được hoàn thiện dần cùng với tiến trình phát triển của mình. Hiểu được những điều này mà cha mẹ hay thầy cô giáo tuyệt đối không được "chụp mũ" nhân cách của trẻ, trái lại phải dùng những lời lẽ nhẹ nhàng mang tính gợi mở và chờ đợi, phải hướng trẻ đến với những hình mẫu nhân cách tốt đẹp mà không đâu xa, chính cha mẹ và thầy cô là những hình mẫu nhân cách ấy. Văn Tường (Trung tâm N-T)

Đặc điểm tâm lí của HS lớp 3 như thế nào đối với việc học Tập đọc

Do hoạt động chủ đạo của học sinh có nhiều thay đổi vào thời điểm đầu cấp và cuối cấp tiểu học, tạo ra những nét mới, đặc thù trong sự phát triển tâm lí nên bên cạnh những đặc điểm chung nêu trên, tài liệu cũng mô tả một số đặc điểm tâm lí của học sinh tiểu học ở hai giai đoạn này. a. Đặc điểm tâm lí của học sinh đầu cấp tiểu học Bước vào tuổi thứ 6, trong môi trường văn hoá tiền học đường (gia đình và trường mẫu giáo), trẻ đã đạt được một số thành tựu phát triển tâm lí nhất định để chuẩn bị cho việc vào lớp 1. Đây là mốc chuyển tiếp quan trọng để học sinh đầu cấp tiểu học thực sự bước vào môi trường mới và chuyển dạng hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang học tập. Những đặc điểm tâm lí nổi bật của giai đoạn này gồm: [a1] Hình thành được tâm thế “sẵn sàng đi học”. Trẻ 6 tuổi đã tích lũy được một số điều kiện tâm sinh lí cần thiết để đáp ứng yêu cầu của hoạt động học tập. Thể hiện ở việc, trẻ có thể thực hiện được vận động thô và vận động tinh tương đối nhanh chóng, khéo léo; có vốn hiểu biết nhất định về thế giới sự vật hiện tượng xung quanh; các thao tác trí tuệ đã có bước phát triển mới; sử dụng tương đối thành thạo tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp; có khả năng tự điều khiển, điều chỉnh hoạt động của bản thân; tự kiểm soát được hành vi; bắt đầu biết phục tùng kỉ luật…Tâm thế này càng vững chắc, ổn định thì càng làm cho học sinh thích đến trường, đi học, gặp gỡ thầy cô, bạn bè, thuận lợi cho việc thích ứng với hoạt động học tập về sau. [a2] Đặc điểm hoạt động nhận thức - Về nhận thức cảm tính: Các cơ quan cảm giác (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) đều phát triển và đang trong quá trình hoàn thiện. Tri giác của học sinh tiểu học dần tăng tính chủ định, đã biết tuân thủ mục đích của hoạt động học. Tuy nhiên, còn mang tính đại thể, chưa rõ ràng về chi tiết, chưa ổn định và thường gắn với hành động trực quan. - Về nhận thức lí tính: Tư duy mang đậm màu sắc xúc cảm. Loại tư duy trực quan hành động và trực quan hình ảnh chiếm ưu thế rõ rệt. Các phẩm chất tư duy chuyển dần từ tính cụ thể sang tư duy trừu tượng khái quát. Tưởng tượng đã phát triển phong phú hơn so với trẻ mầm non nhờ có bộ não phát triển và vốn kinh nghiệm ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hình ảnh tưởng tượng còn đơn giản, chưa bền vững và dễ thay đổi. -Về ngôn ngữ: Đa số học sinh đầu cấp tiểu học đã phát âm “tròn vành rõ chữ”, sử dụng ngôn ngữ nói tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp tương đối thành thạo. Kĩ năng đọc ở nhiều trẻ được hình thành khá nhanh và ổn định, thậm chí có trẻ có thể “đọc bằng mắt”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trẻ phát âm lệch chuẩn, đánh vần, ghép từ, hiểu nghĩa của câu…còn chậm. Ngoài ra, ở học sinh lớp 1 bắt đầu xuất hiện ngôn ngữ viết nhưng vì trong giai đoạn mới hình thành nên tốc độ viết của trẻ còn chậm, lỗi chính tả, ngữ pháp còn nhiều. Nhìn chung, trẻ mới ở giai đoạn tập viết chữ là chính, chứ chưa đạt đến trình độ sử dụng chữ viết để thể hiện ý. - Về khả năng chú ý: Chú ý không chủ định chiếm ưu thế. Chú ý có chủ định còn kém. Khả năng kiểm soát, điều khiển chú ý còn hạn chế. Sự tập trung chú ý của trẻ còn yếu, thiếu tính bền vững, chưa thể tập trung lâu dài, dễ bị phân tán trong quá trình học tập. Giáo viên nên giao cho trẻ những công việc hoặc bài tập đòi hỏi sự chú ý cao hơn và giới hạn thời gian cụ thể. - Về trí nhớ: Trẻ đầu bậc tiểu học phát triển trí nhớ tốt hơn giai đoạn trước. Trong đó, loại trí nhớ trực quan hình tượng chiếm ưu thế hơn trí nhớ từ ngữ - lôgic. Ghi nhớ máy móc phát triển tương đối tốt, chiếm ưu thế hơn so với ghi nhớ có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều học sinh chưa biết tổ chức việc ghi nhớ có ý nghĩa, chưa biết dựa vào các điểm tựa để ghi nhớ, chưa biết cách khái quát hóa hay xây dựng dàn bài để ghi nhớ tài liệu. Giáo viên nên giúp các em biết cách khái quát hóa và đơn giản mọi vấn đề, giúp các em xác định đâu là nội dung quan trọng cần ghi nhớ, các từ ngữ dùng để diễn đạt nội dung cần ghi nhớ phải đơn giản dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ thuộc và đặc biệt phải hình thành ở các em sự hứng thú, vui vẻ khi ghi nhớ kiến thức. [a3] Đặc điểm đời sống tình cảm - Đời sống tình cảm của trẻ đầu bậc tiểu học rất phong phú, nhạy cảm. Trẻ giàu xúc cảm, dễ xúc động trước những đối tượng cụ thể, trực tiếp. Trẻ cũng dễ bộc lộ cảm xúc của mình một cách chân thực và hồn nhiên. - Nhu cầu được bộc lộ và đáp lại tình cảm của trẻ đầu bậc tiểu học là rất lớn. Trẻ vẫn thích được cha mẹ, giáo viên thể hiện tình yêu thương bằng những biểu hiện ôm ấp, vỗ về, đối xử nhẹ nhàng, khen ngợi, động viên. Đồng thời, trẻ cũng cảm nhận và đánh giá tình cảm người khác dành cho mình chủ yếu dựa vào các biểu hiện tương tự như vậy. - Nội dung đời sống tình cảm của học sinh tiểu học phong phú và đa dạng, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các loại tình cảm cấp cao: 1- Tình cảm đạo đức: Tình cảm đối với người thân trong gia đình, với thầy cô giáo giữ vị trí quan trọng, thậm chí còn trở thành một trong những động cơ học tập của các em. Tình bạn trong nhóm, tổ, lớp, cũng đã được hình thành dựa trên những cơ sở khác nhau. Tình cảm trách nhiệm, tình cảm tập thể, sự đồng cảm, sự xấu hổ đã bắt đầu được hình thành; 2- Tình cảm trí tuệ: Sự ham hiểu biết, ngạc nhiên, nghi ngờ, hài lòng, tin tưởng, được hình thành và phát triển mạnh ở học sinh tiểu học. Các em đặc biệt nhạy cảm với thành tích học tập của mình; 3- Tình cảm thẩm mĩ cũng được phát triển mạnh ở học sinh. Trẻ yêu cái đẹp trong thiên nhiên, động vật trong nhà; thích văn học, nghệ thuật…Trẻ đã biết trân trọng, giữ gìn và chăm sóc cho cái đẹp (không ngắt hoa, bẻ cành, biết chăm sóc nuôi nấng vật nuôi, giữ gìn, bảo vệ đồ dùng...). - Tuy vậy, tình cảm của học sinh đầu bậc tiểu học chưa được bền vững, còn dễ dàng thay đổi đối tượng cảm xúc và chuyển hoá cảm xúc. Khả năng kiềm chế cảm xúc của trẻ còn hạn chế, dễ xúc động, dễ nổi giận. [a4] Đặc điểm nhân cách - Học sinh đầu bậc tiểu học tiếp tục phát triển những mầm mống nhân cách đã được tạo lập ở độ tuổi mẫu giáo nhưng vẫn nằm trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành. Ở tuổi này, các thuộc tính của nhân cách tuy chưa được định hình nhưng đã bộc lộ rõ nét hơn lứa tuổi trước đó. Thể hiện ở chỗ: các nhu cầu được xã hội hóa; nhu cầu tinh thần dần chiếm ưu thế trong cuộc sống của trẻ; bước đầu hình thành khả năng tự ý thức; nhu cầu tự đánh giá; khả năng kiềm chế xúc cảm; các hành vi và thói quen đạo đức của người học sinh; xuất hiện sự xấu hổ, tình cảm trách nhiệm, tình cảm tập thể… - Nét đặc trưng trong nhân cách của học sinh tiểu học nói chung, đầu cấp tiểu học nói riêng, là tính hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng và ẩn chứa tiềm năng phát triển lớn. Học sinh tin tưởng một cách tuyệt đối và vô điều kiện vào thầy, cô, người lớn, bạn bè, sách vở và cả bản thân mình. Trẻ suy nghĩ, cảm nhận mọi thứ xung quanh một cách đơn giản, chất phác. - Trẻ đầu cấp tiểu học có một số nét tính cách đáng quý nổi bật như: chân thật (nghĩ sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy); tò mò, ham hiểu biết (cảm thấy hào hứng khi được khám phá cuộc sống xung quanh, thích bắt chước); vị tha (dễ giận dễ quên, sẵn sàng tha lỗi cho người khác, không “để bụng”). - Hành vi của học sinh đã chịu sự kiểm soát và điều khiển của ý chí nhưng còn yếu. Đặc biệt, khi phải thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, học sinh chưa đủ ý chí để thực hiện đến cùng mục đích đề ra. Tóm lại, 6 tuổi vào lớp 1 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của trẻ. Môi trường thay đổi, yêu cầu của hoạt động học tập - với tư cách là hoạt động chủ đạo - ngày càng cao, một mặt, tạo ra những khó khăn, trở ngại nhất định mà học sinh cần đối mặt và vượt qua; mặt khác, lại là điều kiện kích thích sự nảy sinh, hình thành và phát triển các phẩm chất tâm lí, nhân cách mới cho các em. b. Đặc điểm tâm lí của học sinh cuối cấp tiểu học Sau một thời gian thích ứng với môi trường nhà trường và dạng hoạt động chủ đạo mới - hoạt động học tập, học sinh cuối cấp tiểu học đã tích lũy được cho mình thêm nhiều thành tựu về mặt tâm lí để tiếp tục chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới. [b1]. Đặc điểm hoạt động nhận thức - Về nhận thức cảm tính: Đến cuối tuổi tiểu học, cảm giác và tri giác ở học sinh đã nhạy bén và sâu sắc hơn khá nhiều. Các em không chỉ có được cảm nhận cụ thể về các thuộc tính bề ngoài của sự vật hiện tương mà còn hiểu biết nhất định về chúng. Tri giác vẫn mang tính xúc cảm, bị thu hút bởi đặc điểm bề ngoài của đối tượng (màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn), nhưng đã mang tính mục đích, có phương hướng rõ ràng. Năng lực quan sát đã được hình thành. - Về nhận thức lí tính: 1- Khả năng khái quát hóa của tư duy phát triển dần theo lứa tuổi. Đến lớp 4, lớp 5, học sinh bắt đầu biết khái quát hóa lí luận. Tuy nhiên, hoạt động phân tích, tổng hợp kiến thức mới ở mức độ sơ đẳng, đơn giản; 2- Tưởng tượng tái tạo được hoàn thiện. Trên cơ sở những hình ảnh, biểu tượng cũ, trẻ đã biết tái tạo ra những hình ảnh mới. Tưởng tượng sáng tạo tương đối phát triển ở giai đoạn cuối tiểu học. Nhiều trẻ bắt đầu phát triển khả năng làm thơ, làm văn, vẽ tranh…Tuy vậy, tưởng tượng của các em trong giai đoạn này vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi các xúc cảm, những hình ảnh, sự việc, hiện tượng đều gắn liền với các rung động tình cảm của các em. - Về khả năng chú ý: Trẻ dần hình thành kĩ năng tổ chức, điều chỉnh chú ý của mình. Chú ý có chủ định phát triển dần và chiếm ưu thế. Ở trẻ đã có sự nỗ lực về ý chí trong hoạt động học tập, như học thuộc một bài thơ, một công thức toán hay một bài hát dài. Trong sự chú ý của trẻ đã bắt đầu xuất hiện giới hạn của yếu tố thời gian, trẻ đã định lượng được khoảng thời gian cho phép để làm một việc nào đó và cố gắng hoàn thành công việc trong khoảng thời gian quy định. - Về trí nhớ: Ghi nhớ có ý nghĩa và ghi nhớ từ ngữ được tăng cường. Ghi nhớ có chủ định đã phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả của việc ghi nhớ có chủ định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tích cực tập trung trí tuệ của các em, sức hấp dẫn của nội dung tài liệu, yếu tố tâm lí tình cảm hay hứng thú của các em... - Về ngôn ngữ: Đến lớp 5, ngôn ngữ nói và viết của trẻ đã đạt mức thành thạo, dần hoàn thiện về chất lượng sử dụng ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ phát triển mà trẻ có khả năng tự đọc, tự học, tự nhận thức thế giới xung quanh và tự khám phá bản thân thông qua các kênh thông tin khác nhau. [b2]. Đặc điểm đời sống tình cảm và nhân cách - Nhu cầu tự đánh giá của trẻ cuối bậc tiểu học đã phát triển rõ rệt so với học sinh đầu cấp. Tuy còn bị lệ thuộc vào nhận xét của người khác về mình (cha mẹ, thầy cô, bạn bè), chọn cách nói ra hay không nói ra, nhưng trong thâm tâm, học sinh đã biết mình thích gì, muốn gì, bước đầu nhận thức được thế mạnh và hạn chế của bản thân; biết suy nghĩ về cách thức để thực hiện được những mơ ước và hoài bão. - Tính cách của học sinh cuối bậc tiểu học, về cơ bản, vẫn là chân thật, trong sáng, ngây thơ nhưng đã sâu sắc hơn. Nhiều nét tính cách tốt đẹp tiếp tục được hình thành. Đặc biệt, trong môi trường nhà trường còn mới lạ, trẻ có thể nhút nhát, rụt rè, cũng có thể sôi nổi, mạnh dạn…nhưng sau 5 năm học, một số nét "tính cách học đường" đã dần ổn định và bền vững ở trẻ, như tính trách nhiệm, kỉ luật, đoàn kết, tương hỗ, cảm thông, chia sẻ, biết tôn trọng tập thể… - Tình cảm của học sinh cuối bậc tiểu học đa dạng về nội dung và sâu sắc, ổn định hơn về mức độ. Sự biểu hiện các sắc thái cảm xúc ra bên ngoài tuy vẫn hồn nhiên nhưng đã dần trở nên kín đáo và tinh tế hơn. Dù học sinh chưa có kĩ năng kiểm soát cảm xúc tốt, nhưng các em đã biết rằng xúc cảm nào nên (hay không nên) thể hiện; nên (hay không nên) thể hiện với ai, thể hiện (hay không thể hiện) trong hoàn cảnh nào. - Đến cuối bậc tiểu học, học sinh đã có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa yêu cầu của người lớn thành mục đích hành động của mình. Tuy vậy, năng lực ý chí của các em vẫn còn thiếu bền vững, chưa thể trở thành nét tính cách ổn định. Việc thực hiện hành vi vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hứng thú nhất thời. Nhìn chung, sự phát triển thể chất và tâm lí của học sinh cuối bậc tiểu học tương đối êm ả, giúp trẻ thực hiện tốt các yêu cầu của môi trường và hoạt động học tập ở cấp tiểu học. Đồng thời, nó cũng tiềm ẩn những khả năng phát triển mới để tạo điều kiện cho trẻ thực hiện bước chuyển tiếp theo, từ trẻ em sang người lớn ở giai đoạn tuổi học sinh trung học cơ sở. * * * Trên đây là một số đặc điểm tâm sinh lí của học sinh tiểu học. Trong thực tế, đặc điểm tâm sinh lí và nhân cách của cá nhân còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, tạo ra sự khác biệt giữa họ về phương diện giới tính, dân tộc, vùng miền, khu vực, điều kiện sống và giáo dục… Do đó, khi xét theo những phương diện cụ thể này thì đặc điểm tâm lí của học sinh tiểu học cũng có sự khác biệt nhất định (chẳng hạn, học sinh nam có một số đặc điểm tâm lí khác học sinh nữ; học sinh dân tộc ít người có một số đặc điểm tâm lí khác với học sinh dân tộc Kinh…). Trong hoạt động giáo dục và dạy học, việc so sánh sự khác biệt (nếu có) giữa các nhóm học sinh này hoàn toàn không có ý nghĩa phân biệt đối xử vì mỗi nhóm đều có những ưu thế và hạn chế riêng trong các khía cạnh phát triển tâm lí. Đối với giáo viên tiểu học, việc nhận diện sự khác biệt giữa các nhóm học sinh này giúp họ hiểu hơn đặc điểm tâm lí riêng của học sinh, nắm được đặc thù của sự phát triển và các yếu tố ảnh hưởng để có cách thức tác động, hoặc thay đổi, điều chỉnh nội dung, hình thức, phương pháp…tư vấn, hỗ trợ sao cho linh hoạt và phù hợp nhất với các em. Ngoài ra, khả năng lĩnh hội tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, sự thích ứng với môi trường học tập của học sinh không hoàn toàn đồng đều nhau. Bên cạnh những trẻ phát triển hài hòa, đúng tuổi cả về thể chất và tâm lí, vẫn còn những trẻ phát triển chậm hơn. Ngoài lí do khác biệt tâm lí, nhân cách một cách khách quan giữa các cá nhân, những trẻ này tuy chưa cần can thiệp sâu hay giáo dục tại các cơ sở chuyên biệt, nhưng các em thực sự gặp khó khăn với các biểu hiện như: hiếu động quá mức, kém chú ý, sợ học, hoặc không theo kịp tốc độ học tập trung bình của các bạn trong lớp…Nhìn chung, mỗi dạng khó khăn đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc học sinh nhận thức thế giới xung quanh, nhận thức người khác và bản thân mình, cũng như khả năng tự điều khiển, điều chỉnh bản thân. Ở những học sinh này, thường có xu hướng tăng cường hoạt động của các chức năng khác trong cơ thể nhằm bù đắp cho hoạt động của những cơ quan, chức năng bị thiếu hoặc bị yếu nhưng dù sao, sự phát triển tâm lí, nhân cách cũng khó đạt được mức cân đối, hài hòa và ổn định như những học sinh khác. Do đó, những học sinh này thường cần được giáo viên quan tâm nhiều hơn, đặt ra yêu cầu vừa sức và hỗ trợ các em thực hiện yêu cầu đó dần dần từng bước một. Trong một số trường hợp, bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, còn cần đến sự hỗ trợ của các giáo viên dạy hòa nhập để đạt được sự tiến bộ tốt hơn.