Đánh cho ngụy nhào khi nào?

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một chủ trương, một quyết sách đầy sáng tạo và táo bạo của Đảng trong chỉ đạo chiến lược; thể hiện đường lối chiến tranh cách mạng độc lập, tự chủ. Thắng lợi của tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đánh thẳng vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của quân Mỹ; đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris, chấm dứt ném bom không điều kiện; mở đầu thời kỳ xuống thang trong tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ThS Đinh Quang Thành về sự kiện quan trọng này.

Binh vận là công tác dân vận đặc biệt mang tầm chiến lược, là chính sách lớn không ngừng góp phần mở rộng và củng cố mặt trận đại đoàn kết dân tộc chống chủ nghĩa thực dân mới, chống chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trước nguy cơ tan rã của quân đội và chính quyền Sài Gòn ở cơ sở, năm 1961, Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy quân sự ở miền Nam, tăng viện trợ quân sự, thiết lập chế độ cố vấn tới cấp tiểu đoàn và chi khu trọng yếu, thúc Ngô Đình Diệm ban hành chế độ quân dịch, bắt lính đôn quân chủ lực lên 198.000 người, bảo an 100.000 người, dân vệ 85.000 người, công an – cảnh sát 90.000 người, tăng cường các biện pháp kềm kẹp, lưu manh hóa quân đội, huấn luyện ngụy quân sử dụng các chiến thuật và vũ khí hiện đại.

Cuối 1961 đầu 1962, Mỹ cấp tốc triển khai chiến lược chiến tranh đặc biệt với các chiến dịch “Bủa lưới phóng lao”, “Phượng hoàng vồ mồi” hòng tiêu diệt quân ta và thiết lập 16.322 ấp chiến lược trên toàn miền Nam, bình định miền Nam trong 18 tháng.

Trung ương Cục mở hội nghị toàn miền kinh nghiệm phá ấp chiến lược bế mạc ngày 8-7-1963 thì ngày 20-7-1963 quyết tâm bám trụ phá ấp chiến lược được triển khai thắng lợi ở phía Nam lộ 4, trên địa bàn Mỹ Tho. Ta phá dứt điểm ấp chiến lược trên 14 xã, mở ra vùng giải phóng rộng lớn sông nước vườn tược sung túc ở Mỹ Tho, trở thành căn cứ 20/7 của tỉnh và khu cho đến ngày toàn thắng. Thắng lợi được tổng kết thành 4 câu thơ:

“Chính trị - binh vận – vũ trang,

Phối hợp nhịp nhàng ba mũi giáp công

Bao vây bức rút bức hàng

Trụ lại chống càn giải phóng nông thôn”.

Nghị quyết ngày 23-9-1960 của Xứ ủy phát động mở đợt hai nổi dậy có nêu “…giữ vững và mở rộng thế chủ động ở nông thôn, đồng thời hết sức chú trọng đẩy mạnh phong trào đô thị”. Công tác ở đô thị được thắng lợi ở nông thôn động viên, cơ sở được tập hợp củng cố. Khu Sài gòn – Gia Định được thành lập, được tăng cường nhiều cán bộ công tác đô thị các tỉnh. Cơ sở được phục hồi nhanh chóng.

Đi đầu phong trào lúc bấy giờ là phong trào đòi tăng lương của công nhân, tiếp đó là các cuộc đấu tranh đòi “bình đẳng tôn giáo”. Ở Sài Gòn, phong trào được mở rộng với các khẩu hiệu: Công bằng xã hội – tự do dân chủ – chống độc tài gia đình trị họ Ngô – chống chiến tranh, đòi hòa bình trung lập… Phong trào học sinh sinh viên đòi hủy bỏ “Hiến chương Vũng Tàu” được các giới đồng bào ủng hộ, tham gia, bị đàn áp quyết liệt nhưng đã ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của các lực lượng đàn áp, đã buộc Nguyễn Khánh phải ra đứng trước quần chúng biểu tình tuyên bố chấp nhận yêu sách và phải tự hô “đả đảo độc tài quân phiệt”. Ban Trí vận đã huy động những trí thức hàng đầu của thành phố tổ chức các phong trào “dân tộc tự quyết”, “ủy ban vận động hòa bình”, ra nghị quyết về hòa bình và lập kiến nghị với 4.000 chữ ký. Các phong trào chuyển về khu dân cư - xóm lao động trở thành lực lượng vận động, tranh thủ lôi kéo bộ máy phường - khóm, xây dựng lõm chính trị giành quyền làm chủ, vận động thanh niên trốn lính…

Công tác binh vận được đưa vào các phong trào chung, lực lượng chính trị binh vận hồi phục cả chiều rộng và chiều sâu.

Ở nông thôn, chủ trương của ta là vận động nhân dân bám đất, chi bộ bám dân. Tuyên truyền và tranh thủ kềm lính Mỹ, tạo thành vành đai bao vây. Nhân dân phải ổn định việc ăn ở, đi lại, sản xuất, làm quen với lính tạo lập mối quan hệ bình thường, gây cảm tình, hạn chế tuần tra, hợp thức hóa việc xây dựng hầm hố tránh bom pháo, phát tán truyền đơn.... Bằng mọi cách: mời uống nước, ăn trái cây, mời vào nhà ngồi chơi. Quan hệ bằng tay ra dấu, tiến tới nói bập bẹ một số tiếng Mỹ, hỏi thăm gia đình, vợ con. Đặc biệt quan tâm tranh thủ thông ngôn đi với sĩ quan. Qua đó, đấu tranh can ngăn một số việc làm có hại cho đời sống đi lại của dân tại chỗ. Ở căn cứ Đồng Tâm xã Bình Đức (Mỹ Tho), lính Mỹ đưa xe ủi đất, ủi vườn mở rộng vành đai căn cứ qua phía bên kia Kinh Xáng, bà con tụ tập ngăn chặn, khóc lóc, nằm vạ làm lính Mỹ chán ngán bỏ xe tìm chỗ ngồi nghỉ mát, nhân đó xúm lại lật xe… Mỹ bỏ cuộc.

Công tác vận động binh lính Sài Gòn vẫn được coi là khâu chủ yếu. Ngày 23-3-1966, Ban Binh vận Trung ương Cục phối hợp với quân đội chỉ đạo nội tuyến nổi dậy trong trung đoàn thiết giáp địch ở Gò Đậu phá nát 36 tăng thiết giáp, đưa về căn cứ một tăng M41, diệt 300 tên địch, căn cứ thiết giáp, căn cứ trung đoàn 8 bộ binh và trung tâm huấn luyện sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn bị phá tan.

Nhiều trận đánh kết hợp nội tuyến với quân đội thắng lớn ở Long An, Kiến Tường, Kiến Phong. Nội tuyến ở Cần Thơ tấn công Nha Cảnh sát vùng 4 và Tòa lãnh sự Mỹ, phát động binh lính Sài Gòn đánh lính Mỹ trên đường phố… Quần chúng vận động hàng ngàn đồn bót co lại, tuân thủ giữ thái độ “trung lập”, không hợp tác với quân Mỹ.

Ngày 1-9-1967, Ban Binh vận Trung ương Cục ban hành chính sách binh vận gồm 8 điểm đối sĩ quan và binh lính, 4 điểm đối với viên chức chế độ Sài Gòn, khuyến khích binh biến, khởi nghĩa, phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng diệt địch, chiếm căn cứ, kho tàng, sân bay, bến tàu; giải thoát đồng bào bị giam cầm; đụng trận quay súng diệt Mỹ và ác ôn; chạy sang hàng ngũ cách mạng; giúp cách mạng truy kích địch; hoan nghênh đơn vị ly khai, bỏ ngũ được hưởng quyền lợi công dân, mang theo vũ khí được khen thưởng; không đàn áp nhân dân, ủng hộ nhân dân đấu tranh; hàng binh được đối xử tử tế, đem hồ sơ, kho tàng, ngân quỹ nạp cho cách mạng được ghi công; nghiêm trị những tên ác ôn ngoan cố… Khẩu hiệu là “Hãy nổi dậy hợp tác với quân giải phóng và đồng bào, lật đổ chế độ Mỹ - Thiệu – Kỳ, giành chính quyền về tay nhân dân”.

Cuối năm 1967, khi công tác tổng công kích chuẩn bị tiến hành thì 2 đội công tác nội tuyến của Ban Binh vận Trung ương Cục và nhiều cán bộ chủ chốt của Ban Binh vận Sài Gòn bị bắt, hy sinh, dẫn đến một số cơ sở nội tuyến chuẩn bị cho tổng tiến công nổi dậy bị đổ vỡ, không thực hiện được hiệp đồng đánh chiếm một số cứ điểm quan trọng của chính quyền Sài Gòn. Đợt 2, Ban Binh vận Trung ương cục phối hợp với Tỉnh đội An Giang sử dụng nội tuyến phối hợp với quân tỉnh đội dẹp hệ thống đồn bót biệt kích Mỹ gồm 2 đồn cấp đại đội, 4 đồn cấp trung đội, thu toàn bộ vũ khí, hỗ trợ đắc lực cho tấn công đợt 2 của tỉnh. Công tác binh vận khu và tỉnh có đánh được một số trận ba mũi giáp công thắng lớn như ở Mỹ Tho, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ…

Cuối tháng 6-1968, Mỹ tăng lên 540.000 quân; quân đội Sài Gòn cũng tăng quân theo nhịp độ của chiến tranh đảm bảo thay thế cho quân Mỹ rút về nước. Chính quyền Sài Gòn ra lệnh tổng động viên, quân sự hóa học đường, quân sự hóa công chức. Chiến lược “quét và giữ” được quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa triển khai từ đô thị đến vùng ven đô rồi mở rộng ra vùng du kích, căn cứ của ta. Chúng chắt lọc, phân loại dân, tổ chức “ngũ gia liên bảo”, đoàn ngũ hóa dân từ 16 đến 60 tuổi, gom hết dân vào ấp chiến lược, theo trục giao thông, ven đô thị. Ruộng vườn cũng được quy hoạch – chỉ để lại một số, còn lại thì rải chất khai hoang. Đầu năm 1970, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đánh giá “công cuộc bình định đang thời hưng thịnh nhất”, mở rộng chiến tranh sang Campuchia, chủ lực ta có điều kiện bung ra, 3 mũi giáp công ở các tỉnh có điều kiện phát động. Mũi quân sự đi đầu lớn mạnh thì mũi chính trị - binh vận được xây dựng phát triển tạo thế tạo lực tương tác cùng lớn. Phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị lại có cơ hội bộc phát, đi đầu là phong trào sinh viên, học sinh chiếm tòa đại sứ Campuchia của LonNol.

Tháng 1-1972, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành chính sách binh vận 10 điểm, trong đó coi gia đình có người bị bắt lính là nạn nhân đau khổ, không coi phòng vệ dân sự là lính ngụy, kêu gọi họ tự giải phóng. Ngày 13-8-1972, Trung ương chỉ đạo: phải đặt vấn đề thắng địch bằng công tác binh vận cũng quan trọng như thắng địch bằng tác chiến.

Trên toàn miền, các chiến dịch trong năm 1972 đã phá vỡ nhiều vùng phòng ngự của Mỹ - ngụy, Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo cơ sở đánh trái nổ đốt cháy kho xăng Long Bình, phá nổ hầm chứa bom – hỏa tiễn phá nát sân bay Biên Hòa, phá kho xăng quân vận ở Sài Gòn; quân đội và chính quyền Sài Gòn bị diệt và tan rã trên 150.000 tên, ba mũi giáp công gỡ 1.410 đồn bót, cơ sở nội tuyến diệt 2.000 tên ác ôn; phá rã 1.350 toán phòng vệ dân sự và 60.000 phòng vệ đào ngũ ra vùng giải phóng gia nhập quân đội cách mạng…

Tháng 7-1974, Trung ương Cục chủ trì Hội nghị Binh vận toàn miền, đánh giá cao vai trò binh vận trong 3 mũi giáp công và đề ra nhiệm vụ tích cực chủ động góp sức cùng 2 mũi quân sự - chính trị, thực hiện xã - ấp tự lực gỡ đồn, diệt phân chi khu, huyện tự lực mở mảng, tiến tới cao trào 3 mũi giáp công, giải phóng huyện, tỉnh.

Đầu năm 1975, Ban Binh vận Trung ương Cục và Ban Binh vận Sài Gòn “khẩn trương chuẩn bị hành động, vừa ở cơ sở các đơn vị, các trường huấn luyện quân Sài Gòn, vừa khẩn trương chuẩn bị lá bài chiến lược đã được chuẩn bị từ rất lâu – tướng Dương Văn Minh và nhóm của ông”. Ở nông thôn, từ ngày 26-4 đến 30-4, 3 mũi giáp công giải phóng 50 xã, chiếm tòa hành chính và các cơ quan huyện Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh. Ở đô thị, sáng 28-4, thiếu tá Lê Quang Ninh tại Trảng Bàng phát động khởi nghĩa đưa cả tiểu đoàn trù bị bảo vệ căn cứ Đồng Dù về với cách mạng, làm tan rã thiết đoàn trên 40 xe tăng – thiết giáp, khiến căn cứ Đồng Dù không lực lượng bảo vệ, bị cô lập. Cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa như một trận đột phá lớn, gây hoang mang rối loạn hàng ngũ quân ngụy khu 31 chiến thuật, phá vỡ hệ thống bố phòng khu chiến thuật, hỗ trợ đắc lực cho trận đánh Đồng Dù của chủ lực ta sau đó 20 giờ.

18 giờ ngày 28-4, phi công Nguyễn Thành Trung hướng dẫn phi đoàn 5 chiếc A37 dội bom phi trường Tân Sơn Nhất, gây hỏng nặng đường băng lên xuống, bãi đậu và hư hỏng một số máy bay. Tổng thống Mỹ phải phát lệnh di tản cấp tốc. Chiều 29-4, một đại tá, Chỉ huy phó Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, báo cho ta kế hoạch thực hiện lệnh không nổ súng đã hoàn chỉnh, sẵn sàng giao Trung tâm cho cách mạng (sau khi đưa tất cả các đơn vị bên ngoài vào trại, cất hết vũ khí chiến đấu vào kho, vô hiệu hóa các bãi mìn bảo vệ các trại toàn Trung tâm), mở đường cho quân chủ lực ta đi ngang qua trung tâm, tiến đánh trại lữ đoàn quân dù Hoàng Hoa Thám sáng sớm ngày 30-4-1975 ở Bà Quẹo.

Trung úy Trần Huệ Nhật, Chỉ huy trưởng đại đội xung kích bảo vệ Bộ Chỉ huy Cảnh sát Gia Định – đảng viên, nội tuyến của ta, cùng cơ sở và 8 nòng cốt đóng cửa chiếm giữ Bộ Chỉ huy Cảnh sát Gia Định từ trưa ngày 29-4, làm tan rã bộ máy cảnh sát bên dưới, tạo thuận lợi cho khởi nghĩa cướp chính quyền các huyện, xã của Gia Định (Hóc Môn, Bình Hòa, Phú Nhuận, Tân Bình, Thạnh Mỹ Tây, Gò Vấp, Thủ Đức).

Chiều 26-4, Quốc hội chế độ Sài Gòn họp bầu Dương Văn Minh làm tổng thống. Chiều 28-4, Dương Văn Minh nhậm chức; văn bản đầu tiên mà ông ký là công hàm yêu cầu Đại sứ Mỹ rút hết phái đoàn quân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam trong 24 giờ kể từ ngày 28-4. Đồng thời, ông bổ nhiệm Triệu Quốc Mạnh làm Chỉ huy trưởng cảnh sát đô thành Sài Gòn chiều 28-4 và ông Mạnh đã tìm cách giải tán 16.000 cảnh sát Sài Gòn. Ngày 29-4, ông Mạnh ra lệnh thả toàn bộ tù chính trị, tạo thuận lợi cho nhân dân nội đô nổi dậy cướp chính quyền ở phường, khóm và các quận.

Sáng 29-4, Dương Văn Minh bổ nhiệm chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, trung tướng Vĩnh Lộc. Chiều 29-4, ông Hạnh với danh nghĩa phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, Trưởng phòng Hành quân, thông báo thất bại trên các chiến trường cho các cấp chỉ huy, lệnh toàn quân bất động chờ lệnh Tổng thống, không cho thi hành kế hoạch phá cầu. 3 giờ chiều ngày 29-4, ông Minh chấp thuận cho dời Bộ Tư lệnh quân đoàn 3 về Gò Vấp và làm tan rã luôn quân đoàn này, mở cửa Biên Hòa cho quân ta tiến vào. 9 giờ 30 phút ngày 30-4, ông Minh tuyên bố ngưng bắn và bàn giao chính quyền. 11 giờ 30, ông tuyên bố đầu hàng.

Nhân dân nội đô Sài Gòn - Gia Định được Đảng tuyên truyền, giáo dục chính sách binh vận và hướng dẫn làm binh vận đã tập hợp tham gia cướp chính quyền, tiếp quản toàn bộ các cơ sở vật chất, kêu gọi các đơn vị rã ngũ, giải quyết binh sĩ về với gia đình, tiếp quản một số cơ sở quân sự mà ta chưa kịp đến, tổ chức trật tự đường phố... Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trên chiến trường trọng điểm Sài Gòn - Gia Định kết thúc nhanh chóng, gọn gàng, trọn vẹn. Quân đội Sài Gòn tan rã về với gia đình. Lực lượng 3 mũi tại chỗ giải tán chính quyền Sài Gòn các cấp, tiếp quản trọn vẹn tài sản và cơ sở vật chất. Ngày 30-4 là ngày cao điểm binh lính, sĩ quan, viên chức chính quyền Sài Gòn giao nộp súng đạn, kho tàng, hồ sơ tài liệu…; họ làm việc với thái độ tự nguyện – nghiêm túc – trách nhiệm!

Các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy 3 mũi giáp công uy hiếp quân đội địch đầu hàng; một vài nơi, chỉ huy địch ngoan cố nhưng khi gia đình đến thuyết phục đều buông súng. Giáo dân Hòa Hảo hưởng ứng vận động của ta làm tan rã gần 3 vạn quân, buộc bọn cầm đầu ở Tây An cổ tự (Chợ Mới – An Giang) lần lượt bỏ chạy, đầu hàng dứt điểm ngày 5-5-1975. Các tỉnh hoàn thành giải phóng trong các ngày 30 và 1 – 2-5-1975.

Sau ngày giải phóng, Đảng chỉ đạo ngành binh vận, có sự chi viện của chính trị quân đội, tổ chức trình diện đăng ký. Công tác trình diện đăng ký và học tập chính trị tại chỗ đã góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị và an ninh trật tự ở miền Nam.

Thông tri ngày 15-8-1975 của Trung ương Cục đánh giá: “Trong cuộc chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là qua các bước nhảy vọt của cách mạng miền Nam, công tác binh vận đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung, xứng đáng với nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đã giao…” và “thành quả công tác binh vận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn mãi mãi là điểm son trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đã kế thừa và phát huy sự nghiệp cao cả của ông cha “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn – lấy chí nhân thay cường bạo” trong thời đại Hồ Chí Minh”.

---------------------------------------------

(*) Nguyên cán bộ Ban Binh vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Trích tham luận Hội thảo khoa học Đại thắng mùa xuân 1975, sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình, do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức, tháng 4-2015