Đánh giá thực trạng thất nghiệp năm 2024

Thế giới hiện có khoảng 1,8 tỷ thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 10-24. Đây là lực lượng trẻ cần được tiếp cận đầy đủ với giáo dục, y tế để trở thành động lực dẫn dắt sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã khẳng định: “Lý tưởng và sự sáng tạo của tuổi trẻ là những nguồn tài nguyên quan trọng nhất mà bất kỳ quốc gia nào cũng có”. Thế nhưng, một bộ phận của lực lượng lao động trẻ hiện nay vẫn đang thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không phù hợp với khả năng, mong muốn.

Thậm chí, một bộ phận thanh niên tuy có trình độ học vấn cao hơn trước nhưng vẫn gặp khó khăn khi tìm được những công việc ổn định và tương xứng với trình độ của mình. Trung bình một người trẻ phải mất khoảng 19 tháng kể từ sau khi tốt nghiệp mới có thể tìm được việc làm ổn định. Nhiều thanh niên tuy tìm được việc làm nhưng chỉ là những công việc không quá đòi hỏi về trình độ, tay nghề, và như vậy mức thu nhập thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống.

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế [ILO], trong số 200 triệu người thất nghiệp trên toàn thế giới, có tới 73,3 triệu là thanh niên[1]. Trong báo cáo “Xu hướng việc làm của thanh niên toàn cầu năm 2015”, ILO cũng cảnh báo về một thế hệ trẻ bị tổn thương do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thanh niên không được đào tạo, không tìm được các việc làm phù hợp, có chất lượng và thực trạng việc làm bấp bênh tại các quốc gia phát triển, cũng như sự gia tăng số lao động nghèo tại các nước đang phát triển. Báo cáo cũng cho biết, mặc dù số lao động trẻ trên thế giới không có việc làm trong thời gian qua đã giảm nhẹ so với giai đoạn trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, song các nhà kinh tế cảnh báo, những khó khăn từ nhiều lĩnh vực vẫn tác động đến thị trường việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều khu vực sẽ còn ở mức cao kỷ lục, thậm chí tiếp tục gia tăng.

Chỉ tính riêng các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu [Eurozone], có tới 1/3 thanh niên dưới 18 tuổi [khoảng 26 triệu người] đang trong tình trạng nghèo đói, sống bên lề sự phát triển; rất nhiều thanh niên trong độ tuổi từ 20-24 ít có cơ hội tìm được việc làm và được đào tạo trong tương lai. Điều này được thấy rõ nhất tại một số quốc gia Nam Âu, như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và I-ta-li-a, với số thanh niên không có việc làm và không được đào tạo tăng từ 1,2 triệu [năm 2007] lên 7,6 triệu [năm 2015]. Tại Hy Lạp, cứ 10 thanh niên thì có 7 người thất nghiệp[2]. Những quốc gia có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất trong EU là Hy Lạp [59%]; tiếp đó là Tây Ban Nha [55,7%], Crô-át-ti-a [49,9%], I-ta-li-a [41,6%], Cộng hòa Síp [38,7%][3]…

Tại nhiều nước châu Á, thanh niên dường như ngày càng trở nên “yếu thế” hơn trong tìm kiếm việc làm. Lần đầu tiên trong 15 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động từ 15-29 tại Hàn Quốc chạm mốc 11%, chiếm 3,9% tổng dân số [năm 2015]. Ở Mông Cổ, Bộ Phúc lợi xã hội và Lao động nước này cho biết, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình cả nước là 9,9% thì tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 không có việc làm là 19,5%[4].

Trong một báo cáo mới nhất về tình trạng lao động - việc làm toàn cầu năm 2015, Tổng Giám đốc ILO G. Rai-đơ cho biết, tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng xấu đi tại nhiều nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển, các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ. Nghiêm trọng nhất là tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, có tới hơn 30% thanh niên thất nghiệp do tình trạng xung đột kéo dài, thiếu đầu tư tạo việc làm... Ông G. Rai-đơ cảnh báo, “chúng ta cần hành động khẩn cấp để đẩy mạnh cơ hội việc làm cho mọi người hoặc là chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy đối với xã hội”[5].

Gia tăng nguy cơ bất ổn chính trị, an ninh, xã hội

Tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên cộng với chất lượng việc làm không cao nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Thứ nhất, làm suy yếu đáng kể tiềm lực kinh tế quốc gia. Khi thất nghiệp gia tăng, chính phủ các nước phải chi một khoản tiền khổng lồ để trợ cấp thất nghiệp, giúp người thất nghiệp thoát khỏi những khó khăn trước mắt về kinh tế. Tuy nhiên, đó chỉ là các gói hỗ trợ ngắn hạn, tạm thời cho người thất nghiệp khi chưa tìm được việc làm, với điều kiện người lao động trước đó tự nguyện đóng bảo hiểm thất nghiệp, không có một nền kinh tế nào có thể trả lương thất nghiệp lâu dài và thường xuyên cho người lao động. Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao là một thách thức to lớn cho ngân sách, an sinh xã hội và phát triển bền vững. Ông Hô-ly Ran-sơm, Giám đốc điều hành của HRE Global nhận định: Chúng ta có nguy cơ đánh mất một thế hệ bỏ đi và nguy cơ đó sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu phải trả giá đắt. Ông H. Ran-sơm cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ khiến năng lực sản xuất toàn cầu bị thiệt hại khoảng 150 tỷ USD/năm.

Thứ hai, làm gia tăng nguy cơ bất ổn trong xã hội; đồng thời, làm suy yếu sự liên kết giữa gia đình và xã hội, cũng như lòng tin đối với các chính sách của chính phủ. Thất nghiệp ở thanh niên không chỉ là vấn đề của thanh niên mà là của cả cộng đồng. Khi không có việc làm hoặc thiếu việc làm, thanh niên phải sống phụ thuộc vào gia đình và sự trợ cấp thất nghiệp của nhà nước. Việc làm và thu nhập của thanh niên không ổn định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự bất ổn trong gia đình, thậm chí dẫn đến nạn bạo hành gia đình và trong cộng đồng. Thất nghiệp cao trong thanh niên làm gia tăng tệ nạn xã hội, như cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút,... làm suy giảm niềm tin của giới trẻ đối với chính quyền, dẫn tới những bất ổn, xung đột xã hội.

Thứ ba, trên quy mô toàn cầu, thiếu việc làm cho giới trẻ dẫn đến tình trạng các quốc gia phát triển hạn chế lao động nhập cư để bảo đảm việc làm cho công dân nước mình. Hạn chế nhập lao động nước ngoài, thiếu việc làm dễ gây ra tranh chấp xung đột giữa lao động bản địa và lao động nhập cư, làm xuất hiện và trầm trọng thêm tình trạng kỳ thị lao động nhập cư, dễ dẫn đến bất ổn xã hội. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao càng làm đậm thêm chênh lệnh giàu nghèo trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới. Đó cũng là mầm mống khiến bạo lực vũ trang gia tăng. Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong do bạo lực vũ trang ở mỗi quốc gia tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển kinh tế, tỷ lệ thuận với thất nghiệp và chênh lệch giàu - nghèo.

Giải pháp khắc phục tình trạng thanh niên thất nghiệp ở một số nước

Tổng Giám đốc ILO G. Rai-đơ kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hợp tác chặt chẽ trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm, vì lợi ích tăng trưởng kinh tế toàn cầu, hướng tới một thế giới bền vững hơn.

ILO và Quỹ Tiền tệ quốc tế [IMF] đã đề nghị các nước xúc tiến nhiều giải pháp tạo việc làm cho giới trẻ, như: Một là, áp dụng chính sách bảo đảm xã hội trong khuôn khổ các chính sách kinh tế vĩ mô bền vững và chiến lược phát triển trung và dài hạn cho những người sống trong đói, nghèo, kém may mắn để họ có thể hòa nhập được với xã hội. Hai là, áp dụng các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế để người lao động có thể chuyển dịch từ các ngành công nghiệp dễ bị mất việc làm sang các ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm. Ba là, đẩy mạnh các chính sách trợ cấp và bảo hiểm thất nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm và đào tạo lại lực lượng lao động dư thừa. Bốn là, khai thác tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính, cung cấp tài chính, cũng như các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Năm là, mở rộng quy mô đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kỷ nguyên mới về công bằng xã hội...

Như vậy, để ứng phó với những thách thức về vấn đề việc làm của giới trẻ toàn cầu đòi hỏi những cách tiếp cận phù hợp và đa dạng.

Chính phủ ở một số quốc gia đang nỗ lực đưa ra các giải pháp tạo việc làm cho thanh niên. Tại châu Âu, tháng 02-2013, lãnh đạo các nước thành viên EU đã ban hành chương trình Sáng kiến việc làm thanh niên, áp dụng thực hiện từ tháng 01-2014. Tháng 6-2013, tại Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo EU cũng quyết định dành 6 tỷ ơ-rô [khoảng 7,6 tỷ USD] tài trợ cho các chương trình tạo thêm việc làm cho thanh niên trong giai đoạn 2014 - 2020. Để đạt mục tiêu 75% số người trong độ tuổi lao động có việc làm vào năm 2020, các nhà lãnh đạo EU ban hành Chương trình bảo đảm việc làm cho thanh niên, áp dụng đối với thanh niên thất nghiệp từ 4 tháng trở lên; thành lập Liên minh học nghề châu Âu và những cách thức chống lại việc suy giảm động cơ phấn đấu của thanh niên. Chính phủ Anh đã khởi động chương trình “Việc làm cho thanh niên” từ tháng 4-2012, tạo cơ hội có việc làm cho khoảng 500 nghìn thanh niên dưới 24 tuổi, chủ yếu thông qua dạy nghề. Chính phủ Pháp chú trọng đào tạo nghề và cải cách thị trường lao động, với hai gói giải pháp về việc làm cho thanh niên và đặt mục tiêu tạo ra được 150 nghìn việc làm lao động phổ thông.

Hy Lạp và Tây Ban Nha áp dụng các biện pháp “sốc” để giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất ở châu Âu. Tây Ban Nha chi 3,48 tỷ ơ-rô trong 4 năm nhằm duy trì trợ cấp thất nghiệp, trong đó 32% là do EU tài trợ. Khoảng 35 nghìn thanh niên Hy Lạp ở độ tuổi dưới 30 đã tốt nghiệp phổ thông được trợ giúp thực tập nghề trong vài tháng với mức 5 ơ-rô/giờ và được hưởng bảo hiểm y tế. Trong khi đó, thanh niên Đức từ 16 tuổi trở lên có thể đăng ký học nghề trong 3 năm với danh sách khoảng 344 nghề để lựa chọn. Khoảng 40% số thanh niên Áo từ 15 tuổi được hướng nghiệp và học một nghề cơ bản trong 3 năm, trong đó 80% thời gian được thực hành tại các doanh nghiệp.

Tại Mỹ, từ tháng 2-2009, Mỹ đã ký ban hành Luật Tái đầu tư và khôi phục, với trị giá 787 tỷ USD. Gói kích thích này giúp tạo thêm và bảo vệ 3,5 triệu việc làm, với 90% việc làm thuộc khu vực tư nhân. Các kế hoạch thúc đẩy kinh tế được công bố bao gồm: 200 hệ thống đường ống nước sinh hoạt và nước thải mới ở các khu vực nông thôn [tạo ra 125 nghìn việc làm], cùng với các dự án bảo dưỡng và xây dựng 98 sân bay, hơn 1.500 đường cao tốc, 107 công viên quốc gia. Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án lớn khác như: mở rộng dịch vụ y tế đối với 300 nghìn bệnh nhân trên khắp nước Mỹ; tài trợ cho 135 nghìn việc làm trong ngành giáo dục; nâng cấp 90 trung tâm y tế; duy trì 5 nghìn việc làm trong lĩnh vực thực thi pháp luật; 1.300 dự án tái định cư và xây dựng tại 359 địa điểm quân sự… Tính đến tháng 1-2016, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất là 4,9% so với con số 7,2% trong 8 năm qua [năm 2008][6].

Tại châu Á, nhằm khuyến khích sử dụng lao động trong nước và cũng để giảm gánh nặng thất nghiệp ở nước này, từ ngày 12-3-2016, Chính phủ Ma-lai-xi-a bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế sử dụng lao động nước ngoài, theo đó, người sử dụng lao động ở Ma-lai-xi-a chỉ được phép tuyển những lao động nước ngoài đang ở Ma-lai-xi-a, bao gồm cả những người có giấy phép đã hết hạn. Người sử dụng lao động hoặc công ty môi giới lao động bị phát hiện có hành vi bao che cho việc sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp sẽ đối mặt với án hình sự.

Tạo việc làm mới cho thanh niên cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc. Tháng 8-2015, Bộ Kế hoạch - Tài chính Hàn Quốc đã đưa ra “Đối sách tổng hợp về tuyển dụng thanh niên”. Theo đó, tại các cơ quan, công ty nhà nước sẽ tuyển thêm nhiều giáo viên và công chức hơn bằng việc mở rộng áp dụng chế độ nghỉ hưu sớm [chưa đủ tuổi về hưu theo quy định nhưng có số năm làm việc đạt tiêu chuẩn] cho các giáo viên, đơn giản hóa thủ tục tuyển dụng công chức được lựa chọn làm việc theo giờ. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ giảm thuế hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng tuyển dụng lao động thanh niên. Doanh nghiệp tuyển nhân viên chính thức là thanh niên trong năm hiện tại nhiều hơn so với năm trước sẽ được hưởng ưu đãi khấu trừ thuế; hoặc áp dụng quy định kéo dài độ tuổi về hưu, giảm dần lương theo giai đoạn và tăng thêm việc làm sẽ được chính phủ nước này hỗ trợ 9.250USD/người trong vòng 2 năm./.

--------

[1] Xem: Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đang ngày càng xấu đi trên toàn thế giới, //vieclam.nguoiduatin.vn/thi-truong/ty-le-thanh-nien-that-nghiep-dang-ngay-cang-xau-di-tren-toan-the-gioi-330

[2] Xem: Báo động tình trạng nghèo đói trong giới trẻ ở châu Âu, //vtv.vn/the-gioi-do-day/bao-dong-tinh-trang-ngheo-doi-trong-gioi-tre-o-chau-au-20151111172549953.htm

[3] Xem: 5 quốc gia châu Âu có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất, //vov.vn/thegioi/5-quoc-gia-chau-au-co-ty-le-thanh-nien-that-nghiep-cao-nhat-309925.vov

[4] Xem: Thanh niên thất nghiệp: Nỗi lo lắng toàn cầu, //dantri.com.vn/viec-lam/thanh-nien-that-nghiep-noi-lo-lang-toan-cau-1322789428.htm

[5] Xem: Thất nghiệp toàn cầu lại tăng, //baoquangnam.com.vn/the-gioi/201601/that-nghiep-toan-cau-lai-tang-658460/

[6] Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thấp nhất trong vòng 8 năm qua, //vtv.vn/the-gioi/ty-le-that-nghiep-tai-my-thap-nhat-trong-vong-8-nam-qua-20160206144836493.htm

Chủ Đề