Đánh giá thực trạng về dân di cư tự do

[ĐCSVN] – Nói là việc khó bởi vấn đề di dân tự phát tồn tại đã hàng chục năm nhưng chúng ta chưa giải quyết được dứt điểm. Ý kiến của các đại biểu dự Tọa đàm “Di cư tự phát - Thực trạng và giải pháp bố trí lại dân cư theo hướng phát triển bền vững” mới đây đã phân tích rõ những nguyên nhân và kiến nghị nhiều giải pháp giúp Đảng, Nhà nước giải quyết tình hình.

Buổi Tọa đàm do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức - Ảnh: HH

Khó cả nơi đi và nơi đến

Khó khăn nhất của những người di cư đó là điều kiện, môi trường làm việc, nhà ở. Tại địa bàn sinh sống, họ không có đủ đất để sản xuất dẫn tới kinh tế khó khăn, nhà cửa tạm bợ, gia đình nheo nhóc, con cái không có điều kiện học hành nên phải tìm cách di cư… Theo các số liệu công bố của các nhà nghiên cứu thì có tới gần 80% nguyên nhân là do điều kiện kinh tế buộc người ta phải tìm chỗ khác tốt hơn; 20% còn lại dẫn tới việc các hộ phải di cư là do bị lợi dụng về tôn giáo, bị kích động hoặc do mâu thuẫn sắc tộc, dòng họ, hàng xóm, hay đi theo người nhà…

Theo số liệu Tổng điều tra năm 2009, số người di cư giữa các tỉnh trong 5 năm 1994 - 1999 là 2 triệu người, 5 năm 2004 - 2009 là 3,4 triệu người, tăng 1,4 triệu người, như vậy, cứ mỗi năm số người di cư tăng trung bình từ 8 - 10%. Báo cáo của khu vực Tây Bắc cũng cho thấy, từ năm 1975 đến quý I/2014, tại 92 huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố có khoảng 55.000 hộ di dân tự do. Khu vực Tây Nguyên là nơi có số hộ di dân tự do đến nhiều nhất, với gần 190.000 hộ, khoảng 1 triệu nhân khẩu.

Vì tự bỏ đi nên nhiều hộ gia đình không cắt khẩu, chuyển khẩu cho nên địa phương sở tại không biết, khi đến nơi ở mới cũng không nhập khẩu, không khai báo nên chính quyền nơi đó cũng không hay. Những người di cư theo đó mà đã khó lại càng khó khi họ sẽ không được cấp đất sản xuất mới, con cái không được đến trường, cuộc sống vẫn chỉ là tạm bợ, một số hộ dân phải đi làm thuê, tỷ lệ đói nghèo cao. Do thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng không có, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và văn hóa không được hưởng nên tình trạng chiếm rừng, phá rừng, mua bán đất trái phép và tranh chấp đất đai diễn ra khá phổ biến tại những khu vực dân di cư đến gây mất trật tự an ninh xã hội tại địa phương.

Tại Đắk Nông, hiện còn gần 10.000 hộ dân di cư tự do đến đang sống phân tán, chưa được hưởng các dự án sắp xếp ổn định hoặc bố trí theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tình trạng dân di cư tự do đã phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch bố trí, sắp xếp và quản lý dân cư ở các địa phương. Đồng chí Phạm Đức Luyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, di dân tự do còn tác động đến Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, mỗi năm Đắk Nông thực hiện quyết liệt cũng chỉ giảm được 2 - 3%, bởi vì cứ giảm được vài chục hộ thì lại có những hộ khác di cư tự do vào địa phương, theo đó số hộ nghèo rất khó giảm. Tiếp đó là ảnh hưởng đến Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đạt 20% số xã đạt các tiêu chí nhưng nếu rà soát thì cũng chỉ được 12 - 13% là tối đa bởi khoảng hơn 10.000 hộ sinh sống rải rác ở trong rừng thì làm sao xây dựng được nông thôn mới. Điều này cũng gây nhiều khó khăn về công tác quản lý dân cư và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Đồng chí Ksor Phước - Ảnh: HH

Đúng là thực tế, số người di dân tự do đều do tự ý bỏ đi, nhưng cũng cần phải nói đến trách nhiệm của cán bộ địa phương trong công tác quản lý dân cư. Đồng chí Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội cho biết, “có những địa phương có người di cư đi chính quyền cũng không biết và ngược lại, họ đến nơi ở mới, chính quyền ở đó cũng không biết dẫn đến có tình trạng, có những hộ dân vào Tây Nguyên phá rừng trồng cà phê cao bằng đầu người mà chính quyền sở tại cũng không biết, vậy thì, trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào, nhất là cán bộ quản lý hộ tịch?”

Giải quyết vấn đề di cư tự phát, đồng chí Ksor Phước cho rằng, chúng ta cần tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật liên quan đến quyền công dân và công tác quản lý đất đai nhằm đảm bảo đầy đủ các quyền công dân cho người di cư, nhất là quyền tự do cư trú, nhưng cũng không nằm ngoài các quy định của pháp luật.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, theo đồng chí Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cần phải thống nhất quan điểm trong đánh giá tình hình, nguyên nhân của tình trạng di cư, từ đó chúng ta mới đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược quốc gia để tham mưu cho Trung ương có những quyết sách đúng nhất. Đồng chí cho biết, việc đánh giá nhiều đồng bào dân tộc Mông di cư vào Tây Nguyên hay các tỉnh miền núi phía Bắc di cư nhiều là chưa thuyết phục. Bởi theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, đồng bào dân tộc Mông chỉ đứng thứ 4 về số lượng người di cư vào Tây Nguyên; các tỉnh miền núi phía Bắc không phải là nơi có số đồng bào di cư nhiều nhất mà là tỉnh Bến Tre có số người di cư nhiều nhất; tỉnh Bình Dương là địa phương có lượng người di cư đến nhiều nhất. Theo đồng chí Hoàng Xuân Lương, xu hướng chung của di cư Việt Nam là tập trung về các thành phố lớn, các khu công nghiệp, cụ thể, đông nhất là Bình Dương, cứ 1.000 dân trong tỉnh thì có 366 người di cư đến, tiếp đó là Tp Hồ Chí Minh với tỷ lệ 156/1000, Đồng Nai 104/1.000, Đà Nẵng 100/1000, Đắk Nông 94,3/1000, Hà Nội 65,3/1000... “Từ việc xác định chính xác nguyên nhân chủ yếu là về kinh tế thì chúng ta nên có giải pháp về kinh tế để hạn chế tình trạng di cư tự phát” – đồng chí Hoàng Xuân Lương kiến nghị.

Đồng quan điểm này, PSG.TS Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng, cần thống nhất quan điểm quyền lựa chọn cư trú là quyền tự do của mọi công dân, để các quyền tự do cư trú đó của công dân được thực hiện thì nhà nước phải chủ động xây dựng tổng thể quy hoạch dân cư, dự báo những nơi thường xảy ra thiên tai, nơi thiếu các điều kiện sản xuất để điều động dân cư có kế hoạch. Đồng thời giải quyết ổn định vấn đề cả nơi đi và nơi đến. Những nơi dân đã di cư tự phát sống thành cộng đồng phải lập ngay dự án ổn định cuộc sống, cấp hộ khẩu để người dân được hưởng các chính sách của nhà nước.

Đồng chí Triệu Tài Vinh - Ảnh: HH

Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng, không nên dùng các biện pháp, công cụ hành chính để hạn chế dòng di cư mà nên hướng tới các chính sách cụ thể. Trước mắt, cần đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương, ưu tiên các chính sách phát triển cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu một dự án công nghiệp xây dựng ở thành phố thu hút nhiều lao động nông thôn thì chi bằng chuyển dự án đó về khu vực nông thôn để giảm tải cho thành phố các vấn đề xã hội mà lại giúp địa phương giải quyết việc làm, lao động được làm việc tại chỗ theo hướng “ly nông không ly hương”. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế trang trại, cải tiến nông nghiệp, nâng cao năng suất, tăng các thị trường đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, phát triển thị trường tài chính nông thôn, củng cố các chương trình an sinh xã hội. Cùng với đó, cần đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức việc làm cho họ sau khi ra trường… Nếu công việc ổn định, thu nhập dù thấp hơn thành phố nhưng họ cũng sẽ chẳng đi đâu khỏi địa phương.

Xác định di cư tự phát là vấn đề toàn cầu mang tính quy luật trong quá trình phát triển, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bất cứ quốc gia nào đều phải đối mặt với tình trạng di cư tự phát. Dù biết rằng đây là việc khó, nhưng khó cũng phải làm vì mục tiêu ổn định xã hội, bảo đảm quyền công dân cho mỗi người. Giải quyết được vấn đề này sẽ giúp địa phương có người đi không bị trống địa bàn, không thiếu nguồn nhân lực và ngược lại địa phương có người đến không bị quá tải, áp lực giải quyết vấn đề việc làm, nhập cư và các vấn đề xã hội.

Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của người dân, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung, các vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới và những khu vực có nhiều dân cư đến sinh sống. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực miền núi khó khăn, tạo điều kiện ổn định đời sống cho đồng bào, góp phần hạn chế tình trạng di cư tự phát, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những chương trình nổi bật như: giải quyết vấn đề đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các chương trình giảm nghèo. Những kết quả đạt được là rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu ổn định dân cư, xóa đói giám nghèo.

Phó Thủ tướng cho rằng, giải quyết vấn đề di cư tự phát cần nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cấp, nhiều ngành, từ xây dựng thể chế pháp luật, chỉ đạo điều hành, phối hợp triển khai, đánh giá kết quả chính sách, điều chỉnh chính sách kịp thời, nhân rộng mô hình tốt, đặc biệt là sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, động viên người dân, giáo dục ý thức cho người dân không bỏ làng bản, quê hương, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu di cư tự do vào các vùng có nhiều thuận lợi... Trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh chủ trương xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân để họ an cư lạc nghiệp./.

Chủ Đề