Để thực hiện điều ước quốc tế trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, có mấy cách thức phổ biến

Các học thuyết về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia – Quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam – Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật Việt Nam về vấn đề này

Các quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 và nhu cầu thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005. Một trong những vấn đề quan trọng của lần sửa đổi này là cần xác định mối quan hệ giữa điều ước quốc tế [ĐƯQT] và pháp luật Việt Nam. Hiệu lực pháp lý và vị trí của ĐƯQT trong quan hệ với hệ thống pháp luật Việt Nam cần được xác định rõ ràng hơn để việc thực hiện ĐƯQT của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có hiệu quả trên thực tế. Pháp luật hiện hành đã có quy định về vấn đề này, nhưng vẫn còn một số điểm cần làm rõ, bổ sung và sửa đổi.

  1. Các học thuyết về mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật quốc gia

ĐƯQT là một trong các nguồn chính của luật pháp quốc tế bên cạnh tập quán quốc tế và các nguyên tắc pháp luật chung.[1] ĐƯQT là thỏa thuận bằng văn bản giữa các chủ thể của luật pháp quốc tế [mà chủ yếu là các quốc gia] được luật pháp quốc tế điều chỉnh bất kể tên gọi, hình thức của văn bản đó.[2] Mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật quốc gia thường được xem xét theo hai học thuyết về mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật quốc gia: thuyết nhất nguyên luận và thuyết nhị nguyên luận.

1.1. Thuyết nhất nguyên luận

Theo thuyết nhất nguyên luận,[3] ĐƯQT và pháp luật quốc gia là hai bộ phận của cùng một hệ thống pháp lý, do đó các quy định của luật pháp quốc tế sẽ được áp dụng trực tiếp vào bên trong các quốc gia. Nói cách khác, ĐƯQT trở thành một nguồn chính thức của pháp luật quốc gia, có thể được viện dẫn, áp dụng trực tiếp bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hay trước các toà án quốc gia. Các quốc gia không cần thiết phải ghi nhận lại các quy định của ĐƯQT vào trong pháp luật quốc gia, mà chỉ cần có quy định mang tính nguyên tắc chung để công nhận hiệu lực của ĐƯQT.

Một số quốc gia áp dụng thuyết nhất nguyên luận có thể kể đến như Nga, Thuỵ Sỹ, Mỹ và Mexico. Hiến pháp Mỹ quy định các điều ước quốc tế mà Mỹ là thành viên là luật liên bang tối cao, bên cạnh các đạo luật khác của nước này.[4] Mexico đối xử với các điều ước quốc tế được Thượng viện thông qua như luật liên bang.[5] Thụy Sỹ cho phép các điều ước quốc tế có hiệu lực pháp lý trong nước ngay khi điều ước quốc tế có hiệu lực.[6] Tương tự, Nga quy định rằng tất cả các điều ước quốc tế mà Nga là thành viên là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật nước này.[7]

Về hiệu lực pháp lý của ĐƯQT, có hai quan điểm chính. Từ quan điểm thứ nhất, có thể có ý kiến cho rằng thuyết nhất nguyên luận xem luật pháp quốc tế có hiệu lực pháp lý cao hơn so với pháp luật quốc gia.[8] Thông qua một số quy định liên quan, họ cho rằng Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969  pháp luật quốc gia có hiệu lực thấp hơn so với ĐƯQT, trừ quy định mang tính hiến định. Điều 27 quy định các quốc gia không thể viện dẫn quy định của pháp luật của nước mình để biện minh cho việc không thực hiện ĐƯQT. Ngoại lệ duy nhất cho quy định này được trù định ở Điều 46, theo đó một quốc gia có thể tuyên bố một ĐƯQT vô hiệu nếu như việc thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc đối với ĐƯQT đó vi phạm một cách rõ ràng các quy định có tính chất quan trọng, nền tảng của pháp luật quốc gia [như quy định của hiến pháp].[9] Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn gây tranh cãi.

Quan điểm thứ hai cho rằng luật pháp quốc tế có hiệu lực thấp hơn so với quy định pháp luật quốc gia.[10] Các học giả có thể lập luận rằng Điều 27 và 46 không có nghĩa là Công ước Viện thừa nhận hiệu lực pháp lý cao hơn của pháp luật quốc tế so với pháp luật quốc gia. Như vậy, có thể thấy về mặt lý luận, các học giả cùng trường phái nhất nguyên luận cũng không có sự thống nhất với nhau.

1.2. Thuyết nhị nguyên luận

Khác với thuyết nhất nguyên luận, thuyết nhị nguyên luận cho rằng luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia là hai hệ thống pháp lý riêng biệt.[11] Sự tách biệt này là do cách thức hình thành, đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của luật pháp quốc tế khác biệt hẳn so với pháp luật quốc gia. Do đây là hai hệ thống pháp lý riêng biệt nên sẽ không thể so sánh hiệu lực pháp lý của luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia. Từ góc độ luật quốc tế thì pháp luật quốc gia có vị trí thấp hơn, ngược lại luật pháp quốc gia có thể công nhận hoặc không công nhận hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế.

Mỗi hệ thống có đối tượng điều chỉnh riêng của mình. Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế, trong khi pháp luật quốc gia điều chỉnh quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Theo thuyết nhị nguyên luận, Điều 26 và 27 của Công ước Viên chỉ đặt ra nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, nhưng không áp đặt cách thức thực hiện. Luật pháp quốc tế nói chung chỉ quan tâm đến kết quả thực hiện các cam kết và xem các biện pháp cụ thể được áp dụng là vấn đề nội bộ của từng quốc gia.[12] Các quốc gia có thể tự do lựa chọn việc cho phép ĐƯQT có hiệu lực pháp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia và được áp dụng trực tiếp hoặc không công nhận hiệu lực pháp lý của ĐƯQT và thực hiện ĐƯQT thông qua nội luật hoá các quy định này vào trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Ở các nước áp dụng thuyết nhị nguyên luận, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ phải tuân thủ quy định của pháp luật quốc gia được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hay công nhận, kể cả khi quy định đó trái với các ĐƯQT mà nước này là thành viên. Hệ quả là một quốc gia có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm ĐƯQT trong khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lại không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào do hành vi đó vẫn phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia. Một thủ tục rất quan trọng để có thể bảo đảm các ĐƯQT được thực thi là thủ tục nội luật hóa, được đa số các quốc gia áp dụng thuyết nhị nguyên luận thực hiện. Thủ tục nội luật hóa sẽ chuyển hóa các quy định của ĐƯQT vào pháp luật quốc gia, với cách thức phổ biến nhất là bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật [VBQPPL] để thực hiện ĐƯQT.[13] Hay nói cách khác là việc đưa chính xác nội dung các quy phạm điều ước quốc tế vào nội dung của quy phạm pháp luật trong nước thông qua việc xây dựng, ban hành [sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới] VBQPPL trong nước.[14]

Anh, Canada, Ấn Độ và Israel là một số nước áp dụng thuyết nhị nguyên luận. Đối với những nước này, ĐƯQT không tự động có hiệu lực pháp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia mà cần được nội luật hoá thông qua việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hay ban hành các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan lập pháp.[15]

Trên đây là một số điểm cốt lõi trong hai học thuyết pháp lý và đôi khi không thực sự phản ánh thực tế hay đưa ra một giải pháp thực tế và hiệu quả. Các quốc gia có thể lựa chọn áp dụng thuyết nhất nguyên luận hoặc thuyết nhị nguyên luận hoặc kết hợp áp dụng cả hai học thuyết trên trong chừng mực quốc gia đó thấy hợp lý để thực thi các ĐƯQT mà mình là thành viên. Tuỳ theo sự lựa chọn của quốc gia mà hiệu lực pháp lý và vị trí của ĐƯQT trong quan hệ với pháp luật quốc gia sẽ khác nhau, theo đó hệ quả pháp lý cũng sẽ khác nhau.

  1. Mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật Việt Nam

Điều 6 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005 là quy định chính yếu xác định mối quan hệ giữa ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam. Điều này quy định như sau:

“1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

2. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.

3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.”

Như vậy, về hiệu lực pháp lý, Điều 6 trên không có quy định công nhận trực tiếp và rõ ràng hiệu lực pháp lý của ĐƯQT trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Có thể có hai quan điểm giải thích Điều 6 này.

Thứ nhất, có thể lập luận rằng với việc ưu tiên áp dụng [ở Khoản 1] và cho phép áp dụng trực tiếp [khoản 3] cho thấy ĐƯQT phải có hiệu lực pháp lý và hiệu lực này phải cao hơn VBQPPL Việt Nam. Nếu có sự khác biệt trong quy định của ĐƯQT và VBQPPL Việt Nam thì quy định của ĐƯQT sẽ được ưu tiên áp dụng.[16] Các luật chuyên ngành khác của Việt Nam cũng có quy định tương tự.[17] Hơn nữa, các VBQPPL mới ban hành không được làm cản trở việc thực hiện ĐƯQT.[18] Luật ban hành VBQPPL năm 2008 cũng đặt ra nhiều quy định để bảo đảm tính tương thích giữa VBQPPL Việt Nam và ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ như quy định cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo VBQPPL phải nghiên cứu ĐƯQT có liên quan đến dự án, dự thảo,[19] lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao về tính tương thích với ĐƯQT có liên quan,[20] hay quy định về trách nhiệm thẩm định tính tương thích với ĐƯQT có liên quan của Bộ Tư pháp đối với dự thảo VBQPPL.[21] Như vậy, có thể thấy, về nguyên tắc, hệ thống VBQPPL Việt Nam cần phải được xây dựng và vận hành tương thích [hoặc ít nhất không trái] với các quy định của ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên. Quy định như thế cũng phù hợp với nguyên tắc pacta sunt servanda trong luật quốc tế, theo đó các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện ĐƯQT mà mình là thành viên một cách tự nguyện và thiện chí.[22]

Tuy nhiên, Điều 6 này có một ngoại lệ được quy định tại Khoản 2, Điều 3 quy định việc ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT phải phù hợp với các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, về hiệu lực pháp lý và vị trí, ĐƯQT có hiệu lực thấp hơn Hiến pháp nhưng cao hơn các VBQPPL khác. Điều 156 của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 [có hiệu lực từ ngày 1/7/2016] đã hợp nhất quy định ở Điều 6 và Điều 3 nêu trên.[23]

Quan điểm thứ hai có thể cho rằng quy định ưu tiên áp dụng và cho phép áp dụng trực tiếp không đồng nghĩa với hiệu lực pháp lý của ĐƯQT cao hơn quy định của pháp luật Việt Nam. Về mặt câu chữ, Điều 6 không có bất kỳ nội dung nào ghi nhận hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó chỉ có thể kết luật rằng ĐƯQT được “ưu tiên áp dụng”, không thể suy diễn xa hơn đến mức cho rằng ĐƯQT có hiệu lực pháp lý cao hơn pháp luật trong nước như quan điểm nêu trên. Hơn nữa, việc ưu tiên áp dụng này chỉ giới hạn trong một số trường hợp hẹp – khi có sự khác nhau giữa quy định của ĐƯQT và pháp luật Việt Nam.

Quan điểm thứ hai bám sát với với câu chữ quy định của Điều 6, mang tính thực tiễn và mang tính cẩn trọng hơn so với quan điểm nêu trên. Tuy nhiên quan điểm thứ nhất cũng có điểm hợp lý và logic – đây có thể còn cần nhiều thảo luận và trao đổi để có thể đi đến thống nhất.

Về việc áp dụng ĐƯQT, Điều 6 quy định ĐƯQT có thể được áp dụng theo hai cách thức, gián tiếp và trực tiếp. Theo đó, cách thức áp dụng phổ biến nhất là nội luật hoá quy định của ĐƯQT vào hệ thống pháp luật Việt Nam, thông qua việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới VBQPPL thực hiện ĐƯQT. Việc áp dụng trực tiếp ĐƯQT chỉ giới hạn trong hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên là khi có sự khác nhau của quy định ĐƯQT và VBQPPL về cùng một vấn đề thì sẽ áp dụng ĐƯQT [Khoản 1, Điều 6]. Nói cách khác trong trường hợp không có sự khác nhau thì ĐƯQT không được áp dụng trực tiếp. Trường hợp thứ hai, được quy định ở Khoản 3, là khi có quyết định cho phép áp dụng trực tiếp ĐƯQT của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để ĐƯQT có thể được áp dụng trực tiếp trong trường hợp này, ba điều kiện sau phải được thoả mãn: [1] thời điểm ra quyết định áp dụng trực tiếp là khi thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc, [2] quy định của ĐƯQT phải đủ rõ và chi tiết để thực hiện, [3] có quyết định cho áp dụng trực tiếp của Quốc hội, Chủ tịch nước hay Chính phủ.

Điểm khác biệt lớn nhất của hai trường hợp kể trên là yêu cầu phải có quyết định cho phép áp dụng trực tiếp ở Khoản 3, trong khi ở Khoản 1 không cần thiết phải có quyết định như thế, ĐƯQT được tự động áp dụng trực tiếp khi có xung đột với pháp luật quốc gia. Nói cách khác, trường hợp thứ hai còn cần một thủ tục là quyết định cho phép áp dụng trực tiếp. Quy định này tương tự như trong nội luật của Pháp, Nhật Bản, Chilê, Thái Lan và Nam Phi.[24] Pháp quy định điều ước quốc tế chỉ có thể áp dụng trực tiếp như luật quốc gia nếu được công bố bằng một Sắc lệnh Tổng thống [vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu nhánh hành pháp].[25] Thái Lan và Nam Phi quy định một thủ tục phụ tương tự như thế nhưng do cơ quan lập pháp tiến hành.[26]

ĐƯQT có phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam?

Những phân tích ở trên dẫn đến một câu hỏi lớn hơn là liệu ĐƯQT có phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam hay không? Ở đây nguồn của pháp luật được hiểu là nơi chứa đựng các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý. Có thể có ý kiến cho rằng với việc ngầm công nhận hiệu lực pháp lý của ĐƯQT và khả năng cho phép áp dụng trực tiếp ĐƯQT thì có vẻ như ĐƯQT là một nguồn của pháp luật Việt Nam,[27] mặc dù là một nguồn hạn chế. Ít nhất trong một số trường hợp, quy định ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên bắt buộc phải được áp dụng hay viện dẫn trước các toà án của Việt Nam [trường hợp được trù định ở Khoản 1 và 3 của Điều 6 nói trên]. Khó có thể nhận định ngược lại rằng ĐƯQT không phải là nguồn của pháp luật Việt Nam, bởi lẽ như vậy thì quy định ĐƯQT sẽ không có giá trị pháp lý bắt buộc các cơ quan, tổ chức phải áp dụng trong mọi trường hợp và sẽ không thể được viện dẫn ra trước các tòa án Việt Nam.

Cũng có thể có ý kiến khác cho rằng ĐƯQT không phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam bởi lẽ hiệu lực pháp lý cũng như việc áp dụng trực tiếp ĐƯQT được xác lập trên cơ sở Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT 2005 và các quy định tương tự trong các luật chuyên ngành. Theo đó, ĐƯQT sẽ không thể nào có vị trí như thế nếu các luật này không trao cho nó. Như vậy hiệu lực pháp lý và vị trí của ĐƯQT cũng tương tự như tập quán. Hiện nay các quy định tập quán chỉ có thể có hiệu lực và được áp dụng khi có quy định cho phép trong các VBQPPL[28] hay nói cách khác việc công nhận và áp dụng tập quán pháp ở Việt Nam chỉ thông qua con đường ban hành VBQPPL.[29] Nói tóm lại, xét ở một góc độ nhất định, hiệu lực và vị trí của ĐƯQT và tập quán pháp trong hệ thống pháp luật Việt Nam có điểm tương tự nhau và do đó nên được đối xử giống nhau. Hy vọng lần sửa đổi này các nhà làm luật và ban soạn thảo có thể có câu trả lời rõ ràng hơn, giống như đã làm với án lệ.[30]

Câu hỏi ĐƯQT có phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam hay không còn để ngỏ. Có luật gia từng cho rằng xem xét vấn đề này là không cần thiết, từ góc độ thực tiễn Việt Nam chỉ cần chú trọng bảo đảm thực hiện đúng các ĐƯQT.[31] Trên thực tế, về quy định, ĐƯQT có hiệu lực pháp lý và được phép áp dụng bất kể câu trả lời cho câu hỏi lý thuyết trên.

Với phân tích ở trên, có thể thấy Việt Nam đang kết hợp áp dụng cả thuyết nhất nguyên luận và nhị nguyên luận. Việt Nam xác định hiệu lực pháp lý của ĐƯQT và mở ra khả năng áp dụng trực tiếp [theo thuyết nhất nguyên luận] trong khi trên thực tế tuyệt đại đa số ĐƯQT chỉ được áp dụng gián tiếp thông qua quá trình nội luật hoá bằng việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hay ban hành VBQPPL [theo thuyết nhị nguyên luận]. Xét về góc độ lý thuyết và thực tiễn, cách kết hợp như vậy thuận tiện và hợp lý hơn vì một số lý do sau.

Thứ nhất, Việt Nam cho phép việc áp dụng ĐƯQT được linh hoạt theo cả hai cách, gián tiếp và trực tiếp. Thứ hai, với trình độ và kiến thức về luật pháp quốc tế của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hiện nay còn hạn chế thì việc mở rộng áp dụng trực tiếp ĐƯQT sẽ có thể gây nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến giải thích và áp dụng sai ĐƯQT. Lấy ví dụ như ngôn ngữ sử dụng trong ĐƯQT và cách thức giải thích ĐƯQT có điểm đặc trưng riêng biệt so với quy định pháp luật quốc gia. Do đó việc giới hạn áp dụng trực tiếp ĐƯQT là cần thiết. Hơn nữa, không phải tất cả các ĐƯQT đều có thể áp dụng trực tiếp, nhiều ĐƯQT chỉ áp dụng trong quan hệ giữa các quốc gia. Các ĐƯQT có thể áp dụng trực tiếp chủ yếu liên quan đến quyền con người. Dự thảo Luật hiện nay đã ghi nhận điểm này khi quy định chỉ áp dụng trực tiếp đối với ĐƯQT “làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.[32] Thứ ba, các khó khăn của việc áp dụng trực tiếp ĐƯQT lại là ưu điểm của việc áp dụng gián tiếp ĐƯQT. Việc nội luật hoá các ĐƯQT vào trong VBQPPL sẽ giúp cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân dễ tiếp cận, hiểu đúng hơn các quy định của ĐƯQT. Thứ tư, mặc dù có một số quốc gia theo thuyết nhất nguyên luận, cho phép áp dụng trực tiếp ĐƯQT như pháp luật quốc gia nhưng hầu hết đều chỉ giới hạn trong một số loại ĐƯQT [ví dụ như Pháp chỉ cho phép áp dụng trực tiếp đối với các ĐƯQT liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân].[33] Do đó, việc duy trì hai trường hợp áp dụng trực tiếp như Việt Nam hiện nay là phù hợp với thực tiễn quốc tế.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, ở một mức độ nhất định, việc cho phép áp dụng trực tiếp ĐƯQT [cụ thể hơn là cho phép viện dẫn và yêu cầu phải áp dụng ĐƯQT trước toà án và cơ quan nhà nước khác] sẽ tránh được tình trạng nội luật hoá không đầy đủ quy định ĐƯQT cũng như giảm tải khối lượng công việc liên quan đến nội luật hoá quy định ĐƯQT của Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác. Thực tiễn cho thấy việc ban hành, sử đổi, bãi bỏ VBQPPL để thực hiện ĐƯQT còn chậm trễ, ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.[34]

Nhìn chung, các quy định hiện nay về mối quan hệ giữa ĐƯQT và pháp luật Việt Nam của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005 về cơ bản đã hợp lý và đầy đủ. Nhưng vẫn còn có một số điểm cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng ĐƯQT ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Về hiệu lực pháp lý của ĐƯQT, Luật mới cần phải xác định rõ hơn nguyên tắc ĐƯQT có hiệu lực pháp lý cao hơn các quy định của pháp luật Việt Nam, trừ Hiến pháp. Kiến nghị này phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, không có cách nào thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn chủ trương này hơn việc công nhận hiệu lực pháp lý cao hơn của ĐƯQT. Đây cũng là một biện pháp đề nâng cao nhận thức của tất cả mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân về các cam kết quốc tế của Việt Nam, hình thành một quan điểm hội nhập trong tư duy.

Bên cạnh việc xác định rõ ưu thế pháp lý của ĐƯQT thì cần giới hạn việc áp dụng ĐƯQT vào hai trường hợp cụ thể nhằm tránh việc lạm dụng ĐƯQT hay viện dẫn, áp dụng, giải thích sai như phân tích ở trên. Hơn nữa ngôn từ sử dụng cần nhấn mạnh tính bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng ĐƯQT trong các trường hợp được trù định. Quy định như thế phù hợp với Công ước Viên về Luật ĐƯQT năm 1969, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam và tạo ra sự tin cậy của các đối tác nước ngoài khi ký kết ĐƯQT với nước ta.

Kiến nghị này có thể không khả thi và khó chấp nhận do quan điểm pháp lý truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các nhà làm luật và ban soạn thảo có thể chấp nhận thì sẽ có biết tiến mới mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trong tiến trình tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Về việc áp dụng trực tiếp ĐƯQT, tác giả đồng ý với quy định về chủ thể quyết định và loại ĐƯQT được áp dụng trực tiếp. Dự thảo cũng đã bổ sung một cách hợp lý. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn luật mới cần quy định thêm hai điểm:

Thứ nhất, thời điểm quyết định cho phép áp dụng trực tiếp: Hiện nay việc cho phép áp dụng trực tiếp chỉ được thực hiện tại thời điểm thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc. Dự thảo cần dự kiến trước trường hợp nếu sau thời điểm thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc mà các cơ quan có liên quan nhận thấy quy định ĐƯQT chưa được nội luật hoá đầy đủ mà khả năng áp dụng trực tiếp là khả thi thì sẽ có quyền đề xuất áp dụng trực tiếp ĐƯQT. Điều này làm cho việc thực hiện ĐƯQT được dễ dàng, linh hoạt, kịp thời hơn với sự thay đổi của thực tiễn.

Thứ hai, về cơ quan có quyền đề xuất áp dụng trực tiếp ĐƯQT: Có thể là cơ quan đề xuất [đối với ĐƯQT thuộc thẩm quyền quyết định ký kết của Chính phủ], Chính phủ [đối với ĐƯQT thuộc thẩm quyền quyết định ký kết của Chủ tịch nước, Quốc hội] và Chủ tịch nước [đối với ĐƯQT thuộc thẩm quyền quyết định ký kết của Quốc hội].[35] Chủ tịch nước và Quốc hội cũng có thể giao cho Chính phủ hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyền quyết định áp dụng trực tiếp ĐƯQT thuộc thẩm quyền quyết định ký kết của mình nhằm tạo sự thuận lợi, linh hoạt, nhanh chóng và giảm thiểu thủ tục. Một điều khoản mới cần được quy định để xác định “cơ quan có thẩm quyền đề xuất áp dụng trực tiếp và trình tự thủ tục”. Với các phân tích và nhận định nêu trên, tác giả xin đề xuất sửa đổi Điều 6, Khoản 3 như sau:

“ Căn cứ vào yêu cầu thực tế, theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.”./.

Trần Hữu Duy Minh

Tạp chí Luật học, số 3[189] [03/2016], tr. 38 – 46.

Eng: The relationship between treaties to which Vietnam is a party and Vietnamese laws has been provided in the Law on Concluding, Accessing and Implementing Treaties [2005]. However, the issues of the legal effect of treaties within Vietnamese legal system and the application of treaties [both directly and indirectly] in Vietnam remain controversial, therefore requiring to be amended. This article will examine relevant legal theories in international law, state practice and current rules of related Vietnamese laws. It will then propose some amendments in order to clarify such relationship as well as to enhance the effectiveness of the application of treaties in Vietnam.

Xem thêm các bài về luật điều ước quốc tế:

———————————————————————————————

[1] Điều 38[1] Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế [ICJ].

[2] Điều 2[1][a] Công ước Viên về Luật ĐƯQT năm 1969 [Việt Nam phê chuẩn năm 2001], Điều 2[1][a] Công ước Viên về Luật ĐƯQT giữa quốc gia và tổ chức quốc tế và giữa các tổ chức quốc tế với nhau năm 1986.

[3] Malcolm N. Shaw, International Law, 6th ed., Cambridge University Press, Cambridge, 2008, tr. 131-132.

[4] Hiến pháp Mỹ năm 1787, Điều VI.

[5] Hiến pháp Mexico năm 1917, Điều 133.

[6] Duncan B. Hollis, Merrit R. Balkeslee & L. Benjamin Ederington, National Treaty Law and Practice, Martinus Nijhoff Publishers, Leiden/Boston, 2005, tr. 658.

[7] Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993, Điều 15.

[8] Không phải tất cả các học giả ủng hộ thuyết nhất nguyên luận đều đồng ý với điểm này. Xem Nguyễn Bá Diến, Việc áp dụng điều ước quốc tế và quan hệ thứ bậc giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia, Tạp chí Khoa học Kinh tế – Luật, số 3 [2003].

[9] Uỷ ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc [ILC], Draft Artcles on the Law of Treaties with commentaries [1966], tr. 240 – 242; Anthony Aust, Modern Treaty Law and Practice, Cambridge University Press, Cambridge, 2000, tr. 252 – 253; Malcolm N. Shaw, sđd, tr. 940.

[10] Ngô Đức Mạnh, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4[180]/2003, tr. 62.

[11] Malcolm N. Shaw, sđd, tr. 131.

[12] Malcolm Evans, International Law, 1st ed., Cambridge University Press, Cambridge, 2003, tr. 419.

[13] Ngô Đức Mạnh, chú thích số 10.

[14] Báo cáo phúc trình đề tài “Nội luật hoá các điều ước quốc tế Việt Nam ký kết và tham gia phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, trích trong Nguyễn Thị Thuận, Nguyên tắc nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4 [2014], tr. 78.

[15] Duncan B. Hollis, Merrit R. Balkeslee & L. Benjamin Ederington, sđd, tr. 100 [Canada], tr. 355 – 360 [Ấn Độ], tr. 396 – 398 [Israel] và tr. 742 – 743 [Anh].

[16] Điều 82 Luật ban hành VBQPPL năm 2008 [gọi tắt là Luật BHVBQPPL 2008] cũng quy định các VBQPPL của cơ quan nhà nước trung ương có hiệu lực trên phạm vi cả nước và đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp ĐƯQT có quy định khác. Quy định tương tự ở Điều 155, Luật ban hành VBQPPL năm 2015 [gọi tắt là Luật BHVBQPPL 2015].

[17] Ví dụ như Điều 2 Bộ luật hàng hải 2005, Điều 5 Luật thương mại 2005, Điều 4 Luật đầu tư 2014, Điều 2 Bộ luật dân sự 2005 [áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài].   [18] Quy định tương tự ở Khoản 5, Điều 3 Luật BHVBQPPL năm 2008; Khoản 5, Điều 5, khoản 5, Điều 155 Lutậ BHVBQPPL 2015.   [19] Khoản 3, Điều 33; điểm b, khoản 3, Điều 61; điểm b, khoản 1, Điều 34 Luật BHVBQPPL 2015.   [20] Khoản 3, Điều 35; khoản 2, Điều 36 Luật BHVBQPPL 2015.   [21] Điểm c, Khoản 3, Điều 36.

[22] Công ước Viên về Luật ĐƯQT năm 1969, Điều 26.

[23] Khoản 5, Điều 156 quy định “trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thi áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”

[24] Duncan B. Hollis, Merrit R. Balkeslee & L. Benjamin Ederington, sđd, tr. 42-46.   [25] Như trên.   [26] Như trên.

[27] Hoàng Ngọc Giao, Bàn về việc thực hiện điều ước quốc tế, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3/2005, tr. 70 – 71.

[28] Ví dụ như các Điều 3, 28, 126, 215, 220, 242, 265, 409, 479, 485, 489, 625 Bộ luật dân sự 2005.

[29] Nguyễn Như Quỳnh, Nguyễn Quốc Việt và Nguyễn Hoàng Phương, Báo cao nghiên cứu ‘Tập quán pháp – Thực trạng ở Việt Nam và một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng tập quán pháp ở Việt Nam, Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam [Chính phủ Việt Nam – UNDP], 2013, tr. 16, truy cập ngày 12/8/2015 tại moj.gov.vn.

[30] Các tòa án Việt Nam được cho phép áp dụng án lệ nhưng án lệ được xác định rõ ràng không phải là nguồn của pháp luật Việt Nam , xem Điều 1, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ [ngày 28/10/2015] và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân [sửa đổi], ngày 16/10/2014, tr. 4, truy cập tại duthaoonline.quochoi.vn.

[31] Đoàn Năng, Vấn đề quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia trong pháp luật và thực tiễn của Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2 [1998], tr. 34.

[32] Khoản 3, Điều 7, Dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT [sửa đổi], truy cập tại duthaoonline.quochoi.vn.

[33] Duncan B. Hollis, Merrit R. Balkeslee & L. Benjamin Ederington, sđd, tr. 44.

[34] Chính phủ, Bản thuyết minh về Dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT [sửa đổi], ngày 26/10/2015,  tr. 2, truy cập tại duthaoonline.quochoi.vn.

[35] Thuật ngữ “ký kết” ở đây được hiểu là thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc của ĐƯQT như ký, phê chuẩn, phê duyệt, trao đổi văn bản cấu thành ĐƯQT.

Video liên quan

Chủ Đề