Dĩ đoản chế trường là cách đánh của ai

Ông cha ta đánh giặc

Với kinh nghiệm giành thắng lợi trong lần kháng chiến thứ nhất [1258], và thực tiễn lần kháng chiến thứ hai chống quân Mông Nguyên [1285], Trần Quốc Tuấn đã đưa ra nguyên tắc quân sự độc đáo: Địch cậy trường trận ta cậy đoản binh, dĩ đoản chế trường là lệ thường của binh pháp.

Đoản binh là bộ binh, còn trường trận lạ kỵ binh. Dĩ đoản còn có thể hiểu là sự lợi dụng chỗ yếu của đối phương như đường xa quân mệt, vận chuyển lương thảo khó khăn, kỵ binh không phát huy được ưu thế ở địa hình sông lạch lầy thụt của đồng bằng Bắc Bộ cũng như địa hình núi non hiểm trở, đường sá gập ghềnh, cơ động khó khăn, tiến công thì mạnh còn phòng ngự trong thành quách thì yếu. Chế trường còn có nghĩa phải kìm chế sở trường của địch là giỏi kỵ binh, giỏi đánh thành lũy của quân Mông Nguyên. Để làm được điều đó, nhà Trần đã sử dụng đường thủy để cơ động, cả trong rút lui chiến lược cũng như tiến công chiến lược.

Sau khi tiêu diệt xong nhà Tống, Đại Việt đã trở thành mục tiêu chính và trực tiếp của triều Nguyên. Vì vậy nhà Nguyên đã huy động một lực lượng xâm lược khổng lồ với 50 vạn quân tiến vào lãnh thổ nước ta theo hai hướng Đông Bắc và Tây Bắc, đồng thời phối hợp với gần 10 vạn quân từ Chiêm Thành tiến đánh nước ta từ phía Nam. Rút kinh nghiệm lần trước, lần thứ hai này địch chuẩn bị lương thảo dồi dào, sắm sửa chiến cụ chu đáo.

Nhà Trần sau mấy chục năm bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng của triều đình, của các vương hầu quý tộc và dân binh ở các địa phương, sức mạnh giữ nước của dân tộc đã trưởng thành vượt bậc. Công việc chuẩn bị động viên tinh thần cho quân dân được tiến hành chu đáo. Ngày 27-1-1285, trên hướng Đông Bắc, quân Nguyên ồ ạt tiến vào Lộc Bình. Qua 6 ngày giao chiến ác liệt, chịu nhiều tổn thất, quân địch đến được ải Nội Bàng, một trọng điểm phòng ngự  do đích thân tiết chế Trần Quốc Tuấn chỉ huy.

Ngày 2-2-1285, quân Nguyên chia làm sáu mũi tấn công Nội Bàng. Trần Quốc Tuấn phải lui quân về Vạn Kiếp. Đây là hành động rút lui theo tư tưởng tránh thế mạnh ban đầu của địch bảo toàn lực lượng chờ thời cơ. Tại Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn xây dựng một phòng tuyến mạnh với 20 vạn quân dựa vào thế sông, thế núi vùng Vạn Kiếp, Bình Than, Phả Lại. Ta dựa vào đường thủy khiến cho đội quân kỵ thiện chiến của Thoát Hoan và U-ri-ăng-kha-đai phải dừng lại, đóng thuyền chiến cấp tốc và tổ chức ngay đội quân thủy lớn giao cho Ô Mã Nhi thống lĩnh. Sau 10 ngày, ngày 11-2-1285 địch mở đợt tiến công mới vào phòng tuyến Bình Than-Vạn Kiếp. Đích thân vua Trần dẫn quân Thánh Dực và hơn 100 thuyền chiến đến tăng viện cho Trần Quốc Tuấn. Địch cậy quân đông, dù bị tổn thất lớn vẫn liều mạng công kích, quyết phá vỡ trận địa bằng được. Kéo dài trận chiến sẽ gây bất lợi cho ta, nên ngày 14-2-1285 quân ta rút khỏi phòng tuyến. Vua Trần và Trần Quốc Tuấn đem binh thuyền xuôi theo sông Đuống về Thăng Long, từ đó tổ chức cuộc sơ tán triều đình và nhân dân Kinh Thành về Thiên Trường an toàn.

Ngày 19-2-1285, quân Nguyên vào đến Kinh Thành, nhưng đó là một tòa thành trống, Thoát Hoan hung hăng điên cuồng đuổi theo tiêu diệt quân nhà Trần.

Vào đến Thiên Trường, Trường Yên [Ninh Bình], quân nhà Trần lại tập hợp được một lực lượng đông đảo, nhưng bị địch uy hiếp từ hai mặt Bắc và Nam. Nhất là từ hướng Bắc, sau khi Trần Bình Trọng chặn đánh đại quân Thoát Hoan tại khúc sông Thiên Mạc đã anh dũng hy sinh, áp lực uy hiếp của quân Nguyên càng mạnh. Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão phải đem 1.000 thuyền chiến từ Long Khánh ngược sông Thái Bình kéo lên đóng tại Vạn Kiếp, hình thành thế uy hiếp sau lưng địch, làm cho đạo quân của Thoát Hoan “bị treo lơ lửng ở giữa”. Bất ngờ lớn xảy ra, khi quân Toa Đô từ Chiêm Thành nhanh chóng tiến ra Thanh Hóa mà quân của Trần Nhật Duật cản không được buộc phải rút lui. Ngày 8-3-1285, Trần Kiệm tuy có một vạn quân trong tay để giữ Thanh Hóa nhưng đã đầu hàng. Quân triều đình đứng giữa hai gọng kìm, mặt Bắc quân Thoát Hoan đánh xuống Thiên Trường, mặt Nam quân Toa Đô đánh lên Trường Yên. Vua Trần và Trần Quốc Tuấn nghị hòa, mặt khác tổ chức thoát hiểm mau lẹ, bí mật đưa toàn quân xuống thuyền ra biển Giao Hải. Quân Nguyên chưng hửng vồ hụt chỗ trống, chúng hoàn toàn bất ngờ khi biết nhà Trần đã “đưa cả nước đi ra biển”. Vua Trần và Trần Quốc  Tuấn đã chuẩn bị kế hoạch phản công chiến lược. Bằng các hoạt dộng đánh lạc hướng địch, hai cánh quân lại trở về vị trí cũ, Trần Quốc Tuấn về Vạn Kiếp, Vua Trần về Thanh Hóa, nơi quân Toa Đô đã đi qua.

Đạo quân khổng lồ của Thoát Hoan sau 4 tháng loay hoay không thi thố được sở trường, không tìm được đối phương để giao chiến, thì sức chiến đấu đã giảm rõ rệt, lại bị tổn thất qua các cuộc đụng độ với quân địa phương và dân binh, không quen thủy thổ, khí hậu, thời tiết bị tật bệnh. Nhất là địch đã hết lương ăn, hệ thống đường tiếp tế từ Thăng Long lên biên giới thường xuyên bị đánh chặn không duy trì được. Thoát Hoan buộc phải lệnh cho Toa Đô đóng quân tại Trường Yên để “kiếm lương”.

Giặc dã quẫn bách, thời cơ phản công chiến lược đã đến. Tháng 5-1285, Trần Quốc Tuấn cùng với Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đem quân ra Bắc, cụm quân vua Trần chỉ huy ở lại Thanh Hóa để thanh toán cánh quân của Toa Đô.

Theo kế hoạch, cánh quân ra Bắc phân làm hai tập đoàn chính: Tập đoàn quân của Trần Quang Khải đánh hệ thống đồn giặc trên sông Hồng phía Nam Thăng Long, rồi tiến lên giải phóng kinh thành. Tập đoàn quân của Trần Quốc Tuấn sẽ đi vòng qua các lộ phía đông, tiến về Vạn Kiếp, nơi đã có quân các vương hầu chờ đón để cùng đánh quân địch bên sườn, phía sau và tiêu diệt quân địch rút chạy. Chính sự phối hợp nhịp nhàng, hiệp đồng chặt chẽ của hai tập đoàn quân này đã tạo nên chiến thắng giòn giã của quân dân Nhà Trần, làm cho hơn nửa triệu quân Nguyên tan vỡ. Hai câu thơ của Trần Quang Khải đã khắc họa hào khí Đông A, khí thế chiến thắng “nuốt sao Ngưu”: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù”. Đến 24-6-1285 thì hai vua Trần tiêu diệt gọn đạo quân của Toa Đô. Vậy là chỉ trong thời gian một tháng [từ tháng 5 đến cuối tháng 6] năm 1285, chiến thắng nối tiếp chiến thắng, nhà Trần đã đánh bại đạo quân xâm lược khổng lồ làm cho Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước.

“Dĩ đoản chế trường”, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh không hề giản đơn suôn sẻ, những gì diễn ra trong thực tiễn luôn phức tạp, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực và sự sáng tạo vượt bậc không chỉ của một người mà của cả dân tộc. Tư tưởng giữ nước ấy đã được Trần Quang Khải tổng kết rất sâu sắc: “Thái bình luôn gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”.

HOÀNG QUÝ TỚI

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno [st]

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit.Morbi adipiscing gravdio, sit amet suscipit risus ultrices eu.Fusce viverra neque at purus laoreet consequa.Vivamus vulputate posuere nisl quis consequat.

Create an account

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit.Morbi adipiscing gravdio, sit amet suscipit risus ultrices eu.Fusce viverra neque at purus laoreet consequa.Vivamus vulputate posuere nisl quis consequat.

Create an account

Câu nói "Dĩ đoản chế trường" là cách nói của Trần Hưng Đạo để tạo nên cái tư tưởng lấy nhỏ thắng lớn, phát huy tinh thần để thắng lại quân địch .

Video liên quan

Chủ Đề