Gia đình có truyền thống hiếu học

Tôi tìm đến nhà ông Vũ Văn Nhĩ thôn Mỹ Am xã Vũ Hội vào một ngày giữa tháng 8 mùa thu lịch sử. Ngồi trò chuyện cùng ông bà, tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc ẩn chứa trong từng ánh mắt, nụ cười. Ông Nhĩ sinh năm 1936 trong một gia đình nghèo, bố làm nghề thợ mộc, mẹ làm thợ dệt. Dù gia cảnh khó khăn, nhưng ông vẫn cố gắng theo học chữ và trở thành thầy giáo ở lớp bình dân học vụ khi mới 18 tuổi. Ông kể: Tham gia phong trào diệt giặc dốt năm 1954, bản thân ông là một thanh niên trẻ, đứng lớp dạy chữ cho các cụ già. Lúc các bác, các cô biết đọc, biết viết, niềm vui từ ánh mắt họ đã tiếp thêm động lực và giúp ông có thêm niềm đam mê với sự nghiệp trồng người. Niềm tin đó đã cùng ông vượt qua nhiều khó khăn, đói nghèo của cuộc sống, để không từ bỏ nghề giáo - nghề cao quý trong các nghề cao quý. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù cuộc sống đầy vất vả và nhiều lo toan, nhưng nhận thấy việc học tập là có ích cho bản thân, gia đình, xã hội, nên vợ chồng ông Nhĩ đã cố gắng chắt chiu, dành dụm từng đồng tiền để nuôi con cái ăn học đầy đủ.  Khó khăn là vậy, nhưng vợ chồng ông Nhĩ luôn nhận được niềm vui, khi các con ông bà luôn hiếu thảo, chăm ngoan và học giỏi. Trong số 7 người con của ông Nhĩ, có 4 người là giáo viên, tiếp tục sự nghiệp trồng người của cha

Lật dở cuốn sổ vàng truyền thống của gia đình, ông Nhĩ và bà Rịu còn khoe với chúng tôi bảng thành tích học tập của 12 cháu nội ngoại. Trong đó 11 cháu đã tốt nghiệp và đang theo học các trường Đại học tốp đầu, hiện đã có công việc ổn định.

Chia sẻ về phương pháp dạy bảo cháu con nên người, ông Vũ Văn Nhĩ cho biết: “Là người làm cha, làm mẹ, trước hết mình phải làm gương trong mọi công việc, từ sinh hoạt hằng ngày cho đến chăm chỉ lao động sản xuất cũng như rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Vì vậy, từ khi còn nhỏ, ngoài giờ học các con của tôi đã biết và có ý thức tự lập, bảo ban nhau làm việc nhà phụ giúp bố mẹ, cùng nhau cố gắng trong học tập, anh chị dìu dắt và làm gương cho các em noi theo”.

Ngoài việc chăm lo cho các con cháu trong gia đình học hành thành tài, ông Vũ Văn Nhĩ còn tích tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Đặc biệt ông đã có hơn 20 năm tham gia vào ban liên lạc phụ huynh của trường tiểu học xã Vũ Hội.

Tinh thần ham học hỏi và thành đạt nhờ sự nỗ lực của bản thân của các con, các cháu ông bà Vũ Văn Nhĩ và Nguyễn Thị Rịu thôn Mỹ Am xã Vũ Hội đã trở thành tấm gương sáng ngời trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Nhiều năm gia đình ông được Hội Khuyến học xã Vũ Hội tặng giấy khen gia đình hiếu học tiêu biểu. Những tháng ngày gian khó đã qua, cả ông và bà đều tự hào vì công sức bỏ ra đã được các con đền đáp xứng đáng./.

Cùng với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống đó, những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong triển khai và thực hiện phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học. Dưới sự chỉ đạo của các cấp Hội Khuyến học, các gia đình, dòng họ hiếu học trở thành nguồn động viên, tiếp sức cho các phong trào khuyến học ở cơ sở phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nên nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng.

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các học sinh và giáo viên hướng dẫn học sinh đoạt giải cấp quốc gia, quốc tế tháng 3/2021. Ảnh: Thu Phương

Gìn giữ truyền thống hiếu học

Trong nền văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa, nhắc đến dòng họ là nhắc tới một cộng đồng văn hóa mà ở đó sự trật tự, nền nếp gia phong luôn được coi trọng, tinh thần yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, gắn bó, kính trên nhường dưới luôn được mọi người nâng niu. Đó cũng chính là cội nguồn để hàng trăm dòng họ trên địa bàn tỉnh được con cháu đời đời gìn giữ, vun đắp, dựng xây, không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hôm nay.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động tri ân tổ tiên, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho con cháu thường xuyên thì phong trào khuyến học, khuyến tài cũng trở thành một dấu ấn nổi bật trong hoạt động của các dòng họ ở Quảng Ninh.

Theo đó, hầu hết các dòng họ đều thành lập, duy trì hiệu quả Ban Khuyến học của dòng họ. Đồng thời, xây dựng quỹ khuyến học nhằm kịp thời khen thưởng, động viên con cháu đạt thành tích cao trong học tập, công tác. Nhiều dòng họ đã tổ chức cho con cháu đỗ thạc sĩ, tiến sĩ về vinh quy bái tổ và ghi danh vào bảng vàng, coi đây là niềm tự hào, vẻ vang của dòng họ.

Đại diện Ban Khuyến học dòng họ Sơn Hải Nguyễn tộc [TX Đông Triều] thăm hỏi, động viên, nắm tình hình học tập của con cháu trong dòng họ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Sơn Hải Nguyễn tộc, TX Đông Triều, chia sẻ: Từ thực tế làm công tác khuyến học của dòng họ tôi thấy thành tích của mỗi gia đình, dòng họ này là sự kích thích, động lực phấn đấu cho gia đình, dòng họ khác, góp phần không nhỏ giúp con cháu trong các dòng họ không ngừng phấn đấu, học tập. Dòng họ Sơn Hải Nguyễn hiện có 12 tiến sĩ, thạc sĩ và rất nhiều cử nhân. Quả thật, phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học đã tạo sự gắn kết hiệu quả với phong trào xây dựng cộng đồng khuyến học, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của địa phương.

Đến nay, ở nhiều địa phương, người dân đã nhận thức rõ phong trào khuyến học, khuyến tài không còn là việc riêng của mỗi gia đình, dòng họ mà thực sự trở thành việc chung của cộng đồng. Xây dựng gia đình hiếu học về thực chất là phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, làm cho mỗi người dân thấy được tầm quan trọng của việc học hành, gắn học tập phát triển ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất. Mỗi địa phương một cách làm sáng tạo, mỗi dòng họ một hình thức khuyến học riêng, nhưng tất cả đều chung mục tiêu là nuôi dưỡng và phát huy tinh thần hiếu học của gia đình mình, dòng họ mình.

Con cháu dòng họ Lê [phường Phong Cốc, TX Quảng Yên] có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động đều được ghi tên, thành tích trong Sổ vàng truyền thống. Ảnh: Nguyễn Huế

Lan tỏa sâu rộng

Trong 5 năm qua, phong trào khuyến học trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Đến năm 2020 toàn tỉnh đã có 71,4% số gia đình, 62,2% số dòng họ, 82,9% số đơn vị học tập; vượt tất cả các mục tiêu Quyết định 281/QĐ-TTg của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ III Hội Khuyến học tỉnh đề ra. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 309 hội, 2.540 chi hội, 1.378 Ban Khuyến học với tổng số 396.953 hội viên.

Những con số “biết nói” ấy là minh chứng sinh động cho thấy sự tham gia sôi nổi, đông đảo của các lực lượng xã hội trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo nền tảng xã hội để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, là tiền đề thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh những năm tiếp theo.

Cùng với đó, việc xây dựng quỹ khuyến học được quan tâm đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa, tạo sự động viên phong trào, cổ vũ tinh thần hiếu học của các thành viên trong mỗi gia đình, trong dòng họ. Theo đó, không chỉ có quỹ khuyến học do các cấp Hội quản lý mà còn nhiều mô hình khác: Quỹ khuyến học của khu dân cư, dòng họ, cơ quan, trường học, đơn vị. Dù theo mô hình nào, nguồn quỹ cũng nhằm hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên vượt khó học tốt; khen thưởng, động viên, khích lệ những tấm gương dạy tốt, học tốt; có cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, phong trào “Ba đỡ đầu” ngày càng phát huy hiệu quả, nhận được sự quan tâm lớn của các tổ chức, cá nhân tạo thêm nguồn lực, kinh phí để “tiếp lửa” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tới trường.

UBND TP Cẩm Phả và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố phối hợp tổ chức trao quà hỗ trợ cho 100 học sinh nghèo tại địa phương [tháng 6/2020]. Ảnh: Hoàng Giang

5 năm qua, Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cho 10.500 lượt học sinh nghèo vượt khó, trên 1.100 lượt học sinh khuyết tật; khen thưởng cho 4.497 học sinh giỏi phát triển tài năng trên địa bàn tỉnh. Đến cuối nhiệm kỳ Đại hội Hội Khuyến học tỉnh lần thứ III tổng số Quỹ khuyến học trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 70 tỷ đồng, vượt mục tiêu xây dựng Quỹ mà Đại hội đề ra.

Là thiết chế không thể thiếu trong tiến trình xây dựng xã hội học tập, Trung tâm học tập cộng đồng ngày càng thể hiện vai trò của cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng. Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục chỉ đạo thường xuyên, cụ thể nhằm góp phần duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song các Trung tâm học tập cộng đồng vẫn thể hiện được sức sống mạnh mẽ, chứng minh sự cần thiết của nó đối với nhu cầu học tập của cộng đồng với trên 12,5 vạn lượt người tham gia học tập tại các trung tâm trong 5 năm qua.

Lớp xóa mù chữ do Trung tâm Học tập cộng đồng xã Đại Dực, huyện Tiên Yên tổ chức năm 2020. Ảnh: Lan Anh

Như một mạch ngầm, truyền thống hiếu học của các gia đình, dòng họ ở Quảng Ninh hôm nay là sự tiếp nối, gìn giữ và phát huy nét đẹp trong văn hóa giáo dục, văn hóa đời sống của dân tộc. Những tấm gương hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học xuất hiện ngày càng nhiều chính là nguồn lực vững chắc để góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Video liên quan

Chủ Đề