Hai vạn dặm dưới đáy biển tên tiếng anh

Thông tin sách
Tên tác phẩm: Hai vạn dặm dưới biển
Tác giả: Jules Verne
Dịch giả: Lê Anh (Đỗ Ca Sơn)
Nhà xuất bản: Kim Đồng
Năm xuất bản: 1976

Thông tin ebook
Nguồn text: Internet
Hiệu đính và tạo ebook: Caruri

Hai vạn dặm dưới đáy biển tên tiếng anh

Về các bản dịch

Bản dịch phổ biến là của Lê Anh, bút danh của Đỗ Ca Sơn. Một số bản in gần đây không hiểu sao dịch giả lại dùng tên thật chứ không dùng bút danh. Tác giả dịch từ bản tiếng Nga. Một bản dịch khác ở trên (file pdf) từ tiếng Trung của Ngọc Anh. Không rõ sau 1975 có bản in nào dịch thẳng từ tiếng Pháp không.

Miền Nam trước 1975 có bản dịch của Nguyễn Quân (còn có bút danh nổi tiếng khác là Mộng Bình Sơn, theo chủ topic bản scan mới đăng lên).

Vài nét về dịch giả Lê Anh
Lê Anh, tên thật là Đỗ Ca Sơn, là một Nhà giáo ưu tú. Ông sinh năm 1932, quê làng Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, nguyên cán bộ giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông từng là chiến sĩ tham gia trận đánh đồi A1 tại Điện Biên Phủ năm 1954.

Hai vạn dặm dưới đáy biển tên tiếng anh


Tác phẩm và dịch phẩm
Lê Anh đã dịch Hai vạn dặm dưới biển xuất bản trong thập niên 1970, Người cá và viết nhiều giáo trình cho sinh viên. Năm 2014 ông có cuốn hồi ký Người lính Điện Biên kể chuyện.

Về bìa
Tôi lấy bìa của Đông A trong bộ Các tác phẩm thiếu nhi kinh điển cho đẹp (cũng bản dịch này). Còn đây là bìa bản in 1976, bản giấy duy nhất của tác phẩm này tôi từng đọc.



Hai vạn dặm dưới đáy biển tên tiếng anh


Về văn bản

Cuốn này bản text đã có trên mạng từ lâu lắm, từ đầu thế kỷ 21, chắc là từ vdcmedia mà ra. Văn bản ở đây tôi sửa lại tên riêng, tên địa danh nguyên bản so với văn bản đính kèm đầu topic, sửa lại những chỗ cách dòng như bản in, một số lỗi chính tả, một số tên riêng bị dịch sai. Đồng thời tôi chỉnh lại đánh số chương, phần hai đánh số lại từ 1 như nguyên bản. So sánh nguyên bản mới thấy tác giả vẫn dịch thiếu, lược bỏ một vài đoạn, chi tiết (tuy nhỏ), không rõ là do bản tiếng Nga thiếu hay tác giả dịch bớt đi. Mong rằng có một ngày nào đó có dịch giả dịch trực tiếp từ bản tiếng Pháp không bớt xén để tiện so sánh.

Lời cảm ơn

Cảm ơn các bạn kaoaye đã giúp tôi tiếp cận nguồn văn bản chuẩn; NQK, inno14 giúp đỡ về mặt kỹ thuật; 4DHN giúp tìm ra một số lỗi của ebook.

Update 29/8/17: sửa lỗi chú thích
Update 31/8/17: sửa lỗi chính tả
Update 12/9/17: sửa thêm một số lỗi chính tả, lỗi trình bày, thay từ "giả thiết" bằng "giả thuyết" mà dịch giả dùng không chính xác, sửa một số số liệu nhỏ dựa vào nguyên tác

 

Dưới đây là bài phỏng vấn dịch giả Đỗ Ca Sơn về tác phẩm này. Ông đưa ra nhận xét về Jules Verne và giải thích về bút danh Lê Anh trong dịch phẩm. Dựa vào ảnh trong bài viết có thể thấy là bài phỏng vấn được thực hiện vào khoảng năm 2010.

-------------------------
“HAI VẠN DẶM DƯỚI BIỂN” VẪN LÀM TÔI THÍCH NHẤT


Dịch giả Lê Anh tên thật là Đỗ Ca Sơn, ông dịch tác phẩm “Hai vạn dặm dưới biển” của Jules Verne từ đầu những năm 1970 và NXB Kim Đồng đã in và phát hành đầu tiên ở miền Bắc vào năm 1975. Để chuẩn bị cho buổi tọa đàm về nhà văn Jeles Verne, BBT đã có buổi phỏng vấn ông về tác phẩm này. Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn.

Hỏi: Thưa dịch giả, tại sao ông lại chọn “Hai vạn dặm dưới biển” của Jules Verne để dịch mà không chọn các tác phẩm khác, như80 ngày vòng quanh thế giới, Những đứa con của thuyền trưởng Grant hay Cuộc phiêu lưu vào lòng đất…?

- Tôi dịch tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verne vào đầu những năm 70 của thế kỉ trước, tức là cách đây hơn 40 năm. Khi đó vẫn còn chiến tranh chống Mỹ. Tôi đã say mê đọc cuốn sách bằng tiếng Đức, Pháp và cả tiếng Nga ngay trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ấy. Và tôi hiểu Jules Verne chính là qua tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển. Đúng là ông còn nhiều cuốn sách khác, đặc biệt cuốn Những đứa con của thuyền trưởng Grant cũng là một tiểu thuyết rất hay, nhưng Hai vạn dặm dưới biểnvẫn làm tôi thích nhất. Trong hơn 40 năm qua tôi không có dịp tìm hiểu thêm về Jules được nhiều, nhưng có điều chắc chắn: Càng ngày tôi càng thấy ông lớn, rất lớn! Tôi không muốn dùng từ vĩ đại nhưng thực sự là vĩ đại. Jules, theo tôi biết, là người sống hơn hai phần ba thế kỉ 19: Ông sinh năm 1828, mất năm 1905, nghĩa là vắt sang thế kỉ 20. Hay nói một cách khác, ông sinh ra cách ta 186 năm, mất cách ta 109 năm, nghĩa là cách chúng ta hơn cả một thế kỉ. Sở dĩ tôi phải nói những con số như vậy để thấy cái lớn của Jules. Ông viết tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển năm 1870, khi đã 42 tuổi, tức là cái tuổi chín muồi, sung sức nhất của người viết cũng như của nhà nghiên cứu.

Hai vạn dặm dưới đáy biển tên tiếng anh


Dịch giả Đỗ Ca Sơn, bút danh Lê Anh trong bản dịch "Hai vạn dặm dưới biển"

Sống ở Paris, Jules rất ít được đi đây đi đó, có lẽ chỉ những nơi gần hoặc giỏi lắm cũng chỉ vòng quanh nước Pháp; chắc chắn ông chưa từng được đi vòng quanh thế giới. Nhưng cái sự uyên bác của Jules thì không mấy người bì kịp ở thời điểm ấy. Ông viết trên 60 tác phẩm, so với những nhà văn lớn khác thì quả là không kém cạnh nếu không nói là hơn. Nhưng hầu hết các tác phẩm của Jules Verne đều rất nổi tiếng. Trong đó tác phẩm tôi thấy có ý nghĩa nhất là Hai vạn dặm dưới biển.

Qua các tác phẩm của Jules ta có thể thấy ông rất giỏi, rất uyên bác về nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như trong cuốn Hai vạn dặm dưới biển thì ông rất giỏi về hải dương học, sinh học, địa lí, và khi ông viết về chuyến đi vòng quanh thế giới thì càng chứng tỏ ông uyên bác về nhiều lĩnh vực. Hay cuốn Đi xuyên vào lòng đất cho thấy ông rất giỏi về địa chất, tóm lại là một người uyên bác trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Ông được coi như là người đi đầu, mọi người từ Đông sang Tây, từ trước đến nay đều công nhận ông là người mở đầu cho một thể loại văn học mới – thể loại viễn tưởng. Thể loại này trước Jules chưa có và sau Jules thì rất nhiều, nhưng cho đến bây giờ cũng khó có ai vượt qua được cái tầm của Jules. Jules Verne không chỉ vĩ đại vì số đầu sách, cũng không chỉ vĩ đại vì là người mở đầu, mà còn lớn ở chỗ những dự báo “viễn tưởng” của ông rất gần với hiện thực. Ví dụ, năm 1870 khi ông viết Hai vạn dặm dưới biển thì chưa có tàu ngầm, mà lại càng không có tàu ngầm đi vòng quanh thế giới; bây giờ có loại tàu ngầm có thể đi như thế chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hay chuyện bay lên mặt trăng trong tác phẩm của ông thì bây giờ, sau một thế kỉ, người ta thực hiện được rồi. Ông sinh ra cách đây 186 năm mà đã dự cảm được thế nào nhân loại cũng tiến tới có thể thám hiểm mặt trăng, đi xuyên vào lòng đất, đi vòng quanh thế giới… Cái lớn nhất của Jules chính là phần lớn những dự cảm của ông, tiên đoán của ông đều rất gần với hiện thực ngày nay.

Về một khía cạnh khác, Jules không những tiên đoán về khoa học mà còn có dự cảm về chính trị, xã hội rất sâu sắc. Những nhân vật chúng ta gặp trong Hai vạn dặm dưới biển, trên con tàu “Nautilux” là những nhân vật bất mãn điển hình hồi cuối thế kỉ 19, bất mãn với tình trạng xã hội, chính trị bất công, đầy áp bức và bóc lột. Lúc đó Jules chưa nhận thức được sẽ thoát ra khỏi chế độ bất công, áp bức và bóc lột đó như thế nào, cho nên ông cho một đoàn người không rõ quốc tịch đi theo thuyền trưởng Nemo xuống một cái tàu ngầm để tách ra, để bứt ra khỏi cái xã hội ngột ngạt. Rồi sau đó con tàu “Nautilux” do thuyền trưởng Nemo chỉ huy cũng biến mất, và chính những người sống trên tàu ấy cũng không biết con tàu sẽ đi đâu… Tức là vào thời điểm Jules viết cuốn Hai vạn dặm ấy ông chưa nhìn thấy lối thoát, nhưng ông tiên cảm thấy có một cái gì đó lớn lao tất phải xảy ra để chấm dứt chế độ bất công ấy. Ở đây có một sự trùng hợp lịch sử rất thú vị: cuốn Hai vạn dặm dưới biển ra đời năm 1870 thì một năm sau ở Paris, tức là ngay nơi ông sống đã nổ ra công xã Paris (1871). Tuy công xã Paris chỉ tồn tại 70 ngày thôi nhưng đã gây một tiếng vang rất lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng vô sản sau này. Chỉ cách nhau có một năm, tôi xin nhắc lại. Rõ ràng cái dự cảm chính trị, xã hội của Jules sâu sắc đến thế nào!

Một nét nữa ở Jules là tinh thần nhân văn, nhân bản rất rõ ràng. Trong các tiểu thuyết viễn tưởng, có lẽ ít tác phẩm nào giàu tính nhân văn như cuốn Hai vạn dặm… Jules không xác định rõ những người đi theo Nemo là ai, ở đâu, người nước nào, chỉ chung chung thế thôi. Nghĩa là với Jules, tính chất phản kháng, vùng dậy là không phân biệt quốc tịch, nó là sự phản ứng trước những bất công chung trong xã hội đương thời. Nếu ông xác định đó là những người Pháp, người Đức, người Anh… thì ý nghĩa nhân văn sẽ hẹp lại nhiều. Khi dịch, càng đọc đi đọc lại thì tôi càng cảm nhận rõ cái tính mơ hồ rất nhân văn của những nhân vật phi quốc tịch ấy. Chính vì sự mơ hồ ấy mà tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verne càng lớn, càng có ý nghĩa.

Chúng ta có thể hình dung, qua tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới biển cũng như phim dựa theo tác phẩm này, con tàu ngầm của thuyền trưởng Nemo đi vòng quanh thế giới để thoát khỏi cái xã hội đương thời, nhưng không làm điều gì ác cả, mà chỉ bất đắc dĩ phải tự vệ khi bị các tàu hải quân hay tàu của các nước tư bản tấn công; họ không hề làm điều gì có hại cho ai hết mà còn giúp đỡ những người nghèo khổ ở mọi nơi. Chính vì những lí do ấy mà tôi đã đề nghị Nhà xuất bản Kim Đồng cho phép tôi dịch cuốn sách này để phục vụ. Cho đến tận bây giờ, có lẽ là đến thế hệ thứ ba đọc rồi, tái bản đến mấy chục lần rồi mà cuốn sách vẫn được hâm mộ. Cái lòng yêu mến ấy là dành cho Jules Verne, tác giả mà tôi rất kính trọng, và chắc chắn ông đã truyền cảm hứng cho tôi khi dịch tác phẩm của ông.

Hỏi: Tại sao dịch giả không dùng tên thật mà lại dùng bút danh Lê Anh? Bút danh này xuất phát từ đâu ạ?

- Khi đó tôi đang dạy ở đại học Sư phạm ngoại ngữ, người ta cũng không thích mình làm những việc ngoài lắm, lúc ấy cái tinh thần là như thế. Thành ra tôi không lấy tên thật để tránh phiền hà. Tôi mới nghĩ thế này: Mình là thày giáo tiếng Nga, tiếng nói của Lênin, vậy lấy chữ Lê ở đầu tên cụ; còn con gái đầu lòng của tôi là Đỗ Huyền Anh, thế thì lấy tên của cháu ghép vào. Đại loại gốc gác của cái tên đó là như thế. Trong lần tái bản gần đây, Nhà xuất bản Kim Đồng mà trực tiếp là Phó giám đốc Nguyễn Huy Thắng có đề nghị tôi lấy lại tên của mình. Nhất trí thôi, tôi đồng ý lấy tên người dịch là Đỗ Ca Sơn. Anh Thắng còn đề nghị là những tên riêng ở trong sách thì khôi phục lại theo tên gốc của người ta, không có phiên âm. Tôi thấy thế này: để nguyên tên riêng trong các sách dịch từ tiếng Latinh là một xu hướng hiện đại, tôi hoàn toàn tôn trọng. Nhưng có thêm một ý kiến thế này: đa số độc giả hiện nay, nhất là giới trẻ ít người biết tiếng Pháp lắm, khi đọc đến những tên tiếng Pháp chắc chắn rất lúng túng, không biết phát âm thế nào. Cho nên tôi muốn thế này, xin các vị cho ý kiến thêm: cứ nên phiên âm, nhưng mà cuối sách thì có vài trang in các tên tiếng Pháp, để cho ai muốn tra cứu thì xem ở đấy. Đây mới chỉ là tôi nghĩ thế thôi, chưa nói với Nhà xuất bản. Rất mong các vị cho ý kiến thêm về điều này.


Hỏi: Hai vạn dặm dưới biển và Người Cá, hai tác phẩm đều là thuộc thể loại Khoa học giả tưởng, đều viết về con người với biển cả, đều thể hiện tính nhân văn và yêu chuộng tự do. Trong tác phẩm Người Cá, dịch giả lấy bút danh là Lê Phương. Lại xin được hỏi tên này có ý nghĩa thế nào, và ngoài ra dịch giả còn dịch các tác phẩm nào nữa không ạ?

- Lê Phương thì Lê vẫn là Lenin, còn Phương là tên một người bạn chiến đấu của tôi đã ngã xuống ở Điện Biên. Ở Điện Biên Phủ tôi có một người bạn rất thân, anh ấy ngã xuống đúng ngày cuối cùng của chiến dịch. (Nhân đây xin nói tôi là lính Điện Biên, hiện nay tôi đang rất bận tham gia các việc chuẩn bị kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ – làm việc với các nhà xuất bản, các nhà văn, nhà sử học, nhà báo, đài truyền hình… để cho các sự kiện kỉ niệm 7/5 năm sắp tới). Phương là người bạn rất thân đã ngã xuống bên cạnh tôi, cho nên để nhớ đến anh ấy tôi lấy tên Lê Phương.

Câu hỏi này đặt ra tôi thấy rất hay, rất đúng mạch. Tôi là người tình cảm cho nên rất ưa những cuốn sách nhân đạo, nhân văn, thấm đẫm tính người. Cuốn sách của Jules cũng như cuốn Người cá đầy tính nhân văn, nên rất hợp với con người tôi. Vì thế tôi đã chọn các cuốn đó để dịch. Cuốn Người cá dịch trước, từ năm 64, trước cuộc chiến tranh phá hoại; cuốn Hai vạn dặm quãng năm 72, tức là sau đến 8 năm. Ngoài ra tôi còn dịch một tác phẩm khác đầy tính nhân văn là Tấc đất của Nhà xuất bản Quân đội nói về chiến tranh vệ quốc của Liên Xô. Cuốn sách đó nói về chiến tranh rất hay mà cũng rất nhân văn. Khi ấy là năm 64, tôi dịch đồng thời hai cuốn Người cá và Tấc đất, sau đó cuốn Tất đất bị cho là xét lại, nên đã bị thu hồi. Người dịch thì không việc gì bởi vì dịch theo yêu cầu Nhà xuất bản Quân đội; chính nhà thơ Chính Hữu phụ trách phần văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội đề nghị tôi dịch vì anh ấy thích cuốn Tấc đất lắm. Nghe nói sau đó anh ấy bị kỷ luật. Bây giờ ở Thư viện quân đội có thể còn, chứ tôi thì không. Ngoài ra tôi còn dịch một cuốn nữa về tình báo. Đó là cuốn Hầm bí mật trên sông Enber, từng được dựng thành phim. Do cứ dùng bút danh nên nhiều người không biết, và đó cũng là lí do khiến anh Thắng ở Nhà xuất bản Kim Đồng mới đề nghị tôi lấy tên thật cho các lần in tới…