Hình sự hóa các quan hệ dân sự english

Quan điểm không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế được Thủ tướng nhắc nhiều lần tại Hội nghị về phát triển thị trường vốn chiều 22/4.

Thị trường vốn [bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh] được xem là nguồn huy động tài chính quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, vừa qua, thị trường này đã xuất hiện nhiều sai phạm mà điển hình là vụ việc ở Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh hay mới nhất là Louis Holding.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, thị trường tài chính đang có những hạn chế, bất cập về cấu trúc, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực. Cá biệt, còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường.

Dù vậy, ông khẳng định "những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính". Mặt khác, việc xử lý sai phạm cũng là bước đi cần thiết để làm trong sạch, giúp thị trường tốt, lành mạnh, an toàn, bền vững hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị chiều 22/4. Ảnh: VGP

Nói rõ hơn về các sai phạm, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, một trong những hành vi phổ biến là chấp hành không đúng quy định về công bố thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Dẫn số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông nói, đã có 471 quyết định xử phạt hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng.

"Các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự", Thứ trưởng Công an nhận xét.

Trong đó, ông đặc biệt chỉ ra hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cô đông lớn, cổ đông nội bộ... Ngoài ra, thị trường cũng phổ biến tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch, thất thiệt trên các mạng xã hội; lôi kéo các nhóm đầu tư, tư vấn mua bán gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Phản hồi lại nhận định của lãnh đạo Bộ Công An, Thủ tướng nhấn mạnh: "Quan trọng là chúng ta không hình sự hoá các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế".

Là đại diện doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần cơ điện lạnh [REE] cho biết, rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng. Dù vậy, bà nhận định, "những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý".

Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội nhìn nhận, việc ngăn chặn lũng đoạn thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng đặt ngược vấn đề về vai trò của cơ quan quản lý vì "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

"Trong việc xảy ra lũng đoạn thị trường đáng ra các cơ quan quản lý Nhà nước phải biết trước và thực hiện vai trò của mình. Do đó cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan giao trách nhiệm kiểm soát thị trường", ông nói.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các sai phạm xảy ra vừa qua là cá biệt, do vậy, việc thắt chặt thị trường là chưa cần thiết.

Ông Zafer Mustafaeglu đến từ World Bank nhận xét, thị trường vốn của Việt Nam còn tương đối non trẻ nên sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra. "Quan trọng hơn là cách chúng ta học hỏi từ sai sót chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn", ông nói.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đánh giá, việc thắt chặt huy động vốn, tín dụng trên thị trường chứng khoán, trái phiếu là chưa cần thiết. Ông cho rằng xử lý doanh nghiệp sai phạm là quan trọng nhưng không nên để đổ vỡ thị trường, thay đổi chính sách đột ngột.

Kết luận hội nghị, một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ, ngành là tiếp tục ổn định môi trường đầu tư, đặc biệt là sự nhất quán về chính sách để nhà đầu tư yên tâm. Theo đó, Bộ Tài chính và các Bộ ngành được giao xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, trái phiếu. Trong đó, quy định phù hợp việc công khai, minh bạch thông tin thị trường, hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán. Các cơ quan này cũng cần tăng cường thanh tra, giám sát các hoạt động phát hành, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp...

Thủ tướng cũng tái khẳng định: "Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng".

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, đã khẳng định: “Những vụ việc gây bức xúc xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che”.

Nhiều án oan vì hình sự hóa...

Trong danh sách các doanh nhân vướng vòng lao lý đã được đình chỉ vụ án và xin lỗi, ngoài ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, còn có những cái tên như Hoàng Minh Tiến [Hà Nội], Phùng Thị Thu [Thái Bình], Lương Ngọc Phi [Thái Bình], Nguyễn Văn Lượng [Nam Định]...

Các doanh nhân này, người thì bị gán tội trốn thuế, người thì bị quy tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau nhiều năm, tháng bị ngồi tù, rốt cuộc họ cũng được trả tự do và đình chỉ vụ án vì cơ quan tiến hành tố tụng đã không thể buộc tội đối với những tranh chấp thương mại của họ với đối tác.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú [Đoàn Luật sư Bắc Giang], đa phần các vụ án đã được đình chỉ, xin lỗi và bồi thường oan sai cho người bị khởi tố, truy tố, xét xử oan rơi vào 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Đối với các vụ án oan như vụ án Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén, việc kết án oan là do chứng cứ yếu và thiếu. Còn những vụ "hình sự hóa" tranh chấp thương mại, dân sự, hành chính đều xuất phát từ sai lầm do áp dụng pháp luật, đặc biệt là nhận định và quan điểm xử lý vụ án không đúng của các điều tra viên, kiểm sát viên tham gia tố tụng.

Đơn cử là vụ việc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đình chỉ điều tra sau khi có cáo trạng truy tố đối với ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Thành Luân [Nam Định] do công ty này có một tranh chấp hợp đồng đại lý bồn inox, bồn nhựa với với Công ty TNHH Tân Á.

Khi tranh chấp về công nợ giữa Công ty Thành Luân và Công ty Tân Á xảy ra, điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra [Bộ Công an] đã tiến hành tạm giữ các tài liệu liên quan đến việc kinh doanh và công nợ của Công ty Thành Luân; buộc ông Nguyễn Văn Lượng phải giao nộp 100 triệu đồng cho điều tra viên với lý do để “trả cho Công ty Tân Á”.

Sau đó, Công ty Tân Á hoàn lại cho Công ty Thành Luân 10 triệu đồng khi hai bên thống nhất đã giải quyết xong công nợ và không vướng mắc gì. Nhưng ngay cả khi hai bên đã giải quyết xong tranh chấp và không còn vướng mắc, nợ nần gì nhau, ông Nguyễn Văn Lượng vẫn bị khởi tố để điều tra về hành vi chiếm đoạt tiền của Công ty Tân Á. Rất may, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã đình chỉ vụ án vô lý này.

Đâu là nguyên nhân?

Trong bất cứ vụ án oan, sai nào như vụ quán cà phê Xin Chào, dư luận đều đặt câu hỏi nguyên nhân nào dẫn đến án oan? Những người gây ra án oan thì một mực khẳng định không có động cơ cá nhân, chẳng qua là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hoặc do vụ việc có tính chất phức tạp mà cơ quan điều tra, truy tố không lường hết ngay từ đầu.

Không loại trừ nguyên nhân đến từ sự "thiếu hiểu biết" của cán bộ điều tra, truy tố. Song, nhìn vào hồ sơ các vụ án oan thì nguyên nhân này thường thiếu thuyết phục. Chẳng hạn, vụ ông Nguyễn Văn Tấn bị truy tố trước pháp luật về hành vi kinh doanh trái phép đâu phải là một vụ việc quá phức tạp đến mức các cán bộ giải quyết vụ án không thể phân biệt được mức độ vi phạm của ông Tấn là vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự.

Việc liên tục, dồn dập kiểm tra, lập biên bản khi cơ sở này mới đi vào hoạt động để tạo căn cứ "đã vi phạm hành chính mà vẫn vi phạm" làm cơ sở xử lý hình sự rõ ràng là có tính toán về hồ sơ vụ việc. Nhưng rất tiếc, sự đáp ứng về hồ sơ đã không biến việc kinh doanh bình thường của ông Tấn thành hành vi nguy hiểm cho xã hội nên việc truy tố đối với ông Tấn đã gây phẫn nộ trong dư luận và đi ngược lại các chuẩn mực về đạo lý, khiến cơ quan có thẩm quyền lật lại hồ sơ vụ án. Cuối cùng, những người có trách nhiệm đã bị xử lý. Như các vụ án oan khác, yếu tố cá nhân của điều tra viên, kiểm sát viên đóng vai trò then chốt gây ra oan sai.

Mặt khác, theo Luật sư Nguyễn Minh Anh [Đoàn luật sư Hà Nội] thì tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, thương mại luôn có nguy cơ cao vì ngay cả các bên tranh chấp dân sự, thương mại cũng thường có tư duy muốn đòi nợ hiệu quả bằng việc gửi đơn đến cơ quan điều tra, thay vì gửi đơn ra tòa án dân sự. Do tâm lý "nhờ công an" hiệu quả hơn khởi kiện nên trước đây và hiện nay, vẫn có rất nhiều tranh chấp dân sự không đươc giải quyết đúng pháp luật và bị “hình sự hóa”.

Điều giống nhau của tất cả các vụ việc bị “hình sự hóa” là sự bất bình của dư luận do việc xử lý không thấu tình, đạt lý và không thu phục được lòng người. Sau các vụ án này, người dân và doanh nghiệp đều cảm thấy hoang mang, không an toàn. “Hình sự hóa” tranh chấp dân sự còn khiến cho hình ảnh, uy tín của các cơ quan tố tụng bị giảm sút. Do đó, tình trạng này cần phải được ngăn chặn.

Chủ Đề