Học hỏi kinh nghiệm của người khác

Học hỏi kinh nghiệm của người khác
Đúc kết kinh nghiệm từ sai lầm của mình là tốt, nhưng học được từ sai lầm của người khác mới là giỏi. Vừa rồi, có bạn chia sẻ trên diễn đàn một bài báo với tựa là “Khởi nghiệp: Không cần sờ vào điện 220 vôn cũng biết điện giật có hại”. Bài báo này tôi cũng đã từng đọc trên một trang báo mạng dành cho doanh nhân và tôi cũng đồng ý với tác giả của bài báo đó.

Những tri thức mà bạn học được từ sách vở, trường lớp là rất ít và không đầy đủ. Trên đường đời, những bài học sâu sắc nhất mà bạn học được lại là từ cuộc sống. Cuộc sống là người thầy thật nghiêm khắc và phương pháp dạy học của nó là bạn phải mắc sai lầm trước rồi mới từ đó rút ra bài học cho mình. Để có thể rút ra bài học, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình. Bản thân sai lầm không có gì đáng sợ, đáng sợ là ở chỗ sai lầm một cách vô ích: Sau khi phạm sai lầm, chúng ta không biết phân tích nguyên nhân thất bại để tránh vấp ngã lần sau. Một bài học về sai lầm còn có giá trị hơn kinh nghiệm về thành công.

Thế nhưng, liệu có nhất thiết phải vấp ngã để có được bài học kinh nghiệm xương máu? Không ngại thất bại là một trong những phẩm chất cần có của một doanh nhân. Tuy nhiên, nếu bạn không cần vấp ngã, không phạm sai lầm, không để bản thân mình thất bại mà vẫn có được bài học quý, vậy chẳng phải điều tốt hơn ư? Thực tế cho thấy, càng thất bại, chúng ta càng tổn thất. Tổn thất về tiền bạc, về thời gian, về công sức, về tinh thần… Càng thất bại, giấc mơ giàu có của chúng ta càng trở nên xa vời. Càng thất bại, chúng ta càng thụt lùi trên con đường cạnh tranh mưu cầu hạnh phúc. Tôi cũng biết có những người sau khi thất bại, không thể nào gượng dậy nổi nữa…

Có người đã căn cứ vào khả năng rút ra bài học từ sai lầm để chia con người thành 3 kiểu người khác nhau. Tôi cũng xin được trình bày trong bài viết này để các bạn có thể chiêm nghiệm về bản thân và cuộc sống:

  • Kiểu người thứ nhất: Không biết rút ra bài học từ sai lầm, luôn luôn phạm phải những sai lầm giống nhau. Họ không thể vươn lên trong cuộc sống được.
  • Kiểu người thứ hai: Tuy có thể rút ra bài học từ sai lầm của mình, không phạm phải những sai lầm giống nhau, nhưng do không biết phát hiện ra những điều mang tính quy luật nên luôn phạm phải những sai lầm khác nhau. Họ không biết phân tích nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tuy vậy, cũng có thể coi họ là người thông minh.
  • Kiểu người thứ ba: Không phạm phải những sai lầm của mình cũng như của người khác đã từng mắc phải. Kinh nghiệm của người khác cũng chính là kinh nghiệm của mình. Chỉ có những người này mới biết phát huy một cách tối đa những bài học từ thất bại.

Trên thực tế, đôi khi chúng ta vẫn làm những việc mà mình cho rằng sai lầm. Ví dụ như một người biết rằng hút thuốc là có hại nhưng không tài nào bỏ được thuốc lá. Hoặc có người biết mình đi lạc, nhưng sĩ diện không hỏi người xung quanh đến nỗi đi loanh quanh tới tận khuya mà vẫn chưa tìm được đường về. Để có thể rút ra được bài học từ sai lầm, nhất thiết chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình. Dám thừa nhận sai lầm, cũng là một phương pháp để hoàn thiện bản thân. Sau đây là một số phương pháp để chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm:

  • Thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình, không đổ lỗi cho người khác.
  • Phân tích nguyên nhân gốc rễ của sai lầm đó. Việc này đòi hỏi phải tiến hành thật nghiêm túc, tỉ mỉ. Bạn cũng có thể tham khảo phương pháp 5 Why của các công ty Nhật Bản.
  • Lên kế hoạch phương pháp để khắc phục sai lầm và phòng ngừa rủi ro tương tự có thể xảy ra.
  • Đừng nuối tiếc quá khứ hay những gì đã xảy ra mà phải biết biến chúng thành động lực để thành công trong tương lai.

Cuộc đời những người thành đạt cho thấy họ không phải lúc nào cũng có những quyết định đúng đắn. Ngay cả việc mua lại Berkshire Hathaway, Warren Buffet cũng cho rằng đây là sai lầm lớn của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải biết biến nó thành bài học kinh nghiệm quý giá cho mình. Như vậy vẫn chưa đủ, hãy quan sát, học hỏi những những doanh nhân đi trước, bạn sẽ tránh được những sai lầm mà họ đã từng mắc phải.

Đâu cần phải sờ vào điện mới biết điện giật có hại đến như thế nào. Đâu cần bạn phải tự cắt vào tay mới biết đau khi chảy máu. Hãy trau dồi tri thức và học hỏi không ngừng nghỉ, nhất định, có một ngày bạn sẽ đạt được ước mơ của đời mình.

Theo Capro – lamchame.com

  • Posted in: Kỹ năng mềm
  • Tagged: Học từ sai lầm, sai lầm

Khi cuộc sống, những công cụ làm việc của bạn đang thay đổi hàng năm, thứ bạn cần là một phương pháp học hỏi tốt.

Học là một kỹ năng riêng của mỗi người. Khi cuộc sống, những công cụ làm việc của bạn đang thay đổi hàng năm, thứ bạn cần là một phương pháp học hỏi tốt. Sau đây là 10 chiến lược tối ưu giúp nhanh chóng cải thiện hiệu suất nghiên cứu và có thể áp dụng đối với bất kỳ lĩnh vực nào được thảo luận trên mạng Quora.

Để hiểu một vấn đề, hãy hỏi “Tại sao” 5 lần

Trong cuốn sách “The Lean Startup”, tác giả Eric Ries đưa ra phương pháp “5 câu hỏi tại sao” để tìm ra gốc rễ của một vấn đề. Để hiểu rõ hơn, hãy xem xét một ví dụ của Eric Ries sau đây:

  • Một phiên bản mới đã vô hiệu một chức năng của khách hàng. Tại sao? Do một máy chủ cụ thể vị lỗi.
  • Tại sao máy chủ này bị lỗi? Bởi một hệ thống phụ ít được biết đến được sử dụng sai cách.
  • Tại sao hệ thống này sử dụng sai cách? Kỹ sư sử dụng nó không biết làm sao để vận hành đúng cách.
  • Tại sao anh ta không biết? Bởi vì anh ta chưa bao giờ được đào tạo.
  • Tại sao anh ta không được đào tạo? Bởi người quản lý không tin tưởng vào việc đào tạo những kỹ sư mới, bởi anh ta và đội ngũ của mình quá bận rộn.

Bằng cách thúc đẩy điều tra 5 lần, Ries cho biết chúng ta sẽ nhìn thấy cách tại sao một lỗi kỹ thuật nhanh chóng tiết lộ một vấn đề lớn liên quan tới quản lý nhân sự.

Giữ thái độ tích cực

Việc lo lắng rằng bạn sẽ không thể học một thứ gì đó là một đầu tư sai lầm nguồn năng lượng tinh thần của bạn, giáo sư Alison Wood Brooks thuộc trường kinh doanh Harvard cho biết.

“Những lo lắng ngăn cản bạn khám phá ra giải pháp, suy nghĩ, giả thuyết sẽ cho ra được các giải pháp giải quyết thực sự”, bà viết. Nhưng khi bạn cảm thấy tốt về chuyện gì có thể xảy ra, bạn sẽ dành được cơ hội suy nghĩ đúng hướng.

Đừng chỉ học, hãy thực hành

“Bạn không thể học golf từ một quyển sách. Bạn cần một câu lạc bộ, một quả bóng”, một thành viên Quora là người đứng đầu bộ phận công nghệ tại công ty tài chính Funding Knight cho biết. “Bạn không thể học nền tảng mã nguồn mở Ruby on Rails từ sách vở- bạn cần thực hành và đưa chúng lên một web".

Tìm một chuyên gia và hỏi kinh nghiệm của họ về chuyên môn

Nếu bạn dang cố gắng học về một chủ đề nào đó, hãy nói chuyện với chuyên gia có thể giải thích về nó. Đơn giản là bạn có thể hẹn họ ăn trưa và hỏi họ về những điều còn thắc mắc. Tim Ferriss, tác giả cuốn sách “The 4-hour workweek” là chuyên gia trong việc này. Khi ông đang cố gắng học một môn thể thao, ông sẽ tìm ra những người đoạt huy chương bạc gần nhất, sắp xếp một cuộc phỏng vấn và sau đó rèn luyện các kỹ thuật.

Tìm một người đồng hành tin cậy

Hãy tìm một ai đó cũng đang cố gắng xây dựng kỹ năng như bạn, có thể là học leo núi, học đàn hay nấu ăn và tham khảo quá trình học của họ. Lập thời gian thường xuyên để kiểm tra quá trình của bạn, có thể gặp mặt hoặc qua Skype.

Khi bạn không hiểu, hãy lên tiếng

Một bí quyết khác chia sẻ tại Quora cho biết: Khi bạn không hiểu một điều gì đó trong cuộc họp, hãy giơ cánh tay của bạn lên và hỏi “Xin lỗi, anh/ chị có thể giải thích tại sao không?”. Việc lên tiếng sẽ giúp những người khác bổ sung, giải thích cho bạn nhanh hơn là để điều không hiểu trôi qua.

Lặp lại, lặp lại và lặp lại

Điều này không có nghĩa rằng bạn thực hành tạo ra hoàn hảo, nó chỉ làm cho những hành động của bạn nhanh hơn. Điều này là do khi bạn làm điều gì đó một lần, rồi một lần nữa- như cách đọc bảng chữ cái của một đứa trẻ, bạn sẽ tăng cường liên kết giữa các tế bào não.

Một sinh viên y khoa tại Úc góp ý: “Sự lặp lại dẫn đến tình trạng điều phối thần kinh. Não bộ là hệ phức hợp và nó cho phép những con đường thần kinh truyền tin với tốc độ nhanh hơn trước một thông tin có tính chu kỳ. Điều này giải thích tại sao bạn nhanh chóng đọc ra bảng chữ cái ABC hay số đếm 123 nhanh chóng nhưng nếu lật ngược lại bạn sẽ gặp vấn đề khó khăn lớn hơn".

Đừng chỉ viết, hãy vẽ nó ra

Đây là nội dung được nhấn mạnh trong 2 cuốn sách về tư duy thị giác “The Black of the Napkin” và “Blah Blah Blah” của tác giả Dan Roam. Ông cũng từng tư vấn cho các công ty lớn như Google, eBay, GE và Wal-Mart. Việc vẽ ra giúp bạn khám phá những khía cạnh tri thức mà không thể truyền tải hết bằng ngôn từ.

Ngôn từ và hình ảnh bổ sung cho nhau. “Thông thường cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết những vấn đề và nảy sinh các ý tưởng đến từ sự kết hợp giữa ngôn từ và hình ảnh”, Dan Roam cho biết. “Khi bạn thêm những bức ảnh, những hình minh họa kích thích suy nghĩ- điều mà phần lớn không thể đạt được nếu chỉ để ngôn từ đứng riêng rẽ. Đây là một cách để đặt các ý tưởng của bạn xuống mà vẫn giữ được nó trong tình trạng một dòng chảy".

Bạn có thể sử dụng sơ đồ tư duy hay sơ đồ khối để trực quan hóa những ý tưởng với nhau.

Học thứ khó khăn tại thời điểm đầu ngày

Một nghiên cứu cho thấy, ý chí con người là có giới hạn. Chúng ta có nhiều thứ vào thời điểm khởi đầu một ngày, nhưng chính điều này cũng làm suy yếu những quyết định và sự chống lại những cám dỗ. (Đó là lý do tại sao việc mua sắm lại mệt mỏi.) Vì vậy nếu bạn đang học một ngoại ngữ, âm nhạc hay bất cứ điều gì khác siêu phức tạp, hãy lên lịch để thực hiện nó vào thời điểm đầu ngày, khi mà bạn có nguồn năng lượng tinh thần lớn nhất.

Sử dụng quy tắc 80/20

Quy tắc 80/20 chỉ ra rằng bạn sẽ có được 80% giá trị trong 20% công việc. Trong kinh doanh, 20% các hoạt động tạo ra 80% kết quả mà bạn muốn. Những người học nhanh áp dụng logic tương tự vào công việc nghiên cứu của họ.

Sau đây là ví dụ được một người dùng Qoura chia sẻ:

Khi tôi đọc một cuốn sách, tôi thường nhìn vào trang mục lục và lập ra danh sách từ 1-5 thành một chương với nội dung gần giống nhau nhất. Khi theo dõi một video hướng dẫn, tôi thường bỏ qua đến phần giữa, nơi mà các hành động hay kỹ thuật được giải thích, sau đó tôi mới trở lại 1 lần nữa để xem bối cảnh và các nguyên tắc.

Phần mở đầu của phần lớn các video thường được mở đầu bằng mô tả và phần lớn các cuốn sách được phân lớp với những phần phụ để đảm bảo độ dài yêu cầu. Vì vậy với một chút khôn ngoan, bạn có thể tiếp cận được phần lớn kiến thức từ những nguồn này trong khi đầu tư phần nhỏ thời gian.

Theo Trí Thức Trẻ