Học thí điểm là gì

Tôi từng học cả ba ngoại ngữ: tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Anh. Con trai tôi cũng đang hàng ngày sử dụng ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh ở Singapore. Tôi không phản đối việc khuyến khích học sinh học thêm 1 - 2 ngoại ngữ bên cạnh tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, việc học nhiều ngôn ngữ cùng lúc phải phù hợp với môi trường, hoàn cảnh, thời điểm, năng lực và lứa tuổi cụ thể của học sinh.

Ở Singapore, học sinh bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh và tiếng Trung ngay từ khi học mẫu giáo. Bậc Tiểu học, học sinh Singapore được học tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ [tiếng Trung, tiếng Malaysia hoặc tiếng Tamil của Ấn Độ] và các môn khác được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh như: Toán, Nghệ thuật và Thủ công, Giáo dục Công dân và Đạo đức, Âm nhạc, Giáo dục Thể chất, Khoa học Xã hội.

Việc dạy ngoại ngữ của Singapore chỉ áp dụng từ cấp 2, tương đương với từ lớp 7 trở lên ở Việt Nam. Chương trình ngoại ngữ này không áp dụng đại trà mà chỉ dành cho những học sinh có điểm thi tốt nghiệp Tiểu học thuộc top 10% và có khả năng học ngoại ngữ tốt. Học sinh có thể lựa chọn học một trong ba ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật.

Học sinh Tiểu học ở đây được tham gia các chương trình hướng nghiệp do trường tổ chức miễn phí. Qua đó, các bé hiểu được sở thích, thế mạnh của bản thân và sẵn sàng chuẩn bị cho kế hoạch nghề nghiệp. Vì vậy, việc xác định học ngoại ngữ phù hợp nhất với đam mê, sở thích và nguyện vọng cá nhân diễn ra khá dễ dàng dựa trên tinh thần tự nguyện, chủ động, tích cực của người học.

Khi Bộ Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề đưa tiếng Trung và tiếng Nga vào giảng dạy từ bậc Tiểu học, tôi thấy có hai vấn đề cần lưu tâm.

Thứ nhất, tiếng Anh cần xác định là công cụ để đưa đất nước nhanh chóng hội nhập với xu thế phát triển toàn cầu. Do vậy, tiếng Anh nên được giảng dạy trong nhà trường dành cho tất cả học sinh Việt Nam như một ngôn ngữ thứ hai - cách mà Singapore đã thực hiện thành công. Các ngoại ngữ khác như tiếng Trung hay tiếng Nga, chỉ nên đưa vào giảng dạy từ cấp 2, sau khi nhà trường đã làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, giúp các con hiểu được năng lực, sở thích, mục tiêu nghề nghiệp tương lai của mình. Việc học chỉ đạt được hiệu quả và ý nghĩa khi người học thực sự yêu thích và cảm thấy có ích cho sự phát triển của bản thân.

Thứ hai, đề án dường như rất hấp dẫn trên văn bản, nhưng tôi lo ngại về tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đề án gần 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn một nhưng tôi không biết hiệu quả của giai đoạn này đến đâu. Chưa có bất cứ báo cáo, số liệu chính thức nào được công bố. Nhưng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2016, môn ngoại ngữ có phổ điểm thấp nhất. Theo quan sát của tôi, khả năng giao tiếp tiếng Anh của lớp trẻ thành thị bây giờ đã khá hơn nhiều. Nhưng tôi cho rằng, kết quả đó liên quan nhiều đến sự nở rộ của các trung tâm ngoại ngữ hơn là việc dạy học trong nhà trường. Một số nhà giáo dục còn nhận định, chính chương trình dạy chính khóa không đến đầu đến đũa trong trường đã đẩy phụ huynh đến các trung tâm tìm chỗ học cho con.

Chỉ riêng tiếng Anh, ta đã chưa hoàn thành mục tiêu, tôi không hiểu thêm 6 ngoại ngữ khác [Trung, Nga, Nhật, Hàn, Pháp, Đức], Bộ sẽ xoay xở ra sao? Liệu chúng ta có đủ nhân lực chất lượng cho 6 ngoại ngữ kia khi mà giáo viên tiếng Anh đang được đánh giá là yếu và thiếu?

Hơn nữa, môi trường sử dụng và thực hành là yếu tố rất quan trọng trong việc học ngoại ngữ. Vốn tiếng Trung của tôi đã khá tốt khi còn ở Việt Nam. Nhưng khi sang Singapore du học, do chỉ sử dụng tiếng Anh, tôi bỏ bẵng tiếng Trung suốt 1 - 2 năm. Tới lúc đi làm, trở lại với tiếng Trung, tôi gần như phải học lại từ đầu. Nhưng khả năng sử dụng ngôn ngữ này của tôi chỉ thực sự hoàn thiện khi tôi kết hôn với một người chồng gốc Hoa - sống trong môi trường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Trung.

Nếu học tiếng Trung, tiếng Nga từ bậc Tiểu học, liệu các con có một môi trường sinh động để thực hành; liệu sau 10 năm đèn sách, các con có cần tới ngoại ngữ đó trong công việc, cuộc sống hay sẽ để chữ nghĩa rơi rụng theo thời gian. Đề án mới nhất của Bộ có thể là một chương trình đầy tham vọng. Nhưng nếu quả thực như thế, tôi mong muốn thấy trước các kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể, khả thi và thuyết phục.

Hàng chục năm qua, rất nhiều đề án đổi mới giáo dục đã được đưa ra áp dụng. Học sinh chưa thí điểm xong chương trình này đã lại được thí điểm chương trình khác. Liệu có sòng phẳng không nếu hàng triệu phụ huynh phải chi tiền chỉ để mua về cho con mình sự giáo dục thí điểm?

Lại Hà Giang

Video liên quan

Chủ Đề