Hướng dẫn trượt patin tại nhà

Trượt patin là một hoạt động giải trí thú vị, một hình thức tập thể dục tuyệt vời, một môn thể thao mang tính cạnh tranh hay đơn giản là cách di chuyển. Sau khi học được tư thế đứng, cách trượt và dừng lại, bạn sẽ có thể lướt quanh sân trượt patin. Hãy đọc tiếp để biết các kỹ thuật cơ bản của trượt patin trên giày có 1 hoặc 2 hàng bánh và các gợi ý để phát triển kỹ năng trượt.

Các bước

Phần 1 Phần 1 của 3:Học các kỹ thuật cơ bản

  1. 1
    Mang thiết bị trượt patin. Thiết bị duy nhất bạn cần sử dụng để trượt patin là một đôi giày patin vừa vặn. Bạn có thể mua một đôi tại cửa hàng bán đồ thể thao hay thuê tại sân trượt patin. Kích cỡ giày patin thường giống như kích cỡ giày tiêu chuẩn. Ngoài giày patin, có lẽ bạn nên mua những vật dụng sau:
    • Mũ bảo hiểm. Vì bạn chỉ mới tập nên việc đội mũ bảo hiểm có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Ban đầu ai cũng sẽ ngã vài lần, do đó mũ bảo hiểm sẽ bảo vệ đầu bạn khỏi bị chấn thương.[1]
    • Đệm đầu gối và dụng cụ bảo hộ cổ tay. Bàn tay và đầu gối thường sẽ va xuống sàn vài lần trong quá trình bạn học cách trượt. Nếu bạn lo bị trầy xước thì nên sử dụng đệm đầu gối và dụng cụ bảo hộ cổ tay.
  2. 2
    Trượt đúng tư thế. Hai bàn chân mở rộng ngang vai, gập đầu gối và ngồi xổm. Hạ thấp mông xuống sàn và hơi cúi người về phía trước trong tư thế ngồi xổm thoải mái. Khi trượt patin, giữ thăng bằng là chìa khóa quyết định và tư thế này sẽ giúp bạn không bị lộn nhào.[2]
    • Lần đầu tiên ngã xuống sân, bạn sẽ cảm thấy như không thể kiểm soát được đôi giày patin, bạn có thể mất thăng bằng và ngã vài lần trước khi học được cách đứng yên. Điều này hoàn toàn bình thường, bạn hãy tiếp tục tập luyện tư thế đứng đến khi quen.
    • Đứng yên hoàn toàn trên giày patin khá khó. Sau khi học được cách đứng yên, bạn hãy tập điều chỉnh tư thế bằng cách di chuyển nhẹ đôi giày để giữ thăng bằng. Hãy nghĩ thế này: nếu bạn đang đứng yên mà không mang giày patin và có ai đó đẩy bạn nhẹ, bạn sẽ dịch chuyển bàn chân để lấy lại thăng bằng. Bạn sẽ áp dụng ý tưởng tương tự khi đang mang giày patin, khác ở chỗ các bánh xe và áp lực của chính cơ thể bạn sẽ là nguyên nhân tạo ra "lực đẩy".
  3. 3
    Bước đi như con vịt. Với hai gót chân khép lại và đầu bàn chân mở ra, bắt đầu bước đi chậm về phía trước, đâu tiên bước chân phải, sau đó bước chân trái, rồi lại chân phải v.v...[3] Tiếp tục ngồi xổm và giữ gót chân ngay bên dưới cơ thể để bạn có thể giữ thăng bằng dễ dàng hơn.
    • Tập luyện đến khi bạn có thể "bước đi" thoải mái trên giày patin mà vẫn giữ được thăng bằng. Có lẽ bạn sẽ ngã vài lần; hãy đứng dậy và nhớ giữ cơ thể nằm cân đối trên gót chân trong khi vẫn duy trì tư thế ngồi xổm.
    • Khi đã tự tin hơn, bạn hãy bắt đầu di chuyển nhanh hơn và bước dài hơn. Đẩy mạnh trên các bánh xe sao cho bạn trượt đi xa hơn với mỗi lần bước.
  4. 4
    Học cách trượt.[4] Kéo dài mỗi bước đi bằng cách để cơ thể trượt thêm một đoạn. Đẩy bằng một chân và trượt bằng chân kia đến khi hết quán tính, sau đó đổi chân trượt. Trong khi trượt trên một chân, nâng chân còn lại khỏi mặt sân sao cho nó không gây cản trở.
    • Tập quẹo phải và trái trong khi trượt. Khi bạn quẹo phải, hãy nghiêng người nhẹ về bên phải. Khi bạn quẹo trái, hãy nghiêng người nhẹ về bên trái và luôn duy trì tư thế ngồi xổm.
    • Trượt nhanh hơn. Di chuyển chân nhanh hơn và lấy đà bằng cách đè lên các bánh xe và đẩy cơ thể về phía trước. Tập sử dụng trọng lượng cơ thể để lấy tốc độ bằng cách ngả người vào mỗi bước đi. Sử dụng cánh tay để giữ thăng bằng và lấy tốc độ bằng cách gập khuỷu tay và di chuyển khuỷu tay tới lui như thể bạn đang chạy bộ.
  5. 5
    Tập dừng lại. Giày patin bên phải thường sẽ có bộ phận phanh lắp trên mũi giày. Để dừng lại, bạn hãy trượt với hai bàn chân song song. Giữ tư thế ngồi xổm và hơi ngả người về phía trước. Đặt giày phải hơi cao hơn giày trái một chút, nâng mũi giày phải và ấn mạnh mũi giày xuống. Bạn ấn càng mạnh thì tốc độ dừng càng nhanh.[5]
    • Quan trọng là bạn phải ấn mũi giày một cách tự tin để dừng lại, thay vì lưỡng lự chạm phanh xuống đất. Nếu bạn không ấn phanh xuống đủ mạnh thì có thể mất thăng bằng và ngã.
    • Nếu bạn thấy khó có thể ấn phanh đủ mạnh thì thử dùng tay ấn đầu gối phải xuống để tác động đủ lực dừng.

Phần 2 Phần 2 của 3:Các động tác trượt đặc biệt

  1. 1
    Học cách trượt về phía sau. Khi trượt về phía trước, bạn đẩy cơ thể bằng cách đặt hai bàn chân theo hình chữ "v" và tạo áp lực lên gót chân. Để trượt về phía sau, bạn hãy đặt hai bàn chân theo hình chữ "v" ngược, lúc này bạn cần giữ hai đầu bàn chân chụm vào nhau và hai gót chân mở ra. Duy trì tư thế ngồi xổm và đè lên đầu bàn chân phải trong khi nâng chân còn lại lên, sau đó hạ chân trái xuống và đè lên đầu bàn chân trái trong khi nâng chân phải lên.[6]
    • Vì bạn không thể nhìn thấy phía sau nên thỉnh thoảng buộc phải xoay người lại nhìn, có lẽ bạn sẽ khó giữ thăng bằng hơn khi trượt patin lùi. Khởi đầu chậm và suy nghĩ xem bạn sẽ xoay người nhìn về phía sau như thế nào để không bị ngã. Tránh ngả người về phía sau vì đó là lý do phổ biến khiến người ta bị ngã.
    • Bạn cần phải luyện tập nhiều nhưng cuối cùng thì bạn sẽ thành công. Kéo dài khoảng cách mỗi lần đẩy và tập trượt trên một chân một lúc trước khi đặt chân còn lại xuống. Tập tạo áp lực lên đầu bàn chân và tạo hình chữ "v" ngược với hai bàn chân.
  2. 2
    Tập trượt trên gót chân - đầu bàn chân. Với động tác này, bạn sẽ sắp hai bàn chân thẳng hàng và trượt trên gót một bàn chân và đầu bàn chân còn lại. Trượt vài bước để lấy đà rồi nâng đầu bàn chân thuận lên sao cho bạn chỉ trượt patin trên gót chân, với chân còn lại trượt ngay phía sau chân đó. Nâng gót bàn chân trượt phía sau lên sao cho bạn chỉ trượt trên gót một bàn chân và đầu bàn chân còn lại.
  3. 3
    Tập quẹo bằng cách bắt chéo chân. Bắt đầu trượt để lấy đà. Khi đã sẵn sàng quẹo, bạn sẽ bắt chéo một chân qua chân kia và sử dụng nó để đẩy đi theo hướng mới. Ví dụ, nếu bạn định quẹo trái thì bắt chéo chân phải qua chân trái, xoay người về bên trái và đẩy chân phải để trượt về phía bên trái. Xoay vai theo hướng bạn muốn đi và ngả người theo hướng quẹo để giữ thăng bằng. Nhớ gập đầu gối một chút để giữ cơ thể ổn định hơn.[7]
  4. 4
    Tập nhảy. Bắt đầu trượt đi vài bước rồi đưa hai bàn chân nằm cạnh nhau, cúi người xuống và nhảy lên một đoạn ngắn. Khi đã tự tin thì bạn có thể nhảy cao hơn và xa hơn. Bạn cũng có thể tập nhảy xoay người, đây là một cách thú vị để đổi hướng trượt.

Phần 3 Phần 3 của 3:Nâng cao kỹ năng

  1. 1
    Tập luyện tại sân trượt patin. Cách tốt nhất để trượt patin giỏi hơn là luyện tập thường xuyên. Tìm sân trượt patin trong khu vực và đến đó tối thiểu một lần mỗi tuần để bạn có thể phát triển kỹ năng. Tập trượt tới, dừng lại, trượt lùi và trượt nhanh tối đa có thể. Tập luyện đến khi bạn có thể quẹo và dừng lại một cách dễ dàng trong khi vẫn giữ thăng bằng.
  2. 2
    Tham gia đội hoặc liên đoàn patin. Trượt patin một mình cũng vui, nhưng nếu bạn muốn có sự thách thức thì nên tham gia đội trượt patin. Đua patin đã trở thành một môn thể thao phổ biến, và hầu hết các thành phố đều có liên đoàn patin. Nếu thành phố của bạn không có thì hãy kêu gọi bạn bè tham gia và tự thành lập một đội.
    • Trượt patin chơi khúc côn cầu là một hình thức trượt patin phổ biến khác. Để chơi môn thể thao này thì bạn cần có đôi giày patin 1 hàng bánh.
    • Trượt patin mạo hiểm, như trượt ván, là môn thể thao tập trung thực hiện các động tác mạo hiểm. Bạn phải sử dụng thiết bị bảo hộ nếu muốn chơi môn thể thao này.
  3. 3
    Chọn loại giày patin được thiết kế để hỗ trợ kỹ năng trượt. Có nhiều loại giày patin khác nhau và khi bạn đã trượt giỏi thì nên đầu tư vào một đôi giày đáp ứng được các nhu cầu cụ thể của mình, và giúp bạn đạt được mức độ kỹ năng mong muốn.[8] Cân nhắc các lựa chọn sau:
    • Giày trượt patin trong nhà. Nếu bạn thích chơi trên sân trượt patin thì nên mua một đôi giày để không phải thuê mỗi lần đến.
    • Giày trượt patin ngoài trời. Loại giày này có bánh xe được thiết kế đủ bền để chịu được điều kiện địa hình gồ ghề hơn. Bạn có thể sử dụng chúng để trượt trên mặt đường nhựa và các vật liệu làm đường khác.
    • Giày patin tốc độ. Loại giày này được thiết kế để chạy nhanh hơn giày thông thường, do đó bạn nên cân nhắc nếu thích lướt thật nhanh trên sân hay trên đường. Bạn có thể mua giày patin tốc độ 1 hàng bánh (chỉ có 1 hàng bánh xe), hoặc giày 2 hàng bánh (mỗi hàng có 2 bánh xe).

Lời khuyên

  • Nhớ cột dây giày chắc chắn để tránh bị tuột vì bạn có thể mất thăng bằng khi trượt lên dây giày.
  • Sử dụng giày patin vừa vặn. Nếu mang giày sai kích cỡ, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng.
  • Nếu bạn đang ở sân trượt patin thì sử dụng thanh vịn lắp quanh sân để hỗ trợ nếu cần.
  • Cố gắng dành nhiều thời gian trong tuần đến sân trượt patin. Tập luyện tối thiểu một lần mỗi tuần sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng.
  • Cố gắng trượt patin gần tường để bạn có chỗ vịn và dẫn đường.
  • Thường xuyên kiểm tra bánh xe của giày, tránh trượt lên các cọng chỉ, vải, dầu nhớt, dây thừng, đường ống hay các vật liệu cứng, trơn trượt trên sân. Ngoài ra, bạn cần có kiến thức về bánh xe.
  • Nếu bạn để tóc dài thì nhớ cột tóc về phía sau để không che chắn tầm nhìn.
  • Cẩn thận! Đừng làm theo lời thách thức của bạn bè. Bạn luôn có thể từ chối.
  • Ban đầu bạn nên trượt chậm. Nhớ rằng, chậm mà chắc sẽ thành công!
  • Đừng trượt nhanh hơn khả năng của bạn. Nếu trượt quá nhanh, bạn có thể ngã, chấn thương và thậm chí là gãy xương.

Cảnh báo

  • Tâm trạng lo lắng hay run rẩy sẽ tăng nguy cơ bị ngã. Hãy tự tin!

Những thứ bạn cần

  • Giày patin
  • Mũ bảo hiểm
  • Đệm đầu gối
  • Dụng cụ bảo hộ cổ tay
  • Nơi trượt patin phù hợp (lối đi, sàn gỗ v.v...)