Huyện tân thành bà rịa vũng tàu thuộc xã nào năm 2024

Tân Thành[Bà Rịa- Vũng Tàu]: Điểm sáng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư - Báo Lạng Sơn điện tử

//baolangson.vn/tan-thanh-ba-ria-vung-tau-diem-sang-trong-phat-trien-kinh-te-va-thu-hut-dau-tu-1073803.html

Lạng Sơn, 30°C/27°C - 33°C

  1. Kinh tế

Thứ 2, 18/03/2024 05:50 [[GMT +7]]

Tân Thành[Bà Rịa- Vũng Tàu]: Điểm sáng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư

Thứ 4, 08/10/2014 | 08:02:00 [[GMT +7]] A A

Từ một huyện thuần nông, đến nay, trên địa bàn huyện Tân Thành đã hình thành 10 khu công nghiệp tập trung với diện tích trên 4500 ha, thu hút 179 dự án trong và ngoài nước đến đầu tư với tổng số vốn hơn 11 tỉ USD, trong đó hầu hết là các dự án có quy mô lớn, công nghiệp hiện đại.

Đi lên từ huyện thuần nông

Một khu nhà ở dành cho người lao động ở huyện Tân Thành [Ảnh: K.V]

Huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập vào cuối năm 1994, trước kia, Tân Thành là một huyện thuần nông, mặt bằng kinh tế và hạ tầng kỹ thuật xã hội tương đối thấp, sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, công nghiệp hầu như chưa có gì, công trình phúc lợi công cộng còn nhiều thiếu thốn, đời sống của cán bộ và nhân dân trong huyện rất khó khăn.

Trước thực trạng trên, Đảng bộ huyện Tân Thành đã chủ động tập trung lãnh đạo, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội và đề ra các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đột phá từng lĩnh vực cụ thể, tạo được nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu kinh tế của Tân Thành đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa. Năm 1994, trên địa bàn huyện tỷ trọng công nghiệp chiếm 8,59%, dịch vụ 24,33% và nông nghiệp là 67,08%; đến nay, tỷ trọng công nghiệp đã chiếm 72%, dịch vụ 24,75% và nông nghiệp còn 3,25%.

Có thể thấy, ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Thành đã có tốc độ tăng rất nhanh, bình quân hàng năm tăng từ 50% đến 55%, góp phần quan trọng tạo ra cục diện mới trong cơ cấu kinh tế chung và làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của địa phương. Từ một vùng đất bạc màu và những khu rừng ngập mặn sình lầy, đến nay, huyện Tân Thành đã trở thành khu đô thị sầm uất, nhiều nhà cao tầng mọc lên, hệ thống điện, đường, trường, trạm phong quang, sạch đẹp, thuận tiện cho đời sống của người dân nơi đây.

Hiện nay, với 10 khu công nghiệp tập trung trên địa bàn huyện Tân Thành, đã thu hút hơn 25 nghìn công nhân lao động làm việc, trong đó lao động địa phương là hơn 4.700 người.

Ông Ngô Hùng Dũng, Bí thư Huyện ủy Tân Thành cho biết, đây là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của địa phương. Vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ và nhân dân Tân Thành là phải nắm vững tính định hướng phát triển của địa bàn, quy mô phát triển, cơ hội và thách thức đặt ra, từ đó khái quát một cách tổng thể và khoa học những công việc cần làm của nhiệm kỳ mới và những năm của nhiệm kỳ tiếp theo để phát triển kinh tế – xã hội theo lộ trình phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh và đáp ứng yêu cầu để xây dựng thành phố mới.

Theo đó, Đảng bộ huyện Tân Thành tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, phát triển sự nghiệp văn hoá xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân dân, xây dựng đời sống văn hoá, thực hiện dân chủ ở cơ sở, giải quyết việc làm cho người lao động, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với công bằng xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Cơ bản chuẩn hoá đội ngũ cán bộ theo yêu cầu mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu quả, hiệu lực điều hành, quản lý của chính quyền từ huyện đến cơ sở.

Những năm gần đây, môi trường phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và huyện Tân Thành nói riêng đã có nhiều chuyển biến, nhiều dự án lớn được triển khai và bước đầu đi vào khai thác trên địa bàn, nhất là những dự án về giao thông, cảng nước sâu, hạ tầng khu công nghiệp.v.v…cùng với môi trường đầu tư được cải thiện, nên khả năng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của huyện Tân Thành là rất lớn, nhất là các dự án kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế.

Cũng theo ông Ngô Hùng Dũng, Bí thư Huyện ủy Tân Thành, địa phương đã và đang tập trung và có giải pháp để giải quyết những vấn đề bức xúc về mặt xã hội. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế địa bàn thông qua cơ chế, chính sách, và huy động mọi nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho giáo dục, đào tạo, tăng cường lĩnh vực dạy nghề, làm tốt công tác phối hợp để giải quyết có hiệu quả về lao động, việc làm cho nhân dân trong huyện. Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, tính toán, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường sản xuất, môi trường sinh hoạt có hiệu quả hơn.

Có thể thấy, Tân Thành là một đơn vị được định hướng và quy hoạch phát triển thành khu đô thị mới đòi hỏi phải được tập trung đầu tư phát triển nhanh về nhiều mặt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, từ đó, phấn đấu xây dựng Tân Thành trở thành thành phố cửa ngõ, nối thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh trong khu vực là một trong những mục tiêu cần đạt tới của Bà Rịa – Vũng Tàu trong những năm tới đây, nhất là hiện nay, huyện Tân Thành đang từng bước hiện thực hóa lộ trình đầu tư để xây dựng và phát triển Tân Thành trở thành thành phố công nghiệp đúng như kế hoạch đề ra.

Quyết tâm hướng đến mục tiêu thành đô thị công nghiệp phát triển

Lợi thế phát triển cảng nước sâu giúp cho huyện Tân Thành thu hút được nhiều dự án đến đầu tư [Ảnh: K.V]

Ông Lê Văn Xương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tân Thành cho biết, với mục tiêu xây dựng huyện Tân Thành trở thành một đô thị công nghiệp phát triển, đến năm 2014 đủ điều kiện để được công nhận thị xã Phú Mỹ, đến năm 2020 trở thành đô thị loại III, một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Với những mục tiêu đặt ra như trên, huyện Tân Thành đã xác định điều quan trọng là phải phát huy cao nhất các các lợi thế so sánh. Trong đó có những điều kiện khá thuận lợi như quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Phú Mỹ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/2013.

Việc quy hoạch ở Tân Thành cũng dần được hoàn thiện, theo ông Nguyễn Văn Lầu, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Thành, cho đến nay tổng số đồ án quy hoạch 1/2000 và chi tiết 1/500 [vốn ngân sách] được phê duyệt là 28 đồ án. Trong đó, có 7 đồ án quy hoạch 1/2000, với tỷ lệ phủ kín so với tổng diện tích đất xây dựng đô thị hơn 35%; 21 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 có tỷ lệ phủ kín hơn 13%. Dự kiến trong năm 2014, huyện Tân Thành sẽ có thêm 4 đồ án quy hoạch 1/2000 với tổng diện tích 2.300ha, 5 đồ án quy hoạch 1/500 diện tích 254ha được phê duyệt, nâng tỷ lệ phủ kín lên 67% [đối với quy hoạch 1/2000] và 17% [đối với quy hoạch 1/500].

Đồng thời, Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng có chủ trương tập trung thu hút đầu tư phát triển Trung tâm dịch vụ logistics tại huyện Tân Thành. Được biết, mới đây, huyện Tân Thành cũng tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 nhằm phát triển một cách toàn diện và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Theo đó, mục tiêu về phát triển kinh tế sẽ có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tế. Ngoài tính chất là một đô thị công nghiệp – cảng biển, thị trấn Phú Mỹ còn được xác định là một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics quan trọng của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Huyện Tân Thành cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 90,35%; dịch vụ 8,93% và nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 0,71%. Đây là cơ sở quan trọng cho việc quản lý đầu tư xây dựng phát triển huyện Tân Thành và phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Để tạo thêm năng lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, trong 20 năm, từ 1994 đến 2014, huyện Tân Thành đã dành hơn 3.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và cuộc sống của người dân. Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, đầu tư nước ngoài và dân doanh… đã có hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư để phát triển hạ tầng trên địa bàn huyện.

Hiện nay, huyện Tân Thành có hơn 762km đường giao thông; gần 1.000 phòng học cho trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, ngoài ra, huyện Tân Thành còn có 9 trường mẫu giáo, từ 10 nhóm lớp đến 16 nhóm lớp được xây dựng mới khá khang trang, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh. Hệ thống điện phủ kín toàn địa bàn, phục vụ nhu cầu chiếu sáng, sinh hoạt và sản xuất. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện năm 2014 đạt 99,91%. Hệ thống thủy lợi, hồ đập, đê điều, kênh mương phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Mạng lưới chợ, trạm xá, trung tâm văn hóa và các công trình phúc lợi khác cũng đã được xây dựng đều khắp ở các xã, thị trấn.

Nhiệm vụ trước mắt trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và năm 2020 được huyện Tân Thành định hướng bằng những kế hoạch, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể phấn đấu thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, huyện tiếp tục duy trì phát triển công nghiệp ở tốc độ cao, đồng thời chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ như Logistic, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, nhà ở, văn phòng, vui chơi, giải trí… tạo ra sự chuyển dịch mạnh hơn nữa về cơ cấu kinh tế, bảo đảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2010-2015 duy trì ở mức cao hơn so với 5 năm trước.

Tân Thành phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trong giai đoạn 2015 – 2020 đạt 15%. Mặt khác, huyện cũng tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình trọng điểm và các thiết chế văn hóa xã hội chính cho khu đô thị mới Phú Mỹ theo đúng quy hoạch của Chính phủ, phấn đấu xây dựng hệ thống hạ tầng, đủ điều kiện nâng cấp khu vực Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước và Hắc Dịch trở thành thị xã Phú Mỹ vào năm 2014, tạo tiền đề để đưa Tân Thành trở thành đô thị loại III trong năm 2020. Cũng trong giai đoạn này, huyện sẽ hoàn thành cơ bản việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các vùng nông thôn, tập trung xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới cho 3 xã Tóc Tiên, Châu Pha và Sông Xoài.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Thành quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn 2010 – 2015, để đặt nền móng vững chắc cho việc hình thành một đô thị công nghiệp vào năm 2020. Với những ưu thế mà điều kiện địa lý cũng với quyết tâm nói trên, sẽ hội đủ các điều kiện về nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng, vững về cơ cấu kinh tế để xây dựng phát triển ổn định và bền vững theo định hướng của tỉnh, đưa huyện trở thành thị xã Phú Mỹ vào năm 2014 và trở thành thành phố Phú Mỹ vào năm 2025.

Chủ Đề