Italy ở đâu

 

Quốc kỳ Italia

 

Bản đồ Italia

Địa lý:

Tên nước: Nước Cộng hòa Italia.

Quốc khánh: ngày 2 tháng 6 [1946]

Diện tích: 301,230 km2.

Có đường biên giới với: Pháp, Áo, Nhà nước Vatican, Nhà nước San Marino, Slovenia và Thụy Sĩ.

Dân số: 58.133.509 người [[tháng 7/2006].

Nhập cư:

Trong suốt thế kỷ 19 và 20, Italia là nước có nguồn nhập cư chính vào châu Mỹ, Úc và một số các nước Tây Âu.

Tuy nhiên, hiện nay Italia là một trong những điểm đến của dân nhập cư trên toàn thế giới, đặc biệt là từ Đông Âu, Bắc Phi và châu Á. Từ đầu năm 2006, người nước ngoài chiếm 4,56% dân số. Ở khu vực các thành phố phía Bắc Italia, như Padova, Milano và Brescia, người nhập cư là bộ phận chiếm đa số cư dân của các vùng này.

Tôn giáo: khoảng 90% theo Công giáo, số còn lại theo đạo Tin lành, đạo Do Thái và Hồi giáo [chủ yếu là người nhập cư].

Ngôn ngữ: Tiếng Italia [chính thức], tiếng Đức [vùng Trentino- Alto Adige], tiếng Pháp [vùng Valle d’Aosta], tiếng Slovene [vùng Trieste- Gorizia].

Khí hậu: Đặc trưng của vùng Địa Trung Hải, miền Nam nóng và khô.

Địa hình: Nhiều đồi núi, cao nguyên và các vùng đất thấp duyên hải.

Bốn biển lớn bao bọc xung quanh đất nước hình chiếc ủng này. Địa hình chủ yếu là đồi núi và chạy dọc toàn bộ chiều dài đất nước. Hiện nay núi lửa Etna ở vùng đảo Sicilia vẫn còn hoạt động. Nước Italia chia làm 20 vùng và 2 đảo lớn là Sardegna và Sicilia.

 

Núi lửa Etna

Tài nguyên: Than, thủy ngân, kẽm, đá cẩm thạch v.v… nhưng trữ lượng thấp.

Lịch sử:

Vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, những người Estrusca hùng mạnh thuộc miền Trung nước Ý đã bị những người theo ngữ hệ Latinh lật đổ ở thành Roma. Và sau đó những người Roman đã chinh phục toàn bộ vùng Địa Trung Hải cũng như những vùng đất trải dài từ phía Bắc châu Âu đến tận châu Phi.

Sau đó đế chế Roman thần thánh dần suy thoái và chìm vào quên lãng. Nhiều thế kỷ tiếp theo sau đó là các cuộc xâm lấn, chiếm đóng và chiến tranh kéo dài liên miên đã có ảnh hưởng lớn đến những bước thăng trầm về văn hóa và di sản của đất nước này.

Nhà vua Victor Emmanuel Đệ nhị là người góp phần vào công cuộc thống nhất Italia trở thành một nhà nước - dân tộc từ năm 1861.

 

Chân dung Victor Emmanuel II

Đến những năm 20 của thế kỷ 20, Mussolini lên nắm quyền và lập ra chế độ độc tài phát xít. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Italia liên minh với Đức Quốc xã và là nước bại trận.

Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1946, nền quân chủ đã được thay thế bằng nền Cộng hòa dân chủ và theo đó nền kinh tế dần được phục hồi. Italia là thành viên của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương và Cộng đồng kinh tế Châu Âu.

Hiện nay nước này vẫn phải đương đầu với một số vấn đề cố hữu chưa giải quyết được như nhập cư trái phép, tội phạm có tổ chức, tham nhũng, tỉ lệ thất nghiệp cao, kinh tế đình trệ, chênh lệch về mức sống quá lớn giữa miền Nam và miền Bắc của Italia.

Quốc kỳ: 3 dải sọc xanh, trắng, đỏ; do ý tưởng của vua Napoleon khi sang Italia năm 1797.

Chính trị:

Italia theo chế độ cộng hòa đại nghị, đứng đầu là Tổng thống

2 viện và 58 đại diện của địa phương sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống cho một nhiệm kì 7 năm và không giới hạn nhiệm kì, Thủ tướng sẽ được Tổng thống bổ nhiệm và được hai viện thông qua.

Hệ thống lập pháp: do 2 viện. Thượng viện có 315 ghế, liên minh thắng cử của mỗi vùng sẽ được 55% số ghế của cả vùng đó và Thượng nghị sĩ có nhiệm kì 5 năm. Hạ viện có 630 ghế, được bầu ra thông qua cuộc phổ thông đầu phiếu, liên minh thắng cử mỗi vùng sẽ dành 54% số ghế của cả vùng đó. Dưới thời chính phủ Silvio Berlusconi đã cho phép những người dân Italia sinh sống và làm việc ở nước ngoài có thể tham gia bầu cử và được 6 ghế.

Hệ thống hành pháp: gồm 15 thẩm phán trong đó 1/3 do tổng thống bổ nhiệm, 1/3 do quốc hội bổ nhiệm và 1/3 được Tòa án tối cao bầu ra.

Lãnh đạo:

  • Tổng thống: Giorgio Napolitano [được bầu từ ngày 15 tháng 5 năm 2006] nhiệm kỳ 7 năm.

  • Thủ tướng [cũng là người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng]: Romano Prodi [được bầu từ ngày 17 tháng 5 năm 2006].

  • Chủ tịch Thượng viện: Franco Marini.

  • Chủ tịch Hạ viện: Fausto Bertinotti.

  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Massimo D’Alema.

Các Bộ trưởng được Thủ tướng bổ nhiệm và được Tổng thống thông qua.

Các đảng phái chính trị:

  • Liên minh trung tả thống nhất: đứng đầu là đương kim Thủ tướng Romano Prodi, gồm có Liên minh Ulivo [đảng viên Dân chủ cánh tả], đảng Dân chủ là tự do, đảng Cánh hồng trong nắm đấm [các nhà dân chủ xã hội], Đảng Những người Cộng sản Italia, Đảng Hoa cúc, Liên đoàn Xanh, đảng Cộng sản tái lập, Liên minh các đảng viên Dân chủ vì châu Âu, Phong trào châu Âu cộng hòa,

  • Liên minh tự do trung hữu: Đứng đầu là cựu thủ tướng Silvio Berlusconi lãnh đạo đảng Italia Tiến lên, Liên minh quốc gia, Liên minh dân chủ những người theo Thiên chúa giáo, Liên minh miền Bắc v.v...

Các nhóm và tổ chức có ảnh hưởng lớn đến nền chính trị Italia:

  • Confindustria: Liên đoàn những người lao động Italia.

  • Confcommercio: Tổng Liên đoàn của giới chủ Italia.

  • Nhà thờ Công giáo Roma.

  • Công đoàn.

Kinh tế:

Italia có một nền kinh tế đa dạng với nhiều ngành công nghiệp, tổng sản lượng cũng như sản lượng bình quân đầu người gần như tương đương với Pháp và Anh. Nền kinh tế tư bản này phân chia 2 miền rõ rệt, phía Bắc công nghiệp phát triển với sự có mặt của hàng chục công ty tư nhân lớn, phía Nam kém phát triển hơn chủ yếu dựa vào nông nghiệp và tỉ lệ thất nghiệp là 20%. Nền công nghiệp nước này rất cần nhiều nguồn nguyên liệu thô, nhưng tiềm năng trong nước không đáp ứng đủ, vì vậy phải nhập đến 75% từ nước ngoài.

 

Xe hơi Ferrari

Thập kỉ trước, Italia đã thi hành chính sách tài khóa thắt chặt, nhằm đáp ứng những yêu cầu từ Liên minh tiền tệ và kinh tế, được hưởng lợi từ lãi suất và tỉ lệ lạm phát thấp. Chính phủ đương nhiệm hiện đang tiến hành một loạt các cải cách ngắn hạn nhằm tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng lâu dài. Italia đang dò dẫm từng bước trong việc thực hiện các cải cách mang tính cơ cấu cần thiết, chẳng hạn như giảm gánh nặng thuế và thẩm tra thị trường lao động cứng nhắc và hệ thống lương hưu quá hào phóng. Điều này được giải thích do nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp và sự phản đối từ Liên đoàn lao động. Nhưng giới lãnh đạo gặp phải một vấn đề đau đầu khác: thâm hụt ngân sách đã phạm vào mức 3% do EU qui định, nền kinh tế không đạt bất kì sự tăng trưởng nào trong năm 2005 và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Italia là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới, với thu nhập bình quân đầu người là 30.020 USD/năm, mô hình phát triển kinh tế khá gần gũi với Việt Nam với đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động năng động và hiệu quả, đóng góp đến 2/3 tổng sản phẩm quốc dân.

Văn hóa:

Có người cho rằng người Italia đã sáng lập ra du lịch từ thế kỷ 16, nhưng chắc chắn không một quốc gia nào trên thế giới có thể để lại cho nhân loại nhiều biểu tượng văn hóa, ngành công nghiệp ôtô hàng đầu, kiến trúc, thời trang, các vở opera kinh điển, hội họa, điêu khắc và ẩm thực.

 

Tháp nghiêng Pisa

 

 

Thịt nguội prociutto và mì ống - hai đặc trưng của ẩm thực Italia

Mãi đến năm 1861, Italia mới trở thành một nước thống nhất từ nhiều lãnh thổ tự trị. Điều này đã hình thành nên các truyền thống và tập tục đặc trưng từng vùng, làm nên bản sắc văn hóa Italia ngày nay. Ngược lại với sự cô lập chính trị và xã hội của các vùng này, Italia vẫn có những đóng góp đáng kể vào di sản văn hóa và lịch sử của châu Âu và thế giới. Hiện nay Italia được coi là nơi lưu giữ nhiều công trình di sản văn hóa thế giới bậc nhất.

 

Thành phố Venezia [Venise]

Thành phố Firenze [Florence]

 

Đấu trường Colosseo

Văn học nghệ thuật:

Một loạt các trào lưu nghệ thuật và trí thức lan rộng khắp châu Âu bắt nguồn từ Italia, bao gồm Thời Phục hưng và Thời Ba-rốc, cùng với những nghệ sĩ đã đi vào huyền thoại như Michelangelo, Leonardo da Vinci,  Donatello, Botticelli, Fra Angelico, Tintoretto, Caravaggio, Bernini, Titian Raffaello.

Bức họa "Mona Lisa" nổi tiếng của Leonardo da Vinci

Chân dung Raffaello

Ngôn ngữ Italia hiện đại xuất phát chủ yếu từ phương ngữ của vùng Firenze và một trong những người có công xây dựng tiếng Italia chính là Dante Alighieri, tác giả của tác phẩm danh tiếng "Divina Comedia" [Thần khúc], được coi là một trong những tuyên ngôn văn chương đầu tiên xuất hiện ở châu Âu và thời Trung đại.

Chân dung Dante Alighieri qua nét vẽ của Giotto

Ngoài ra, một cách biểu đạt văn chương mới, thể loại sonnet, cũng được sáng tạo ra từ Italia, qua các tác giả văn học nổi tiếng như: Boccaccio, Giacomo Leopardi, Alessandro Manzoni, Tasso, Ludovico Ariosto, và Petrarch. Ngoài ra không thể không kể đến những triết gia điển hình như: Bruno, Ficino, Machiavelli, và Vico.

Tác giả văn học hiện đại đoạt giải Nobel là nhà thơ Giosuè Carducci vào năm 1906, Grazia Deledda năm 1926, Salvatore Quasimodo năm 1959 và nhà viết kịch sân khấu Dario Fo năm 1997.

Âm nhạc:

Từ nhạc đồng quê cho đến nhạc cổ điển, âm nhạc đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa Italia. Là nơi sản sinh ra dòng nhạc opera, Italia đã xây dựng nền tảng vững chắc cho truyền thống âm nhạc cổ điển. Các nhạc cụ cổ điển như piano và violin được sáng tạo ra từ Italia và nhiều thể loại nhạc cổ điển như symphony, concerto và sonata cũng có đã xuất hiện từ thế kỷ 16,17 trong nền âm nhạc nước này. Phải kể đến những nhà soạn nhạc tài ba của Italia trong thời kì Phục hưng như: Palestrina và Giusseppe Verdi, nhà soạn nhạc Ba-rốc như: Alessandro Scarlatti và Vivaldi, nhà soạn nhạc cổ điển như Rossini và Paganini, nhà soạn nhạc lãng mạn như Verdi và Puccini. Hai nhà soạn nhạc Berio và Nono cũng có đóng góp quan trọng vào nền âm nhạc hiện đại trong sự phát triển của nhạc điện tử thử nghiệm.

Lễ hội:

Italia cũng là đất nước của những lễ hội nổi tiếng.

 

Lễ hội Carnival ở Venezia

Khoa học:

Trong lĩnh vực khoa học, Galileo Galilei đã mang lại bước tiến mới trong cuộc cách mạng khoa học và Leonardo Da Vinci là nhân vật tinh hoa của thời kì Phục hưng.

 

Chân dung Galileo Galilei

Italia cũng là quê hương của các nhà khoa học và nhà phát minh như: nhà vật lý Enrico Fermi, một trong những người được coi là cha đẻ của thuyết lượng tử, và đứng đầu kế hoạch Manhattan [sản xuất bom nguyên tử], nhà du hành vũ trụ Giovanni Domenico Cassini; nhà vật lý học  Alessandro Volta, người phát minh ra pin điện tử; các nhà toán học LagrangeFibonacci; nhà phát minh Guglielmo Marconi người đã sáng tạo ra chiếc radio và Antonio Meucci với việc sáng tạo ra chiếc điện thoại.

Thể thao:

Môn thể thao phổ biến ở Italia là bóng đá với giải đấu Serie A, ngoài ra còn có các bộ môn khác như bóng chuyền, bóng nước, đấu kiếm, bóng bầu dục, đua xe đạp, khúc côn cầu trên băng [chủ yếu ở Milano, Trentino, Alto Adige và Veneto] và đua xe công thức 1.

 

Sân vận động San Siro của Câu lạc bộ AC Milan

 

Đua xe công thức 1

Các môn thể thao mùa đông cũng khá phổ biến và Italia cũng tham gia nhiều vào các sự kiện thế vận hội quốc tế và Olympic. Ngoài ra, thể thao cũng gắn liền với sự kiện văn hóa như đua ngựa Palio ở thành phố Siena, diễn ra vào ngày 15 tháng 8; đua thuyền Gondola tại Thành phố Venezia diễn ra vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 9

 

Lễ hội đua ngựa Palio ở Siena

[T.Tiên, Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 14-11-2007]

Video liên quan

Chủ Đề