Khó khăn trong học tập hướng nghiệp

Giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng [GDHN&CTPL] học sinh [HS] sau trung học là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo [GD&ĐT]. Làm tốt công tác này sẽ tạo lối đi đúng cho HS, hạn chế lãng phí về thời gian, chi phí của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc GDHN&CTPL cho HS vẫn chưa được chú trọng và gặp phải không ít khó khăn.

Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã lựa chọn đến các trung tâm dậy nghề để vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa. Trong ảnh: Lớp học nghề may tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nông Cống.

Học xong lớp 9, thay vì vào lớp 10, em Nguyễn Thị Hà, xã Cát Vân [Như Xuân] chọn cho mình một hướng đi khác, vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Như Xuân để vừa học nghề, vừa học bổ túc THPT. “Sau một thời gian học nghề, đến nay em đã có thể may được sản phẩm. Bên cạnh việc dạy nghề, trung tâm còn tạo việc làm cho em, hiện em đang làm việc tại xưởng may của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện và cũng học sắp xong chương trình bổ túc THPT”. Cũng như Hà, hiện nhiều HS trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn cho mình vào các trung tâm dạy nghề để vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa. Theo báo cáo về thực trạng CTPL HS trong giáo dục phổ thông của Sở GD&ĐT, đối với khu vực miền núi có 75% số HS lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 THPT, còn lại 25% số HS thực hiện chính sách phân luồng. Đối với khu vực miền xuôi có 70% số HS lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 THPT, còn lại 30% thường đi học trong các trung tâm dạy nghề, các trường trung cấp, cơ sở dạy nghề, các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc lao động tự do tại địa phương và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Trường THPT Yên Định II, để GDHN đạt kết quả, ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch cho hoạt động hướng nghiệp, không chỉ riêng khối 12 mà cho HS trong toàn trường. Các giờ học hướng nghiệp được tổ chức hàng tuần, ban giám hiệu, đoàn trường và các giáo viên trong trường tham gia trả lời trực tiếp những thắc mắc, giúp các em có một cái nhìn thiết thực nhất về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tại các buổi hướng nghiệp, HS được cung cấp mọi thông tin về các kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp và hậu quả khi chọn ngành sai. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo còn cung cấp các thông tin về những ngành nghề có nhu cầu việc làm cao, thị trường lao động, nghề nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các buổi gặp gỡ, trò chuyện giữa đại diện các trường nghề, các trường đại học, cao đẳng với HS trong trường để các em có cái nhìn thực tế hơn, từ đó có sự lựa chọn phù hợp.

Thầy giáo Vũ Đình Binh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Định II cho biết: Nhà trường đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào điểm chuẩn của các trường những năm trước và năng lực thực tế của HS để hướng nghiệp sao cho phù hợp với năng lực của các em. Đối với HS có học lực yếu, kém thậm chí là cả trung bình nhà trường sẽ tư vấn cho HS lựa chọn con đường phù hợp với bản thân hơn như vào học tại các trường nghề, sau đào tạo có tay nghề vững có thể tham gia lao động vào những ngành nghề đã chọn, trở thành những thợ lành nghề, những lao động giỏi. Ngoài ra, nhà trường còn tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành... để các em HS nếu có đủ năng lực có thể đi du học nước ngoài hoặc học nghề theo hình thức vừa học, vừa làm.

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, GDHN&CTPL HS sau trung học còn bất cập, nhất là cơ chế, chính sách còn nhiều tồn tại, chậm được đổi mới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động chưa phát triển lành mạnh, gây khó khăn cho việc lựa chọn ngành nghề của HS. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác GDHN ở trường trung học thiếu, chưa đáp ứng về chất lượng, trong khi tâm lý chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề chính những khó khăn trong GDHN&CTPL... Nói về cái khó trong CTPL, ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Như Xuân cho rằng: “Cái khó của việc vận động các em HS sau khi tốt nghiệp THCS đến học nghề tại trung tâm là nhận thức của phụ huynh, bởi họ rất “dị ứng” với học nghề. Bên cạnh đó, phần lớn các em ở miền núi sau khi học xong THCS, THPT đều ở nhà làm nương rẫy với bố mẹ, rồi lập gia đình sớm. Không ít em rời quê hương đi làm ăn xa với nghề tự do đã vấp phải những cạm bẫy đầu đời, dẫn đến sa ngã”. Để CTPL đạt hiệu quả, việc đầu tiên phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh. Các trường THCS cần làm tốt công tác đó. Mặt khác, để phụ huynh có thể tin tưởng trao con em mình, các trường nghề nên công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp tương lai, công việc sau này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Công Mãn, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Chọn nghề là một kinh nghiệm “xương máu”. Cách tốt nhất để tránh phạm phải sai lầm trong việc lựa chọn ngành nghề là hãy lựa chọn theo năng lực, sở trường của bản thân. Nói về giải pháp để nâng cao hiệu quả GDHN&CTPL cho HS, ông Mãn cho rằng: Ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về GDHN trong nhà trường phổ thông và CTPL sau THCS, THPT cho các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động GDHN của cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông; đổi mới nội dung, phương thức GDHN phù hợp với đặc điểm của HS phổ thông và điều kiện nhà trường trong tình hình đổi mới; phát triển đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên hướng nghiệp; mở thêm nhiều đợt tập huấn, chuyên đề về GDHN cho giáo viên, để giáo viên được trang bị cả lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành để thực hiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngành sẽ đổi mới cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị cho hoạt động GDHN&CTPL HS sau THCS, THPT.

Sau khi tốt nghiệp THCS nếu học trung cấp chuyên nghiệp, học sinh chỉ cần ba đến bốn năm vừa được học văn hóa vừa được học nghề.

Những năm qua, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp học sinh [HS] sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở [THCS]. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng đồng tình chọn trường trung cấp chuyên nghiệp [TCCN] cho con bởi tư tưởng "trọng thầy khinh thợ" còn ăn sâu vào nhận thức của nhiều người.

Nhiều hoạt động hướng nghiệp

Nhằm đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS, từ năm 2009 đến nay, năm nào Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức ngày hội "Thanh niên với nghề nghiệp" thu hút hơn 40 nghìn thanh niên, HS, đặc biệt là học sinh THCS tham gia để tìm hiểu về các trường TCCN. Bên cạnh đó, nhiều trường THCS thường xuyên đưa HS đến các trường TCCN để tham quan, tìm hiểu ngành, nghề đào tạo và ngược lại các trường TCCN cũng thường xuyên đến từng trường phổ thông để giới thiệu về từng ngành, nghề.

Cùng với Sở Giáo dục và Ðào tạo các quận, huyện cũng tích cực tăng cường hướng nghiệp cho HS. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Phạm Ngọc Thanh cho biết: "Nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả với nhiều phương thức phù hợp như quận 6 thực hiện xã hội hóa phân luồng, Phòng Giáo dục quận Tân Phú chủ động xây dựng "Ðề án phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT" và lập kế hoạch dựa trên tình hình thực tế của quận...".

Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới trường TCCN để đáp ứng nhu cầu học tập cho HS là điều không thể thiếu. Hiện nay, mạng lưới trường này trực thuộc thành phố tăng gấp ba lần so với năm 2000, cụ thể tổng số trường, cơ sở đào tạo TCCN có 65 trường. Cùng với hệ thống trường chuyên nghiệp này, thành phố còn có nhiều trường dạy nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội [390 cơ sở] cùng các Bộ, ngành quản lý...

Với những nỗ lực này, số lượng HS sau khi tốt nghiệp THCS thi vào TCCN tăng lên đáng kể. Năm học 2009-2010, thành phố có 5.112 HS vào TCCN thì năm 2010-2011 có 6.010 HS, năm 2011-2012 có 8.301 HS.

Học sinh vẫn thờ ơ với trường nghề

Mặc dù thành phố đã có những kết quả bước đầu trong công tác phân luồng hướng nghiệp HS sau khi tốt nghiệp THCS nhưng hiện còn một số mặt hạn chế khiến HS vẫn thờ ơ với các trường TCCN. Bằng chứng là vẫn còn một số HS có năng lực học tập chưa tốt, hoàn cảnh gia đình khó khăn... nhưng vẫn cố vào lớp 10 để rồi nghỉ, bỏ học giữa chừng. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo, năm học 2010-2011, số HS nghỉ, bỏ học THPT là 6.558 em [chiếm tỷ lệ 3,31%].

Giám đốc Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho rằng: "Công tác phân luồng đã đạt một số kết quả nhưng vẫn còn một số hạn chế như nhận thức của xã hội tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sâu và đều khắp, công tác tuyên truyền chưa liên tục, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo TCCN chưa đáp ứng nhu cầu người học và xã hội...".

Ðồng tình với ý kiến này, Hiệu trưởng Trường THCS Ðống Ða, quận Bình Thạnh chia sẻ với chúng tôi: "Nhà trường luôn đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho HS, tuy nhiên hầu hết các em đều chọn thi vào lớp 10  bởi tâm lý "trọng thầy khinh thợ"  của các bậc làm cha, làm mẹ không thể một sớm một chiều thay đổi, nhiều người dù biết con mình học lực yếu vẫn quyết tâm cho con vào lớp 10".

Bên cạnh đó, một số khó khăn nữa là ở thành phố, không phải quận, huyện nào cũng có đầy đủ các trường TCCN. Trưởng Phòng Giáo dục huyện Cần Giờ Dương Văn Thư cho biết: "Ở huyện chúng tôi chưa có trường TCCN nào, HS muốn học nghề phải qua phà đến huyện Nhà Bè, quận 7... để học. Quá trình đi lại khá khó khăn nên nhiều gia đình chưa yên tâm để các em độ tuổi này đến trường TCCN".

Nhiều HS hiểu được năng lực học tập của mình đến đâu nhưng lại không biết nếu học nghề sẽ có lợi thế gì nên vẫn băn khoăn khi chọn trường nghề. Về vấn đề này, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp TS Lê Ðức Tiến [Sở Giáo dục thành phố] chia sẻ: Nếu học THPT xong rồi học nghề các em phải mất 5 năm để có bằng tốt nghiệp THPT và bằng TCCN. Còn nếu sau THCS, các em học thẳng vào trường nghề thì khoảng ba đến bốn năm các em vừa có bằng tốt nghiệp TCCN vừa có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Như vậy, các em sẽ có lợi ít nhất 1 đến 2 năm thời gian học để làm việc sớm. Ngoài ra, sau khi học nghề, HS cũng được liên thông lên cao đẳng, đại học như những HS bình thường khác.

ÐỨC MINH

Video liên quan

Chủ Đề