Kỉ niệm đáng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Cho đến bây giờ, sau 38 năm 03 tháng công tác, ngày 1 tháng 3 năm 2021 tôi nhận quyết định nghỉ hưu. Và ngẫm lại, tôi vẫn thấy điều đặc biệt nhất trong cuộc đời, là đã rất may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng lừng danh, người con của quê hương Quảng Bình yêu dấu.

Đó là một buổi sáng cuối tháng 3 năm 1985, tôi được lãnh đạo Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế phân công dẫn đoàn của Đại tướng đi tham quan Huế, nhân dịp Đại tướng vào dự lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng Thành phố Huế.

Nhận nhiệm vụ từ chiều hôm trước mà tôi cứ suy nghĩ không biết khi gặp Bác Giáp mình sẽ làm gì. Sáng hôm sau tôi đạp xe về Khu biệt thự Thuận An, đúng giờ tôi bước vào phòng, vừa ngỡ ngàng, vừa xúc động khi thấy Bác Giáp gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc, đang ngồi như một ông tiên.

Tôi nhẹ nhàng bước đến gần: “Thưa Bác, cháu được cơ quan phân công đến dẫn đoàn của Bác đi tham quan di tích Huế”. Và tôi nhận được một câu nói rất ấm áp từ Bác: “Cháu dẫn chị Hồng Anh đi tham quan nhé”. Thế là đoàn của Bác Giáp chỉ có hai chị em, chúng tôi rong ruổi các di tích Huế cùng nhau suốt hai ngày rưỡi. Xong việc, tôi chào chị Võ Hồng Anh với tư cách một cán bộ hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao. Tôi không ngờ, từ cái duyên được gặp nhau lần đầu đó, chị em tôi luôn giữ liên lạc với nhau và chị gọi tôi bằng tên gọi thân thương “em gái quê hương”.

Cũng qua chị Hồng Anh tôi được gần gũi với Bác Giáp, bác Hà và các anh chị trong gia đình Bác. Năm 1992, tôi ra Hà Nội học 2 tháng nghiệp vụ công tác Hội, được chị Hồng Anh mời về nhà 30 Hoàng Diệu ăn cơm cùng chị, sau đó là nhiều lần tôi được gặp Bác Giáp ở 30 Hoàng Diệu và những lần Bác về thăm quê. Lần nào được gặp Bác tôi cũng thấy thiêng liêng, xúc động như mới được gặp lần đầu.

Khi tôi về công tác ở Hội LHPN tỉnh Quảng Bình tháng 12-1989, thì năm 1992 tôi được lãnh đạo Hội LHPN tỉnh phân công làm chủ nhiệm Đề tài khoa học “Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của Phụ nữ Quảng Bình 1930 -1975”, để chuẩn bị cho kỷ niệm 65 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-1995).

Năm 1995, đề tài hoàn thành, chuẩn bị in sách, chị em bàn nhau ra Hà Nội xin Bác Giáp viết lời giới thiệu sách, muốn là vậy nhưng cũng lo không biết Bác bận nhiều việc có đồng ý không. Vậy mà, khi chị Từ Thị Biêm (lúc đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh), được phân công ra gặp Bác, không chỉ Bác vui vẻ nhận lời viết, mà còn tỏ lời khen ngợi, hoan nghênh.

Tháng 8 năm 2001, tôi được đi cùng đoàn của lãnh đạo tỉnh ra mừng thọ Bác tuổi 90. Hôm đó đoàn đến nhà Bác vào cuối chiều, sau khi đoàn chuẩn bị ra về thì Bác nói: “Cháu Nhiên ở lại ăn cơm với Bác”. Mâm cơm chiều hôm đó ở căn phòng tầng 1, nhà 30 Hoàng Diệu chỉ có Bác Giáp, bác Hà và tôi; trong bữa ăn Bác gần gũi, ân cần nên tôi cũng rất tự nhiên. Bác hỏi về đời sống của bà con, Bác đặc biệt quan tâm các mẹ, các cháu, chị em phụ nữ và nhắc nhở phải đoàn kết, nỗ lực để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, chăm lo cho người có công, gia đình chính sách...

Rồi những lần tiếp theo được gặp Bác, nhất là vào dịp sinh nhật của Bác, lúc nào Bác cũng đau đáu với miền trung, với quê hương. Đặc biệt hơn, Bác không chỉ dành tình cảm cho riêng tôi mà cả gia đình của tôi đều được Bác quan tâm, hỏi thăm, động viên, để rồi trở thành niềm tự hào, lời nhắc nhớ cho tất cả các thành viên gia đình chúng tôi trong cuộc sống, trong công tác, học tập.

Lần cuối tôi được gặp Bác là cuối năm 2011, khi Bác đang được chăm sóc sức khỏe tại Viện Quân Y 108. Lúc này sức khỏe của Bác đã yếu dần, việc vào thăm rất hạn chế. Vậy mà trên giường bệnh Bác vẫn vẫy tay nhìn chúng tôi trìu mến. Trước lúc ra về, tôi cúi gần xuống nói: “Bác còn nhớ cháu không?”.

Trong phòng bệnh ngân lên hai tiếng “Quảng Bình”, mặc dù giọng của Bác không còn rõ âm từ, nhưng chúng tôi đều nghe rõ. Trong những ngày đau thương vì Bác mất, tôi đã viết bài “Vị Đại tướng nặng lòng với quê hương” đăng Báo Phụ nữ Việt Nam và bài “Hai tiếng cuối cùng tôi được nghe từ Đại tướng là Quảng Bình” đăng báo Quảng Bình vào tháng 10 năm 2013.

Kỉ niệm đáng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Gia đình tác giả chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân và GS, TS Võ Hồng Anh tại TP. Đồng Hới.

Nhưng kỷ niệm đặc biệt nhất, mà sau này, cứ mỗi lần nhớ lại, nhất là mỗi lần đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng tại gia đình, hay thăm nơi an nghỉ của Đại tướng tại Vũng Chùa – Đảo Yến, tôi lại rưng rưng.

Khoảng gần 19h00 tối mùng 4 tháng 10 năm 2013, cả gia đình tôi bàng hoàng nghe tin Bác Võ Nguyên Giáp mất! Không biết phải làm gì trước tin choáng váng này, tôi gọi cho cháu Thắng lái xe cơ quan bảo: “Cháu đến cho cô lên 30 Hoàng Diệu”. 15 phút sau, tôi đến nhà Bác Giáp, khung cảnh ban đêm ở khu vườn 30 Hoàng Diệu càng đượm buồn. Đến hơn 22h00, tôi và anh Nguyễn Tấn Định, cháu gọi Bác Giáp bằng cậu ruột rủ nhau ra về. Trên đoạn đường từ nhà ra cổng, anh Định bật lên với tôi điều mà cả buổi tối chúng tôi đều băn khoăn, nghĩ tới nhưng không ai dám hỏi ai. Giọng anh Định xúc động: “Cậu mất rồi, nhưng đến bây giờ chưa biết cậu sẽ an nghỉ ở đâu”.

Sáng hôm sau, 7h00 mùng 5-10-2013, tôi có mặt ở 30 Hoàng Diệu để giúp các anh chị việc đón khách. Đến gần 11h00 trưa, tôi thực sự sửng sốt, cảm xúc lẫn lộn buồn, vui khi biết được tin, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng gia đình đã thống nhất rất nhanh việc đưa Đại tướng về an nghỉ tại quê nhà theo di nguyện của Đại tướng. Nỗi băn khoăn của mấy anh em tối hôm qua đã được giải tỏa bằng một quyết định chưa có tiền lệ. Tôi chạy vội ra sân, muốn tìm người chia sẻ tâm trạng khó tả lúc ấy.

Và trong không gian rộng rãi, tĩnh mịch lúc đó, chỉ có nhà nhiếp ảnh quân đội Trần Hồng, tôi nói như reo lên: “Bác Giáp về quê”, hai anh em cùng nhảy cẩng lên ôm lấy nhau, trong lòng ngập tràn cảm xúc về Đại tướng. Chúng tôi vui vì quê hương, vì miền Trung sắp được đón Đại tướng về và buồn vì các con, cháu, người thân của Đại tướng và chúng tôi cùng với mọi người đang chuẩn bị cho một cuộc chia li – cuộc chia li mà tất cả không ai muốn, dù lúc đó Bác Giáp của chúng ta đã bước sang 103 tuổi mụ. Thế rồi, không kìm nổi lòng mình, tôi đã dám phá lệ gọi cho các anh có trách nhiệm ở quê, nơi tôi dự cảm là Đại tướng sẽ về khi chưa có thông báo chính thức.

Nhớ lại, đã có lần chị Võ Hồng Anh và các anh chị trong gia đình có nói việc về làm dự án ở Vũng Chùa-Đảo Yến, nhưng không ngờ Đại tướng lại chọn về đó!

Trong dòng người đưa tiễn Đại tướng về quê hôm ấy, có một xe ô tô 16 chỗ ngồi của Cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam chở các bác đồng hương tỉnh nhà, và đi cùng xe với tôi có anh hùng LLVT Trương Thị Khuê, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, quê ở tỉnh Quảng Trị; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà Vật lý Nguyễn Hữu Đức, lúc đó là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, quê ở huyện Bố Trạch và hai vợ chồng chúng tôi.

Sau khi viếng Đại tướng ở nhà Tang lễ quốc gia số 05 Trần Thánh Tông (trưa 12-10), chúng tôi chạy về Quảng Bình, 7h00 sáng 13-10, dự Lễ truy điệu Đại tướng tại quê nhà, rồi cùng dòng người ra sân bay Đồng Hới đón linh cửu, đưa tiễn Đại tướng ra Vũng Chùa. Hôm đó, xe phải nhích từng tí một và mãi đến 18h00 tối, chúng tôi mới đến được để kính cẩn nghiêng mình bên mộ phần của Đại tướng.

Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp về quê chúng tôi lại cùng nhau đến Vũng Chùa – Đảo Yến, rồi lên làng An Xá, nơi có ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng bên dòng Kiến Giang thơ mộng, để tưởng nhớ người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là người Bác, người Ông rất đổi kính trọng, thân thương...

Hoàng Thị Ái Nhiên

                                                      Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam

,

Kỉ niệm đáng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Hà Văn Lâu, năm 2003.

Tin Đại tướng vĩnh biệt gia đình, quân đội, Đảng và nhân dân Việt Nam đã làm cho mọi người cảm thấy hụt hẫng. Riêng đối với tôi - người được Đại tướng dìu dắt trong thời gian dài kháng chiến - những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng lần lượt hiện về.

Lần đầu tiên tôi gặp Đại tướng là tại chiến trường Nha Trang (Khánh Hòa). Khi đó, Đại tướng đi kiểm tra mặt trận phía Nam khi quân Pháp tràn từ Nam Bộ ra nam Trung Bộ. Tôi đang chỉ huy Mặt trận khu B bao vây địch ở Nha Trang tại làng Phước Vinh tháng 10/1945 thì Đại tướng đến thăm trận địa.

Sau khi tìm hiểu tình hình địch - ta tại chỗ, Đại tướng chỉ thị quân ta không được đánh địch bằng phòng tuyến án ngữ chúng, mà phải tổ chức cùng nhân dân phân tán đánh du kích khi địch nống ra từ Nha Trang lên Diên Khánh. Tổng tư lệnh phê bình Ban chỉ huy Mặt trận Nha Trang có tư tưởng trận địa không phù hợp. Phải bỏ trận địa mà phân tán ngay trong nhân dân, nếu địch nống ra thì ta dùng "du kích chiến đánh địch, bảo vệ dân, tiêu hao địch". Đây là mệnh lệnh đầu tiên tôi nhận từ Đại tướng trong đời hoạt động quân sự của mình.

Lần thứ hai là trong thời kỳ tôi chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên. Tuy nhiều lần tôi nhận chỉ thị của Đại tướng nhưng không trực tiếp gặp. Đến đầu năm 1950, tôi được lệnh ra Việt Bắc để báo cáo tình hình địa phương và những kinh nghiệm chiến đấu với Bộ Tổng tư lệnh. Bài học tôi nhận được là du kích vận động chiến mà tôi có dịp báo cáo với Tổng tư lệnh và Bộ Tổng tham mưu.

Đến ngày 19/5/1950, tôi được Đại tướng giới thiệu đến dự ngày mừng sinh nhật thứ 60 của Bác Hồ tại Việt Bắc. Do có chỉ thị của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng, nên tôi được sắp xếp ngồi bên trái Bác Hồ trong buổi tiệc mừng thọ Bác. Hai vị lãnh đạo thường nhìn tôi nhắc nhở bình tĩnh để báo cáo với Bác Hồ tình hình Bình Trị Thiên.

Sau lần đi Việt Bắc, về Bình Trị Thiên chuẩn bị tổ chức Sư đoàn 325, thì tôi nhận được điện của Bộ Tổng tư lệnh ra Việt Bắc nhận công tác mới.

Đây là dịp tôi được trực tiếp làm việc với cương vị Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu nên nhiều dịp làm việc với Đại tướng- nhất là trong dịp ta mở chiến dịch Hòa Bình. Tôi làm tham mưu chiến dịch thay Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.

Trời lạnh, Tổng tư lệnh lại đang bị cúm nên khi nghe tôi báo cáo tình hình chiến sự thì ngồi phải trùm chăn. Một sự kiện tôi vô cùng xúc động là khi nghe tin bộ đội ta tiêu diệt được đồn địch nhưng có nhiều thương vong thì Đại tướng đã lấy khăn lau nước mắt. Đồng chí bảo tôi mời Thông tấn xã đến để nhắc nội dung đưa tin chiến sự trong lúc vẫn còn lên cơn sốt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho nhân dân và quân đội ta những bài học quý báu của một người lãnh đạo rất xứng đáng là người học trò gần gũi nhất của Bác Hồ kính yêu.

Đại tá Hà Văn Lâu

Lần thứ ba, là vào lúc ta mở chiến dịch Tây Bắc (1952), Đại tướng tập hợp cán bộ đi chiến dịch để nhận lệnh. Trong lúc đó trời mưa to, nhưng Bác Hồ đã đến gặp cán bộ trong Hội nghị để động viên quân đội trước khi ra trận. Sau khi nghe Đại tướng báo cáo về kế hoạch chiến dịch, Bác Hồ chỉ thị cho cán bộ lần này phải kiên quyết tiêu diệt địch ở Nghĩa Lộ, giải phóng vùng Tây Bắc. Điều đáng ghi nhớ là giữa lúc trời mưa to, mà Bác vẫn đến, sau khi vượt qua một con suối lớn nước chảy xiết. Bác phải vượt qua con suối bằng một dây mây do bộ đội cầm giữ để Bác vin vào đó vượt qua suối. Toàn thể cán bộ Hội nghị thấy Bác Hồ bị ướt sũng như vậy mà vẫn chống gậy đến với Hội nghị nên hết sức xúc động và lắng nghe lời Bác dặn trước khi ra chiến trường. Bác nói: "Nghe chú Văn báo cáo sự quan trọng của chiến dịch này nên Bác quyết tâm đến". Bài học của Bác gửi cho cán bộ là "quyết tâm", quyết tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc.

Cho đến đầu năm 1954, theo quyết định của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 2/1954), thì tôi được lệnh tham gia đoàn đại biểu ta, do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, với tư cách chuyên gia quân sự, giúp đồng chí Tạ Quang Bửu, phụ trách quân sự, đàm phán với Pháp. Từ đó, tôi không trực tiếp công tác với Đại tướng Tổng tư lệnh.

Mãi đến sau khi kết thúc Hội nghị Genève, tôi trở lại Việt Bắc, để chuẩn bị thi hành Hiệp nghị Genève. Hội nghị thành lập Ủy ban Quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp nghị. Để cộng tác với Ủy ban Quốc tế, bên ta thành lập Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh, bên cạnh Ủy ban Quốc tế. Tôi được chỉ định làm Trưởng phái đoàn liên lạc bên cạnh Ủy ban Quốc tế. Trong khi phía Pháp còn lại tại Thủ đô Hà Nội (Pháp chỉ rút hết sau 300 ngày).

Trước khi lên đường đi Hà Nội, tôi gặp Đại tướng để nhận lệnh. Sau khi trao lệnh cho tôi, Đại tướng nói thêm: "Bác Hồ bận nên không tiếp được đồng chí nhưng Bác dặn đồng chí về Thủ đô thì phải giữ nâu sồng kháng chiến".

Tôi còn nhớ lúc về Thủ đô, đang còn địch chiếm đóng, một hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bí mật đến nhà làm việc của Phái đoàn để nắm tình hình Thủ đô trước khi ta vào tiếp quản. Cuộc đi khảo sát của Đại tướng đã hoàn thành, bí mật được giữ vững. Đại tướng đã trực tiếp chỉ thị công tác cho Phái đoàn và trở về chiến khu Việt Bắc an toàn.

Sau khi Thủ đô được giải phóng, thỉnh thoảng tôi được gặp Đại tướng để báo cáo tình hình và công tác, nhất là việc thi hành Hiệp nghị Genève ở miền Nam Việt Nam, và Đại tướng đã chỉ thị nhiều công tác đấu tranh thi hành Hiệp nghị cũng như đấu tranh trong Ủy ban Quốc tế.

Vì vừa công tác thi hành Hiệp nghị, vừa làm công tác Vụ trưởng Vụ miền Nam ở Bộ Ngoại giao, nên đến năm 1974 thì tôi được chuyển hẳn sang Bộ Ngoại giao, từ đó tôi ít khi được gặp Đại tướng.

Cho đến ngày về hưu (năm 1991) tôi vào ở miền Nam, thỉnh thoảng ra Hà Nội tôi lại đến thăm Đại tướng và gia đình. Mỗi lần tôi đăng ký xin gặp Đại tướng, tôi đều được chấp nhận, kể cả đưa gia đình tôi đến thăm gia đình Đại tướng. Khi trao đổi, Đại tướng nhắc tôi nên viết Hồi ký. Đây là điều tôi ân hận không thực hiện được. May mà đã có cuốn sách "Hà Văn Lâu - Người đi từ bến làng Sình" do nhà văn Trần Công Tấn viết về tôi, được nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, cũng coi như một cuốn hồi ký văn học.

Những năm gần đây, vì sức khỏe tôi cũng ngày càng yếu, nên chỉ có một lần tôi ra Hà Nội, được vào thăm Đại tướng tại Bệnh viện 108. Tuy nhiên, dịp Tết nào tôi cũng nhận được thiệp chúc Tết của Đại tướng và năm nào tôi cũng gửi hoa mừng thọ Đại tướng, mà lần cuối cùng là ngày 25/8 năm nay.

Vậy là Đại tướng đã ra đi! Vậy là từ nay, Cuốn sách tôi xây dựng để tôn vinh Đại tướng sẽ không có được nữa chữ ký của Đại tướng. Tôi đã lập bàn thờ có ảnh của Đại tướng để hàng ngày thắp nhang tưởng nhớ, noi gương Đại tướng và lời dặn của Bác Hồ "giữ vững nâu sồng kháng chiến", kể cả khi tôi đã nghỉ hưu.

Xin kính chúc Đại tướng Tổng tư lệnh an giấc ngàn thu!

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/10/2013 .

Đại tá Hà Văn LâuNguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Kiều Mai Sơn ghi