Luật kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn

         Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Kế toán và các cơ chế tài chính áp dụng cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp cũng thay đổi như Luật NSNN năm 2015 thay thế Luật NSNN năm 2002; Luật Phí, lệ phí thay thế Pháp lệnh Phí, lệ phí 2001; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP, quy định về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung... Như vậy, chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 cần phải được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu mới của cơ chế tài chính, ngân sách và lập báo cáo tài chính theo Luật Kế toán 2015.

Ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp và áp dụng từ ngày 01/01/2018 thay thế Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn cụ thể về các vấn đề sau đây:

- Danh mục biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán bắt buộc;

- Danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán;

- Danh mục mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán;

- Danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị tại Điều 2 của Thông tư này.

Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/217 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp có một số điểm mới:

 1. Về chứng từ kế toán

Các đơn vị hành chính, sự nghiệp đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc quy định trong Thông tư này và không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc.

Ngoài các chứng từ kế toán bắt buộc được quy định tại Thông tư này và các văn bản khác, đơn vị hành chính, sự nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Mẫu chứng từ tự thiết kế phải đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật Kế toán.

 2. Về tài khoản kế toán

Theo quy định tại Quyết định 19/2006/QĐ-BTC thì hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp do Bộ Tài chính quy định gồm 7 loại, từ Loại 1 đến Loại 6 là các tài khoản trong Bảng Cân đối tài khoản và Loại 0 là các tài khoản ngoài Bảng Cân đối tài khoản.

Theo quy định tại Thông tư này thì hệ thống tài khoản có nhiều sự thay đổi bao gồm 10 loại, trong đó:

Từ tài khoản loại 1 đến loại 9 được hạch toán kép [hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản] dùng để kế toán tài chính phản ánh tình hình: tài sản, công nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thặng dư [thâm hụt] của đơn vị trong kỳ kế toán.

Tài khoản loại 0 là tài khoản ngoài bảng, được hạch toán đơn [không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản] dùng để kế toán thu, chi ngân sách nhà nước [gọi tắt là kế toán ngân sách] đối với các đơn vị được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Nếu một nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh mà liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước thì kế toán vừa phải hạch toán kế toán tài chính và đồng thời hạch toán kế toán ngân sách.

 3. Về sổ kế toán

Tất cả các nghiệp vụ tài chính và kinh tế phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán đều bắt buộc phải được ghi chép trong sổ kế toán. Đồng thời, phải mở sổ kế toán để theo dõi riêng các nguồn ngân sách sử dụng từ nguồn viên trợ, trợ cấp từ bên ngoài.

Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.

Đối với sổ kế toán có các mẫu sổ sau:

 - Sổ Nhật ký: đây là loại sổ ghi lại các phát sinh về nghiệp vụ kinh tế tài chính  theo thời gian.

- Sổ Cái: đây là loại sổ ghi lại các phát sinh về nghiệp vụ kinh tế tài chính theo nội dung kinh tế. Những số liệu ghi trên sổ này sẽ phản ánh rõ về tình hình tài sản các đơn vị cũng như nguồn kinh phí và tình hình sử dụng kinh phí của đơn vị hành chính, sự nghiệp.

- Sổ thẻ kế toán chi tiết: Đây là sổ ghi lại tình hình tài chính chi tiết nhất của các đơn vị hành chính, sự nghiệp và những điều này thì sổ Cái chưa phản ánh hết.

 4. Về báo cáo quyết toán

So với Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC thì kỳ hạn lập báo cáo tài chính theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC có sự khác biệt, cụ thể:

Theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC thì việc lập báo cáo tài chính như sau: Báo cáo tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được lập vào cuối kỳ kế toán quý, năm. Báo cáo tài chính của các đơn vị, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách được lập vào cuối kỳ kế toán năm; Các đơn vị kế toán khi bị chia, tách, sáp nhập, chấm dứt hoạt động phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm quyết định chia, tách, sáp nhập, chấm dứt hoạt động phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm quyết định chia, tách, sáp nhập, chấm dứt hoạt động.

Đối với Thông tư số 107/2017/TT-BTC thì kỳ hạn lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm [thời điểm 31/12] theo quy định của Luật Kế toán.

Ngoài ra báo cáo tài chính năm của đơn vị hành chính, sự nghiệp phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị cấp trên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.

Đối vói báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước: Đơn vị lập báo cáo theo kỳ kế toán năm. Số liệu lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm là số liệu thu, chi của năm ngân sách, tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước [ngày 31/1 năm sau] theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Báo cáo quyết toán kinh phí nguồn khác: Đơn vị lập báo cáo quyết toán năm. Đơn vị phải lập báo cáo quyết toán khi kết thúc kỳ kế toán năm [sau ngày 31/12]. Trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo theo kỳ kế toán khác thì ngoài báo cáo quyết toán năm đơn vị phải lập cả báo cáo theo kỳ kế toán đó. 

Phan Thị Ngọc Huyền [Tài chính doanh nghiệp]

          Thời gian qua, theo yêu cầu hội nhập về Kế toán – Tài chính Quốc tế, Quốc hội Việt Nam đã quyết định thông qua Luật Kế toán 2015 – Luật số 88/2015/QH13 gồm 6 Chương – 74 Điều, nhằm quy định về các nguyên tắc hạch toán, chuẩn mực kiểm toán, Báo cáo tài chính Nhà nước, kiểm soát nội bộ, kiểm tra kế toán và hành nghề dịch vụ kế toán. Luật Kế toán ra đời nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng của công tác kế toán với vai trò là công cụ quản lý tài chính, vốn, tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp, là công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước. Luật Kế toán 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Khi Luật Kế toán 2015 được ban hành thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Để cập nhật, bổ sung hướng dẫn Luật kế toán 2015, ngày 30/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán [thay thế: Nghị định 128/2004/NĐ-CP, ngày 31/5/2004, hướng dẫn Luật Kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước ngày 31/5/2004; Nghị định 129/2004/NĐ-CP, ngày 31/5/2004, hướng dẫn Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh ngày 31/5/2004] nhằm giúp người làm công tác kế toán và những người quan tâm đến công tác kế toán thuận tiện trong việc nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn của đơn vị. Nghị định này mang lại nhiều cải cách, bổ sung nhiều điểm mới nhằm tạo sự chủ động cho DN trong quá trình thực hiện các quy định kế toán kiểm toán, thông thoáng cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, cởi bỏ các thủ tục cứng nhắc được hướng dẫn cho lĩnh vực công và lĩnh vực kinh doanh.

Nghị định 174/2016/NĐ-CP cho phép đơn vị kế toán [bao gồm các cơ quan thu, chi NSNN các cấp, DN nhà nước và DN kinh doanh] được chủ động thiết kế sổ sách kế toán, mẫu biểu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị mà không phải áp dụng theo những quy định cứng nhắc như trước đây. “Các chứng từ kế toán của đơn vị kế toán chỉ cần đảm bảo đầy đủ nội dung chủ yếu [số liệu, ngày, tháng, con dấu...] nêu tại khoản 1, Điều 16, Luật Kế toán 2015

Nhằm giảm thủ tục, chi phí hành chính, Nghị định 174/2016/NĐ-CP có hướng dẫn khá thông thoáng, trong việc lưu trữ chứng từ. Không bắt buộc đơn vị kế toán vừa phải lưu trữ chứng từ kế toán bằng phương thức điện tử, đồng thời in ra bản giấy khi đơn vị kế toán đảm bảo được việc lưu trữ trên phương tiện điện tử một cách an toàn. Việc in ấn ra chứng từ giấy được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước

Nội dung Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán áp dụng cho cả hai lĩnh vực kế toán Nhà nước và hoạt động kinh doanh. Quy định về các vấn đề cơ bản liên quan đến :

1] Nội dung công tác kế toán,

Về chứng từ kế toán, quy định cụ thể về chứng từ điện tử: Nếu chứng từ điện tử được lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ. Các đơn vị sử dụng chứng từ điện tử thì được sử dụng chữ ký điện tử trong công tác kế toán, thực hiện theo quy định của Luật giao dịch điện tử.

Về bảo quản, lưu trữ và cung cấp thông tin tài liệu kế toán: Quy định về trách nhiệm của đơn vị kế toán trong việc bảo quản đầy đủ, an toàn trong quá trình sử dụng và đưa vào lưu trữ chứng từ kế toán phải đầy đủ, có hệ thống, phải phân loại, sắp xếp thành từng bộ hồ sơ riêng theo thứ tự thời gian phát sinh và theo kỳ kế toán năm. Nội dung được quy định cụ thể trong điều 9 của Nghị định  

2]  Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán,

Về tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán: Việc tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị kế toán do cơ quan có thẩm quyền thành lập đơn vị quyết định. Trường hợp tổ chức, đơn vị không có cơ quan có thẩm quyền thành lập thì do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định.

Về kế toán trưởng: Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định về phụ trách kế toán. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.

 Ngoài ra Nghị định này còn có điều khoản chuyển tiếp:

- Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, người được bố trí là phụ trách kế toán trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải đảm bảo có chứng chỉ kế toán trưởng theo quy định;

- Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các công ty TNHH hai thành viên trở lên kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải đảm bảo tỷ lệ vốn góp của tổ chức góp vốn và của kế toán viên hành nghề theo quy định tại Nghị định này và các điều kiện khác theo quy định của Luật kế toán để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Nếu không đảm bảo một trong các điều kiện theo quy định của Nghị định này hoặc Luật kế toán thì phải chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán;

- Đối với các đơn vị trong lĩnh vực kế toán nhà nước đã bổ nhiệm kế toán trưởng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng theo quy định tại Nghị định này chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán thì không nhất thiết phải miễn nhiệm kế toán trưởng ngay khi Nghị định có hiệu lực thi hành mà tiếp tục được bố trí kế toán trưởng đến hết thời hạn bổ nhiệm ghi trong quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hiện hành. Khi bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm mới thì chỉ được bổ nhiệm phụ trách kế toán theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định 174-2016-ND-CP.doc

Võ Văn Lân [Thanh Tra Sở]

Video liên quan

Chủ Đề