Mô hình TOD ở Nhật Bản

(Xây dựng) - Ngày 05/3, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức Hội thảo “Mô hình phát triển đô thị tại các đầu mối trung chuyển giao thông” tại Hà Nội. Đây là hội thảo thường niên quan trọng, có ý nghĩa thiết thực cho công tác phát triển đô thị (PTĐT) tại Việt Nam.

Mô hình TOD ở Nhật Bản

Tập trung nghiên cứu, đề xuất ứng dụng mô hình TOD vào Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, mô hình PTĐT gắn với các đầu mối giao thông công cộng (mô hình TOD) là một mô hình PTĐT tiên tiến đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam và mới chỉ được quan tâm nghiên cứu tại Hà Nội và TP.HCM.

Vì vậy, Hội thảo là diễn đàn cởi mở để các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực PTĐT cùng bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm về thực tế PTĐT theo mô hình TOD tại Nhật Bản cũng như định hướng phát triển và khả năng ứng dụng một cách có chọn lọc mô hình này vào thực tế PTĐT tại Việt Nam, Thứ trưởng nhận định.

Thứ trưởng cũng đề nghị Hội thảo tập trung giới thiệu và phân tích kỹ lưỡng ưu, nhược điểm của mô hình TOD qua thực tế PTĐT tại Nhật Bản, khả năng áp dụng mô hình này tại Việt Nam; So sánh, đánh giá sự khác biệt giữa các đô thị đang được phát triển theo định hướng TOD tại Việt Nam với các đô thị TOD Nhật Bản để có giải pháp, định hướng cho việc phát triển loại hình đô thị này tại Việt Nam; Thảo luận và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình…

Phát triển giao thông đồng bộ với phát triển đô thị

Theo ông Hideo Nakamura - Cục Đô thị, LMIT, ở Nhật Bản, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch PTĐT và cùng với đó là kế hoạch phát triển giao thông. Các khu phố mới sẽ phải đồng bộ với các tuyến giao thông và tùy theo quy mô đô thị mà có sự lựa chọn hệ thống giao thông thích hợp.

Ông Hideo cho biết, hiện nay Thủ đô Tokyo của Nhật có diện tích gấp 2 lần và dân số gấp 5 lần so với Hà Nội. Nhưng từ những năm 60 thế kỷ trước, Tokyo đã có dân số gấp 3 lần so với Hà Nội, gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Tình trạng này đã được giải quyết thông qua việc áp dụng mô hình TOD. Ông Hideo nhấn mạnh, nếu không có sự phát triển một cách đồng bộ giữa đô thị và hệ thống đường sắt thì không thể có một Tokyo như ngày hôm nay.

Theo ông Hideo Nakamura, cần PTĐT đồng bộ với sự phát triển các công trình giao thông công cộng và áp dụng triệt để các quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch giao thông. Đồng thời, PTĐT theo nhiều tầng để tạo ra không gian hiệu quả như phát triển TP ngầm, kết nối các trung tâm mua sắm với các nhà ga, phát triển các khu dân cư xung quanh điểm kết nối…

Kinh nghiệm tại Yokohama - TP lớn thứ hai Nhật Bản cũng cho thấy, sự PTĐT đều dựa trên các ga trung chuyển và hệ thống giao thông đô thị là một bộ phận chủ yếu của TOD.

Ông Hiroki Kimura - Cục Phát triển Đô thị của TP Yokohama cho biết, sự phát triển của đô thị này đã được thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch và dựa trên các ga trung chuyển. Từ năm 1985, Yokohama đã tập trung giải quyết các vấn đề ở khu vực ga thông qua “Dự án tái điều chỉnh đất”. TP cũng đầu tư nhiều dự án khác để phát triển khu vực ngoại vi. Nhưng dù phát triển theo hướng nào, mục tiêu mà TP đưa ra là người dân dù sống ở đâu thì chỉ cần 15 phút là đến được nhà ga gần nhất.

Tất nhiên, Chính phủ, địa phương và các DN tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển giao thông ở Nhật Bản. Như Chính phủ Nhật Bản, ngoài vai trò đưa ra các quy hoạch tổng thể, họ còn xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, có sự hỗ trợ về chính sách để khuyến khích sự PTĐT, góp phần tạo nên thành công trong việc thực hiện mô hình TOD tại các đô thị.

Hướng tới việc nhân rộng mô hình TOD ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, hai TP lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM cũng đang lên kế hoạch cho việc xây dựng mô hình TOD. Như ở TP.HCM, tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã đề xuất phát triển TOD cho TP thông qua việc tăng cường hệ thống giao thông công cộng, đặt biệt là sự kết nối các khu dân cư với các nhà ga Metro.

TP Hà Nội cũng đưa ra các giải pháp kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng và xây dựng mô hình TOD theo quy hoạch chung 1259, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Đào Minh Tâm - Sở QHKT Hà Nội, định hướng của Hà Nội là PTĐT gắn với các nhà ga đường sắt đô thị, trong đó sẽ xây dựng mô hình TOD trong các đồ án quy hoạch phân khu.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của hai TP này là vốn đầu tư xây dựng, vấn đề GPMB… cũng như cơ sở pháp lý để xây dựng mô hình TOD. Việc triển khai thực hiện các tuyến Metro ở TP.HCM cũng gặp không ít trở ngại trong vấn đề pháp lý do quy chuẩn, quy phạm chưa hoàn chỉnh… Hơn nữa, cơ sở dữ liệu về các công trình ngầm hiện hữu tại các đô thị ở Việt Nam còn thiếu, ngay cả TP Hà Nội và TP.HCM cũng đang trong quá trình điều tra, cập nhật số liệu.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng nhận định, muốn áp dụng mô hình TOD ở Việt Nam thành công, cần phải bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp lý cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch đô thị… ở Việt Nam cho phù hợp.

Theo kế hoạch, để hỗ trợ Việt Nam ứng dụng mô hình TOD, JICA (Nhật Bản) sẽ hỗ trợ phát triển UMRT (hệ thống vận tải đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao) tuyến 1, 2 tại Hà Nội và tuyến 1 tại TP.HCM, đồng thời giới thiệu khái niệm TOD tại hai TP này thông qua Dự án PTĐT gắn kết với UMRT cho TP Hà Nội và Hỗ trợ đặc biệt Thực hiện (SAPI) Dự án Đường sắt TP.HCM.