Mỏi tay thì phải làm sao

Chào bác sĩ, tôi tên là Ngọc. Hơn một tuần nay tôi có triệu chứng tê mỏi cánh tay bên phải, cảm giác tay tôi không thật nữa. Tôi không biết mình đang mắc bệnh gì nữa. Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi nguyên nhân và cho tôi lời khuyên về cách điều trị và phòng chống. Cảm ơn bác sĩ.Lưu ý quan trọng: Bài viết này nhằm cung cấp kiến thức mang tính chất tham khảo. Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng hoặc những vấn đề còn mơ hồ, để hiểu rõ cụ thể trường hợp của bạn/ người thân, Hello Doctor hỗ trợ qua điện thoại hoặc nhắn tin trên facebook. Hello Doctor sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho từng trường hợp một cách cụ thể.

Bác sĩ tham vấn thông tin:

✍ Các bác sĩ Cơ Xương Khớp Hello Doctor 

☎ Gọi Bác sĩ

유 Chat Bác sĩ trên Facebook

Trả lời:

Chào bạn Ngọc, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Cảm giác tê ở tay phải là một tình trạng khá khó chịu và thường phổ biến gặp ở nhiều người. Trong đó, phần lớn mọi người có cảm giác như bị châm chích hoặc mất cảm giác ở tay phải là do bị kích thích tạm thời. Trước đó, chúng tôi cũng có giới thiệu về triệu chứng tê tay trong bài tê cánh tay. Tuy nhiên, trong bài này, chúng tôi sẽ đi làm rõ những nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng tê tay phải.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng tê tay phải nhưng đa số không đáng lo ngại. Tuy nhiên, có những dấu hiệu có thể gợi ý một tình trạng nghiêm trọng như tê tay khởi phát đột ngột, tái đi tái lại nhiều lần hoặc bạn liên tục bị nổi da gà, tê tay thường xuyên.

Cảm giác tê ở tay phải này có thể xảy ra khi bạn ngủ đè lên tay, chấn thương nhẹ ở tay hoặc máu cung cấp không đủ cho cánh tay đó. Đôi khi cảm giác tê và nóng ran ở tay phải cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim cần chú ý can thiệp ngay. Nhưng thường thì những bệnh lý nguy hiểm có thể gây tê tay thường đi kèm các triệu chứng khác đặc trưng hơn như đau ngực, khó thở, hoặc yếu liệt ở tay phải. Thông thường, cảm giác tê tay không đi kèm các triệu chứng khác thì sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng.

1. Các nguyên nhân nào có thể gây ra tê mỏi cánh tay phải?

- Ngủ đè lên tay phải:

Sau khi bạn thức dậy mà không còn cảm giác ở tay phải hoặc có cảm giác như bị kim chích ở tay thì thường là do tư thế ngủ của bạn đêm qua đã đè lên tay phải. Ngoài ra, khi bạn ngủ trên ghế hoặc trên bàn, nếu bạn lấy tay bạn làm điểm tựa thì khả năng cao cũng sẽ gặp tình trạng nặng tay, không có sức cũng như mất cảm giác, tuy nhiên khi ta không đè nữa thì triệu chứng sẽ từ từ biến mất.

- Thiếu máu nuôi:

Ngoài nguyên nhân chèn ép thần kinh gây tê tay, thiếu máu nuôi cũng là nguyên nhân gây ra tê tay cả trái hoặc phải. Cánh tay bị đè sẽ gây chèn ép mạch máu qua đó làm giảm máu đến nuôi cánh tay và gây tê tay.

Thiếu máu nuôi do lưu thông máu kém - Nguyên nhân gây ra tê tay phải

- Viêm mạch máu:

Ngoài triệu chứng tê, nếu có kèm theo triệu chứng đau thì có thể nguyên nhân do viêm các mạch máu. Theo đại học Johns Hopkins, Mỹ, mạch máu bị viêm có thể do tình trạng tự miễn hoặc sử dụng thuốc corticoid trong thời gian dài. (Xem thêm thông tin về bệnh viêm mạch máu tại đây)

- Chấn thương:

Triệu chứng tê tay có thể xảy ra do bạn bị chấn thương vai và cánh tay. Tùy thuộc vào độ nặng của chấn thương ở tay phải, bạn có thể có các cảm giác như tê khi chấn thương nhẹ và mất cảm giác khi chấn thương nặng. Một số chấn thương gây ảnh hưởng đến dây thần kinh ở tay phải xảy ra khi bạn sử dụng tay phải quá nhiều hoặc vận động lặp đi lặp lại ở nơi bị chấn thương.

- Hội chứng lối thoát ngực:

Việc tê tay phải kéo dài có thể do hội chứng lối thoát ngực. Hội chứng này làm cho dây thần kinh ở vùng sau cổ, cánh tay và vùng nách bị chèn ép dẫn đến triệu chứng tê tay. 

Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hội chứng này như:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Khối u ở vùng ngực hoặc vùng nách,
  • Chơi các môn thể thao có các thao tác lặp đi lặp lại
  • Chấn thương

Một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng này là do bệnh nhân có thêm một xương ở vùng trên xương sườn phải và vai phải. Khi nó chèn vào các mạch máu và dây thần kinh gần đó thì sẽ gây đau cổ, tê tay phải và một số triệu chứng khác.

- Hội chứng ống cổ tay: 

Các cử động lặp đi lặp lại như việc sử dụng máy tính nhiều có thể làm siết chặt các dây thần kinh ở cổ tay và mạch máu làm cho thiếu máu nuôi. (Xem thêm về hội chứng ống cổ tay tại đây)

- Bệnh thần kinh đái tháo đường:

Nếu bạn bị đái tháo đường thì sẽ có khả năng bị tổn thương các dây thần kinh dẫn đến việc tê tay phải hoặc cả 2 tay của bạn. Triệu chứng ban đầu của việc tổn thương các dây thần kinh là tê tay hoặc chân. Một số yếu tố nguy cơ khác làm nặng thêm tình trạng này như tăng huyết áp, béo phì, thiếu vitamin B, hoặc mỡ máu cao.

Tùy thuộc vào độ nặng của bệnh, bạn cần phải kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt bằng cách uống thuốc và có chế độ ăn ít đường để giữ lượng đường trong máu luôn ở mức bình thường. Ngoài ra bạn cần vận động thể chất, ngủ đúng giờ, và thường xuyên đi khám bác sĩ để kiểm tra.

>>>Bạn có thể xem thêm thông tin về bệnh thần kinh đái tháo đường tại đây.

- Thiếu vitamin:

Vitamin là một trong những chất thiết yếu để dây thần kinh hoạt động, nên việc thiếu vitamin cũng có thể gây ra việc tê tay. Ngoài ra, nếu dư thừa quá mức lượng cần thiết cũng có thể gây ra triệu chứng tương tự.

- Thuốc: 

Một số loại thuốc có thể gây tổn thương thần kinh, nhưng thường chỉ là tác dụng phụ nhỏ. Những dây thần kinh bị tổn thương này có thể được phục hồi khi bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc.

- Stress và lo âu

Một số nghiên cứu cho thấy stress và rối loạn lo âu có thể gây cảm giác như kim chích ở tay của bạn. (Xem thêm thông tin về bệnh rối loạn lo âu tại đây)

- Các bệnh toàn thân:

Các bệnh liên quan đến gan, thận, máu và mạch máu có thể gây ra triệu chứng tê tay nếu những bệnh này làm tổn thương các dây thần kinh hoặc làm cho tay phải bị thiếu máu nuôi.

- Ngộ độc:

Ngộ độc các kim loại nặng như chì, arsen, thủy ngân có thể gây tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê tay

Các nguyên nhân nguy hiểm cần lưu ý khi gặp phải

- Nhồi máu cơ tim:

Mặc dù tim nằm ở ngực trái, các nhà nghiên cứu ở đại học Harvard cho rằng bệnh nhồi máu cơ tim cũng có thể gây tê và đau ở tay phải hoặc tay trái. Cùng với đó là triệu chứng đau thắt ngực, khó thở, đôi khi là buồn nôn và nôn. Bạn nên đi khám bác sĩ thường xuyên nếu cơn đau đến đột ngột và lan từ tim đến tay phải hoặc trái. Khoảng 80% những cơn nhồi máu cơ tim có thể được phòng ngừa nếu bạn có lối sống lành mạnh như tập thể dục, có chế độ ăn uống hợp lý, và kiểm soát huyết áp tốt. (Xem thêm về nhồi máu cơ tim tại đây)

- Đa xơ cứng:

Bệnh đa xơ cứng là bệnh về hệ thần kinh trung ương làm ảnh hưởng đến sự vận động, cảm giác và chức năng cơ thể. Một trong các triệu chứng sớm thường gặp của bệnh này là tê tay hoặc chân mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số triệu chúng khác cũng có thể xuất hiện sớm như nhìn mờ hoặc nhìn đôi, mất thăng bằng.

- Đột quỵ

Tê tay phải cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ, đặc biệt nếu đi kèm với các triệu chứng yếu liệt tay chân, méo miệng, vẻ mặt ủ rũ, và nói lắp. Một số dấu hiệu khác của đột quỵ có thể xuất hiện sớm như mất thị lực, mất thăng bằng, hoặc chóng mặt. Bạn hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn có các dấu hiệu trên. (Xem thêm về tình trạng đột quỵ tại đây)

2. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Hầu hết triệu chứng tê tay phải chỉ gây khó chịu tạm thời sau đó sẽ tự mất nếu ta khắc phục các nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh hoặc mạch máu. 

Khi triệu chứng tê cánh tay phải xuất hiện đột ngột và kéo dài, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay vì có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm. Kể cả nếu bạn bị tê tay phải hoặc tay trái nhưng lại không tìm được nguyên nhân thì bạn cũng nên đến bác sĩ để được kiểm tra.

Nếu có triệu chứng tê cánh tay phải và kèm theo các vấn đề sau thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức vì có thể nguy hiểm đến tính mạng:

  • Đột ngột tê toàn bộ tay và mất cảm giác ở tay phải hoặc cả 2 tay 
  • Tê một hoặc nhiều hơn một chi kèm với đau đầu nặng, lơ mơ hoặc mất thăng bằng
  • Tê tay phải nhưng không tự hết, và ảnh hưởng đến cả vùng bên phải cơ thể
  • Vấn đề tê tay phải làm ảnh hưởng đến chất lượng của sống của bạn

Hy vọng những thông tin mà chúng tôi chia sẻ sẽ hữu ích cho bạn Ngọc. Để được khám và điều trị, bạn có thể liên hệ đặt khám với các bác sĩ theo số điện thoại 1900 1246.