Nguyễn Du viết Truyện Kiều như thế nào

Ninh Giang Thu Cúc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi được duyên may làm quen với Truyện Kiều rất sớm như đã trình bày ở bài “Đọc Kiều thương khách viễn phương”

Tác giả Ninh Giang Thu Cúc 

Qua một số tài liệu văn bản tôi được đọc từ mấy chục năm nay về cuộc đời, về thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du và bằng ba ngàn hai trăm năm mươi bốn (3254) câu thơ lục bát đã đeo đuổi, đã ám ảnh trong lòng tôi suốt bao năm tháng và tôi muốn làm một điều gì để biểu tỏ lòng ngưỡng mộ kính yêu đối với tác phẩm, và với người đã tái sinh lại các nhân vật bất tử, điển hình là người con gái, người phụ nữ tài sắc và bất hạnh Thúy Kiều.

Trong các bài khảo luận nghiên cứu của các học giả cận đại và hiện đại đều đặt nghi vấn là Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước khi Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long thống nhất sơn hà, hay sau khi ra làm quan với Nguyễn Triều, và viết trước khi đi sứ sang Trung Hoa hay sau khi đi sứ về, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra đáp án chính xác và điều nầy vẫn còn tồn nghi trong nền văn học cổ điển thời trung đại.

Có một vấn đề mà kẻ hậu học này cố tìm nhưng không thấy trong các bài viết là không ai đặt câu hỏi Nguyễn Du viết “Đoạn Trường Tân Thanh” ở địa điểm nào, chỉ đặt nặng thời gian mà không nhắc đến không gian, địa điểm tạo cảm hứng sáng tác cho nhà thơ.

Nhà công quán hay công vụ của Kinh thành Huế nơi dành cho chức sắc quan viên từ các nơi về lưu trú trong thời gian đương nhiệm, các tòa nhà ấy nằm rải rác xung quanh đường dẫn vào Đại Nội, nơi bộ máy quân chủ đang ngự trị – Từ vòng ngoài Tử Cấm Thành cho đến các vùng lân cận như Vỹ Dạ, Nguyệt Biều, Kim Long, Xuân Hòa, An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, đều có các dinh thự, các tòa nhà xanh mát để phục vụ bá quan văn võ tùy theo phẩm trật (cửu phẩm quan giai), một trong những ngôi nhà ấy là nơi cư ngụ của quan Đông các học sĩ tước Du Đức Hầu và sau này là Hữu Tham Tri bộ lễ, tức nhà thơ Nguyễn Du vào thập niên những năm 1882 của thế kỷ XIX.

Ra làm quan và dưới sự chỉ dụ của Vua Gia Long, Nguyễn Du đã đảm nhận nhiều chức vụ như Tri phủ Thường tín ở tỉnh Hà Đông rồi đến năm 1806 làm Đông Các học sĩ, năm 1809 làm Cai bạ ở tỉnh Quảng Bình, ông là một vị quan mẫn cán thanh liêm. Về Kinh đô Huế, vào năm 1813 ông được tấn phong chức Cần Chánh điện học sĩ và được Vua Gia Long cử làm chánh sứ đưa cống lễ sang triều đại nhà Thanh ở Trung Hoa.

Kẻ hậu học này có suy nghĩ và suy đoán là trong thời gian công cán ở Trung Hoa, ông đã gặp được quyển tiểu thuyết “Kim Vân KIều Truyện” của Thanh Tâm tài nhân, năm 1814 về lại Kinh đô Huế ông đã đọc, đã nghiền ngẫm và trong khung cảnh hữu tình với buổi sáng sương lam, buổi chiều tím sẫm, màn đêm về giữa: “Hương Giang nhất phiến nguyệt, Kim cổ hứa đa sầu” để cảnh mộng mị biến thành tình và tình tạo nên tứ để Nguyễn Du tái sinh lại các nhân vật của “Kim Vân Kiều Truyện” thành “Đoạn Trường Tân Thanh” với ba ngàn hai trăm năm mươi bốn (3254) câu lục bát suốt thời gian rảnh rỗi việc quan nha.

Tôi cũng nghĩ rằng trước năm 1802 ông cụ đã vân du suốt dải sông Lam và chín mươi chín ngọn Hồng Lĩnh ở góc trời quê kiểng thì ở tại đất kinh đô văn vật có núi Ngự sông Hương – gót phiêu bồng lãng tữ của người thơ đa cảm đa sầu, đa đoan đa hệ hụy này cũng đã lang thang khắp vùng miền “Nghêu ngao vui thú yên hà”, chắc đã từng xuôi về Vỹ Dạ để ngắm vi lô san sát và vườn cau xanh ngát một màu, lên Nguyệt Biều để thấy một bầu trăng mát lạnh, “long lanh đáy nước in trời”, đứng trên cầu Bạch Hổ nhìn cồn bắp Giả Viên để thấy trời mây màu nguyệt bạch đang lững lơ trôi vào cõi vô cùng; tôi cũng nghĩ rằng nhà công vụ ông đang lưu trú thuộc miệt Kim Long. Kim Long với bao phủ đệ huy hoàng, với bao trai thanh gái lịch, với tình với cảnh đẹp mơ màng như sương khói buổi đầu thu, ở đây ông có thể thả chiếc thuyền con trôi nhẹ trên con sông thơm mùi thạch xương bồ huyền hoặc, đến bến đá chùa Thiên Mụ, neo thuyền thả bộ vào chùa bước lên Đại hùng bửu điện, đảnh lễ Tam bảo với tất cả lòng thành rồi men theo hậu liêu ra đồi Hà Khê nhìn lên núi Triệu Linh với ngổn ngang gò đống; nơi yên nghỉ của bao lớp con dân các làng lân cận, từ đồi Hà Khê muốn lên núi Triệu Linh cũng phải băng qua một dòng Tiểu Khê, tất cả các bức tranh sống động ấy đã được đưa vào phần đầu tác phẩm với “…Ngổn ngang gò đống kéo lên”, với “…Nao nao dòng nước uốn quanh”.

Trong không gian trong lành của tháng ba: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi…”. Một mùa xuân của năm nào sau 1814, Nguyễn Du đã chấp bút dọc dài cuộc sáng tác cho đến câu cuối cùng của tuyệt phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” trên mảnh đất vừa khắc khe lễ giáo vừa lãng mạn ân tình vào tháng nào, năm nào. Chúng ta khó biết được, nhưng nhà văn Thanh Lãng trong tác phẩm “Bảng lược đồ văn học Việt Nam” trang 679 dòng thứ 6 – cho rằng: “Nguyễn Du viết Kiều vào khoảng vài ba năm trước khi chết, tức vào hồi 49 đến 53 tuổi, nghĩa là khi ông ta đã nhìn và cảm tất cả…”

Có lẽ chúng tôi đồng ý với suy nghĩ của nhà văn Thanh Lãng.

Trải qua những cuộc bể dâu như cụ Phạm Đình Hổ đã đặc tả trong “Tang Thương Ngẫu Lục” Tố Như tiên sinh đã thấy bằng mắt, đã nghe bằng tai, đã thấu cảm mọi sự, mọi việc bằng trái tim đã bị nhiều lần thương tổn, tất cả, tất cả đã được cụ chuyển tải bằng những câu thơ lục bát đầy máu lệ khóc cho người và khóc cho mình, khóc cho một xã hội mà vua chỉ là một bù nhìn chúa thì hoang dâm vô đạo, quan quân thì dựa hơi chủ nhũng nhiễu dân tình, dân chúng đói rách trong khi chủ tớ loạn thần tiệc tùng ngập ngụa thức uống đồ ăn…

Khóc cho thân phận mình – thuở ấu thơ đã thiếu tình thương cha mẹ, lớn lên tới tuổi yêu đương đã bị thất tình rồi thất chí phải sống đời du mục lang thang mất mười năm săn bắn nhì nhằng ở sông Lam núi Lĩnh, bệnh hoạn nghèo khổ; tinh thần suy yếu thể chất gầy gò, đến lúc được Vua Gia Long trọng dụng mời về hợp tác với triều đình, những tưởng vinh thê ấm tử, phu quý phụ vinh, ai ngờ cũng nghèo xác nghèo xơ – nghèo vì tấm lòng thanh sạch thanh liêm, nghèo đến nỗi vợ con thiếu cơm thiếu áo bụng đói thân lạnh ở quê nhà, còn ông thì đau ốm liên miên, cộng thêm đói lạnh, suy nghĩ bao cuộc hí trường mà tóc bạc trước tuổi, ông đã từng than: “Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc. Nhất thân ngọa bệnh Đế Thành đông”

Vào giai đoạn cuối đời, ông được vinh thăng nhiều chức vụ, nhưng chỉ nhận chức Lễ bộ Hữu tham tri và ở tại Kinh đô cho đến ngày từ trần là ngày 16 tháng 9 năm 1820 tức là ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn niên hiệu Minh Mệnh hưởng dương 56 tuổi.

Ngày từ biệt cõi đời không có vợ con bên cạnh, chỉ có một người em và một người cháu vì họ cũng đang làm quan tại Kinh đô, thi hài được an táng tại đồng Bàu Đá cạnh hồ Bầu Đá thuộc làng An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (bây giờ là làng An Ninh Thượng, thuộc phường Hương Long, thành phố Huế)

“…Theo gia phả mộ Nguyễn Du cải táng 2 lần, lần thứ nhất vào tháng 5 năm Kiến Phúc nguyên niên (1884) người con thứ hai của cụ là Nguyễn Ngũ rước di hài từ An Ninh Thượng về yên táng tại chỗ đất cạnh Từ đường, còn chỗ mới là mới dời tới vào năm Bảo Đại nguyên niên (1926)…”.

(Theo Nguyễn Đức Tánh, Tạp chí Nam Phong số 135 tháng XI-XII năm 1925)

Thể phách Nguyễn Du đã trả về cho cát bụi nhưng tinh anh cụ vẫn bất tử với thời gian.

                                                                                                N.G.T.C

(Trích từ “Đọc Kiều thương khách viễn phương” – Xuất bản năm 2019)

Sách Chính biên liệt truyện chép rằng: "khi ông bệnh nặng, không chịu uống thuốc. Lúc gần mất, ông sai người sờ tay sờ chân xem còn nóng hay lạnh. Người nhà nói đã lạnh cả rồi. Ông nói: "Được!", nói xong thì mất, không trối lại điều gì..".

Nguyễn Du chết không thèm nói, là cái đau khổ vĩ đại của những thiên tài xưa nuốt căm hờn trong những xã hội có giai cấp, xã hội khủng hoảng trầm trọng. Trong văn học cổ điển Trung Hoa, có bao nhiêu tác phẩm trứ danh, song Nguyễn Du lại chọn một quyển sách giá trị trung bình. Tuy vậy, sự tích trong đó, theo Nguyễn Du thì lại rất điển hình; một câu chuyện cuộc đời Thúy Kiều "tài sắc ai bì", mà phải bán mình chuộc cha, hai lần làm đĩ, hai lần làm đầy tớ, hai lần đi tu, hai lần tự tử, có thể như tấm gương soi lồ lộ cái xã hội phong kiến tàn ác, phản ánh được cái số phận con người bị chà đạp dưới xã hội đó. Để đến nỗi, nàng Kiều phải chịu cảnh "một bước phong trần, mấy phen chìm nổi; trời tình mờ mịt, bể hận mênh mang. Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch" (Chu Mạnh Trinh). 

Vậy đâu là cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều?

 "Cảm hứng trong tác phẩm" trước hết là niềm say mê khẳng định chân lí, lí tưởng, phủ định sự giả dối mà mọi hiện tượng xấu xa, tiêu cực; là thái độ ngợi ca, đồng tình với nhân vật chính diện, là sự phê phán tố cáo các thế lực đen tối, các hiện tượng tầm thường  (Lí luận văn học, NXB GD Hà Nội, 2001). 

“Cảm hứng chủ đạo” là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm, xuyên suốt trong tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm.  (Từ điển thuật ngữ Văn học (in lần 3), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999)

Nguyễn Du viết Truyện Kiều như thế nào
Tượng đại thi hào Nguyễn Du. Hiện tượng đời sống được phản ánh trong tác phẩm là những số phận con người, đặc biệt là số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Từ việc lựa chọn đề tài số phận con người, lựa chọn các phương tiện biểu đạt…đến sự vui, buồn, hả hê, đau xót trước những tâm trạng, cảnh huống gặp trong đường đời của nhân vật trung tâm – nàng Kiều, Nguyễn Du đã khơi gợi và thổi vào trái tim độc giả một thứ xúc cảm đặc biệt tạo thành cảm hứng chủ đạo nhân đạo chủ nghĩa. Tác giả làm nổi bật lên sự đối lập gay gắt giữa quyền sống của con người, nhất là của người phụ nữ, dưới sự áp bức của chế độ phong kiến trong lúc suy tàn. Cảm hứng chủ đạo nhân đạo chủ nghĩa, tấm lòng đau đời, thương người ấy đã chi phối toàn bộ hệ thống hình tượng. Cảm hứng ấy hóa thân trong từng tình huống, tính cách nhân vật và “nhờ vậy, vượt ra ngoài dự kiến chủ quan của tác giả, làm “vô hiệu hóa” ở một mức độ nhất định chủ nghĩa định mệnh cùng những triết lí duy tâm cố hữu trong tư tưởng của nhà nho Nguyễn Du”. Những hình tượng nghệ thuật sinh động chứa đựng tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tình cảm tâm huyết của tác giả trước những kiếp người và những biến cố của cuộc đời, góp phần tạo nên tính cách đa dạng mà thống nhất của nhân vật Thúy Kiều, góp phần huy động những phương tiện nghệ thuật…phù hợp để tái hiện, tái tạo hiện thực. Cảm hứng hứng chủ đạo ấy thấm nhuần trong mọi tình tiết của tác phẩm, thấm nhuần trong cách miêu tả con người cũng như trong cách miêu tả thiên nhiên, tạo vật. 

Nguyễn Du viết về người phụ nữ tài sắc bằng con mắt thoát ly với định kiến thông thường của xã hội phong kiến và mang tầm tư tưởng nhân đạo cao cả. Viết về Kiều, dù cuộc đời lưu lạc của nàng đầy cay đắng nhưng ông không gợi cho người đọc nàng là một kỹ nữ đáng khinh miệt. Ngược lại, Nguyễn Du luôn đứng trên lập trường bảo vệ nhân phẩm và cảm thông tri âm với nàng. Một người đàn ông sống trong xã hội phong kiến, một trí thức nho học, một người vốn xuất thân từ tầng lớp đại quý tộc lại có được sự rộng lượng, tiến bộ, nhân văn ấy trong suy nghĩ, đó quả là điều đáng quý lắm thay. 

Nguyễn Du viết Truyện Kiều như thế nào
Kiều ở lầu Ngưng Bích. (Tranh của tác giả Phạm Đức Hạnh)Lòng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, trăm lần đứt đoạn, ngàn lần thấu cảm, thấy rõ trong từng câu thơ nghiến nát:

Đã tu - tu trót - qua thì - thì thôi" .

Vấn đề Tố Như đặt ra, như Xuân Diệu nói: “Đặt ra một cách ghê gớm như lửa châm nhà đã cháy, như chuông treo sợi chỉ mành sắp đứt, như thòng lọng đã riết vào cổ người”. Truyện Kiều không phải là một bài ca hân hoan về giá trị con người mà trở thành “một câu chuyện thê thảm về vận mệnh của con người trong xã hội cũ”. Nguyễn Du xây dựng nhân vật Thúy Kiều như một tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp, là tinh hoa. Nàng là một con người tài sắc vẹn toàn, đức hạnh, hiếu thảo. Với những tính cách tốt đẹp ấy, đáng lí ra Kiều phải đươc hưởng hạnh phúc, nhưng nàng lại trải qua cuộc đời mười lăm năm lưu lạc nơi đất khách quê người với biết bao tủi nhục, ê chề. Thúy Kiều có ý thức về giá trị của mình và về sự bất công của xã hội, nên Kiều luôn luôn chống đối, nhưng càng chống đối nàng càng thất bại, càng thất bại nàng càng cay đắng, tủi hờn. Ta bắt gặp một mối đồng cảm sâu sắc, đầy thương yêu, đau xót của Nguyễn Du trước cuộc đời đầy đau khổ của Thúy Kiều, cũng chính là thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. 

Mang sẵn tâm lí thất bại chủ nghĩa, Thúy Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, vô tình đã giết chết Từ Hải. Nhưng xét cho cùng, tâm lí thất bại chủ nghĩa của Kiều là sản phẩm của một trạng thái bị áp bức xã hội thường xuyên và dai dẳng. Lần cuối cùng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử, không chấp nhận cái cảnh “giết chồng rồi lại lấy chồng”, đó cũng là cách chống đối bất lực của một người thất bại. Nguyễn Du giữ nguyên cách kết thúc của Thanh Tâm Tài Nhân, ông đứng trước mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của nhân dân ta và một bên là tinh thần hiện thực, là logic cuộc sống.

Nguyễn Du viết Truyện Kiều như thế nào
Kiều tự tử ở sông Tiền Đường. (Tranh của tác giả Phạm Đức Hạnh)

Cảm hứng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là cảm hứng về thân phận con người. Con người sẽ sống như thế nào giữa một xã hội bất công, tàn bạo? Nhà thơ đặt nhân vật ấy vào trong một xã hội giống như xã hội nhà thơ đang sống, ông theo dõi, chứng kiến. Cuối cùng, với tất cả những bằng chứng không thể chối cãi được, nhà thơ thét lên: Hãy cứu lấy con người! Cứu lấy người phụ nữ! 

"Đau đớn thay phận đàn bà…. 

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Cái khát vọng đẹp nhất, ước mơ đẹp nhất của Nguyễn Du, trong toàn bộ tác phẩm đã được gửi gắm qua nhân vật Từ Hải. 

Từ Hải vốn là một con người có thật trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Từ là một tên cướp biển vùng Giang Nam, bị lịch sử Trung Quốc lên án. Ở hai tác phẩm "Sự tích Vương Thúy Kiều" (Mao Khôn) và "Truyện Vương Thuý Kiều" (Dư Hoài) nhân vật chưa có gì để gọi là anh hùng. Ðến Thanh Tâm, tác giả đã đổi lốt cho nhân vật này, xây dựng Từ Hải trở thành một đại vương. Từ Hải là một con người có tài năng, đức độ, có sự dũng cảm của một anh hùng, song bên trong nhân vật này vẫn còn rơi rớt tính cách giặc cỏ của một tên tướng cướp tầm thường. Nhìn chung, Thanh Tâm Tài Nhân chưa gửi gắm vào nhân vật này một ước mơ gì lớn lao, nhân vật chưa đáp ứng được khát vọng gì của cuộc sống. 

Đến "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, trước một xã hội vùi dập, chà đạp giá trị con người, Từ Hải hiện lên là một con người không phải chỉ biết yêu cái phẩm chất đẹp, cái giá trị của Kiều, mà còn biết cảm thông với những nỗi khổ nhục của Kiều, phẫn nộ đối với những điều tàn bạo, vô  lí, bất công mà Kiều phải chịu đựng. Đặc biệt, Từ Hải ý thức một cách rõ rệt, tất cả việc làm của chàng trước hết không phải xuất phát từ tình cảm cá nhân, tình vợ chồng, mà từ một nghĩa lớn ở đời:

"Anh hùng tiếng đã gọi rằng

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha". 

Chàng chính là biểu tượng của khát vọng công lí và cuộc sống tự do. Thực chất "tự do" của Từ mang ý nghĩa chống đối trật tự phong kiến và cũng mang màu sắc chính trị của xã hội, là tư tưởng vô quân thực sự. Ðặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến, một xã hội không thừa nhận sự tồn tại của cá nhân và do đó cũng không thừa nhận tự do của con người thì sự tự do ấy có một ý nghĩa tiến bộ. Nguyễn Du đã xây dựng Từ thành một nhân vật anh hùng với màu sắc lý tưởng. Từ Hải mang tính chất lãng mạn, là sự đối lập với toàn bộ cuộc sống của xã hội phong kiến trong tác phẩm. Đây là một con người phi thường về mọi phương diện. Từ Hải là hình tượng lãng mạn về người anh hùng mang rõ nét dấu ấn quan niệm của tác giả. Trong "Truyện Kiều", có thể thấy, Từ Hải chính là nhân vật được Nguyễn Du dành nhiều tình cảm tốt đẹp nhất. Thái độ của Nguyễn Du đối với Từ Hải chính là khẳng định và ca ngợi.

Nếu Thúy Kiều là kết tinh của tài hoa thì Từ Hải là kết tinh của dũng cảm. Thúy Kiều là "tiếng hạc bay qua", "hoa trôi man mác", là "tay tiên gió táp mưa sa".... Còn Từ Hải là "gươm đàn nửa gánh", "dọc ngang nào biết trên đầu có ai", là "những phường giá áo túi cơm xá gì". Bao nhiêu đập phá, vẫy vùng trong thiên hạ, chính là Từ Hải. Trong thời đại của Nguyễn Du, Từ Hải không còn con đường nào khác. Một là Từ Hải làm cách mạng tư sản dân quyền: Nguyễn Du không thể tưởng tượng ra được như thế. Hai là Từ Hải lấy được giang sơn, lên ngôi hoàng đế thay vua Gia Tĩnh, rồi một vòng lặp mới vẫn như cũ: Nguyễn Du đã chán ngấy cái chế độ phong kiến rồi. Chỉ còn cách thứ ba, như trong tác phẩm: Từ Hải phải chết. Nhưng chết làm sao để oanh oanh liệt liệt, chết làm sao để hiên ngang với trời đất, còn đánh lại quân thù mà đứng sờ sờ đó. Từ Hải chết đứng... 

Nguyễn Du viết Truyện Kiều như thế nào
Tranh minh họa Từ Hải chết đứng của họa sĩ Ngọc Mai

Nguyễn Du ước mơ về một xã hội công bằng. Nhưng chính ông cũng cảm thấy bế tắc với ước mơ ấy của mình. Vậy nên, nhân vật mà ông gửi gắm ước mơ ấy cũng rơi vào con đường cùng.

Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã thấy được những định luật khống chế con người (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo). Định luật ở đoạn thơ đầu và đoạn thơ cuối tác phẩm mang kết cấu hô ứng. Trước hết là 6 câu mở đầu tác phẩm. Đây là đoạn giới thiệu nguồn gốc đề tài, cốt truyện và cảm hứng chủ đạo của tác giả. Trong kết cấu tác phẩm, đoạn thơ mở đầu Truyện Kiều, thuộc thành phần ngoài cốt truyện.

"Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau".

Đây vốn là thuyết Tài mệnh tương đố của các nhà Nho áp dụng cho mọi người (nam cũng như nữ). Là con người thì có tài ắt mệnh kém và ngược lại. Quan niệm được nọ mất kia, hơn tài kém mệnh là tinh thần giáo điều dựa theo đề tài, cốt truyện trong các tác phẩm xưa thể hiện khuynh hướng cảm hứng chính thống trong nền văn học trung đại.

 "Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

 Chủ ý của 2 câu này là từ tư tưởng Phật giáo: Đời là bể khổ, ý chính là đoạn trường (đau đớn đến đứt ruột) cũng là để nêu nhan đề của tác phẩm: Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếng kêu mới đứt ruột). Sự oái ăm, bất công ở đời mà ở đây dùng để nhấn mạnh một lời than của tác giả đau đớn vì thấy hết được cái đau đớn của nàng Kiều, bởi tác phẩm của ông là một tiếng kêu thương, tiếng kêu đứt ruột không chỉ cho một mà cho mọi số kiếp bị đọa đầy.

"Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen".

"Bỉ": cái kia, "sắc": ít, "tư": cái ấy, "phong": nhiều – Bỉ sắc tư phong là điều kia kém thì điều này hơn, đã đẹp (má hồng) thì phải chịu khổ, trời xanh đã định vậy rồi. Đây chính là lời khẳng định: "Hồng nhan bạc mệnh". Như vậy chỉ có 6 câu mở đầu mà tác giả đã trình bày được tới 4 triết thuyết: thuyết Tài mệnh tương đố của các nhà Nho, tư tưởng Phật giáo: Đời là bể khổ, thuyết Hồng nhan bạc mệnh, thuyết Thiên mệnh của Nho giáo, thuyết bù trừ của Đạo giáo. 

Đoạn thơ cuối kết thúc tác phẩm:

"Ngẫm hay muôn sự tại TRỜITRỜI kia đã bắt làm người có thân.Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao". 

"Ngẫm hay": chỉ hai chữ này thôi cũng cho ta thấy tác giả đã nung nấu suy nghĩ rất nhiều để đi đến kết luận dù còn rất bi quan: Ở đời người ta đều có số, do Trời định sẵn (Mệnh Trời). Tác giả đay nghiến ông Trời kia bằng cách lặp lại chữ TRỜI ngay ở đầu câu 3242 tiếp ngay chữ TRỜI ở cuối câu 3241. Ông còn dùng những chữ bắt–phải, cho–mới được, rồi chì chiết bằng cách lặp lại hai lần những chữ phong trần, thanh cao.

"Có đâu thiên vị người nào,Chữ TÀI chữ MỆNH dồi dào cả hai,Có TÀI mà cậy chi TÀI,Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần".

Tố Như lặp lại bốn lần: chữ TÀI. Chữ MỆNH, chữ TÀI, chữ TAI đi cùng nhau. Và một lối chơi chữ rất thần tình: "chữ TÀI liền với chữ TAI một vần" càng làm cho người đọc thấy xót xa, căm giận cho cái luật lệ trớ trêu này của tạo hoá.

"Đã mang lấy nghiệp vào thân,Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.Thiện căn bởi tại lòng ta,

         Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI".

Với những chữ của nhà Phật: "nghiệp", "thân", "thiện căn", 4 câu thơ trở thành lời khuyên phải làm gì để thoát khỏi bể trầm luân, nỗi đau triền miên của nhân loại. Đó chính là tư tưởng TU TÂM của Phật giáo.

Thái độ của Nguyễn Du là sự trách móc, giọng điệu chua chát đối với 3 tư tưởng Nho – Phật – Đạo. Số phận Kiều phải cuốn theo hiện thực khách quan. Ông nhìn thấy rõ hiện thực tàn khốc ấy. Đó cũng là bế tắc của Nguyễn Du và thời đại. Ông không giải thích được, không giải thoát được, cuối cùng đành đổ lỗi cho tạo hóa. Đời vô-thường biến đổi, những thăng trầm vinh nhục, những bãi bể nương dâu của cuộc đời. Vì thế đã sinh ra kiếp người, không ai tránh khỏi cảnh vô thường, đau khổ và chết chóc. 

Kết: Tóm lại, cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Tác phẩm mở đầu bằng thuyết Tài mệnh tương đố (tài mệnh ghét nhau) và kết thúc bằng giải pháp "tu tâm" nhưng chất liệu làm nên tác phẩm lại là "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Ngoài vấn đề trung tâm được đặt ra trong tác phẩm là vấn đề số phận con người trong xã hội phong kiến suy tàn, nhà thơ còn phản ánh khát vọng lớn lao của con người thời đại. Truyện Kiều chính là bức tranh về cuộc sống thời đại mà Nguyễn Du đang sống. Ông muốn làm nổi bật lên sự đối lập gay gắt giữa quyền sống của con người, nhất là người phụ nữ, với sự áp bức của chế độ phong kiến suy tàn. Có thể nói, một chủ nghĩa nhân đạo cao cả, trong chừng mực nào đó mang tính chiến đấu chống phong kiến chính là nền tảng vững chắc cho tác phẩm này. 

Tài liệu tham khảo Lê Thu Yến (chủ biên), Văn học trung đại - những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, 2000.