Nguyên nhân của dân số thấp ở nhật bản

Thứ năm, 11/07/2019 11:57 [GMT+7]

[ĐCSVN] – Chính phủ Nhật Bản ngày 10/7 cho biết, dân số nước này đã giảm xuống còn gần 124,8 triệu người [tính đến 1/1/2019], mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi việc thống kê bắt đầu từ năm 1968. Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục được cho là nguyên nhân chính dẫn đến điều này.

Dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng

Nhật Bản: Số lượng trẻ em suy giảm trong 38 năm liên tiếp

Người già được chăm sóc tại một trung tâm dưỡng lão ở Nhật Bản. [Ảnh: Kiều Giang]

Theo số liệu từ Chính phủ Nhật Bản, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp số trẻ được sinh ra ở nước này chưa đến con số 1 triệu. Năm 2018, số trẻ được sinh ra giảm xuống còn 921.000, trong khi số người chết lên tới 1.363.564 người, tăng năm thứ sáu liên tiếp.

Trong năm 2018, dân số Nhật Bản giảm hơn 433.239 người, xuống còn 124.776.364 người [không bao gồm người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản], đánh dấu năm giảm thứ 10 liên tiếp.

Số người ở độ tuổi 65 trở lên chiếm 28,06%, tăng 0,4% so với một năm trước đó. Trong khi, tỷ lệ người dân ở độ tuổi 15 – 64 [nhóm dân số ở độ tuổi làm việc] chiếm 59,49%, giảm 0,28%.

Sự suy giảm dân số được ghi nhận ở 42 tỉnh, thành, trong đó Hokkaido có sự suy giảm mạnh nhất với mức giảm 39.461 người. Một vài địa phương có dân số tăng là Tokyo [tăng 73.205 người, lên mức 13,19 triệu người], Saitama, Chiba, Okinawa và Kanagawa.

Nguyên nhân khiến dân số Nhật Bản sụt giảm được giới phân tích nước này chỉ ra là do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 25 tuổi đến 39 tuổi giảm mạnh tới 21% trong 10 năm trở lại đây. Điều này đã kéo theo số trẻ em được sinh ra giảm và tỷ lệ già hóa ngày càng tăng.

Trong khi đó, điều đáng chú ý là số người nước ngoài ở Nhật Bản lại có sự gia tăng thêm 169.543 người, lên 2.667.199 người [so với con số cách đó một năm], với tất cả 47 tỉnh, thành đều chứng kiến sự gia tăng trong bối cảnh các công ty tuyển người nước ngoài đến làm việc, do thiếu lao động.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất. Theo một ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 23% vào năm 2010. Dân số già sẽ tạo ra những gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia. Lực lượng lao động sẽ phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an ninh xã hội./.

Kiều Giang [theo The Japan Times/Jiji, Japan Today/Kyodo]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thứ hai [từ năm 1971 đến năm 1974], tỉ lệ sinh hàng năm của Nhật Bản đều liên tục giảm. Bên cạnh đó, số lượng người cao tuổi [trên 65 tuổi] lại tăng lên. Dự đoán đến năm 2025 tại Nhật, cứ 3 người sẽ có 1 người cao tuổi.

Vậy đâu là lí do của thực trạng này?

Nguyên nhân số 1 – Tỉ lệ người không kết hôn gia tăng

Xét ở cả nam và nữ tỉ lệ người không kết hôn ngày càng gia tăng. Hiện tại trên 20% nam giới và trên 15% nữ giới tại Nhật không kết hôn mà sống độc thân. Điều đó có nghĩa là cứ 5 nam giới thì có 1 người không kết hôn và cứ 6 nữ giới sẽ có 1 người không kết hôn.

Nguyên nhân số 2 – Tình trạng kết hôn muộn gia tăng

Năm 1970, tuổi trung bình trong trường hợp kết hôn lần đầu tiên là 26,9 tuổi [ở nam] và 24,4 tuổi [ở nữ]. Hiện nay cả nam và nữ con số này đều đã vượt trên 30. Kết hôn muộn không chỉ làm cho các gia đình có xu hướng sinh ít con hơn thậm chí là quyết định không sinh con làm cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân số 3 – Quan điểm về kết hôn và sinh con thay đổi

Nếu như trước đây xã hội Nhật cho rằng việc lập gia đình và có con là điều tất nhiên thì đến nay quan điểm này đã thay đổi. Nhiều nam nữ nghĩ rằng việc sống một mình là tự do và nhiều người không còn định kiến với những người không kết hôn nữa.

Nguyên nhân số 4 – Sự tham gia của phụ nữ vào xã hội

Ngày càng nhiều nữ giới lựa chọn xin việc sau khi ra trường. Khi đã đi làm việc lập gia đình, sinh con trở nên khó khăn hơn từ đó mà dẫn đến tình trạng kết hôn muộn hoặc lựa chọn không sinh con thậm chí là không kết hôn.

Nguyên nhân số 5 – Môi trường sinh và nuôi dạy trẻ chưa thực sự đầy đủ

Số lượng nam giới tham gia vào việc nuôi dạy con cái dù đã tăng nhưng không nhiều. Thêm vào đó pháp luật Nhật Bản có quy định về chế độ xin nghỉ sinh và chăm sóc con cái nhưng để nhận được điều này thì không hề đơn giản đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, sau khi sinh con hay chăm con nhỏ việc bắt đầu xin đi làm trở lại là điều rất khó từ đó xu hướng gia đình hạt nhân [chỉ có bố mẹ và con cái] gia tăng làm cho vấn đề tỉ lệ sinh thấp càng trầm trọng hơn.

Nguyên nhân số 6 – Vấn đề kinh tế trong nuôi dạy con cái

Để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến khi tốt nghiệp trường đại học tư sẽ tốn hơn 2o triệu yên [hơn 4,2 tỉ đồng], trong trường hợp trường công thì ít nhất cũng từ 10 triệu yên [hơn 2,1 tỉ đồng]. Nếu như có 2 con thì con số này sẽ gấp đôi.

Mặc dù hiện tại xã hội Nhật có khá nhiều trợ cấp từ việc sinh con cũng như nuôi dạy con cái nhưng con số này vẫn chưa nhiều và gánh nặng kinh tế làm ảnh hưởng đến quyết định có sinh con hay không cũng như sinh bao nhiêu.

Nguyên nhân số 7 – Phát triển y tế làm gia tăng tuổi thọ trung bình

Nhờ vào những cải tiến trong lĩnh vực y tế, tuổi thọ trung bình của người Nhật ngày càng tăng. Nếu như năm 1950 con số này ở nữ giới là 61,5 tuổi và 58 tuổi ở nam thì 50 năm sau đó [năm 2000] lần lượt đã là 81,9 tuổi và 77,7 tuổi. Thêm vào đó theo dự đoán đến năm 2050, tuổi thọ trung bình của nữ giới là 90,2 tuổi và nam giới là 83,5 tuổi.

Nguyên nhân số 8 – Ý thức về sức khoẻ gia tăng

Ngày nay càng nhiều người Nhật ý thức về việc duy trì sức khoẻ thông qua tập luyện, chế độ ăn uống, sinh hoạt. Đây cũng là lí do mà tuổi thọ trung bình gia tăng. Thêm vào đó, nhiều người lựa chọn thực phẩm chức năng để bổ sung các chất dinh dưỡng còn thiếu, khám sức khoẻ định kì, khám sức khoẻ chuyên sâu hay nhiều người đã bỏ hoặc không sử dụng thuốc lá nhiều như trước đây.

Nguyên nhân số 9 – Dân số tập trung về các đô thị lớn

Mặc dù số người lựa chọn về quê làm việc sau khi tốt nghiệp, sự điều động nhân lực về các địa phương có gia tăng nhưng dân số ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka vẫn liên tục tăng. Đặc biệt khu vực Kanto với Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba – chỉ 4 tỉnh này cũng chiếm tới 1/4 dân số toàn Nhật Bản.

Do sự tập trung quá nhiều như vậy làm cho chi phí sinh hoạt của vùng có mật độ cao tăng lên kéo theo bài toán kinh tế của các hộ gia đình hay cá nhân – cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ sinh giảm.

Nguyên nhân số 10 – Tỉ lệ học lên cao

Từ sau năm 1978, tỉ lệ học lên cấp 3 của Nhật là trên 90%, ngày nay con số này là 95%. Thêm vào đó tỉ lệ theo học đại học tuy có tăng giảm một chút nhưng nam giới vẫn đạt trên 50% và nữ giới đạt trên 45%.

Khi việc học lên các bậc học cao trở thành điều hiển nhiên của xã hội thì gánh nặng về chi phí học tập cũng sẽ tăng theo. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ sinh của Nhật giảm.

Theo Business Textbook

Chủ Đề