Nguyên nhân tranh chấp giữa hàn quốc và nhật bản

Nằm chơ vơ giữa biển khơi, không có đất trồng trọt cũng như nước ngọt, hai hòn đảo tổng cộng 18 hécta toàn là đá này chỉ là nơi sinh sống của hơn 30 con người, trong đó đã có tới khoảng 30 cảnh sát Hàn Quốc có nhiệm vụ canh giữ. Giá trị kinh tế của chúng cũng không có gì đáng nói: trữ lượng cá có nhiều nhưng không quá phong phú, trong khi chưa có thông tin nào cho biết có dầu mỏ và khí gas ở khu vực này.

Nhưng đối với Nhật Bản (họ gọi những hòn đảo này là Takeshima) và Hàn Quốc (đặt tên đảo là Dokdo), hai hòn đảo nhỏ trên lại có ý nghĩa quan trọng về mặt chủ quyền. Cả hai nước đều cho rằng hai hòn đảo trên là một phần lãnh thổ của họ từ hơn một thế kỷ qua. Nhưng tranh cãi gay gắt đã thực sự nổ ra từ giữa tháng 4/2006, sau khi phía Nhật tuyên bố sẽ đưa 2 tàu thăm dò tới khu vực này.

Sự kiện này lại diễn ra ngay trước một cuộc họp quốc tế dự tính vào tháng 6, trong đó Hàn Quốc dự tính sẽ chính thức công bố tên của các hòn đảo nhỏ (kể cả những đảo không nổi lên mặt nước) thuộc lãnh hải của mình. Hàn Quốc phản ứng rất gay gắt trước thông báo trên của Nhật, bằng cách điều tới đây 20 chiếc tàu tuần tiễu, đồng thời cảnh báo thẳng thừng về khả năng “đối đầu” trong trường hợp Nhật vẫn cử những chiếc tàu của mình tới vùng biển mà Seoul cho rằng thuộc chủ quyền của họ.

Dù sao, sau hai ngày đàm phán căng thẳng, cả hai bên đã có những nhượng bộ nhất định để tránh khả năng gây xung đột – Nhật trì hoãn việc khảo sát, trong khi Hàn Quốc cũng đồng ý chưa công bố tên chính thức cho những hòn đảo này. Nhưng căng thẳng lại “bùng phát” vào đầu tháng 5/2006, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun có một bài phát biểu khá gay gắt trên truyền hình.

“Việc phía Nhật tự nhận quyền sở hữu đảo Dokdo thực chất là hành động bác bỏ nền độc lập và chủ quyền của Hàn Quốc – Đây không phải là vấn đề có thể nhượng bộ hay đầu hàng, cho dù chúng ta có thể phải tốn kém và hy sinh bao nhiêu đi nữa!”. Bài phát biểu của Tổng thống Roh Moo Hyun còn nhắc tới quá khứ cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Nhật đã gây ra nhiều tổn thất và đau khổ cho nhân dân tại bán đảo Triều Tiên.

Trong lịch sử hiện đại, những tranh cãi liên quan đến hai hòn đảo nhỏ trên được bắt đầu từ năm 1900, khi Triều Tiên (lúc đó bao gồm cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc hiện nay) chính thức tuyên bố chúng là của mình. 5 năm sau, đến lượt Nhật đưa ra những tuyên bố tương tự. Năm 1910, Nhật thôn tính Triều Tiên, đưa cả bán đảo này vào chế độ thuộc địa của mình trong suốt 35 năm sau đó.

Sau thất bại của Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ II, Hiệp ước San Francisco không nhắc đến hai hòn đảo này trong danh sách các vùng đất chiếm đóng phải trao trả – đó cũng là lý do để phía Nhật khẳng định, những hòn đảo trên vẫn là của mình.

Năm 1952, Seoul tuyên bố, hai hòn đảo này nằm trong ranh giới hải phận của mình và ra lệnh bắt giữ bất kỳ con tàu nào của Nhật dám vượt qua cái gọi là “tuyến phân cách hòa bình”. Hàn Quốc nhanh chóng cho xây dựng một ngọn hải đăng, bãi đỗ dành cho trực thăng cũng như cử các đơn vị tuần tra đường biển đóng quân cố định tại đây.

Một loạt hành động trên được diễn ra trước khi Nhật Bản và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ vào năm 1965. Đến thời điểm đó, Hàn Quốc đã thu giữ tới 300 con tàu khác nhau (chủ yếu là tàu đánh cá) của Nhật, bắt giữ khoảng 4.000 cá nhân xâm phạm, khiến 1 người Nhật chết và hàng chục người khác bị thương. Nhưng khi hai nước bình thường hóa quan hệ, họ đã tránh không nhắc tới hai hòn đảo trên trong hiệp ước được ký – thực chất là nguyên nhân gây xung đột vẫn âm ỉ tồn tại.

Theo các nhà quan sát, một lý do khiến xung đột lại tiếp tục nóng lên bắt nguồn từ việc Tổng thống Roh Moo Hyun đang phải chịu một áp lực tương đối lớn trong nước. Giáo sư Kim Jaebum từ Trường đại học Tổng hợp Yonsei (Seoul) nói rằng, đương kim Tổng thống được coi là có chính sách “quá mềm yếu” đối với Nhật Bản, một thực tế sẽ gây bất lợi khi đảng Uri của ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5.

“Ông ấy phải cương quyết hơn – Giáo sư Kim nói – Người dân Hàn Quốc đang chờ đợi một thái độ dứt khoát từ phía Tổng thống”. Có thể nói, bài phát biểu của Tổng thống Roh đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, mà theo như tờ Korea Times nhận định, “đây là thái độ cứng rắn nhất từ trước tới nay đối với Nhật Bản”.

Phía Nhật đón nhận những chỉ trích của Tổng thống Roh với thái độ có phần bị sốc, trước khi đưa ra những đánh giá bình tĩnh hơn. Trong khi tờ Asahi Shimbun gọi bài phát biểu trên là “một bước phát triển nguy hiểm”, Thủ tướng Junichiro Koizumi có vẻ mềm dẻo khi nói, chính phủ của ông sẽ “phản ứng một cách bình tĩnh”.

Theo Giáo sư Akihiko Tanaka từ Trường đại học Tổng hợp Tokyo, những phản ứng khác nhau này phản ánh sự nhìn nhận khác nhau của hai phía đối với quá khứ của Nhật Bản. “Đối với người Nhật, đây chỉ là một vấn đề lãnh thổ hay thậm chí còn không tới mức như thế” – ông Tanaka nói. Nhưng đối với Hàn Quốc, đây lại là vấn đề của lịch sử và công lý. Quá khứ cay đắng của thời kỳ phát xít Nhật chiếm đóng vẫn còn rất sống động, tác động cả đến những quan chức cao cấp nhất trong chính quyền. Cụ thể như theo nghị sĩ đối lập Lee Hye Hoon của Hàn Quốc, hai nước rất khó có thể bình thường hóa quan hệ một cách đúng nghĩa, do “họ đã tấn công, cưỡng đoạt, lấy đi mọi thứ của chúng tôi... và hiện họ vẫn không chịu xin lỗi”.

Rõ ràng, đối với hai cường quốc tại Đông Á này, vấn đề quá khứ vẫn là một trở ngại lớn khó có thể vượt qua, mà vụ tranh chấp hai hòn đảo chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi