Những câu chuyện giáo dục đạo đức học sinh THCS

Sáng ngày 11/04/2020 Liên đội THCS Mỹ Độ tổ chức buổi giáo dục đạo đức học sinh thông qua các câu chuyện về Bác Hồ và hưởng ứng Tuần lễ văn hóa đọc năm 2020.

Đến dự với chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Liên – Phó bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội thành phố Bắc Giang, các đồng chí trong Ban lãnh đạo nhà trường cùng toàn thể các thày cô giáo và 60 đội viên đại diện cho các chi đội.

Buổi hoạt động của thày và trò trường THCS Mỹ Độ diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt đó là toàn Đảng, toàn dân đang tập chung chống dịch Covid -19. Nhưng không vì thế mà có thể làm khó thày trò THCS Mỹ Độ. Và đặc biệt hơn nữa chúng ta đang sống trong những ngày tháng lịch sử trọng đại của dân tộc: Hướng tới kỉ niệm 45 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước [30/4/1975-30/4/2020] và ngày Quốc tế lao động 1/5.

Trong không khí này, chúng ta không thể quên người Cha già dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người sinh ra từ chân lí - người Việt Nam đẹp nhất. Người đã đi xa “Phòng lặng rèm buông tắt ánh đèn” nhưng cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Người đã trở thành bất tử. Người là kết tinh và toả sáng những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của trí tuệ và đạo đức Việt Nam. Phẩm chất và đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho dân tộc Việt Nam noi theo. Trong từng vần thơ câu ca cũng từng viết: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. 

Những câu chuyện giản dị rất đời thường về Bác sẽ là những bài học quý báu đối với mỗi chúng ta. Trong chương trình này các em học sinh được nghe hai câu chuyện về Bác Hồ Kính yêu đó là: Tấm gương sáng về học ngoại ngữ của Bác và câu chuyện Lời Bác dặn trước lúc đi xa.

Thông qua những câu chuyện về Bác các em học sinh đã nhận thức được về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Bên cạnh đó, Người muốn để lại lời nhắn nhủ có giá trị đến ngàn đời: Hãy giữ gìn những làn điều dân ca - giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tấm gương sáng của Người là nguồn cổ vũ, nguồn cảm hứng vô tận cho mỗi người Việt Nam. Từ đó, ta biết học tập đức tính tốt của Bác để ngày càng hoàn thiện hơn bản thân mình.

Cũng trong chương trình này, hưởng ứng Tuần lễ văn hóa đọc năm 2020 đồng chí Nguyễn Thị Liên Phó bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội dồng đội thành phố đã có những chia sẻ về vấn đề đọc sách của thế hệ trẻ 4.0 ngày nay và đồng chí cũng có những lời khuyên bổ ích đối với các em đội viên liên đội THCS Mỹ Độ về vấn đề đọc sách và cách chọn lọc các cuốn sách phù hợp với lứa tuổi.

Cùng tham dự với chương trình cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy – giáo viên Tiếng Anh một cô giáo có niềm đam mê với những cuốn sách cũng có những chia sẻ về cách đọc sách, phương pháp đọc sách nhanh và cách thiết lập sơ đồ tư duy. Cô còn chia sẻ đọc sách có tác dụng rất tốt với việc học của các em học sinh. Cô đã truyền cảm hứng đọc cho rất nhiều học sinh trong liên đội. Đọc sách là một văn hóa đẹp, sách cho chúng ta những kiến thức quý báu, sách vừa là thày vừa là bạn. 

Cuối chương trình thày giáo Nguyễn Minh Tuấn – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu. thày muốn nhắn nhủ với các bạn đội viên trong liên đội hãy chủ động  tự học, tự rèn luyện học theo tấm gương Bác. Mỗi bạn đội viên hãy tìm cho mình những cuốn sách hay để đọc đặc biệt trong đợt nghỉ dịch Covid-19.

Một số hình ảnh của chương trình:

Đ/c Nguyễn Thị Liên - Phó bí thư Thành Đoàn, chủ tịch HĐĐ thành phố Bắc Giang tham dự chương trình.

Hình ảnh các câu chuyện về Bác Hồ.

Các em học sinh tham gia trả lời các câu hỏi của chương trình

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy - Giáo viên Tiếng Anh chia sẻ về phương pháp đọc sách.

Thày giáo Nguyễn Minh Tuấn - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại chương trình

Cô giáo Hà Vân Toàn - GV TPT Đội 

                                                                                                                                               Tác giả : Hà Vân Toàn.

Với sự trải nghiệm của bản thân, cô Chúc Liên, GV Trường THCS Đồng Đen, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ cách thức thực hiện hoạt động “Giáo dục đạo đức học sinh qua những câu chuyện kể”.

Dạy học bằng những câu chuyện trong thực tiễn đời sống

Một trong những nội dung cần nghĩ đến đầu tiên trong hoạt động “Giáo dục đạo đức học sinh qua những câu chuyện kể” đó là xây dựng trang lưu trữ dữ liệu. Dữ liệu ở đây là những câu chuyện cần thiết giúp học sinh phát triển tư duy, tình cảm thẩm mĩ, hình thành nên những đức tính tốt đẹp.

Những câu chuyện này nên chia tách thành những chủ đề cụ thể để giáo viên dễ dàng cập nhật, sử dụng. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ đã có rất nhiều trang lưu trữ dữ liệu đáng tin cậy và dung lượng lưu trữ khá cao, trong đó có: Google drive, Onedrive, … hoặc lưu trữ vào USB.

Giáo viên cũng phải xây dựng trang cá nhân, công cụ phổ biến các câu chuyện ấy, nếu sử dụng gián tiếp. Ở đây, bản thân chọn Facebook vì tiện dụng, linh hoạt và đa dạng hình thức thể hiện.

Thứ hai, cần xây dựng nội dung chuyện kể: Nội dung các câu chuyện được kể, giáo viên có thể sử dụng ở hai nguồn: Trước tiên là nguồn sưu tầm: Với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì việc tìm kiếm những câu chuyện kể mang tính giáo dục là không khó khăn gì. Giáo viên có thể tìm trên các trang sách, báo, đài, bản tin, … hoặc trên các trang thông tin, báo điện tử, … Điều này là rất dễ dàng.

Bản thân GV cũng sẽ chịu trách nhiệm đọc, kiểm duyệt và truyền thụ nội dung cho học sinh. Bên cạnh đó, việc đọc những câu chuyện đạo đức cũng giúp bản thân có thêm những tri thức, những bài học giá trị cho chính mình.

Tiếp đến, nội dung truyện kể là những câu chuyện trong thực tiễn đời sống mà bản thân nhìn, nghe hay đã trải nghiệm. Chính những nội dung này mang tính thuyết phục cao hơn đối với học sinh. Thật vậy, những điều gần gũi với các em, dễ dàng đi sâu vào tâm hồn hơn là những câu chuyện giáo điều, sách vở. Mặt khác, chính những kinh nghiệm quý báu của giáo viên về cuộc sống là những bài học quý giá để học sinh nhìn nhận thế giới quan xung quanh và hình thành nhân sinh quan của chính mình.

Nhiều giáo viên ngại chia sẻ về bản thân mình trước các em học sinh trên lớp học, hay ở những hoàn cảnh khác với ý nghĩ mất đi uy tín cá nhân, sự uy nghi của bản thân. Nhưng theo người viết nhận thấy việc chia sẻ về chính mình lại gây nhiều thú vị cho các em, từ đó học sinh càng quý mến giáo viên hơn, tin tưởng hơn.

Qua đó, các em tự tin hơn chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm, dự tính của các em với giáo viên; sẵn sàng xin những ý kiến đóng góp của giáo viên khi gặp vấn đề rắc rối để giải quyết đạt hiệu quả cao.

Truyền ngọn lửa yêu thương qua những câu chuyện kể

Trong thực tiễn bản thân đã có nhiều trải nghiệm khá thú vị khi chia sẻ với học sinh: Trở thành một nhà tư vấn tình cảm gia đình cho một phụ huynh khi gia đình gặp khó khăn về kinh tế dẫn đến việc bất hòa trong quan hệ vợ chồng; trở thành nhà tư vấn chăm sóc sắc đẹp cho học sinh tuổi vị thành niên khi da mặt các em bị dị ứng và mụn nhọt; trở thành chuyên gia tâm lí cho học sinh cá biệt thay đổi chính bản thân mình. Chính những trải nghiệm đó khiến bản thân giáo viên tin tưởng và gắn bó hơn với môi trường làm việc, yêu thích hơn công việc, …

Cuối cùng, cần xác định không gian, thời gian kể chuyện: Chúng ta có thể thực hiện linh hoạt ở những khoảng thời gian, không gian khác nhau, như: Trong giờ học giáo viên lồng ghép các câu chuyện vào các đơn vị kiến thức, bài học giúp tiết học trở nên phong phú, đa dạng và thu hút hơn. Chính điều này giúp tiết học lí thú, nhẹ nhàng và đạt được hiệu quả nhất định.

Còn ngoài giờ học, giáo viên cũng có thể đăng tải các câu chuyện trên trang facebook của bản thân, trang nhóm lớp để các em đọc và theo dõi. Từ đó, học sinh có những suy ngẫm riêng và rút ra bài học của bản thân. Hoặc thể hiện trong những buổi gặp gỡ, trải nghiệm cùng nhau. Đó chính là những khoảnh khắc vàng để nắm bắt và giáo dục các em: vừa nhẹ nhàng, vừa đạt hiệu quả.

Và trong tiết học, mỗi giáo viên không thể nào phủ nhận được với ánh mắt long lanh của các em học sinh khi chúng ta kể những câu chuyện. Rồi tiếp đến là những tình cảm trong sáng, những quan niệm, suy nghĩ của các em được gợi lên. Dù kết quả của hoạt động giáo dục này không hiển hiện trên những hằng số nhưng đã là yếu tố kích hoạt giá trị sống của mỗi học sinh. Các em sẽ dần hoàn thiện bản thân hơn, hiểu hơn về cuộc sống, hình thành những thói quen tốt nhất định.

Nhà giáo dục phải luôn tin tưởng rằng “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim” và mãi truyền ngọn lửa yêu thương qua những câu chuyện kể. Chúng ta hãy luôn kì vọng về những con người hạnh phúc, lớp học hạnh phúc và con người hạnh phúc trong tương lai nếu chúng ta gieo hạt hạnh phúc trong thực tại vào tâm hồn những đứa trẻ hôm nay.

Video liên quan

Chủ Đề