Những phẩm chất giá trị cao đẹp của bộ đội cụ hồ

Việc giữ gìn và phát huy truyền thống quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn cần thiết, nó như “ngọc càng mài càng sáng”.

Một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ , kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, chỉ ra rất rõ đó là: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để tham ô, nhận hối lộ hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình trục lợi; cố ý làm trái các quy chế, quy định, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...”.

Từ sự “vạch mặt chỉ tên” chủ nghĩa cá nhân đó, càng cho thấy, việc giữ gìn và phát huy truyền thống quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn cần thiết, nó như “ngọc càng mài càng sáng”.

1. Một đồng chí cán bộ lãnh đạo vốn trưởng thành từ người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường rồi chuyển ngành, phát triển thành cán bộ cấp cao. Ông đã trải qua tất cả thăng trầm của sự nghiệp và cuộc sống cho đến lúc về hưu. Vậy nhưng mỗi khi nói điều gì đó về mình, ông luôn nhận rằng: “Tôi là người lính chiến”.

Đọc kỹ lý lịch của ông tôi biết, những năm tháng là người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường của ông không dài, thậm chí rất ngắn so với quãng thời gian ông đã chuyển ngành cho đến lúc về hưu. Vì sao ông vẫn luôn hoài niệm, tự hào với những năm tháng trong quân ngũ? Điều gì làm nên giá trị đó?

Huấn luyện khẩu đội cối tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Ảnh: MINH TRƯỜNG/qdnd.vn

Không khó lý giải, đó là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, một nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Khi còn sống, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho rằng, Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu vinh dự mà nhân dân trao tặng.

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa, là những giá trị cao quý nhất, đẹp đẽ nhất của Quân đội ta được hun đúc qua nhiều thế hệ, trở thành bản chất, truyền thống của quân đội. Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc và đây là thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị.

Trong khi đề cập rất sâu kỹ những giá trị tốt đẹp của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ: “Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chưa cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình...; trong đó có cả cán bộ cao cấp, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm kỷ luật, pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, quân đội, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của quân đội, phẩm chất và hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

2. Nhận định của Quân ủy Trung ương thể hiện trong Nghị quyết 847 là thẳng thắn, khách quan. Thời gian qua, hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước có vi phạm kỷ luật, pháp luật bị xử lý.

Trong quân đội, số cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật rất đáng suy nghĩ, trong đó có cả các đồng chí là cán bộ cấp cao. Qua nhiều vụ án, tìm hiểu về lai lịch chính trị của các cá nhân vướng vào vòng lao lý, mỗi chúng ta không khỏi xót xa, tiếc nuối.

Nhiều người trong số đó đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường, cận kề giữa cái sống và cái chết. Có những người từng sẵn sàng nhường mạng sống cho đồng đội. Họ không bị gục ngã bởi bom đạn, không bị khuất phục bởi sức mạnh của kẻ thù, vậy mà giữa thời bình, họ đã gục ngã bởi “những viên đạn bọc đường”.

Cơ chế thị trường, sự tác động của ngoại lai... khiến một số người không còn giữ được những phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ ngày nào. Chủ nghĩa cá nhân đã lấn át, đã ăn sâu vào họ. Các Mác vĩ đại có một câu kinh điển: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội".

Bản chất con người không phải trừu tượng mà là hiện thực, không phải tự nhiên mà là lịch sử. Thông qua hoạt động thực tiễn, con người làm biến đổi tự nhiên, xã hội, đồng thời biến đổi chính bản thân mình. Mọi thay đổi của mỗi con người thường bắt đầu từ những hành vi, thói quen, nhưng nếu là thói quen xấu, lại tự mình không nhận ra, không được người khác góp ý, phê bình sẽ dần dần tạo thành tính cách.

Khi có chức vụ, có địa vị, có tiền bạc, con người ta dễ dẫn đến tư tưởng hưởng thụ, thỏa mãn, coi thường. Đôi khi, một số người có được chức vụ, tiền bạc một cách dễ dàng, ít phải đổ mồ hôi, công sức dẫn đến tư tưởng tự mãn, quan liêu, độc đoán, gia trưởng. Và chính họ đã sa vào chủ nghĩa cá nhân mà không nhận ra. Chủ nghĩa cá nhân vừa là nguyên nhân vừa là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Những cá nhân sai phạm sẽ bị pháp luật xử lý. Luật pháp là công bằng. Thượng tôn pháp luật là lẽ sinh tồn của quốc gia. Luật pháp Việt Nam không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào làm phương hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Không ai được phép đứng trên pháp luật, đứng ngoài Hiến pháp. Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính là bảo vệ hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, bảo vệ tài sản, các lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân, để giữ vững ổn định và phát triển của toàn xã hội. Nhưng rồi, sau mỗi vụ việc đều để lại bao điều trăn trở, giá như... Trách người vi phạm là lẽ thường, nhưng tổ chức đã ở đâu khiến cho các cá nhân đó lún sâu vào vi phạm? Vì sao các nguyên tắc, quy định của tổ chức, của Đảng lại bị xem nhẹ, bị bỏ qua trong các vụ việc đó?

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Điều đó cho thấy, quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mỗi con người phải là quá trình thường xuyên, liên tục, nó như việc “rửa mặt” hằng ngày. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.

Trong điều kiện hiện nay, việc gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là vô cùng cần thiết, nó vẫn còn nguyên tính thời sự, như Nghị quyết 847 đã đề cập. Phẩm chất, giá trị Bộ đội Cụ Hồ không phải là cái bất biến mà nó đòi hỏi cần luôn gìn giữ và phát huy cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Điều này cũng bác bỏ quan điểm của một số người còn băn khoăn, chần chừ khi cho rằng, phẩm chất, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ chỉ được thể hiện sâu sắc trong thời chiến, còn thời bình đã có phần phai nhạt. Cách suy nghĩ này là không thuyết phục. Cái đã trở thành văn hóa thì nó đã trở thành bản chất, thành cái thường xuyên ở trong mỗi con người.

Phẩm chất, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ không đi ra ngoài quy luật đó. Tuy vậy, nó đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi con người nhận thức đúng về nó. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên hay quần chúng đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức người quân nhân cách mạng.

Giáo dục, rèn luyện, gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đi liền với chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm vừa cấp bách, vừa thường xuyên, là trách nhiệm của mọi người để xứng đáng với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà lớp lớp cha ông đã vun đắp.

Nguồn: Nguyễn Tuấn/qdnd.vn

[ //www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/pham-chat-bo-doi-cu-ho-la-ngoc-cang-mai-cang-sang-687219 ]

Tuy nhiên, việc giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” hiện đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời đại mà mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Hàng ngày, hàng giờ vẫn có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thường xuyên truy cập, sử dụng, bình luận, chia sẻ... nhiều thông tin trên mạng xã hội, không loại trừ khả năng sẽ chia sẻ một số thông tin xấu độc đã tác động không nhỏ đến bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, làm phai mờ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân tin tưởng, trao tặng. Chính vì vậy, việc làm rõ những tác động tiêu cực của mạng xã hội và đề xuất một số giải pháp giữ gìn nét đẹp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi truy cập mạng xã hội là vấn đề có tính thời sự hiện nay.

Mạng xã hội [social media] trong môi trường quân sự là một bộ phận của mạng xã hội của Việt Nam, đó là hoạt động truy cập, tiếp nhận, chia sẻ thông tin của cán bộ, chiến sĩ khi tham gia vào mạng xã hội nói chung.

Tính tới tháng 6/2021, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người [tương đương 73,7% dân số]

Mạng xã hội có thể là các trang Facebook, Twitter, Instagram… hoặc cũng có thể thông qua các video clip trên Youtube, Tik Tok, hoặc khả năng phát trực tiếp như tính năng “Livestream” trên Facebook... Thời gian qua, lợi dụng ưu thế nổi trội là tính siêu kết nối, tính mở, khó kiểm soát, tính nặc danh… của mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động tăng cường khai thác nhằm biến môi trường mạng xã hội thành công cụ đắc lực chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Nhiều tài khoản mạng xã hội xuyên tạc về lực lượng phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020

Chúng đã lập hàng trăm, hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, một số trang facebook có tính chất câu like như: “Tình yêu người lính - Bộ đội Cụ Hồ”, “Giao lưu tiền tuyến & hậu phương”, “Hội những người thích đồ lính”... sau đó viết bài, cắt ghép hình ảnh tung lên không gian mạng, gây nhiễu loạn thông tin, hướng lái công chúng truyền thông [trong đó có cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam] hiểu sai lệch bản chất, gia tăng bất đồng, kích động những tư tưởng bất mãn, phản kháng, chống đối Đảng, Nhà nước, Quân đội ta.

Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động còn thông qua những mặt trái của nền kinh tế thị trường, tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ; lối sống thực dụng, tư tưởng so bì hơn thiệt giữa môi trường Quân đội với xã hội bên ngoài; tâm lý hưởng thụ, ngại cống hiến... để kích động gây “thẩm thấu” dần vào trong suy nghĩ, tư tưởng của mỗi quân nhân, về lâu dài không loại trừ nguy cơ gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để nâng cao sức “đề kháng” cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nói chung, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi tham gia mạng xã hội, cần phải thực hiện tốt, đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần xác định rõ chức trách, nhiệm vụ “thiêng liêng” trong việc giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi tham gia tiếp xúc trên mạng xã hội. Trước hết, phải tự tu dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; tích cực huấn luyện, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn; có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, kỷ luật tự giác nghiêm minh; đoàn kết thống nhất nội bộ, thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.

Hai là, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trên từng lĩnh vực công tác; cổ vũ, động viên những cách làm hay, gương “người tốt, việc tốt” trong giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 855-CT/QUTW, ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới” gắn với đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 847-NĐ/ĐUTW về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.

Ba là, chủ động lựa chọn, bồi dưỡng những cá nhân ưu tú, có năng lực, đủ “sức đề kháng” để làm nòng cốt trong tham gia đấu tranh, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, phản bác sắc bén lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Xây dựng kế hoạch đấu tranh, có tính liên tục, kế thừa và hiệu quả của từng cấp, từng cán bộ, đảng viên. Kết hợp nâng cao trình độ lý luận, phương pháp đấu tranh cho lực lượng “hạt nhân” ngày càng phù hợp với tình hình thực tiễn của cách mạng và thật sự chủ động trước các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Bốn là, cùng với việc đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đấu tranh với các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, các cơ quan, đơn vị cần coi trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp trong rèn luyện, phấn đấu theo các đặc trưng, chuẩn mực của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương trên các mặt công tác, thực sự là tấm gương mẫu mực trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Từng cán bộ, chiến sĩ phải có động cơ phấn đấu trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng; tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái, xuyên tạc giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Năm là, giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là vấn đề có tính thường xuyên, liên tục gắn liền với quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và mỗi quân nhân. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: “Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta”. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, tích cực. Thường xuyên tổ chức tốt hoạt động thực tiễn, các phong trào hành động cách mạng gắn với Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội phấn đấu, rèn luyện, cống hiến sức lực, trí tuệ vào xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.

Sáu là, thường xuyên rà soát, nắm và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nhất là về chính trị tư tưởng của mọi cán bộ, chiến sĩ. Tích cực, chủ động, bổ sung kiện toàn kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho phù hợp; thường xuyên đánh giá, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc, sai trái, không để các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo quân nhân tham gia vào hoạt động chống phá trên mạng xã hội thông qua hoạt động bình luận, chia sẻ...

Trong tình hình hiện nay, giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi tham gia mạng xã hội đang vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Thực tiễn cho thấy, hình ảnh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành động lực phấn đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong mỗi đơn vị trong toàn quân. Đó là kết quả quá trình rèn luyện, phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Thông qua các trang mạng xã hội, mỗi cán bộ chiến sĩ khi sử dụng và tiếp xúc phải xác định rõ trách nhiệm làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” không ngừng lan tỏa sâu rộng, có tầm ảnh hưởng lớn, góp phần quan trọng vào giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ môi trường không gian mạng; đây là vinh dự, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội./.

Video liên quan

Chủ Đề