Nói lẫy nghĩa là gì

lẩy trt. Cách hờn-giỗi có thiệt cho mình nhưng không cần, để lại gan: Bỏ lẩy, đánh lẩy, giận lẩy, nói lẩy.
lẩy đt. X. Lảy // (R) Trích ra: Lẩy Kiều.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Lê Văn Đức
lẩy đgt. 1. Tách rời từng cái vốn gắn liền thành cụm: lẩy từng hạt ngô trên bắp. 2. Gẩy, kéo mạnh bằng ngón tay rồi buông ngay: lẩy cò o lẩy phím đàn. 3. Xuất ra một vài câu hay một đoạn thơ rồi phỏng theo mà diễn đạt: lẩy Kiều o lẩy thơ.
Nguồn tham chiếu: Đại Từ điển Tiếng Việt
lẩy đgt 1. Tách ra; Tẽ ra: Lẩy hạt ngô. 2. Đọc một vài câu thơ tách ra từ một tác phẩm: Những khi vui tính, ông cụ hay lẩy Kiều.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Nguyễn Lân
lẩy đt. Nht. Lảy: Lảy hạt bắp.
Ngb. Lựa từng câu mà tách ra: Lẩy Kiểu.
lẩy bt. Hờn dỗi: Vợ lẩy chồng.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Thanh Nghị
lẩy .- đg. 1. Tách ra, tẽ ra: Lẩy bắp ngô lấy hạt. 2. Rút ra: Lẩy Kiều.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Việt Tân
lẩy Tách nhặt ra: Lẩy hạt bắp. Nghĩa bóng:Lựa từng câu mà tách ra: Lẩy Kiều.
lẩy Gay gắt hờn dỗi: Làm lẩy. Nói lẩy.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Khai Trí

Tại trung tâm tư vấn Tâm lý giáo dục và tình yêu HNGĐ (37 Nguyễn Thông, Q.3, TPHCM) từ đầu năm đến nay, đã có không ít khách hàng đến nhờ tư vấn việc rạn nứt tình cảm chỉ vì tính hay “hờn mát” của vợ trước sự vô tâm, thiếu tế nhị của chồng.

Đố vui có … giận

Trong buổi hòa giải vụ thuận tình ly hôn giữa anh Nguyễn Văn D. và chị Lê Thu Phương ngụ tại phường 4, quận 11, khi vị thẩm phán vừa hỏi: “Vì sao chị xin ly hôn?” thì chị Phương tuôn một tràng: “Chồng gì mà vô tâm, vô tình chẳng giúp được gì cho vợ con. Tôi đầu tắt mặt tối mà ông ấy thấy nhà dơ cũng không biết quét, áo quần khô cũng không lấy vào.

Ông ấy còn vô tâm với các con. Có lần, một người bạn ông ấy rủ ra quán lai rai, thấy ông ấy tiện đường, tôi nhờ đưa giúp con trai đi thi tốt nghiệp, bảo ông ấy đợi 15 phút để thằng bé ăn nốt phần cơm thì ông ấy gắt: “Thôi ăn nhiêu đó được rồi, đi nhanh lên!” Tôi bực quá nói lẫy: “Anh đi đi, chút nữa em đưa” Thì ông ấy hối hả đi ngay, đến chiều cũng chẳng thấy ông ấy gọi điện hỏi con thi làm bài có được không. Tôi tức quá gọi điện cho ông ấy thì hóa ra ông ấy đang nhởn nhơ với bạn bè. Làm sao tôi có thể sống với một người chồng vô tâm đến như vậy đựơc?”

Không đợi tòa hỏi, anh D. cắt ngang: “Tôi là đàn ông, có thường làm mấy việc đàn bà đâu mà biết. Bà ấy cần tôi làm gì thì cứ nói, đừng có giận lẫy, tự làm rồi quạu quọ chửi tôi. Làm vợ chồng, có gì thì phải nói ra, để trong bụng rồi giận lẫy, kêu tôi đoán mò thì “bó tay”. Tính khí kỳ cục này của bà ấy tôi không chịu nổi đâu. Ly hôn thì ly hôn chứ sống chung nhà mà hết cãi cọ rồi chiến tranh lạnh hoài, tôi mệt mỏi lắm”.

Cảnh chiến tranh lạnh cũng thường xảy ra trong gia đình chị Hoàng Thúy – anh Hữu Khoa, đều là kỹ sư công nghệ thông tin ở quận 7, suýt nữa đổ vỡ. Dù đã kết hôn được hai năm, nhưng chị Thúy vẫn như còn sống trong giai đoạn “tiền hôn nhân”. Chị muốn chồng phải tự tìm hiểu, đoán xem chị đang vui buồn vì chuyện gì? Chị thích nhận quà gì vào các ngày lễ và thích ăn uống món gì, như ngày xưa anh vẫn đoán khi hai người đang yêu nhau.

Thời sinh viên chỉ có mỗi việc học và yêu, nên anh Khoa còn có thời gian để chơi trò “đố vui” với chị. Nhưng hiện nay bộn bề với công việc của một giảng viên đại học, nên anh thường đoán trật ý vợ và thế là xảy ra chuyện. Chị cứ giận lẫy chồng mỗi khi anh không nghĩ ra là chị đang “thèm ăn món gì hay đang ước điều gì…”.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là vào dịp kỷ niệm hai năm ngày cưới mà do bận việc đột xuất, nên anh quên mất ngày trọng đại này. Sau một đêm chờ đợi không thấy chồng đề cập gì đến ngày quan trọng ấy, chị giận dỗi bỏ về nhà cho mẹ ruột. Sau một tuần chờ chồng sang đón vẫn không thấy, chị lại giận dỗi… viết đơn xin ly hôn(!).

Kể cho thông, nói cho hiểu

Đó là một liều thuốc đơn giản và rất hiệu quả để hoá giải mâu thuẫn về sự vô tâm của chồng và tính hay giận lẫy của vợ, mà bà Nguyễn Thị Ngọc Phương – thư ký tòa án Q7, TPHCM đúc kết được trong quá trình tham gia hoà giải án hôn nhân gia đình.

Bà Phương kể: “Nhiều người đến toà nộp đơn ly hôn với thái độ rất kiên quyết, nhưng sau đó lại không đến toà để lấy lời khai. Theo thủ tục, đến tháng thứ ba đương sự không đến tòa hoặc không rút lại đơn thì chúng tôi tiến hành xác minh. Khi tìm đến nhà, chúng tôi lại thấy các cặp vợ chồng này sống vui vẻ, hạnh phúc như không có chuyện gì xảy ra. Họ nói không muốn ly hôn nữa vì vợ chồng đã hiểu nhau sau khi nói chuyện thẳng thắn với nhau”.

Cũng kịp nhìn lại mình và xem xét chuyện ly hôn một cách nghiêm túc, nên vợ chồng chị Thuý và vợ chồng chị Phương đã tránh được đổ vỡ, người trong cuộc đều nhận ra lỗi của mình sau khi được tòa phân tích, khuyên giải.

Tuy nhiên, không phải bao giờ người trong cuộc cũng kịp dừng lại ở “phút 89” như hai gia đình trên. Điển hình là trường hợp của chị Thu Nga – nhân viên siêu thị và anh Đình Cương – nhân viên bưu điện, ở P.2, Q.5. Kết hôn sau một thời gian dài tìm hiểu, nhưng khi về chung sống chị Nga mới phát hiện ra chồng mình khá thờ ơ, ít quan tâm đến vợ, nhất là những lúc vợ ốm đau.

Có lần chị bệnh, giận chồng vô tâm, chị cũng không nói mình bệnh, để mặc ông chông xách cặp vợt đi chơi tennis, còn mình nằm đó vừa tức vừa tủi. Đến khi đến thấy vợ vẫn nằm trùm mền, anh lại hỏi một câu khiến chị thêm điên lên: “Em ơi, sao chưa có cơm?”. Đến lúc này, chịu hết nổi, chị nói thẳng: “Anh có biết là em bệnh không? Có người chồng nào vô tâm như anh không?”.

Nghe vợ trách móc, anh cười cầu hòa: “Em không nói làm sao anh biết. Bây giờ em thích ăn món gì để anh đi mua?”. Chị Nga vẫn chưa hết giận nên nói lẫy: “Có hàng xóm mua cho em ăn rồi, giờ không ăn nữa”. Vợ nói lẫy nhưng anh tưởng thật, nên một mình ra tiệm ăn cơm(!). Kết cuộc tối hôm đó là cuộc cãi vã nảy lửa giữa vợ chồng họ. Từ những chuyện đó dồn nén lại mà mâu thuẫn của hai vợ chồng ngày càng trầm trọng khiến chị xin ly hôn.

Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ Võ Văn Nam - trưởng khoa Tâm lý, trường ĐHSP phân tích: “Hay giận lẫy là đặc điểm giới tính của phụ nữ. Phụ nữ sống thiên về tình cảm, cảm xúc còn đàn ông sống thiên về lý trí. Vì thế, khi bị chạm đến lòng tự ái, người phụ nữ thường hay nói lẫy như là một biểu hiện tâm lý của phản ứng tự bảo vệ mình, cố thủ. Đây chính là một nguyên nhân khiến hai vợ chồng không hiểu nhau. Nếu chỉ vì bấy nhiêu mà gia đình đổ vỡ thì rất đáng tiếc, bởi đó không phải là mâu thuẫn đối kháng”.