Phân tích ảnh hưởng của tinh hoa văn hoá phương Tây đối với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

Phân tích ảnh hưởng của tinh hoa văn hoá phương Tây đối với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” tại điểm cầu TPHCM. (ảnh: S.Hải)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong cuốn Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất hồi đầu thế kỷ XX. Đi ngả nào mới tới đích? Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sỹ lớn tuổi đi tìm ở hướng Đông (Nhật), rồi ở hướng Bắc (Tàu), thì người thanh niên Nguyễn Tất Thành đi sang Châu Âu (1911)”[1]. Vậy điều gì khiến một người thấm nhuần văn hóa phương Đông lại quyết định sang phương Tây, chọn Pháp là điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc dài đằng đẵng? Quyết định đi sang phương Tây ấy được hình thành từ khi nào? Liệu có phải là một sự trùng hợp hay ý định này đã được nung nấu từ rất lâu?

Nhìn lại cuộc đời của Người, ngay từ thuở còn thơ đến khi đặt dấu chân đầu tiên sang Pháp, có thể thấy được quyết định sang phương Tây là một quá trình dài tổng hợp những kiến thức, những phân tích, tìm tòi, lý giải khoa học, những nhân tố thuận nghịch của bối cảnh trong nước và tình hình thế giới tác động, những yếu tố chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử để lựa chọn cho mình một hướng đi đúng nhất. Quá trình xác định con đường cứu nước của Người hoàn toàn không phải là một quyết định nhất thời hay một sự trùng hợp, mà là sự lựa chọn trong muôn vàn lựa chọn thời điểm lúc bấy giờ. Sự lựa chọn ấy mang tính lịch sử, là nơi tìm ra nguồn sáng dẫn đường đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những đêm trường tăm tối nhất trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Phẩm chất và trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Như dòng suối nguồn cuồn cuộn chảy, truyền thống quê hương và giáo dục gia đình có sức ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành nhân cách của con người, nó là cái nôi nuôi dưỡng đạo đức, xây dựng nền tảng tư tưởng, quyết định cho hành động của một con người khi bước vào đời.

Vốn sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, giữ nếp nhà, lên 5, 6 tuổi, Hồ Chí Minh đã bắt đầu khai tâm học “chữ thánh hiền”. Người thầy đầu tiên không ai khác hơn là thân phụ Nguyễn Sinh Sắc. Sau đó là những người thầy trực tiếp hay gián tiếp dạy Hồ Chí Minh, ảnh hưởng, tác động đến lòng yêu nước và con đường cứu nước của Người.

Tháng 9/1905, Hồ Chí Minh được cha gửi vào học Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở Thành phố Vinh. Chính tại ngôi trường này, Hồ Chí Minh lần đầu tiên được tiếp xúc với khẩu hiệu “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ” (Tự do, Bình đẳng, Bác ái) được sơn vào gỗ, gắn ở phía trên bảng đen. Câu khẩu hiệu đã in sâu và tâm trí người học trò nhỏ năm nào, khơi gợi tâm hồn người học trò non nớt về những thứ gọi là tự do, bình đẳng, bác ái, cái gì đang ẩn sau những con chữ ấy, ẩn sâu ấy một cuộc sống thế nào, có giống như hoàn cảnh sống của những người An Nam hiện tại?...

Sau này, khi trả lời một nhà báo Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy... Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”[2].

Tháng 9 năm 1908, Hồ Chí Minh được cha gửi vào lớp trung đẳng (lớp nhì) (cours moyen) tại Trường Quốc học Huế. Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế, Người đã được tiếp xúc với nhiều sách báo Pháp, những thầy giáo yêu nước như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến… Nếu như ở “trạc tuổi 13”, Nguyễn Tất Thành thấy “người da trắng nào cũng là người Pháp”[3], thì những câu chuyện mới lạ, hấp dẫn ở bên Pháp qua lời kể của thầy Miến, đã thực sự kích thích lòng ham hiểu biết của học trò, trong đó có Hồ Chí Minh. Nhiều bạn học cùng Người sau này đã nhận xét: “Việc dạy dỗ của thầy là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành tư tưởng sang Tây chứ không phải sang Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ”[4].

Sau khi học ở Huế được 1 năm thì vào tháng 7/1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc nhậm chức Tri huyện ở huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định)[5], Hồ Chí Minh lại phải theo cha vào Bình Định. Người được cha sắp xếp ở lại Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt, Quy Nhơn).

Quãng thời gian học ở Bình Định là những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ nền giáo dục Pháp, Người thu nạp kiến thức từ những thầy giáo mà Người kính trọng nhất, với những nội dung tiến bộ như: Văn minh khoa học, kỹ thuật, văn hóa theo tinh thần Tự do - Bình đẳng - Bác ái, tư tưởng mới, tinh thần phê phán và khoa học[6]… Hồ Chí Minh đã được học và say mê tìm hiểu một cách toàn diện cuộc cách mạng vô sản Pháp (1789), Người còn tìm hiểu nước Pháp qua sách báo Pháp từ những người lính lê dương… Những điều này giúp Người cảm nhận được nước Pháp có một nền văn minh rực rỡ, và hiểu hơn về lý tưởng Tự do - Bình đẳng - Bác ái.

Năm 1910, sau khi nghe tin cha bị cách chức Tri huyện Bình Khê, bị triệu hồi về Kinh đô Huế, Người không theo cha trở về Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam. Trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Ở đây, Người xin vào làm trợ giáo (moniteur), được giao dạy một số môn, đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khóa của Trường Dục Thanh. Ngoài giờ lên lớp, Hồ Chí Minh tìm những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông để đọc. Lần đầu tiên Người được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp, biết tới tư tưởng của Rútxô (J. J Rousseau) và Môngtexkiơ (C. L Montesquieu)- các triết gia Pháp của thế kỷ Ánh sáng[7].

Từ truyền thống quê hương, gia đình, qua quá trình trau dồi, bồi dưỡng, nhận thức của Người ngày càng được nâng cao, sâu sắc hơn, dần hoàn chỉnh qua thời gian để rồi cuối cùng đi đến quyết định mang tính “Bước ngoặt lớn thời tuổi trẻ” của Hồ Chí Minh, quyết định sang phương Tây để tìm con đường cứu nước, cứu dân.

Sự bế tắc về đường lối giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỉ XX

Trước tiên phải kể đến những cuộc khởi nghĩa chống Pháp theo ý thức hệ phong kiến, bắt nguồn từ Phong trào Cần Vương (1888 - 1896), điển hình là các cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hóa), Bãi Sậy, (Hưng Yên), Hương Khê (Hà Tĩnh)… Phong trào Cần Vương kéo dài hơn 10 năm nổ ra trên phạm vi rộng lớn, giành được những thắng lợi nhất định, nhưng cuối cùng cũng thất bại.

Phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế (Bắc Giang) (1885 - 1913) diễn ra hồi cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX cũng là một trong những phong trào lớn điển hình cho tinh thần chống Pháp thời bấy giờ. Phong trào kéo dài gần 30 năm của giai cấp nông dân Việt Nam thể hiện sự bền bỉ và ý chí quyết tâm của đại bộ phận người dân Việt Nam thế nhưng cuối cùng, phong trào cũng bị dìm trong biển máu.

Sang đầu thế kỷ XX, Việt Nam xuất hiện một xu hướng chống Pháp mới là xu hướng dân chủ tư sản với hai đại diện tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm (1907) do Nguyễn Quyền và Lương Văn Can lãnh đạo cũng chủ trương cải cách xã hội Việt Nam, khai dân trí, chấn hưng dân sinh… Tuy nhiên, phong trào cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Đến tháng 11 năm 1907, phong trào chấm đứt hoạt động.

Như vậy, khi Hồ Chí Minh lớn lên, phong trào cứu nước đang ở một thời kỳ khó khăn nhất, đen tối nhất của cách mạng Việt Nam. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa (tháng 12/1907), cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Huế và các tỉnh miền Trung bị đàn áp (tháng 4/1908), vụ Hà Thành đầu độc bị thất bại và tàn sát (tháng 6/1908), căn cứ nghĩa quân Yên Thế bị bao vây và đánh phá (tháng 01/1909). Phong trào Đông Du tan rã, cụ Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi Nhật (tháng 2/1909), các lãnh tụ của Phong trào Duy Tân, người bị lên máy chém, người bị đày ra Côn Đảo, nước Việt Nam - cái danh nghĩa còn sót lại trong Hòa ước 1884 cũng mất, vị vua yêu nước Thành Thái bị phế truất…

Bối cảnh lịch sử này đã được Hồ Chí Minh lột tả rõ nét trong bài Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay: “Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam”[8].

Hồ Chí Minh biết đến và đã sớm nhận ra những hạn chế của những phong trào kể trên; vì vậy, dù rất kính trọng và khâm phục các sĩ phu và thủ lĩnh của các phong trào yêu nước; song, Người không hoàn toàn tán thành cách làm của họ. Trước tình thế bế tắc về đường lối giải phóng dân tộc, Người đã lựa chọn cho mình một lối đi riêng, khác với các bậc tiền bối. Với mong muốn tìm hiểu và khảo nghiệm thực tế những gì đang diễn ra trong lòng chế độ tư bản, trong “nội bộ kẻ thù của dân tộc mình”, Hồ Chí Minh chọn con đường sang Phương Tây, nơi đã sản sinh ra những tư tưởng lớn, những cuộc cách mạng lớn. Như vậy, có thể thấy “trong khi lòng yêu nước và tư tưởng chống Pháp của các sĩ phu có nguồn gốc trong sự đối lập giữa hai nền văn hóa (Đông - Tây) và ở sự khác nhau về chủng tộc (da vàng - da trắng) thì tinh thần yêu nước và ý thức phản đế của Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ chế độ xã hội với cốt lõi của nó là quan hệ giữa người với người”[9]. Ở Hồ Chí Minh không có sự phân biệt giữa Đông và Tây mà ngược lại, Người đã tìm cách dung hòa nó, để nó giao thoa, biến nó thành công cụ, thành tư tưởng giải phóng dân tộc về sau này.

Sự tác động của những chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế xã hội diễn ra trên thế giới đầu thế kỉ XX

Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Đa số các nước nhỏ, yếu, chậm phát triển hơn trên thế giới đều biến thành thuộc địa của các Đế quốc lớn như Mỹ, Anh, Pháp... Chính sách thực dân tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc đối với các thuộc địa cùng với sự áp bức, bóc lột nặng nề đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở chính quốc càng làm lộ rõ bản chất phản động của chủ nghĩa đế quốc. Mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức và chủ nghĩa đế quốc ngày càng gay gắt. Có áp bức ắt hẳn sẽ có đấu tranh, những cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc ở đầu thế kỉ XX nổi lên và mang tính thời đại.

Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, các nước trong khu vực đã có những chuyển biến to lớn trong con đường đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức, nô dịch của chủ nghĩa thực dân Phương Tây.

Điển hình là Trung Quốc - một quốc gia rộng lớn, có nền văn hóa lâu đời, đã bị các nước tư bản Phương Tây xâu xé từ những thập kỷ trước đang vẫy vùng tìm lối ra với ánh sáng của cuộc cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo.

Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ cũng là một quốc gia lớn ở châu Á bị thực dân Anh đô hộ từ rất lâu. Trước tình thế đó, những nhà yêu nước của Ấn Độ cuối thế kỷ XIX, đầu khế kỷ XX đã tích cực tìm kiếm con đường giải phóng cho dân tộc mình. Cuối năm 1885,Đảng Quốc đại - chính đảng đầu tiên của giai cấp tư sản Ấn Độ được thành lập, đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giai cấp tư sản Ấn Độ bước lên vũ đài chính trị. Tháng 7/1905, chính quyền thực dân Anh thi hành chính sách chia đôi xứ Ben-gan: miền Đông của người theo đạo Hồi, miền Tây của người theo đạo Ấn càng làm cho người dân căm phẫn khiến nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra rầm rộ.Tinh thần dân tộc của Ấn Độ thức tỉnh và phát triển mạnh vượt qua chủ trương của phái ôn hòa vốn chiếm ưu thế trong Đảng Quốc Đại. Vì thế Đảng Quốc Đại quyết định khai trừ Tilắc, người cầm đầu phái vũ trang ra khỏi Đảng, đẩy ông vào tay thực dân Anh và bị kết án 6 năm tù. Sự kiện đó như đổ thêm dầu làm bùng cháy một đợt đấu tranh mới. Hàng vạn công nhân Bombay tiến hành tổng bãi công 6 ngày phản đối việc kết án đối với Tilắc. Tiếp đó, họ dựng lên chiến lũy, thành lập nên các đơn vị chiến đấu chống lại quân đội Anh. Nhân dân các thành phố khác cũng hưởng ứng. Cuộc đấu tranh đó đã buộc thực dân Anh phải thu hồi Đạo luật Bengan.

Phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực Đông Nam Á lúc này cũng diễn ra liên tục, sôi nổi và rộng khắp. Ở Lào, đầu thế kỷ XX, nhân dân các bộ tộc Lào đã nhiều lần nổi dậy chống thực dân Pháp. Năm 1901, nhân dân Xavanakhẹt dưới sự lãnh đạo của Phacađuốc đứng dậy đấu tranh. Và trong năm đó, một cuộc đấu tranh đã nổi lên ở cao nguyên Bôlôven cho đến năm 1907 mới bị dập tắt.

Ở Miến Điện, cuộc kháng chiến chống thực dân Anh liên tục nổ ra hết sức anh dũng, nhưng cuối cùng bị đàn áp. Nghĩa quân phải rút vào rừng hoạt động bí mật, chờ đợi thời cơ mới.

Ở Inđônêxia, nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản tiến bộ ra đời, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từ năm 1905, nhiều tổ chức công nhân được thành lập và bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác. Cũng trong năm đó, tổ chức nghiệp đoàn đầu tiên của công nhân xe lửa được thành lập, kích thích sự ra đời của các nghiệp đoàn khác, từ đó dẫn tới thành lập Hội Liên hiệp công nhân Inđônêxia vào năm 1908.

Trước guồng quay của lịch sử, trong khi các quốc gia khác đang sục sôi tinh thần đấu tranh, nêu cao quyết tâm tìm con đường mới giải phóng đất nước thì Việt Nam chịu sự tác động, từng bước hòa vào dòng chảy tiến hóa theo xu thế mới của lịch sử nhân loại.

Với hành trang ban đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ra nước ngoài là tri thức về văn hóa phương Đông kết hợp phương Tây, lòng yêu nước nhiệt thành, sự tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước đi trước và với chủ đích rõ ràng lớn lao “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[10]… ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, Thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

----------------------------

[1] GS. Trần Văn Giàu, Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr.21.

[2]Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 1 (1890-1930), Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr.47.

[3] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tập 1, tr. 477.

[4] Trần Văn Giàu - Chủ biên (2009), Vàng trong lửa, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 54.

[5] Theo Tài liệu số 3278/CN-MT-C của Tòa Khâm sứ Trung Kì (Lưu tại Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Cao Lãnh, Đồng Tháp).

[6] Ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành xin vào làm trợ giáo (moniteur), được giao dạy một số môn, đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khoá của Trường Dục Thanh… Lần đầu tiên Người được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như Rútxô (Rousseau), Vônte (Voltair), Môngtétxkiơ (Montesquieu). Sự tiếp cận với những tư tưởng mới đó càng thôi thúc anh tìm đường đi ra nước ngoài. (Hồ Chí Minh - Tiểu sử (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội, 2008).

[7] Xem Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tập 1, tr. 477.

[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 30

[9] Nguyễn Khánh Toàn, Tuyển tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr.34.

[10]Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, HN. 1975,tr.13.

Tin liên quan