Phân tích mối quan hệ pháp lý và quyền hạn giữa chính phủ và quốc hội, chính phủ và chủ tịch nước.

Mối quan hệ của thiết chế Chủ tịch nước với các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và cấu trúc bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp

01/09/2014

GS,TS. NGUYỄN THỊ DOAN

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Có thể nói, thiết chế Chủ tịch nước trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1992 đã cơ bản khắc phục được những bấp cập của mô hình “nguyên thủ tập thể” - Hội đồng Nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 1980. Đây được coi là sự kế thừa các giá trị đã được xác định trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, là bước tiến quan trọng không chỉ đối với thiết chế nguyên thủ quốc gia mà còn đối với cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập với quốc tế. Với thiết chế Chủ tịch nước là một cá nhân đã góp phần tinh gọn bộ máy nhà nước ở Trung ương; chức năng thay mặt Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại của Chủ tịch nước cũng được thực hiện hiệu quả hơn, linh hoạt hơn trong những nhiệm kỳ vừa qua.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, mô hình Chủ tịch nước trong tổng thể bộ máy nhà nước ta vẫn đặt ra một số nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn, vì vậy:

- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CHXH [bổ sung, phát triển năm 2011] đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[1].

- Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra chủ trương tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong đó tập trung vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, theo đó, cần "nghiên cứu xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp"[2].

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng [Khóa XI] đã nêu rõ: “xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thực hiện chức năng nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân; xác định rõ mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp”[3].

- Tờ trình số 11/TTr-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội [UBTVQH] được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 06/8/2011 đã nêu rõ: “Về Chủ tịch nước: xác định rõ tráchnhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thực hiện vị trí, vai trò là nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp”[4].

Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, kế thừa giá trị của các bản Hiến pháp qua các thời kỳ, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Hiến pháp đã làm rõ hơn mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; cụ thể hóa nhiệm vụ và quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch trong việc quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới...

Theo Hiến pháp năm 2013, thiết chế Chủ tịch nước được quy định tại Chương VI gồm 8 điều, từ Điều 86 đến Điều 93, cụ thể: Điều 86 quy định: "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại". Điều 87 quy định về bầu Chủ tịch nước; trách nhiệm của Chủ tịch nước trước Quốc hội và nhiệm kỳ của Chủ tịch nước. Điều 88 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước. Điều 89 quy định về Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Điều 90 quy định về quyền của Chủ tịch nước tham dự các phiên họp của UBTVQH, Chính phủ; quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn… Điều 91 quy định về thể thức văn bản do Chủ tịch nước ban hành. Điều 92 và Điều 93 quy định về Phó Chủ tịch nước. Bên cạnh đó, thiết chế Chủ tịch nước còn được quy định tại một số điều liên quan trong các chương: Quốc hội; Chính phủ; Tòa án nhân dân [TAND], Viện Kiểm sát nhân dân [VKSND]; Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.

Bố cục của Điều 88, Chương VI quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước có sự thay đổi đáng kể so với Hiến pháp năm 1992. Nếu như Hiến pháp năm 1992 quy định nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Chủ tịch nước tại 12 khoản của Điều 103, thì Hiến pháp năm 2013 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước thành những nhóm, theo từng lĩnh vực tại 6 khoản của Điều 88, cụ thể: khoản 1 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp; khoản 2 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác cán bộ liên quan đến nhân sự của Chính phủ; khoản 3 quy định nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp; khoản 4 quy định về một số nhiệm vụ và quyền hạn mang tính biểu tượng của người đứng đầu Nhà nước như khen thưởng, quốc tịch; khoản 5 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; khoản 6 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn về mặt đối ngoại của nguyên thủ quốc gia.

Có thể nói, theo quy định của Hiến pháp, xét trên phương diện hình thức của cấu trúc quyền lực, Chủ tịch nước là một thiết chế khá đặc thù, không thuộc vào một nhánh quyền lực nào trong các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng đồng thời lại có mối quan hệ, ảnh hưởng tới các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tính chất đặc thù này do vị trị Hiến định đặc biệt của Chủ tịch nước “là người đứng đầu Nhà nước”, thực hiện chức năng “thay mặt Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.Vị trí, chức năng Hiến định đặc biệt của Chủ tịch nước được xác định cụ thể thông qua mối quan hệ với các thiết chế quyền lực nhà nước ở trung ương và mối quan hệ với toàn bộ cấu trúc quyền lực nhà nước trong phạm vi toàn lãnh thổ quốc gia [theo chiều dọc và chiều ngang]. Thiết chế Chủ tịch nước vừa có mối quan hệ, tác động đến từng thiết chế quyền lực cụ thể như Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao; vừa giữ vai trò quan trọng, góp phần vào việc phối hợp giữa các cơ quan trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

1. Theo Hiến pháp, các Luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, TAND, VKSND, thì vị trí, chức năng của Chủ tịch nước được thể hiện thông qua các mối quan hệ sau:

Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội và UBTVQH:

- Quốc hội xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước; quy định tổ chức và hoạt động của Chủ tịch nước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

- UBTVQH đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước.

- Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước.

- Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu raChủ tịch nước. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.

- Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội họp kín; có quyền yêu cầu Quốc hội họp bất thường. Chủ tịch nước có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước UBTVQH.

- Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn công bố Hiến pháp; công bố luật, pháp lệnh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Chủ tịch nước đề nghị xem xét lại pháp lệnh. Chủ tịch nước có quyền đề nghị UBTVQH xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được UBTVQH biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

- Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của UBTVQH.

Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Chính phủ:

- Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

- Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

- Chính phủ báo cáo công tác trước Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Chủ tịch nước.

- Chính phủ tổ chức thi hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước.

Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với TAND tối cao, VKSND tối cao:

- Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TAND tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên VKSND tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá.

- Chánh án TAND tối cao trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Chủ tịch nước.

- Viện trưởng VKSND tối cao trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Chủ tịch nước.

- Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao trình Chủ tịch nước ý kiến của Chánh án và Viện trưởng về những trường hợp người bị kết án tử hình xin ân giảm.

Thông qua các mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực nhà nước, Chủ tịch nước không chỉ thực thi nhiệm vụ và quyền hạn Hiến định của mình mà còn tác động đến việc thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan quyền lực khác của Nhà nước. Bên cạnh đó, với vị trí đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước thực hiện chức năng thay mặt Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, đại diện cho quốc gia, dân tộc trong các quan hệ với các chủ thể bên trong và bên ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Khi đó, Chủ tịch nước trở thành một trong những biểu tượng của quốc gia, dân tộc; biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cho sự thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quan hệ đối nội, đối ngoại của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với nhân dân trong nước, với các quốc gia, dân tộc và nhân dân trên toàn thế giới.

2. Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan, cấu trúc bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước bao gồm:

- Chủ tịch nước;

- Phó Chủ tịch nước;

- Hội đồng Quốc phòng và An ninh;

- Văn phòng Chủ tịch nước.

a] Về Phó Chủ tịch nước:

Theo Hiến pháp, Phó Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội; Phó Chủ tịch nước "giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước ủy nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ". Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng quy định việc Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước trong trường hợp Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài và trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

b] Về Hội đồng Quốc phòng và An ninh:

Thiết chế Hội đồng Quốc phòng và An ninh xuất hiện lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 1959 với tên gọi "Hội đồng Quốc phòng". Đến Hiến pháp năm 1980, "Hội đồng Quốc phòng" được quy định như là một cơ quan thuộc Quốc hội. Hiến pháp năm 1992 đã tái thiết lập thiết chế Chủ tịch nước, quy định "Hội đồng Quốc phòng và An ninh" vẫn do Quốc hội thành lập nhưng không phải là cơ quan thuộc Quốc hội, mà đặt tại Chương VII Chủ tịch nước, đồng thời để tiếp tục giúp Quốc hội trong lĩnh vực này, Quốc hội thành lập Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Hiến pháp quy định Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cơ cấu Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, chế độ làm việc của Hội đồng là chế độ tập thể và quyết định theo đa số... Hiến pháp năm 2013 bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Quốc phòng và An ninh trong việc: trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình UBTVQH quyết định; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Theo Luật Quốc phòng, trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Hội đồng Quốc phòng và An ninh có nhiệm vụ, quyền hạn: quyết định động viên mọi lực lượng và khả năng của nước nhà để bảo vệ Tổ quốc; quyết định các biện pháp quân sự và điều động lực lượng vũ trang nhân dân; quyết định các biện pháp nhằm giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phục vụ quốc phòng; chỉ đạo các hoạt động tư pháp, ngoại giao thời chiến; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt khác khi được Quốc hội giao.

c] Về Văn phòng Chủ tịch nước:

Theo Quyết định 1188/QĐ-CTN ngày 03/6/2014 của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước là cơ quan giúp việc của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước; có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Văn phòng Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, quốc phòng và an ninh, đối nội và đối ngoại... Cơ cấu của Văn phòng Chủ tịch nước bao gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Văn phòng; Trợ lý, Thư ký của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và các Vụ thuộc Văn phòng.

Văn phòng Chủ tịch nước xây dựng các quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác với các cơ quan có liên quan nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình giúp Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ theo Hiến định.

Tóm lại, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói chung trong đó có thiết chế Chủ tịch nước xuất phát từ yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các quy định về Chủ tịch nước đã kế thừa và phát triển các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, làm rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước trong việc thực hiện chức năng nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cùng với các thiết chế quyền lực khác của Nhà nước, thiết chế Chủ tịch nước trong Hiến pháp sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ Hiến pháp, triển khai thi hành Hiến pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CHXH [bổ sung, phát triển năm 2011].

[2] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

[3] Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 12/7/2011 Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm năm 1992.

[4] Tờ trình Quốc hội số 11/TTr-UBTVQH13, ngày 02/8/2011 của UBTVQH về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

[Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18[274], tháng 9/2014]

Video liên quan

Chủ Đề