Quốc hội với cải cách tiền lương

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 quyết nghị:

- Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng [một triệu, bốn trăm mười một nghìn, bảy trăm tỷ đồng].

- Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng [một triệu, bảy trăm tám mươi tư nghìn, sáu trăm tỷ đồng].

- Mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng [ba trăm bảy mươi hai nghìn, chín trăm tỷ đồng], tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước [GDP], bao gồm:

Bội chi ngân sách trung ương là 347.900 tỷ đồng [ba trăm bốn mươi bảy nghìn, chín trăm tỷ đồng], tương đương 3,7% GDP;

Bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng [hai mươi lăm nghìn tỷ đồng], tương đương 0,3% GDP.

- Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572.686 tỷ đồng [năm trăm bảy mươi hai nghìn, sáu trăm tám mươi sáu tỷ đồng].

Đáng chú ý, Quốc hội cũng quyết định: Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại phiên họp sáng 13-12. Ảnh: VPQH

Tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp

Đặc biệt, về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương, bao gồm: Thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 được Ban Chấp hành Trung ương ban hành tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương là ngày 1-7-2021.

Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nêu rõ: Từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Tại hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến ngày 1-7-2022, thay vì năm 2021 theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Mới đây, tại hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết định tiếp tục lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tính đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hai lần lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

HẰNG PHƯƠNG

Video liên quan

Chủ Đề