Review niềng răng bệnh viện Răng hàm mặt TP hcm

Review niềng răng bệnh viện Răng hàm mặt TP hcm

Mình quyết định đi niềng răng vì hàm răng hô khiến bản thân tự ti, và cũng gặp khó khăn trong việc dùng răng cửa để cắn đồ ăn. Trong bài viết này, mình sẽ kể lại quy trình thăm khám và chi phí khi niềng răng ở bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

1. Vì sao mình lựa chọn niềng răng ở bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM

Review niềng răng bệnh viện Răng hàm mặt TP hcm

Trước khi đi niềng răng tại chỗ này, mình hoàn toàn không tìm hiểu gì trên mạng cả. Còn nhớ khi đó mới vào đại học, mình đi đúng 2 chỗ để nghe tư vấn phương pháp và chi phí. Một là bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương, thứ hai chính là bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM.

Lý do mình không chọn niềng răng tại bệnh viện RHM Trung Ương vì ở đây bệnh nhân khá đông, mình đợi suốt cả 1 buổi và cảm thấy nếu chọn niềng răng tại đây thì mai mốt tái khám sẽ không phù hợp với thời gian đi học của mình.

Lý do thứ 2 là vì khi đó, bác sĩ tư vấn cho case mình là không niềng bằng mắc cài mà phải phẫu thuật, đại loại là do mình hô hàm và hở lợi như thế nào đó mình cũng không nhớ. Lúc đó, chỉ việc nghe phần chi phí quá cao và phải phẫu thuật thì mình đã say goodbye :((.

Sau đó mới đi tư vấn bên bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM khoa răng hàm mặt. Bác sĩ tư vấn case mình có thể niềng bằng mắc cài, tuy sẽ tốn nhiều thời gian hơn người khác nhưng mình cũng rất hài lòng vì không cần phải phẫu thuật, chi phí case mình là 25 triệu cho hai hàm và cắm vis là 7 triệu (chưa bao gồm tiền nhổ răng).

Tada, hành trình niềng răng đã bắt đầu từ đây.

Đọc thêm: Review máy tăm nước mình đang sử dụng có tốt không?

2. Quy trình thăm khám và niềng răng ở bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM

2.1 Lần đầu đến khám và tư vấn

Bước 1: Đăng kí tại bàn đăng kí nhận bệnh và đợi đến lượt.

Bước 2: Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X Quang răng và sau đó quay lại để tư vấn phương pháp ( vì mình đã có bộ hồ sơ ở bệnh viên Răng Hàm Mặt rồi nên là qua đây được sử dụng luôn, không cần đi chụp lại)

Bước 3: Sau khi tư vấn phương pháp và chi phí, thì cho mình về suy nghĩ thêm, khi nào quyết định làm thì sẽ quay lại đóng tiền và lưu hồ sơ. Chú ý là bạn nên lựa chọn khung giờ mà về sau mỗi tháng mình sẽ đi được.

Ví dụ: mình tư vấn bác sĩ này vào chiều thứ 3 khung giờ từ 14h – 20h, về sau mỗi lần tái khám đều đi đúng khung giờ của bác sĩ này, chứ không thể đi giờ khác. Nếu bạn lỡ đi tư vấn 1 ngày ngẫu nhiên, nhưng về sau khó đi được khung giờ đó, thì bạn có thể lựa chọn qua ngày khác với bác sĩ khác để phù hợp giờ giấc hơn.

2.2 Bắt đầu giai đoạn niềng răng và tái khám

Trong thời gian 1 tháng đầu, mình được tách kẽ răng, nhổ răng theo chỉ định (mình nhổ hết 4 cái). Rồi sau đó đeo mắc cài. Thời gian tái khám thường là 3 – 5 tuần tùy vào chỉ định của bác sĩ.

Tái khám bằng cách ghi tên theo thứ tự và đưa phiếu hẹn:

  • Thực sự quy trình tái khám này khá tốn nhiều thời gian, ví dụ như giờ làm việc của bác sĩ từ 14h -20h, và 17h tan học mình mới ghé được, thì khi đó mình sẽ ghi tên và đợi cho đến khi tới lượt mình.
  • Có những ngày mình đến được sớm vào lúc 14h và ghi tên thì… cũng không được vào ngay vì nếu ghi tên vào thời điếm ấy, mình đã là số 10 mấy hoặc 20 mấy rồi, mình tiếp tục đợi tiếp. Có những buổi mình đợi tận chiều tối mới đến lượt, hoặc nếu may mắn những người đăng kí số trước bạn chưa có mặt, thì bạn sẽ được kêu vào sớm.
  • Sau nhiều lần mình rút được kinh nghiệm, những bạn đăng kí được các số đầu là do họ đã tới từ lúc sáng sớm để viết tên trước, rồi sau đó họ đi làm đi học. Đến chiều quay lại, họ sẽ được vô liền hoặc chỉ cần đợi thêm 2, 3 người là được vô mà không cần ngồi đợi lâu. Chính vì vậy, mình cũng linh hoạt hơn và tiết kiệm được thời gian hơn.
  • Mỗi lần tái khám sẽ được bác sĩ ghi ngày hẹn tiếp theo vào phiếu hẹn, mình sẽ cầm theo phiếu này mỗi khi tái khám. Trên đó có mã số hồ sơ, nếu có những tuần không thể đến được do việc đột xuất, qua tuần sau bạn có thể gọi điện thoại để đặt hẹn lại và chỉ cần đọc mã hồ sơ cho họ ghi. Đừng lo nếu như lỡ làm mất phiếu, đến ngày hẹn báo với cô chú y tá để được hỗ trợ làm lại phiếu không tốn phí gì cả.

Đọc thêm: Review niềng răng có đau không? Trải nghiệm 7 cảm giác đau

3. Các khoản chi phí khác ở thời điểm 2016 -2020

Review niềng răng bệnh viện Răng hàm mặt TP hcm
  • Case của mình 25 triệu cho đeo mắc cài 2 hàm
  • Cắm 2 vis: 7 triệu
  • Nhổ răng: dao động từ 400k -800k tùy vào răng khó nhổ hay dễ nhổ.

(Lưu ý là thời gian đi nhổ răng là có thể đi khung giờ khác, do bác sĩ khác thực hiện. Mình chỉ cần đưa phiếu chỉ định bác sĩ của mình, nhưng vẫn là trong bệnh viện Đại học Y Dược, không phải là ra bác sĩ tư bên ngoài. )

  • Tiền thuốc giảm đau: dùng sau khi nhổ răng và cắm vis, bác sĩ kê đơn và mình sẽ tự mua ở nhà thuốc bên ngoài.
  • Chi phí lấy cao răng: dao động từ 300k – 500k (định kì 2-3 lần/ năm)
  • Chi phí đầu tư bộ dụng cụ chăm sóc vệ sinh răng niềng cơ bản:
Dụng cụChi phí tham khảo
Bàn chải kẽ20 – 30k
Bàn chải thường30 – 55k
Kem đánh răng 35 – 90k
Cây cạo lưỡi20 – 50k tùy chất liệu
Nước súc miệng/ nước muối15 – 90k
Chỉ nha khoa30 – 70k

Và bộ dụng cụ này có chi phí chưa tới 500k. Mình đã có bài viết nói kỹ hơn về các sản phẩm này tại đây. Bạn có thể đọc tham khảo nha.

Nhưng nếu bạn muốn đầu tư xịn xò hơn thì dùng bàn chải điện và tăm nước nhé. Dao động từ 2 – 4 triệu tùy vào thương hiệu bạn lựa chọn.

Đọc thêm: (Tâm sự) Nhược điểm của niềng răng và mình có hối hận khi niềng răng không?

4. Cập nhật quy trình tái khám khi niềng răng ở bệnh viện Đại học Y Được TPHCM sau giãn cách xã hội:

Tháng 10/2021 khi thành phố đã dần hoạt động lại sau 1 thời gian giãn cách xã hội, nha khoa đã mở cửa và mình đã đến tái khám sau hơn 4 tháng không đi.

Mình đi vào buổi chiều và cần ghi tên vào giấy theo thứ tự.

Bạn cần chuẩn bị:

  • 100,000 đồng để test nhanh trước khi vào (cho dù đã có chứng nhận 2 mũi thì vẫn phải test), lời khuyên là lần sau hãy tự mua bộ kit test nhanh tầm vài chục ngàn) và đến đó nhân viên y tế sẽ lấy mẫu dùm, như vậy sẽ tiết kiệm hơn.
  • Quét mã QR để khai báo y tế.
  • Ngồi đợi kết quả và sau đó là lên lầu để khám.

5. Kết:

Trên đây là những thông tin cơ bản mà bạn nên biết về niềng răng ở bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Các phần chi phí và cách thức tái khám có lẽ sẽ đổi mới trong thời gian sắp tới. Hy vọng bạn có thêm 1 địa chỉ niềng răng uy tín để tham khảo nhé.

Ngoài ra, nhiều bạn muốn trả góp niềng răng, nhưng đáng tiếc là bệnh viện này lại không có chính sách trả góp, bên cạnh đó, có những bạn ở ngoài tỉnh thành khá xa không thể đến thăm khám.

Vì vậy, mình đã tìm hiểu và tổng hợp được thêm thông tin từ 1 nha khoa khác có thể đáp ứng được nhu cầu “trả góp – đi lại thuận tiện – chính sách rõ ràng – uy tín“, đọc thêm bài viết review TẠI ĐÂY.

Và đừng quên để lại bất kỳ bình luận góp ý từ các bạn để Văn có thể hoàn thiện hơn nữa ở những bài viết trong tương lai (* ̄▽ ̄)b

Đọc thêm các trải nghiệm khi sống chung với mắc cài: