So sánh giữa đọc sách và xem phim

Dù những năm gần đây mình là một kẻ lười xem phim nhưng luôn đánh giá cao những bài học ở mọi bộ phim mình có cơ hội xem. Cũng vì thế mà mình ngưỡng mộ những người đạo diễn, quay phim, và cả ekip đằng sau bộ phim. Họ chứa trong mình một vốn kiến thức bao la của không chỉ nghệ thuật mà nhiều lĩnh vực khoa học, xã hội khác.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã nói đúng tim đen của nhiều người: thói hợm hĩnh, cứ tưởng đọc sách nhiều là hay, và chê bai người mê phim. Quan trọng là chúng ta có tinh thần "cầu học" hay không. Nếu không, thì có đọc bao nhiêu cũng trở nên thừa. Nếu có, bạn làm gì, xem gì cũng là đang tiến bộ.

Có một bạn trẻ yêu phim trên FB hay nhắn tin cho tôi, khoe ra rạp đi xem phim này phim kia, có vẻ phim gì cũng xem, thấy vui vui. Rồi có lần bạn nhắn là nhiều người nói bạn xem phim làm gì, vô bổ, đọc sách tốt hơn. Những suy nghĩ như thế thì rất phổ biến. Tôi thì hơi nghi ngờ là người đó có thật sự đọc sách hay không. Bởi tôi khá chắc là người đọc sách nhiều thì thường không tư duy như vậy. Thật ra con người ta có thể học từ bất kỳ đâu, dù là phim, sách, hay truyện tranh, game... Vấn đề là bản thân người xem/người đọc có cầu học hay không thôi. Chứ nếu không có lòng cầu học thì dù là chữ nghĩa thánh hiền cũng chỉ là sỏi đá. Cá nhân tôi luôn biết ơn điện ảnh đã giúp tôi được biết, được thấy, được hiểu, được cảm thông với muôn hình vạn trạng số phận con người, ở khắp các miền địa lý, các thời kỳ lịch sử, các truyền thống văn hoá, các điều kiện xã hội và cả các góc sâu kín của đức tin. Đấy thật sự là một khối tri thức khổng lồ về nhân loại. Nhưng cái quan trọng hơn là các bộ phim cho tôi một thế giới quan minh bạch. Tôi hiểu rằng là ở Mỹ Nhật Âu gì cũng có người nghèo cảnh khổ, và ngược lại dù ở hoàn cảnh đói khổ gian nan thì con người, với cách nhìn đúng đắn, vẫn có thể tìm được hạnh phúc. Chẳng có nơi đâu là thiên đường hay địa ngục, ngoài chính bản thể chúng ta, từ tâm hồn ra thể xác. Đó chính là vẻ đẹp thực sự của các bộ phim vậy.

Rạp Hà Nội mới được mở nên các bạn rủ tôi đi xem Encanto, cũ người mới ta. Và tôi khá là bất ngờ với phim Disney này. Không phải vì nó là phim hay xuất chúng, đây cũng không phải review haha. Tôi bất ngờ vì bộ phim có genre Gia Đình này lại chả có mấy bài học cho trẻ em. Ngược lại, hầu như nó hướng thẳng các bài học đến những người dắt trẻ em đi xem phim. Wow, đã đến lúc mà phim Gia Đình thật sự muốn dạy dỗ người lớn rồi cơ đấy. Tôi thật sự không nhớ là có phim Gia Đình nào, tức là phim bố mẹ dắt con đi xem, mà dám nói rằng chính các vị mới là những kẻ độc hại, hèn đớn, ngu ngốc. Là các vị làm hại đời bọn trẻ từ lâu trước khi xã hội kịp làm gì. Well, thật ra thì phim Disney nó cũng nhẹ nhàng chứ không căng như tôi vừa nói đâu. Nhưng thực sự là đằng sau lớp vỏ mầu mè ca múa phép thuật, là một lời cảnh tỉnh cay đắng như vậy cho người lớn. Càng có thêm tuổi tôi càng chất chứa vào lòng nhiều điều bất toàn của cuộc sống, tôi tin là người lớn nào cũng đều như vậy. Tất cả những tăm tối đó lại hoàn toàn dễ dàng bị người lớn xả thải lên con trẻ, bằng rất nhiều cách khác nhau. Phần lớn các trường hợp xả thải lại thường có vẻ ngoài hết sức vô hại, được nhân danh những điều tốt đẹp. Đấy là những liều chất độc không mùi không vị, không giết đứa trẻ nào ngay lập tức để mà người người phẫn nộ. Nhưng nó ngấm dần dần, thấm từ từ vào tâm trí, đục khoét những điều thiêng liêng đích thực. Còn những thứ "tốt đẹp" kia lại là những thứ sáo mòn nông cạn mà chính người lớn cũng chưa chắc đã thật sự tin. Cuộc đời chẳng có gì chắc cả, ngoài cái chết.

Thật ra tôi nghĩ rằng con người ta càng già đi thì lại càng yếu đuối và hèn nhát. Hèn nhát đến độ mà sẽ rất khó để dám cúi đầu nhận rằng mình đã sai với trẻ con, nhận rằng mình yếu đuối và ngu ngốc như mấy nhân vật người lớn trong phim hoạt hình. Cuộc đời của con người thật sự rất ngắn. Nhưng không phải ngắn vì chẳng là gì so với sự trường tồn của vũ trụ. Cuộc đời ngắn vì chẳng mấy ai có đủ thời gian để thực sự gột bỏ được sạch hết những xấu xí, nhỏ mọn, để thành một sinh mệnh sao cho xứng đáng với đặc ân được nhìn ngắm và tận hưởng vẻ đẹp của thế giới. Bởi vậy mà các câu chuyện chính là một trong những phát minh vĩ đại nhất của giống loài ta. Vì thông qua các câu chuyện, ta có thể sống nhiều hơn một cuộc đời hữu hạn của chính ta trong thế giới thực. Chỉ cần có lòng muốn học, có ham muốn được trở thành một người tốt đẹp hơn, dù là câu chuyện được kể dưới hình thái nào đi nữa thì sớm muộn ta cũng sẽ tìm thấy bài giảng mình cần, từ một nơi mà ta không ngờ đến.

Tôi có thói quen xem phim trước đọc sách sau. Thì giờ ít ỏi, tôi không muốn đầu tư thời gian vào một quyển sách mà tôi không biết là tôi có thích hay không. Người ta chỉ chọn quyển sách hay, để làm phim. Tôi nghĩ thế. Người xem chỉ mất chừng hai giờ đồng hồ để biết nội dung một quyển sách mà nếu đọc có thể mất cả tuần. Tôi dùng phim để loại những quyển sách có thể không hợp với tạng của mình. Tôi tưởng như thế là khôn, là sành điệu lắm rồi. Thật ra tôi sai nhiều lắm. Người ta thường nói đừng bao giờ xét đoán một quyển sách bằng cái bìa của nó. Nay tôi đề nghị thêm một điều đừng bao giờ xét đoán một quyển sách bằng cuốn phim dựa vào quyển sách.

Ngôn ngữ của phim khác với ngôn ngữ của sách. Phim là cách cảm nhận và biểu lộ quan điểm của người làm phim về quyển sách và có thể người đọc, không đồng ý với cách nhìn của người làm phim. Cũng vì thành kiến mà tôi đã vài lần suýt hụt mất không đọc được những tác phẩm hay. Tôi đã từng nghe đến quyển The Unbearable Lightness of Being của Milan Kundera.

Bản tính của tôi thường hay cưỡng lại ảnh hưởng của đám đông, vì thế khi báo chí ồ ạt khen ngợi về một tác phẩm hay một cuốn phim nào tôi thường ngại ngùng lảng tránh. Tôi nghe rất nhiều người khen ngợi phim Titanic, có nhiều cô cậu bảo rằng xem phim này bốn năm lần mà mãi đến bây giờ tôi vẫn ngại ngần chưa xem. Một phần tôi sợ bị thất vọng vì đặt kỳ vọng vào những lời khen ngợi của người khác. Có lần tôi vào thư viện thấy cuồn phim The Unbearable Lightness of Being ở trên kệ ngay trước mắt. Tôi thích cái tựa đề của quyển sách. Nó có cái gì đó rất xung đột giữa cái nhẹ và cái nặng nề đến độ không thể chịu đựng được, có vẻ rất Thiền. Thường thì người ta không chịu được sức nặng đè lên họ, không chịu được cái nhẹ thì nghĩa là gì? Tôi tò mò mượn đĩa phim về xem. Không đầy năm phút tôi không chịu được cái cảnh anh chị yêu đương rầm rộ, như một thứ phim khiêu dâm rẻ tiền. Nhân vật chính, tôi đọc trên hộp chứa đĩa phim, là bác sĩ. Trong phim trông anh giống một anh đĩ đực đẹp trai. Tôi chán quyển phim nên không đọc quyển sách. Tôi không nhớ vì một tình cờ nào đó tôi đọc được vài trang của quyển sách này trên mạng. Tôi bị quyển sách cuốn hút nên đọc hết quyển này. Đáng lẽ nên dè dặt hơn với cái thành kiến của chính mình tôi vẫn cái kiểu ngựa quen đường cũ.

Có người nhắc đến cuốn phim Người Tình dựa trên quyển sách của Marguerite Duras được chiếu ở VN và đoán rằng có lẽ phim bị cắt mất một số hình ảnh táo bạo. Tò mò, muốn biết cái táo bạo của phim tôi vào thư viện mượn phim này. Tôi có cảm tưởng mình đang xem phim porn mặc dù với hình ảnh có vẻ nghệ thuật hơn. Và lại thêm một lần nữa vì không thích cuốn phim tôi đã không đọc quyển sách.

Tôi thường vất vả đi tìm một cái mũ cho vừa cái đầu nhỏ bé của tôi và nảy ra ý định viết một bài về cái mũ. Chợt nhớ đến cái mũ đàn ông cô bé Marguerite đã đội trong phim Người Tình. Cái mũ đã tạo ấn tượng đặc biệt làm anh chàng công tử con nhà giàu người Hoa Bắc phải chú ý đến cô bé. Tôi tìm đọc quyển sách để xem tác giả nói gì về cái mũ. Ngạc nhiên, lại thêm một lần nữa tôi đã suýt bỏ qua một quyển sách hay vì thành kiến của mình. Tác giả viết quyển này khi bà đã bảy mươi. Nếu khi tôi bảy mươi tuổi mà tôi viết được một quyển truyện như thế tôi sẽ rất sung sướng mà chết.

Người ta thường hay nói rằng, nếu đọc truyện trước khi xem phim khán giả thường thích truyện hơn phim. Vì khi đọc truyện người đọc đã tự tạo ra trong tư tưởng mình một khúc phim riêng. Họ sẽ không thích nếu cuốn phim này khác với cuốn phim trong đầu của họ. Trong trường hợp của tôi, tôi xem The Unbearable Lightness of Being [Đời Nhẹ Khôn Kham] và The Lover [Người Tình] trước khi tôi đọc sách và vì không thích phim tôi đã suýt bỏ lỡ hai quyển sách hay. Dĩ nhiên là tôi đã có sẵn thành kiến, có thể nói là khá nặng nề, về phim sexy. Sau khi xem phim và trước khi đọc quyển Người Tình tôi đã có thành kiến [sai lầm] như sau: Một người phụ nữ Pháp viết về một quốc gia nhược tiểu. Mảnh đất này là nơi thích hợp làm bối cảnh cho một chuyện tình thơ mộng nhưng ngang trái giữa người bản xứ và người thuộc giai cấp đô hộ. Các cô gái bản xứ thường là những cô gái điếm vì nghich cảnh, những người thuộc giai cấp đô hộ là những người ra tay cứu vớt cánh hoa rơi trong vũng bùn, và những cuộc ăn chơi bất tận cùng với những màn làm tình nẩy lửa. Người đọc, đọc những quyển sách như thế này để chạy trốn cuộc sống bình thản đến nhàm chán của họ và để xem những người đồng bào thực dân của họ đã có cuộc sống hấp dẫn đầy phiêu lưu như thế nào. Vâng, tôi có quan niệm này sau khi tôi xem phim Người Mỹ Trầm Lặng [The Quiet American] và vì thế mà tôi đã không đọc quyển sách vì tôi không chịu được cái ý nghĩ một anh Mỹ ví von Việt Nam như một cô gái vì nghèo mà bán thân. Nhận ra tôi đã hai lần sai lầm với quyển Đời Nhẹ Khôn Kham và Người Tình, rất có thể tôi lại sai lầm khi gạt quyển Người Mỹ Trầm Lặng ra ngoài danh sách những quyển sách nói về VN mà tôi nghĩ là tôi nên đọc.

John le Carré nói rằng: “Nhìn thấy quyển truyện của bạn biến thành cuốn phim chẳng khác gì nhìn thấy con bò bạn nuôi bị biến thành nước lèo rồi cô đọng lại thành những viên bột nêm.” Câu nói này cũng làm tôi suy nghĩ. Tôi đã đọc nhiều quyển sách trước khi xem phim. Đôi khi tôi thích quyển sách hơn phim như trường hợp Anna Karenina, Nước Hoa: Chuyện của một kẻ sát nhân, à quên, Người Tình và Đời Nhẹ Khôn Kham nữa chứ! Đôi khi tôi thích phim hơn quyển sách như trường hợp E.T., The Sound of Music. Đôi khi tôi thích cả sách lẫn phim, vì mức độ sáng tạo rất khác biệt của hai thể loại thí dụ như Lord of the Rings hay Gone With The Wind. Ngẫm nghĩ lại cái kiểu dùng phim để chọn sách đọc không phải là sai lầm. Nhờ cách này mà tôi được đọc ba quyển sách tôi rất thích đó là The English Patient, The Reader và Perfume: Story of a Murderer. Và từ những quyển sách này tôi đã đọc thêm vài quyển sách về biên khảo về nước hoa, về nạn diệt chủng Do Thái, và rất nhiều chi tiết trong tự điển bách khoa Wikipedia.

Điều tôi muốn nói là tôi cần phải luôn luôn để ý đến cái thành kiến của tôi khi chọn xem phim hay đọc sách.

Chủ Đề