So sánh Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, giai đoạn 1930 – 1945 chiếm một vị trí hết sức đặc biệt. Đó là thời kỳ bùng nổ của văn học dân tộc trên đường hiện đại hoá với một loạt tên tuổi các nhà văn cùng với những thành tựu văn chương trên nhiều thể loại: truyện ngắn, kịch, thơ ca, tiểu thuyết, phóng sự,… Riêng dòng văn học hiện thực cũng có tới hàng chục tài năng lớn. Vũ Trọng Phụng [1912 - 1939] là một trong những cây bút tiêu biểu của trào lưu này. Vũ Trọng Phụng đã ra đi khi mới 28 tuổi, nhưng những gì ông để lại vẫn sáng mãi với thời gian. Sống một cuộc đời ngắn ngủi và nghèo khổ nhưng nhà văn vẫn được tính vào số ít những người có công đầu trong việc làm giàu cho gia tài văn chương Việt Nam hiện đại. Chúng ta yêu mến Vũ Trọng Phụng bởi tài năng của ông không thêu dệt bằng sự bắt chước mà nó được làm nên bởi chính những “tinh anh” của bậc “tài hoa” này. Ông là người tiên phong và can đảm của nghệ thuật tả chân với ngòi bút sắc bén, nhạy cảm và một cá tính sáng tạo độc đáo. Những hiện tượng mà Vũ Trọng Phụng nêu ra không chỉ dừng lại như câu chuyện thời sự nhất thời. Đến ngày nay, khi đọc lại, ta thấy những vấn đề ông đặt ra vẫn còn là các vết thương nhức nhối của xã hội. Những đóng góp của Vũ Trọng Phụng đã để lại dấu ấn khó quên trong văn học dân tộc. “Như một giống cây khoẻ, trong khi vươn lên mãnh liệt, tài năng của Vũ Trọng Phụng vẫn bắt rễ rất sâu vào cái khu vực tranh tối tranh sáng là cuộc sống lớp dân nghèo thành thị đã sản sinh ra ông” [Vương Trí Nhàn]. Khi ông mất đi, giới văn học đã suy tôn ông vào hàng những nhà văn bất tử. Ông được coi là một “tài năng quý báu” [Lan Khai], có “sức sáng tạo nhiệm màu” [Lưu Trọng Lư],… Nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng – một người nghệ sĩ chân chính – là tìm về với những giá trị văn chương, “gạn đục khơi trong” để thấy rõ hơn những đóng góp của nhà văn. Qua đó, thêm một lần nữa khẳng định tài năng và vị trí không ai thay thế được của Vũ Trọng Phụng trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam.

Lựa chọn đề tài Vị thế Vũ Trọng Phụng trong quá trình vận động của văn xuôi hiện đại Việt Nam, chúng tôi mong muốn được hiểu sâu hơn về con người, tài năng nghệ thuật của nhà văn; khẳng định vai trò, đóng góp to lớn và vị thế của nhà văn trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam những năm ba mươi của thế kỷ XX. Ngoài ra, nghiên cứu đề tài này cũng sẽ giúp cho công việc giảng dạy tác phẩm Vũ Trọng Phụng trong nhà trường có hiệu quả hơn.


2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu Vị thế Vũ Trọng Phụng trong quá trình vận động của văn xuôi hiện đại Việt Nam, đối tượng tìm hiểu của chúng tôi là những vấn đề về con người, cuộc đời và sự nghiệp văn học của Vũ Trọng Phụng; số phận của Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn học Việt Nam. Đặc biệt, luận văn tập trung làm rõ vị trí của Vũ Trọng Phụng trong nền văn học Việt Nam hiện đại với tư cách là một “ông vua phóng sự” và là một “tiểu thuyết gia trác Việt”.
Trong luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung vào những phóng sự và tiểu thuyết tiêu biểu nhất. Về phóng sự, đó là: Cạm bẫy người [1933], Kỹ nghệ lấy Tây [1934], Cơm thầy cơm cô [1936], Lục xì [1937], Một huyện ăn tết [1938]; Về tiểu thuyết, đó là: Giông tố [1936], Số đỏ [1936]. Ngoài ra, chúng tôi còn tham cứu những tác phẩm và tài liệu khác có liên quan đến Vũ Trọng Phụng để có một cái nhìn sâu sắc, toàn diện về đối tượng nghiên cứu.

3. Phương pháp nghiên cứu

Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng văn học phức tạp. Để tiếp cận và nghiên cứu về ông cần phải vận dụng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, trong luận văn này, chúng tôi chủ yếu tập trung vào một số phương pháp cơ bản sau đây. Phương pháp văn học sử: Phương pháp văn học sử là con đường nhận thức đối tượng bằng cách đặt nó trong mối tương quan với môi trường, hoàn cảnh lịch sử. Vận dụng phương pháp văn học sử trong luận văn này, chúng tôi sẽ xem xét lịch sử văn học dân tộc như một quá trình vận động. Từ đó, khám phá ra những đóng góp, vai trò của Vũ Trọng Phụng trong tiến trình văn học hiện đại. Phương pháp so sánh đối chiếu: Vũ Trọng Phụng không phải là cây bút phóng sự và tiểu thuyết duy nhất của thời kỳ 1930 – 1945. Đương thời còn có Tam Lang, Ngô Tất Tố,… cũng nổi tiếng ở thể phóng sự; Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,… nổi tiếng ở lĩnh vực tiểu thuyết. Sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu, chúng tôi sẽ đặt Vũ Trọng Phụng trong mạch chung của văn học dân tộc, đặc biệt là trong trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 để thấy được nét chung và riêng của nhà văn này. Về phương diện lý thuyết, so sánh đối chiếu là cách nhận thức bản chất đối tượng dựa trên những kết luận về mối liên hệ giữa chúng. Mục đích của so sánh đối chiếu là tìm sự giống nhau, khác nhau giữa các đối tượng được so sánh, để từ đó rút ra những kết luận. So sánh Vũ Trọng Phụng với các tác giả khác, chúng tôi mong muốn sẽ tìm ra được điểm nổi bật trong đóng góp của ông đối với lịch sử văn học dân tộc. Cùng với những phương pháp chính trên, chúng tôi sẽ kết hợp một số thao tác khác như: phân tích, chứng minh, tổng hợp để làm sáng tỏ vấn đề.

4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Vũ Trọng Phụng là một tác gia lớn và có một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam. Để có thể khẳng định được vị trí vững chắc đó, ông cùng với tác phẩm của mình đã phải trải qua nhiều sóng gió của dư luận. Vũ Trọng Phụng vì vậy là một hiện tượng văn học độc đáo, phức tạp.

Trong lịch sử văn học Việt Nam có không ít những hiện tượng phức tạp, song phức tạp, sóng gió như Vũ Trọng Phụng thì thật hiếm có. Lối viết sắc lạnh, bạo liệt, trực diện đã khiến ông phải hứng chịu những bão táp của dư luận. Người ta tranh luận về ông ngay từ khi ông còn sống và vẫn không ngừng quan tâm cả khi ông đã qua đời. Đọc văn ông, người đọc dễ tưởng tượng tác giả “là một tay sành sỏi, thạo đời, chắc hẳn đã từng lăn lóc lâu năm trong đủ thứ hang ổ của bọn cờ bạc bịp, bọn me tây, gái điếm, bọn tư sản lừa lọc, đểu giả và ăn chơi bốc giời” [24, tr. 14]. Song thực tế, ông là một con người ít nói, sống rất khuôn phép, mực thước, có nguyên tắc: một người con ngoan, một người chồng tốt trong gia đình và một người rất tự trọng trong quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp. Tác giả của những Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Làm đĩ, Giông tố, Số đỏ… lại không biết đánh bạc. Một thanh niên sống giữa Hà Nội vào những năm ba mươi, đã là nhà văn, nhà báo mà vẫn “áo sa trơn, giày gia định, khăn xếp bằng lượt mà chữ nhân sát xuống tận gần cặp lông mày rậm” [24, tr. 14]. Giữa con người và văn chương của ông dường như có sự “lệch pha” nhau. Đây cũng là một trong những điều khiến người ta băn khoăn, trăn trở về ông.

Ngay những bước đầu tiên đặt chân vào lãnh địa văn chương, Vũ Trọng Phụng đã tạo nên những phản ứng rất trái ngược nhau trong dư luận và độc giả. Các ý kiến đánh giá, nhìn nhận về Vũ Trọng Phụng cùng tác phẩm của ông luôn có sự mâu thuẫn, trái chiều, khen có, chê có. “Ít có nhà văn nào gây được sự chú ý đặc biệt của giới văn học, giới giáo dục, giới lãnh đạo và công chúng rộng rãi, hơn hết mọi nhà văn cùng thời, và cũng có lúc bị vùi sâu dưới đất đen, như chưa có nhà văn nào bị vùi dập đến thế” [1, tr. 19]. Thậm chí có những thời kỳ, Vũ Trọng Phụng còn bị xem như là một khu vực cấm, một “nghi án” văn học được đặt ra suốt một thời gian dài. Thế nhưng, những giá trị chân chính dù phải trải qua bao nhiêu sóng gió thì cuối cùng cũng khẳng định được sức sống và giá trị của nó. Trường hợp Vũ Trọng Phụng cũng vậy. Đúng như nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh: “Nếu ví dư luận của giới văn học như một dòng nước thì Vũ Trọng Phụng giống như một vật nổi trong một dòng xoáy của nó. Vật nổi này cứ trôi nổi dập dềnh, có khi chìm sâu xuống, tưởng chừng đã mất tăm, ấy thế mà cuối lại hiện lên, từ tốn, lặng lẽ theo đúng quy luật Acsimét” [24, tr. 16]. Cho đến nay, việc nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng đã tiến thêm được những bước dài. Xu hướng khẳng định những giá trị trong sự nghiệp Vũ Trọng Phụng ngày càng được củng cố.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Nguyễn Quang Trung trong Tiếng cười Vũ Trọng Phụng đã có khoảng hơn 200 công trình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng được công bố. Con số này cho thấy mối quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu phê bình cũng như những ai yêu văn chương Vũ Trọng Phụng dành cho ông. Điều này cũng chứng tỏ rằng, lịch sử vấn đề Vũ Trọng Phụng quả là phong phú, phức tạp.


Ngay từ những tác phẩm đầu tiên Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây xuất hiện thì tên tuổi Vũ Trọng Phụng đã trở nên nổi tiếng. Ông thu hút những luồng ý kiến đánh giá trái ngược nhau, khen chê dữ dội. Hai tờ Văn học tạp chí và Tin văn đã đăng bài ca ngợi. Báo Tràng An gọi nhà văn là “ông vua phóng sự đất Bắc”. Nguyễn Triệu Luật đã ghi lại không khí văn học và dư luận thời ấy trước sự trình làng những thiên phóng sự đầu tay của Vũ Trọng Phụng: “Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô… được khắp ba kỳ hoan nghênh nhiệt liệt” [41, tr. 51]. Tam Lang – nhà phóng sự tiên phong mở đường cho nền phóng sự Việt Nam đã viết những dòng chân thật ca ngợi người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi mà tài hoa: “Đọc những thiên phóng sự ấy, tôi nhận thấy rằng Vũ Trọng Phụng, về mặt phóng sự một lối văn do tôi khởi xướng ra đầu tiên – đã bỏ xa tôi lắm” [41, tr. 33]. Lê Tràng Kiều khẳng định: Thiên Hư Vũ Trọng Phụng cùng với Tam Lang Vũ Đình Chí, Tiêu Liêu Vũ Bằng “là ba nhà văn tả thực và cũng đã mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta” [41, tr. 130].

Phùng Tất Đắc đã nhiệt liệt cổ vũ và trực tiếp viết lời giới thiệu cuốn Kỹ nghệ lấy Tây. Ông đã xếp Vũ Trọng Phụng vào hàng những cây bút phóng sự xuất sắc nhất, đồng thời hết lời đề cao tài năng của nhà văn họ Vũ. Trong bài viết Kỹ nghệ lấy Tây không chỉ là một thiên phóng sự tác giả cho rằng: “Cuốn sách này, tôi không muốn chỉ coi là một thiên phóng sự. Tôi muốn đặt nó vào thẳng những công trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ, những công trình giúp được tài liệu cho đời sau khảo sát về buổi này” [41, tr. 132]. Vũ Trọng Phụng mặc nhiên được khẳng định như một kiện tướng cho khuynh hướng văn học tả chân lúc bấy giờ.


Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cho rằng: “Vũ Trọng Phụng là một nhà văn sở trường về phóng sự dài […]. Những tập phóng sự xuất sắc nhất của ông là Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm thầy cơm cô […]. Cơm thầy cơm cô là tập phóng sự hay nhất của Vũ Trọng Phụng. Ngòi bút tả chân của ông thật là tuyệt xảo khi ông tả những cảnh nghèo khổ, trong đó chương VII [Bi hài kịch] là một chương tuyệt hay. Vui buồn đủ cả, linh hoạt vô cùng […] chỉ mười một trang giấy mà biết bao tình nhân loại, biết bao nỗi thương tâm” [33, tr. 518].
Tuy công nhận Kỹ nghệ lấy Tây là một tập phóng sự xuất sắc nhưng Vũ Ngọc Phan vẫn chỉ ra rằng: “chỉ có giá trị ở những đoạn tả chân nho nhỏ, ở những con sen đấu khẩu, sen đánh nhau, những sen gợi tình rất linh hoạt và rất tức cười của mấy cặp vợ chồng. Ở những đoạn ấy, đôi khi người ta thấy một lối tả chân triệt để, làm cho người đọc có cảm tưởng như thấy trước mắt một cảnh tượng bẩn thỉu, ghê gớm”. Vũ Ngọc Phan còn đánh giá khái quát về xu hướng văn chương của Vũ Trọng Phụng: “Cây bút của Vũ Trọng Phụng trong những năm đầu là cây bút phóng sự, một cây bút phóng sự sắc sảo và khôn ngoan, sau ông luyện nó ra một cây bút tiểu thuyết, nhưng cái giọng phóng sự vẫn còn” [33, tr. 518]. Tuy nhiên, những thành công của Vũ Trọng Phụng khi đó cũng tác động đến những quan niệm văn chương đương thời. Tác phẩm của ông đã gây nên những phản ứng gay gắt ở một số người. Tiêu biểu là các nhà văn của Tự lực văn đoàn như: Thái Phỉ, Nhất Chi Mai, Lê Thanh,… Họ cho rằng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thuộc loại “văn chương dâm uế”.

Thái Phỉ trong bài Văn chương dâm uế đã gần xa “cảnh cáo” Vũ Trọng Phụng là nhà văn “cố nhồi nhét cái dâm uế vào bất cứ chuyện gì mình viết, hoặc viết cái chủ nghĩa tả chân, dụng tâm tả cái dâm uế táo bạo và vì thế thành ra cái sống sượng khó coi” [1, tr. 206-207]; “mong các nhà kĩ nghệ viết văn dâm uế nên hãm bớt cái đà của các ông lại thì vừa, đừng để đến lúc công chúng phải nổi lòng căm phẫn” [1, tr. 208].


Xuất hiện trên tờ Ngày nay của Tự lực văn đoàn, Nhất Chi Mai với bài Dâm hay không dâm đã lên án đích danh Vũ Trọng Phụng với những lời lẽ cay độc. Bài báo gọi Vũ Trọng Phụng là hạng “văn sĩ nữa mùa, loè đời bằng cái học vấn sơ học” [1, tr. 213], rồi cao giọng kết án toàn bộ tư tưởng tác phẩm Vũ Trọng Phụng với thái độ hằn học không che giấu: “Phải chăng đó là tấm gương phản chiếu tính tình, lý tưởng của nhà văn, một nhà văn nhìn thế giới qua cặp kính đen và một cội nguồn văn cũng đen nữa”.
Lê Thanh trong một bài viết đăng trên báo Đời mới đã ám chỉ: “Tôi còn nhớ đến tất cả sự ghê gớm, cái trào lưu văn chương dâm uế đã xuất hiện trong văn chương xứ ta. Khoảng 1936, mấy tờ báo ở Hà Nội đua nhau trình làng những thể văn khơi tình, gợi dục, những nhà sản xuất thứ văn tự nhận cho mình cái nhiệm vụ khơi ra ánh sáng những cái xấu xa, trụy lạc của xã hội, những lời tình tự của bọn cơm thầy cơm cô, những cử chỉ trơ trẽn của gái giang hồ, những hành động hèn mạt của một lớp người mục nát đều được dùng làm tài liệu văn chương […] loại sách khiêu dâm chỉ có cái công dụng gieo rắc mầm trụy lạc vào óc đọc giả” [41, tr. 12-13]. Những người này, một phần do quan niệm văn chương và một phần do chủ quan trong nhìn nhận nên gần như là phủ nhận văn chương Vũ Trọng Phụng. Sinh thời, Vũ Trọng Phụng cũng đã có những bài báo “đáp lại” đanh thép, dõng dạc để bảo vệ cho mình và bảo vệ cho chân lý mà ông và các nhà văn hiện thực theo đuổi.

Khi Vũ Trọng Phụng mất [ngày 13 - 10 - 1939], ông đã để lại một nỗi xót xa, thương tiếc không chỉ cho gia đình, bạn bè đồng nghiệp và cả những độc giả yêu quý nhà văn. Một tạp chí Tao đàn đặc biệt về Vũ Trọng Phụng được ra đời trong dịp này. Bên cạnh những lời ồn ào của Nguyễn Vỹ, Trương Tửu, là những lời chân thành, đầy niềm cảm phục của Ngô Tất Tố [Gia thế ông Vũ Trọng Phụng], Nguyễn Tuân [Một đêm họp ma đưa Phụng], Lan Khai [Con người Vũ Trọng Phụng]… Có thể nói, qua tạp chí, Vũ Trọng Phụng được đề cao hơn bất cứ nhà văn nào. Ông được sánh với Banzắc, được coi là nhà văn của thời đại, là người chiến sĩ tranh đấu đến phút cuối cùng, xứng đáng được đặt vào vị trí vinh quang của người bất tử.

* * * Trong kháng chiến chống Pháp, việc nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng vẫn chưa có điều kiện tiến hành, song trong ấn tượng và ký ức của giới văn học, Vũ Trọng Phụng vẫn được nhìn nhận với một thái độ trân trọng. Chẳng hạn những lời ca ngợi của Tố Hữu: “Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng, nhưng cách mạng phải cảm ơn Vũ Trọng Phụng đã vạch rõ cái thực tại xấu xa, thối nát của xã hội lúc ấy. Nếu Vũ Trọng Phụng đi vào cuộc đời cách mạng thì anh đã thành công” [43, tr. 21]. Nguyễn Đình Thi khẳng định tài năng tư tưởng Vũ Trọng Phụng: “Khi nền nghệ thuật tiến bộ cần đánh đổ một trật tự xã hội, một cách sống, công việc chính của nó là vạch rõ bộ mặt thực của cách sống ấy, của xã hội ấy. Một tác phẩm chép đúng thực tại xã hội cũng đã có giá trị cách mạng rồi” [43, tr. 22]. Phan Khôi đã nêu ra những đóng góp của Vũ Trọng Phụng trên cả lĩnh vực phóng sự lẫn tiểu thuyết: “Chỉ có Vũ Trọng Phụng […] bộc lộ được cái hiện tượng đau khổ và xấu xa của một khoảng đời dưới thời Pháp thuộc […] anh chỉ thông cảm và tố khổ cho hạng người bị coi là cặn bã xã hội” [41, tr. 191].

Trong khoảng 1956 – 1957, khi công việc biên soạn sách giáo khoa, sách văn học sử được đẩy mạnh thì Vũ Trọng Phụng được chú ý đặc biệt. Trên tờ Văn học Xô Viết của nước bạn, số 9 - 1955, Nguyễn Đình Thi gọi Vũ Trọng Phụng là văn hào, là “tiểu thuyết gia trác tuyệt của văn học Việt Nam”. Nguyễn Tuân giới thiệu Giông tố sắp tái bản cho rằng tác phẩm đã “nói một cái gì rất lớn, và nói lên cái hoài bão rất lành rất đẹp của tác giả” [1, tr. 28], coi Vũ Trọng Phụng “đường hoàng đi vào cõi bất diệt của văn xuôi Việt Nam” [1, tr. 29].


Các tác giả trong Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam nêu lên những nhận xét sâu sắc và xác đáng: “Trong các nhà văn hiện thực nước ta trước cách mạng, phải công nhận rằng Vũ Trọng Phụng là một người có địa vị không ai tranh giành được. Ông có ngòi bút sắc sảo rất phù hợp với lối hiện thực phê bình. Do đó, ông đã nêu lên được nhiều điển hình của xã hội cũ, mà dưới ngòi bút của những nhà văn hiện thực khác ta mới chỉ thấy một đôi nét mờ nhạt. Ông có những ý kiến về luân lý, về giáo dục sai lầm cũng như có một cách nhìn hơi lệch về xã hội tư sản, nhưng trong thực tế đời sống, ông đã dần dần đi đúng đường lối của chúng ta hiện nay. Điều chủ yếu là đối với xã hội tư sản nói chung, đối với những người giàu sang, lúc nào ông cũng giữ được một thái độ căm hờn, thù ghét và đối với giai cấp thống trị, ông dám đưa ra những lời mỉa mai độc địa rất táo bạo. Về mặt tư tưởng, ta không thể đòi hỏi ở ông nhiều hơn. Và làm được chừng ấy, ông phải được chúng ta xem trọng” [43, tr. 25]. Nhìn chung, trong giai đoạn này Vũ Trọng Phụng được khẳng định và đề cao. Từ thập niên sáu mươi trở đi, tình hình thay đổi theo hướng ngược lại. Một số cây bút phê phán, mạt sát Vũ Trọng Phụng. Người ta cho rằng Vũ Trọng Phụng có vấn đề chính trị nghiêm trọng.

Tuy nhiên, một số tác giả như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng đã lên tiếng bênh vực, giải oan cho ông trong các hồi ký của mình. Một số nhà nghiên cứu vẫn lặng lẽ tìm kiếm tài liệu, đi sâu giải quyết vấn đề một cách khoa học và khẳng định vị thế không thể thay thế được của Vũ Trọng Phụng trong văn học sử dân tộc như: Nguyễn Đăng Mạnh với Những mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan và trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng; Phan Cự Đệ với Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại; Nguyễn Hoành Khung với mục Vũ Trọng Phụng, Giông tố, Số đỏ….

* * * Sau khi đất nước thống nhất, vấn đề Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông chính thức được đặt lại. Mối “phong vận kỳ oan” của con người và tác phẩm được tháo gỡ. Tên tuổi nhà văn được phục hồi một cách dứt khoát.

Năm 1987, Tuyển tập Vũ Trọng Phụng ra đời, đến nay đã qua nhiều lần tái bản. Hàng loạt nhà nghiên cứu phê bình, các nhà văn, nhà báo dành nhiều trang viết, đánh giá ngợi ca Vũ Trọng Phụng: Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Hoành Khung, Trần Hữu Tá, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Chế Lan Viên, Lê Thị Đức Hạnh,… đã thẩm định lại giá trị đích thực của sáng tác Vũ Trọng Phụng trên tất cả các bình diện khác nhau: thể loại, tác phẩm, ngôn ngữ, nghệ thuật,… Tất cả đều nhằm làm sáng thêm những giá trị và tài năng văn học đa chiều của Vũ Trọng Phụng.


Có nhiều ý kiến đánh giá cao về con người và sự nghiệp của nhà văn. Nguyễn Khải đã xem Số đỏ là “một cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học”. Hoàng Thiếu Sơn coi Số đỏ là “một bộ sử thi về xã hội thành thị Việt Nam”. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến viện dẫn lời giới thiệu của Nhà xuất bản khi in và giới thiệu Số đỏ: “Cho đến nay, hình như vẫn còn là một hiện tượng không tiền, khoáng hậu” [45, tr. 435]. Vương Trí Nhàn trong bài viết Một lớp người thành thị, một kiểu nhà văn đã đặt vấn đề: “Một lúc nào đó, tôi ngờ rằng trong một cuốn từ điển làm riêng về văn học Việt Nam người ta sẽ gọi Vũ Trọng Phụng là nhà văn của thế kỷ XX” [1, tr. 77]. Những nhận định đó đã mang lại không khí hồ hởi cởi mở trong nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng.
Nguyễn Đăng Mạnh, trong một loạt công trình của mình: Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, Nhà văn Việt Nam hiện đại Chân dung và phong cách, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Những bài giảng về tác gia văn học,… đã có nhiều bài nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng. Nhà phê bình có “con mắt xanh” này đã tháo gỡ hàng loạt các vấn đề quan trọng, đánh giá từng giai đoạn sáng tác của nhà văn, đồng thời chỉ ra những thành công và hạn chế, truy tìm nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tính chất phong phú, sinh động nhưng phức tạp của hiện tượng văn học Vũ Trọng Phụng.
Nguyễn Hoành Khung trong Từ điển văn học, Tổng tập văn học, Lịch sử văn học Việt Nam 1900 – 1945, đã viết về Vũ Trọng Phụng với tư cách là một tác gia văn học. Những đánh giá và kiến giải của ông cũng đã góp phần làm sáng tỏ và sâu sắc hơn về nhiều vấn đề quan trọng. Hiện nay, Vũ Trọng Phụng đã có một vị trí vững chắc với tư cách là một tác gia văn học trong hệ thống sách giáo khoa, giáo trình ở bậc phổ thông cũng như đại học.

Trong những năm qua đã có rất nhiều luận văn, luận án nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng. Tiếp bước những người đi trước, họ cũng khai thác văn nghiệp Vũ Trọng Phụng trên nhiều khía cạnh. Đó là Đinh Lựu với Nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Trần Đăng Thao với Đặc sắc văn chương Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Quang Trung với Tiếng cười Vũ Trọng Phụng, Đinh Trí Dũng với Nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng,… Những chuyên khảo này cũng chứng minh một điều rằng sức hút của tài năng văn chương Vũ Trọng Phụng vẫn là không cùng.

Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng văn học độc đáo và phức tạp. Đây có lẽ là nhà văn có số phận long đong nhất trong dòng chảy của lịch sử văn học. Nhưng cuối cùng, ông vẫn nhận lại được những gì là của mình, thuộc về mình.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã khai thác về văn nghiệp Vũ Trọng Phụng trên tất cả các mặt, các khía cạnh. Nhưng các bài viết về vị thế của Vũ Trọng Phụng còn có những vấn đề bỏ ngỏ. Dựa trên cơ sở tiếp thu thành công của những người đi trước, chúng tôi mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình để hoàn thiện việc nghiên cứu và tìm hiểu về Vị thế Vũ Trọng Phụng trong quá trình vận động của văn xuôi hiện đại Việt Nam.


5. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm có ba chương:

Chương 1. Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng. Trong chương này, chúng tôi đi vào tìm hiểu những nét cơ bản về con người, sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng; vấn đề Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn học Việt Nam; Vũ Trọng Phụng và văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XX.


Chương 2. Vũ Trọng Phụng – “ông vua” thể tài phóng sự xã hội. Chúng tôi tìm hiểu trên bốn phương diện lớn: Vũ Trọng Phụng và các thiên phóng sự xã hội; ý nghĩa xã hội của phóng sự Vũ Trọng Phụng; đặc điểm nghệ thuật phóng sự Vũ Trọng Phụng; cuối cùng là phóng sự – một đóng góp quan trọng của Vũ Trọng Phụng vào lịch sử văn học dân tộc
Chương 3. Vũ Trọng Phụng và quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết. Chúng tôi đi vào triển khai ba nét lớn. Thứ nhất, quan niệm tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Thứ hai, đặc sắc nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Thứ ba, tiểu thuyết trào phúng – một đóng góp xuất sắc của Vũ Trọng Phụng vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Video liên quan

Chủ Đề