Sự hình thành và phát triển tâm lý học ở Việt Nam

HỘI KHOA HỌC TÂM LÝ – GIÁO DỤC VIỆT NAM

20 NĂM TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Hội Tâm lý – Giáo dục học Việt Nam được thành lập ngày 30/12/1990. Ngày 19/4/2002, theo Quyết định số 21/2002/QĐ-BTCCBCP của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Hội chính thức được mang tên là Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Theo cơ cấu tổ chức, Hội có 7 Ban: i] Ban nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, bồi dưỡng; ii] Ban Tư vấn, giám định, phản biện xã hội; iii] Ban Tổ chức, thi đua, khen thưởng; iv] Ban Kiểm tra; v] Ban Tài chính, kế hoạch; vi] Ban Thông tin, Tuyên truyền, xuất bản, quảng cáo; vii] Ban xây dựng cơ sở vật chất. Hội có 01 tạp chí [Tạp chí Thế giới trong ta]; 01 Quỹ tài năng trẻ tâm lý học- giáo dục học. Văn phòng Hội có 8 cán bộ và nhân viên đảm nhiệm các công việc hoạt động thường xuyên của Hội. Mạng lưới hoạt động của Hội đã phát triển với nhiều Hội thành viên. Hiện nay, Hội Khoa học Tâm lý –Giáo dục Việt Nam [Hội KHTL-GDVN] đã có 24 Hội thành viên ở cấp tỉnh, thành; 17 Trung tâm trực thuộc Hội; trên 100 trung tâm và các đơn vị trực thuộc các tỉnh, thành hội. Số hội viên của Hội hiện nay là 7800 người.

Hai mươi năm qua, dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo trực tiếp của Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, tuân thủ tôn chỉ mục đích được ghi trong Điều lệ, Hội KHTL-GDVN ngày càng trưởng thành, phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện lịch sử mới.

Về hoạt động nghiên cứu ứng dụng Tâm lý học và Giáo dục học. Đây là hoạt động nổi bật nhất của Hội. Trong hai mươi năm qua, các hội viên của Hội là các nhà nghiên cứu, các cán bộ giảng dạy đại học, các giáo viên, các nhà quản lý, các công chức ở các nhà trường, các đơn vị cơ sở do quan tâm đến việc ứng dụng các tri thức tâm lý học [TLH] và giáo dục học [GDH] vào đời sống thực tiễn xã hội đã chủ động đề xuất và chủ trì nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, tổ chức nhiều Hội thảo khoa học ở các cấp về các lĩnh vực khác nhau của hai khoa học này và trên thực tế đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, thúc đấy cho hai khoa học TLH và GDH phát triển. Ỏ cấp TW Hội, Hàng năm, Hội tổ chức thường xuyên đều đặn mỗi năm từ một đến hai lần Hội thảo với nhiều nội dung thiết thực bám sát các vấn đề chính trị, xã hội, giáo dục và đào tạo … của đất nước. Chẳng hạn, các Hội thảo “Giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên ở nước ta: Thực trạng và giải pháp” [được tổ chức ở Đồng Nai, 7/2008]; “Văn hóa học đường – Lý luận và thực tiễn” [Tiền Giang-3/2009]; “Nhà trường Việt Nam tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc” [T/p Hồ Chí Minh- 11/2009] và gần đây “Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI” [Hải Phòng 7/2010] v.v…Cho đến nay, Hội đã tổ chức được 20 Hội thảo quy mô cấp quốc gia. Hội thảo “Nhà trường Việt Nam tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc” được tổ chức tại Dinh Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh vào 28/11/2009 đã có 450 đại biểu dến dự với 81 báo cáo khoa học từ khắp đất nước gửi tới.

Về công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ chính mà các cấp Hội đặc biệt quan tâm, triển khai kịp thời, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho hoạt động lãnh đạo – quản lý của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị- kinh tế- văn hóa- xã hội của đất nước nói chung, hoạt động giáo dục đào tạo nói riêng. Những ý kiến phản biện, giám định của Hội KHTL-GDVN về chương trình, sách giáo khoa, về giáo dục công dân, về Chiến lược Giáo dục của đất nước, về chính sách đối với đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ mới cùng những ý kiến về việc cần tiến hành cải cách giáo dục trong điều kiện hiện nay là những minh chứng cho tính tích cực xã hội của các cấp Hội, đặc biệt là của Trung Ương Hội KHTL-GDVN trước vận mệnh của đất nước.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức TLH, GDH, chuyển giao các tiến bộ khoa học TLH và GDH hiện đại vào đời sống thực tiễn xã hội cũng đã được các cấp tỉnh, thành Hội trong cả nước triển khai rộng khắp tại các cơ sở của Hội. Các hoạt động trong lĩnh vực này có nhiều đóng góp hơn cả, phải kể đến Hội KHTL-GD thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng….
Về hoạt động đối ngoại. Hội đã duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Liên hiệp các Hội khoa học Tâm lý học quốc tế và các Hội khoa học Tâm lý học các nước như Nga, Úc, Nhật, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Hiệp hội sức khoe tinh thần quốc tế…. Nhiều tỉnh, thành Hội, nhiều tổ chức của Hội cũng có mối quan hệ quốc tế khá chặt chẽ trong hoạt động nghề nghiệp của mình như quan hệ với các tổ chức UNICEF, Ford, Foundation, Radda Batren, UNAIS, ICCO, UNFAA v.v…Nhiều hội viên của Hội đã có bài nghiên cứu, báo cáo khoa học tại các Hội nghị, Hội thảo khoa học, các khóa tập huấn nghiệp vụ, đào tạo về Tâm lý học, Giáo dục học ở một số nước trong khu vực và quốc tế.

Các hoạt động khác cũng đã được các cấp Hội, các trung tâm trực thuộc TW Hội và các trung tâm thuộc các Hội địa phương thực hiện trong 20 năm qua đã tạo nên tính đa dạng trong các hoạt động muôn màu sắc của Hội KHTL-GDVN. Trong lĩnh vực này phải kể đến hoạt động của Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử mà chỉ ở nước ta mới có. Trung tâm trong nhiều năm qua với các hoạt động được tổ chức quy mô, rộng khắp, mang tính chuyên nghiệp đã tham gia giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam anh hùng cho thế hệ trẻ khá hiệu quả.

Do những thành tích đạt được, Hội KHTL-GDVN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 [18-10-2001] và Huân chương lao động hạng nhì [14-12-2006].

Hai mươi năm qua, bên cạnh những thành công, hoạt động của Hội còn bộc lộ không ít các nhược điểm, thiếu sót cả về nội dung và phương thức hoạt động. Bước sang thập kỷ thứ hai của thiên niên kỷ mới, với những đòi hỏi mới của nền kinh tế tri thức, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những tiến bộ như vũ bão của cách mạng khoa học kỹ thuật trên tất cả các lĩnh vực, làn sóng của những công nghệ đột phá điện toán mây, điện toán di động và các mạng xã hội …tất cả đã và đang đặt ra cho Hội KHTL-GDVN những thách thức mới về sự tồn tại và phát triển của chính mình.

GS.TS. NGUYỄN NGỌC PHÚ
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA TÂM LÝ - GIÁO DỤC

Khoa Tâm lý - Giáo dục ngày đầu thành lập [3/1996]

1. Thời kỳ tiền thân của Khoa Tâm lý - Giáo dục Vào mùa thu năm 1966, tại huyện Đại Từ - một vùng chiến khu xưa của tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc được ra đời. Lúc này đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ rất khốc liệt. Miền Bắc vừa hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình đó, sự ra đời của một trường Đại học Sư phạm là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Trường gồm 7 khoa: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh và một số tổ bộ môn chung trực thuộc trường, trong đó có bộ môn Tâm lý - Giáo dục [tiền thân của Khoa Tâm lý - Giáo dục ngày nay]. Năm học đầu tiên Tổ chỉ có 2 cán bộ trong biên chế và một cán bộ biệt phái. Tổ  trưởng đầu tiên là thầy Phùng Đức Hải. Từ năm  1966 – 1975, cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Cũng như các khoa khác trong Trường, Tổ Tâm lý- Giáo dục đã trải qua những chặng đường sơ tán về vùng nông thôn đầy gian khổ. Chính trong thời gian ấy Tổ đã trưởng thành, vững bước đi lên, phấn đấu dạy tốt, làm tốt công tác dân vận,“bám lớp, bám dân” trong tình yêu thương, đùm bọc của bà con huyện Đại Từ [tỉnh Thái Nguyên]. Cũng chính trong thời gian này, Tổ đã biên soạn nhiều tài liệu giảng dạy, học tập về Tâm lý học, Giáo dục học. Một số công trình nghiên cứu về đặc điểm tâm lý của học sinh dân tộc thiểu số, lý luận dạy học, giáo dục hướng nghiệp … cũng được triển khai. Cùng với nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Tổ đã cử một số cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Một số thầy cô sau này trở thành các nhà khoa học đầu ngành như thầy Đặng Danh Ánh, thầy Nguyễn Văn Hộ …Sau năm 1975, hòa cùng không khí thống nhất hai miền Nam – Bắc, Tổ Tâm lý – Giáo dục tích cực giảng dạy, góp phần vào hoạt động đào tạo chung của Trường; tiếp tục cử cán bộ đi học tập và bồi dưỡng chuyên môn ở nước ngoài nhằm phát triển và kiện toàn đội ngũ. Năm 1991, do có sự đổi mới về giáo dục, trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc được sáp nhập vào trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Tổ Tâm lý – Giáo dục được bổ sung thêm số cán bộ của Tổ Tâm lý - Giáo dục trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc.

2. Thời kỳ thành lập Khoa [từ năm 1996 đến nay]

Tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục [20/11/2015]

Đáp ứng yêu cầu phát triển, ngày 26 tháng 3 năm 1996, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên ra quyết định thành lập Khoa Tâm lý - Giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, đánh dấu một chặng đường phát triển mới. Trưởng Khoa đầu tiên là thầy Phan Hữu Tham. Từ năm 1996 – 1998, Khoa tập trung xây dựng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Tâm lý – Giáo dục. Năm học 1999 – 2000 là năm khởi đầu của hệ đào tạo 4 năm đối với sinh viên chuyên ngành của Khoa. Trong những năm đầu này, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo hệ cử nhân của Trường, Khoa đã liên kết với khoa Tâm lý – Giáo dục học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở lớp đào tạo thạc sĩ Tâm lý học và Giáo dục học nhằm phát triển chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trẻ của Khoa. Từ năm 2000 – 2012, để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng phát triển của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trong thời kỳ mới, Khoa Tâm lý – Giáo dục nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo sau đại học và đã thành công trong việc mở mã ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thuộc 2 chuyên ngành Giáo dục học và Quản lý giáo dục. Năm 2004, với sự thành công trong việc mở mã ngành đào tạo tiến sĩ Giáo dục học, Khoa Tâm lý – Giáo dục trở thành một trong những khoa đầu tiên của Trường có đào tạo trình độ tiến sĩ. Đây cũng là thời kỳ Khoa đã có những thay đổi đáng kể trong công tác đào tạo do Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên chuyển đổi từ phương thức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Từ năm 2012 đến nay, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, cùng với việc tích cực thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, Khoa Tâm lý – Giáo dục tập trung xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo hệ cử nhân sư phạm Tâm lý – Giáo dục theo định hướng POHE – đào tạo gắn với việc làm; chương trình đào tạo thạc sĩ theo 2 hướng: Nghiên cứu và ứng dụng; chương trình bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ Quản lý giáo dục dành cho cán bộ quản lý các cấp, bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên, bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ công tác Đoàn, Đội … Mặt khác, Khoa đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ. Số cán bộ trẻ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh và trưởng thành của Khoa. Năm học 2015 - 2016, để kiện toàn tổ chức, nhằm đáp ứng yêu cầu của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên trong thời kỳ mới, Khoa Tâm lý  - Giáo dục được cơ cấu lại và hình thành 2 bộ môn: Khoa học Giáo dục và Tâm lý học. Hiện tại, cùng với việc tích cực hoàn thành nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, Khoa đang hoàn thiện và từng bước triển khai chương trình đào tạo hệ cử nhân theo hướng rẽ nhánh: chương trình Sư phạm Tâm lý – Giáo dục và Giáo dục – Công tác xã hội
Cùng với việc góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông và hệ cử nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Trường và Đại học Thái nguyên, Khoa Tâm lý – Giáo dục đã đào tạo được nhiều cán bộ giảng dạy chuyên ngành Tâm lý – Giáo dục cho các trường Cao đẳng và Đại học; đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các lĩnh vực: Quản lý giáo dục, Giáo dục học. Suốt 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo Trường và Đại học Thái Nguyên, đặc biệt nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ thầy trò, Khoa Tâm lý - Giáo dục đã không ngừng lớn mạnh, góp phần vào quá trình phát triển chung của trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.

Video liên quan

Chủ Đề