Sự học như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến at phải lùi

Trả lời [1]

  • I-Mở bài: - Bất cứ ai muốn trưởng thành, hoàn thiện, thành công cũng đều phải trải qua quá trình học hỏi không ngừng nghỉ. Việc học tập chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. - Bàn về một trong những bản chất của việc học, có ý kiến nhận xét: "Học như thuyền trôi ngược nước, không tiến, ắt lùi". Đây là lời nhận xét vừa giàu tính hình tượng, vừa giàu tính triết lý và có ý nghĩa khuyên răn sâu sắc.

    II- Thân bài 1. Giải thích khái niệm "học" và bàn luận về nội dung ý nghĩa của câu văn trên.

    * Học là gì?

    - Học là quá trình tiếp thu kiến thức nhiều lĩnh vực, có tác dụng mở mang đầu óc, phát triển tư duy, trang bị kỹ năng sống, làm việc và giúp hoàn thiện nhân cách, tạo ra những tiến bộ xã hội. - Việc học không thể dồn nén trong phút chốc mà diễn ra trong suốt đời người, ở nhiều môi trường khác nhau từ gia đình, trường học, nơi làm việc hoặc trong các mối quan hệ bè bạn. - Việc học không phải dễ dàng mà luôn có nhiều khó khăn như các kiến thức quá trìu tượng, điều kiện kinh tế, trang thiết bị cho việc học không đáp ứng được, ốm đau, bệnh tật, những khủng hoảng cá nhân hoặc tính lười nhác, thích ăn chơi là những nguy cơ ngăn cản con người trong cuộc hành trình học tập... - Kiến thức là vô bờ bến, rất sinh động và thay đổi, phát triển liên tục; chỉ bằng cách học không ngừng nghỉ, người ta mới nắm được kiến thức để phục vụ hữu ích cho chính cuộc sống của mình. Nếu không học, con người sẽ không có kiến thức, nếu chỉ học trong 1 thời điểm và dừng lại, con người sẽ bị tụt hậu so với thời đại. * Nội dung, ý nghĩa của câu văn "Học như thuyền..." - Câu văn đã dùng phép so sánh ẩn dụ quá trình học hỏi của con người với hình ảnh con thuyền trôi ngược dòng nước, nếu không tiến, ắt lùi. Cách so sánh đó khái quát một trong những bản chất của việc học: học là một quá trình vất vả, không ngừng nghỉ, học là một hành động diễn ra suốt cuộc đời con người; nếu con người ngừng việc học tại một thời điểm nào đó, anh ta sẽ bị thời đại vượt qua, sẽ thụt lùi về mặt kiến thức so với người khác. Từ đó, người viết câu văn trên ngầm đưa ra dụng ý khuyên răn con người ta nên có thái độ học tập kiên trì, mạnh mẽ, tự vượt lên chính mình và chiến thắng hoàn cảnh khó khăn để học hỏi, hoàn thiện bản thân. Đây là một lời khuyên sâu sắc, đúng đắn, sáng suốt, có giá trị muôn đời.

    2- Liên hệ tình hình học tập trong thực tế

    * Những tấm gương hiếu học, ham học đông tây kim cổ và thành công của họ mà bạn biết: ..... => Đây là thái độ sống đúng đắn, tích cực, có ý nghĩa cần làm theo, đặc biệt là giới trẻ. * Tình trạng lười học, bỏ học, học giả, học thiếu trung thực hiện nay trong xã hội, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục[theo bạn]

    III- Kết bài:

    - Câu nói "Học như thuyền trôi ngược nước..." luôn là lời nhắc nhở có ý nghĩa với mọi người, đặc biệt là học sinh

    - Liên hệ bản thân: Bạn xác định thái độ học tập cho đời mình như thế nào?

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy

Đề bài: Viết một đoạn văn nghị luận [khoảng 200 chữ] bàn luận về câu nói: “Việc học như bơi thuyền ngược nước. Không tiến ắt phải lùi” [Ngạn ngữ Trung Quốc].

Bài làm

Đã bao giờ bạn nhìn một con thuyền bơi ngược nước trên sông? Người lái phải gò mình sải cánh bơi mạnh mái chèo thì con thuyền mới tiến lên được. Nếu dừng tay chèo thì con thuyền không chỉ dùng lại mà trôi xuôi theo dòng nước chảy. Sự học cũng như vậy, có khác gì việc bơi thuyền ngược nước: không tiến sẽ phải lùi. Con thuyền phải đối mặt với dòng nước chảy ngược lại, liệu có dễ dàng đủ sức mạnh để vượt qua thử thách ấy không? Và quan trọng nhất là có đủ kiên trì để chiến thắng nó không? Bởi dòng nước lúc nào cũng chảy, còn người lái thuyền chỉ cần lơ là một chút [ngừng tay chèo] là có thể không tiến lên được mà ngược lại phải lùi lại ngay theo sức nước chảy. Hiểu như vậy thì việc học không đơn giản chút nào, trái lại rất khó khăn và gian khổ. Lê Hữu Trác từng tâm niệm: “Xem một câu, phải suy ra trăm câu; thấy một việc đời, phải ngẫm ra trăm việc. Có thế học mới hay”. Ở phương Tây, nhờ khổ luyện học vẽ trứng gà mấy chục ngày liền theo cách dạy của thầy Vê-rô-ki-ô mà về sau Lê-ô-na dơ Van-xi đã trở thành danh hoạ nổi tiếng thời Phục Hưng. Không khổ luyện, không kiên trì, không quyết tâm thì làm sao thu nhận được kiến thức và rèn luyện được kỹ năng, nói chi đến việc sáng tạo, phát minh – cái đích cao nhất mà việc học phải vươn tới. Không chiến thắng được bản thân thì không thể học thành tài được. Cho nên phẩm chất quan trọng trước tiên của việc học là phải kiên trì và quyết tâm, không bao giờ nản lòng. Nhưng kiên trì phải đi đôi với say mê và sáng tạo thì mới làm cho việc học hưng phấn, thích thú và đạt kết quả tốt. Việc học là suốt đời, không ngừng, không nghỉ, giống như người đi đến “chân trời kiến thức”, đến được chân trời này thì lại mở ra chân trời khác, cứ thế mà đi tới. “Hiểu biết là ngọn nguồn chảy mãi, cơn khát không hút cạn được nó và nó cũng không bao giờ giải xong cơn khát” [F. Ruc-ke]. Tấm gương say mê học tập của các danh nhân trên thế giới như C. Mác, Ăng-ghen, Anh-xtanh, Niu-tơn, Ma-ri Quy-ri… cho ta thấy chính sức mạnh của “cơn khát kiến thức” đã tạo nên những thiên tài của nhân loại, và ở đây, ngọn lửa của niềm say mê, sáng tạo đã tôi luyện thêm lòng kiên trì và quyết tâm của họ trên con đường khám phá, chiếm lĩnh và phát minh kiến thức mới cho loài người. Bản chất của việc học và bí quyết thành công của việc học cũng như vậy. Dĩ nhiên trong việc học còn có phương pháp học tập sao cho tốt, cho có hiệu quả, tức là phải biết cách chèo thuyền để vượt lên dòng nước ngược nhưng quan trọng nhất là có can đảm chèo thuyền hay không và có kiên trì quyết tâm chèo con thuyền học tập ấy trong suốt cuộc đời mình để đến được bến bờ vinh quang không? Bởi trong thực tế, biết bao người đã buông tay chèo giữa dòng để mặc cho con thuyền lùi lại. Trong đó có không ít người là học sinh, sinh viên. Từ đó, ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa của câu ngạn ngữ trên đối với việc học hành của con người cũng như đối với phát triển của toàn xã hội.

Đề bài: Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Sự học như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi”. Anh /chị hãy trình bày ý kiến về vấn đề này.

Bài làm

Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Sự học như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi”. Đây là một nhận định đúng đắn về sự nghiệp học hành của mỗi một người.

Con thuyền đi trên dòng nước ngược là một thử thách rất lớn. Dòng nước ngược sẽ chỉ đẩy con thuyền ngược lại, người chèo thuyền do đó phải cố hết sức mình đẩy con thuyền tiến bước về phía trước. Dòng nước xuôi thì thậm chí không cần chèo thuyền cũng bon bon xuôi về phía trước. Dòng nước ngược luôn đẩy ta quay trở lại, khiến ta không chỉ phải vận dụng sức lực mà còn cần vận dụng khối óc để lèo lái con thuyền tiến lên.

Đưa con thuyền ngược dòng, đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, rất nhiều vật cản trên quãng đường đi nhưng nếu bạn không tiến tới chắc chắn bạn sẽ bị dòng nước đẩy lùi. Đẩy với một tốc độ rất nhanh và mạnh, rất kinh hoàng. Việc học tập cũng vậy nếu chúng ta không ngừng cố gắng, nỗ lực, chúng ta sẽ chỉ có thể đi lùi trở thành những người lạc hậu, thiếu hiểu biết. Học tập là cả một quá trình gian nan vất vả trong khi đó kiến thức lại là một biển trời rộng lớn vô biên. Mỗi ngày lại có biết bao nhiêu điều mới mẻ, thú vị ra đời. Ta không những phải đi thật nhanh, thật khéo, tốc độ kĩ càng để có thể không bị tụt hậu mà còn để bắt kịp với những kiến thức đang đổi mới từng ngày.

Nếu bạn không học, bạn sẽ ngày càng thụt lùi, ngày càng bị mọi người bỏ xa. Học tập là như vậy đấy chỉ có hai con đường cho bạn lựa chọn. Nếu bạn buông xuôi mình, bạn sẽ bị dòng đời xô đẩy, sẽ vấp ngã, chìm nghỉm trong những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Thay vì vậy, hãy kiên cường dũng cảm dùng chính đôi bàn tay và khối óc của mình để lèo lái cuộc đời mình tiến về phía trước.

Cách so sánh việc học này khiến chúng ta liên tưởng tới ông lái đò trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Con sông Đà cũng hung dữ, nguy hiểm như công cuộc học hành vậy biết bao vòng vây, thạch trận, biết bao cửa tử. Người lái đò hiện lên vẫn quật cường, khéo léo, dũng mãnh đưa con thuyền vượt qua từng vòng vây và sang đến bên kia bờ. Dù khó khăn là vậy nhưng khi bạn có lòng quyết tâm đó hoàn toàn không phải là điều khó khăn không thể vượt qua.

Đây là một bài học, một lời dạy dỗ với bất cứ ai trong con đường học tập của mình. Học là một sự nghiệp cả đời. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Nếu bạn không học tập, bạn sẽ không thể làm bất cứ việc gì, vai trò của việc học tập là vô cùng to lớn. Nhất là đối với các bạn học sinh. Các bạn đã xác định được mục tiêu ước muốn của mình chưa, các bạn sẽ dùng cách gì để đi đến cái đích đó. Học đại học có lẽ không phải là con đường duy nhất nhưng nó chính là con đường tốt nhất, dễ dàng nhất dẫn bạn đến với thành công. Hơn nữa học ở đây không chỉ là học trong sách vở, học những kiến thức khoa giáo mà học ở đây còn là học cách sống, cách làm người, học cách làm việc, ứng xử, học ngoài xã hội…

Trên con đường học tập gian nan vất vả, mỗi người cần có ý chí, nghị lực, có sự kiên cường cùng lòng quyết tâm để hoàn thành mục tiêu của mình. Có như vậy chúng ta mới có thể đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ thành công.

>>>XEM THÊM:

Video liên quan

Chủ Đề