Sự phát triển nhân cách là gì

Sự hình thành và phát triển nhân cách của con người

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây [155.71 KB, 12 trang ]

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 1
NỘI DUNG
I. Cơ sở lý luận của vấn đề .............................................................................. 2
II. Khái niệm chung về nhân cách ......................................................................... 2
III. Vai trò của các yếu tố ảnh hưởng .............................................................. 3
tới sự hình thành và phát triển nhân cách
1. Nhân tố bẩm sinh - di truyền có vai trò tiền đề vật chất ............................. 3
2. Nhân tố hoàn cảnh sống .............................................................................. 4
a. Môi trường tự nhiên có ảnh hưởng ................................................................... 4
đến sự hình thành và phát triển nhân cách
b. Môi trường xã hội có vai trò quan trọng ..................................................... 5
trong sự hình thành và phát triển nhân cách
3. Nhân tố giáo dục giữ vai trò chủ đạo ......................................................... 6
4. Nhân tố hoạt động giữ vai trò quyết định trực tiếp .................................... 7
5. Nhân tố giao tiếp giữ vai trò cơ bản ........................................................... 7
IV. Liên hệ thực tế .........................................................................................

9

KẾT LUẬN ................................................................................................... 10
TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................. 11


MỞ ĐẦU
Vấn đề nhân cách được coi là một trong những vấn đề cơ bản song cũng là
một vấn đề phức tạp nhất của khoa học tâm lý nói riêng và của khoa học xã hội
và nhân văn nói chung.
Nhân cách không phải được sinh ra, không phải có sẵn và được bộc lộ dần
trong cuộc sống mà là một cấu tạo tâm lý mới được hình thành và phát triển trong
quá trình sống, hoạt động, giao tiếp ... Chính bằng các hoạt động xã hội, con


người ngay từ khi còn nhỏ đã dần dần lĩnh hội nội dung năng lực bản chất người
chứa đựng trong các mối quan hệ xã hội có liên quan đến hoạt động của họ.
Sự phát triển nhân cách như là sự phát triển toàn bộ các sức mạnh của con
người. Quá trình phát triển nhân cách không chỉ là những biến đổi về lượng mà
là những biến đổi về chất trong mỗi con người.
Sự hình thành và phát triển nhân cách của con người chịu sự tác động của
nhiều yếu tố mà mỗi yếu tố này lại có vai trò quan trọng khác nhau.

2


NỘI DUNG
I. Cơ sở lý luận của vấn đề
Nhân cách không có sẵn bằng cách bộc lộ dần các bản năng nguyên thủy mà
nhân cách là các cấu tạo tâm lý mới được hình thành và phát triển trong quá
trình sống - giao tiếp, vui chơi, học tập, lao động ... Như V.I. Lênin đã khẳng
định Cùng với dòng sữa mẹ, con người hấp thụ tâm lý, đạo đức của xã hội mà
nó là thành viên. Nhà tâm lý học Xô viết nổi tiếng A.N. Lêonchiev cũng chỉ ra
rằng: nhân cách cụ thể là nhân cách của con người sinh thành và phát triển
theo con đường từ bên ngoài chuyển vào nội tâm, từ các quan hệ với thế giới tự
nhiên, thế giới đồ vật, nền văn hóa xã hội do các thế hệ trước tạo ra, các quan
hệ xã hội mà nó gắn bó.
Trong quá trình hình thành nhân cách bị chi phối bởi nhiều yếu tố : bẩm sinh di truyền, hoàn cảnh sống, giáo dục, hoạt động và giao tiếp.
II. Khái niệm chung về nhân cách
Con người là một thành viên của cộng đồng, một xã hội, vừa là một thực thể tự
nhiên, vừa là một thực thể xã hội. Khái niệm con người là một thực thể sinh vật xã hội và văn hóa đã xem xét con người dưới ba góc độ: sinh vật, tâm lý và xã hội.
Cá nhân dùng để chỉ một con người cụ thể trong một cộng đồng, thành viên
của xã hội. Cá nhân cũng là một thực thể sinh vật - văn hóa và xã hội nhưng
được xem xét một cách cụ thể riêng từng người với các đặc điểm về sinh lý, tâm
lý và xã hội để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác trong cộng đồng.

Cá tính dùng để chỉ cái đơn nhất, có một không hai, không lặp lại trong tâm
lý [hoặc sinh lý] của cá thể động vật hoặc cá thể người
Nghiên cứu về nhân cách đã được nhiều lý thuyết trong tâm lý học đề cập đến,
và các lý thuyết này đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về nhân cách. Hiện
nay có rất nhiều lý thuyết khác nhau về nhân cách trong khoa học tâm lý. Có thể
nêu lên một số thuyết sau: Thuyết phân tâm học của Freud, thuyết siêu đẳng và bù
trừ của A.Adler, thuyết lo lắng của K.Horney, thuyết phát huy bản ngã của
A.Maslow, thuyết đặc trưng của A.Allport ...

3


- Quan điểm sinh vật hóa nhân cách: coi bản chất nhân cách nằm trong các
đặc điểm hình thể [Krestchmev], ở góc mặt [C. Lombrozo], ở bản năng vô thức
[S.Freud] ...
- Quan điểm xã hội hóa nhân cách lấy các quan hệ xã hội [gia đình, họ hàng, làng
xóm ...] để thay thế một cách đơn giản, máy móc các thuộc tính tâm lý của cá nhân.
Từ những cách hiểu trên đây, có thể nêu lên một định nghĩa về nhân cách
như sau: Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu
hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy.
Như vậy, nhân cách không phải là tất cả các đặc điểm cá thể của con người mà
chỉ bao hàm những đặc điểm quy định con người là một thành viên của xã hội, nói
lên bộ mặt tâm lý xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Nhân cách
quy định bản sắc riêng, cái riêng của cá nhân trong sự thống nhất trọn vẹn với cái
chung.
III. Vai trò của các yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển
nhân cách.
1. Nhân tố bẩm sinh - di truyền có vai trò tiền đề vật chất.
Ngay từ lúc trẻ em ra đời đều có những đặc điểm hình thái - sinh lý của con
người bao gồm các đặc điểm bẩm sinh và di truyền. Những thuộc tính sinh học

có ngay từ lúc đứa trẻ mới sinh gọi là những thuộc tính bẩm sinh. Những đặc
điểm, những thuộc tính sinh học của cha, mẹ được ghi lại trong hệ thống gen
truyền lại cho con cái được gọi là di truyền. Yếu tố bẩm sinh - di truyền bao
gồm các đặc điểm hình thể như cấu trúc giải phẫu - sinh lý, đặc điểm cơ thể, đặc
điểm của hệ thần kinh và các tư chất.
Đối với mỗi cá thể khi ra đời đã nhận được một số đặc điểm về cấu tạo và
chức năng cơ thể từ các thế hệ trước theo con đường di truyền, trong đó có
những đặc điểm về cấu tạo và chức năng của các giác quan và não. Những đặc
điểm của hoạt động thần kinh cấp cao được biểu hiện ngay từ những ngày đầu
của cá thể. Ví dụ như có rất nhiều tài năng âm nhạc thiên bẩm được sinh ra trong
một gia đình mà bố mẹ đều theo nghiệp ca sĩ hay nhạc sĩ.
Sự phát triển không bình thường của cơ thể con người cũng ảnh hưởng đến
sự phát triển tâm lý nhân cách. Ví dụ: người có dị tật hay người thấp bé thường

4


nảy sinh tâm lý tự ti, không thích thể hiện mình ở giữa đám đông. Hoặc những
người điếc bao giờ cũng nói to vì họ tưởng người khác cũng khó nghe như họ.
Theo quan điểm tâm lý học mácxít thì yếu tổ bẩm sinh - di truyền không quyết
định chiều hướng cũng như giới hạn phát triển của nhân cách con người. Mặc dù
những đặc điểm sinh học có thể ảnh hưởng mạnh đến quá trình hình thành tài năng,
xúc cảm, thể chất ... trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển con người nhưng nó
chỉ đóng vai trò tạo nên tiền đề cho sự phát triển nhân cách. Những quan sát khoa
học về quá trình phát triển của trẻ sinh đôi cùng trứng cũng chỉ ra rằng, sự tương
đồng rất cao của trí nhớ hình ảnh, âm thanh ở chúng đã mất dần cùng với sự phát
triển của lứa tuổi do tác động của hoàn cảnh và tính tích cực riêng của mỗi cá thể.
Như vậy, di truyền có một vai trò quan trọng đối với một số đặc điểm sinh học
của con người. Di truyền không quyết định sự hình thành và phát triển của nhân
cách nhưng là những tiền đề vật chất cần thiết cho sự định hướng và phát triển của

con người trong một số lĩnh vực nhất định.
2. Nhân tố hoàn cảnh sống.
Môi trường là hệ thống các hoàn cảnh bên ngoài, các điều kiện tự nhiên và
xã hội xung quanh cần thiết cho hoạt động sống và phát triển của con người. Có
thể phân thành 2 loại: môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
a. Môi trường tự nhiên có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân
cách
Môi trường tự nhiên bao gồm các điều kiện tự nhiên - hệ sinh thái phục vụ
cho các hoạt động sinh sống của con người. Hoàn cảnh địa lý, nước, không khí,
đất đai, động vật, thực vậtt, khí hậu, thời tiết ... đều thuộc môi trường tự nhiên.
Mỗi dân tộc sống trên một lãnh thổ nhất định với những độc đáo riêng về
hoàn cảnh địa lý. Những điều kiện ấy qui định đặc điểm của các dạng, các ngành
sản xuất, đặc tính nghề nghiệp và một số nét riêng trong phạm vi sáng tạo nghệ
thuật. Qua đó, quy định giá trị vật chất và tinh thần ở một mức độ nhất định.
Cho nên có thể nói, tâm lý dân tộc mang dấu ấn của hoàn cảnh tự nhiên thông
qua khâu trung gian là phương thức sống. Ví dụ như những người ở đồng bằng
thì trồng lúa còn người sống ở thành thị thì thường là tiểu thương, buôn bán.
Xét cho cùng, nhiều phong tục tập quán đều có nguồn gốc từ điều kiện và
hoàn cảnh sống tự nhiên. Một số nét tâm lý nào đó của bản địa, của nghề nghiệp
5


cũng có thể được hiểu theo logic ấy. Nhân cách như là một thành viên xã hội,
chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên thông qua những giá trị vật chất và tinh
thần, qua phong tục tập quán của dân tộc, của địa phương, của nghề nghiệp những cái vốn có liên hệ với điều kiện tự nhiên ấy mà qua phương thức sống của
chính bản thân nó. Ví dụ, những người sống ở nơi gần biển thì thường làm nghề
đi biển, dạn dày với nắng gió. Vì vậy họ thường phát triển theo lối sống mạnh
mẽ, từng trải nhưng vô cùng thuần hậu.
b. Môi trường xã hội có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển
nhân cách

Môi trường xã hội bao gồm cả một hệ thống quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội
- lịch sử, văn hóa, giáo dục ... được thiết lập. Con người hòa nhập được với xã
hội qua môi trường này. Tác động của môi trường xã hội đến sự hình thành và
phát triển nhân cách qua các mối quan hệ xã hội mà mỗi cá nhân tham gia tích
cực vào các mối quan hệ đó. Các mối quan hệ giữa cá nhân được thiết lập lại do
các quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế quyết định.
Không có sự tiếp xúc, trao đổi với người xung quanh hoặc sống trong một xã
hội quá đơn điệu thì cơ thể sẽ lớn lên và phát triển trong trạng thái của động vật
hoặc sẽ nghèo nàn về tâm lý, kém sự linh động. Chẳng hạn, bác sĩ Sing, người
Ấn Độ, có kể về trường hợp cô Kamala được chó sói nuôi từ nhỏ. Khi được đưa
ra khỏi rừng, cô đã 12 tuổi. Bình thường, cô ngủ trong xó nhà, đêm đến thì tỉnh
táo và đôi khi sủa lên như chó rừng. Cô đi lại bằng 2 chân, nhưng khi bị đuổi thì
chạy bằng 4 chi khá nhanh. Người ta dạy nói Kamala trong 4 năm nhưng cô chỉ
nói được 2 từ. Cô không thể thành người thực sự và 18 tuổi thì qua đời.
Trong môi trường xã hội ta còn thấy những hiện tượng tâm lý xã hội quần
chúng khác ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý nhân cách. Dư luận và tâm trạng
chung, đó là sự phán xét đánh giá của đông người về sự kiện đời sống xã hội của
hoạt động tập thể của hành vi cá nhân. Dư luận có thể đóng vai trò tích cực hay
tiêu cực trong đời sống được bắt nguồn từ sự kiện thực hay bịa đặt. Nó nảy sinh,
phát triển trên tâm trạng xã hội và có ảnh hưởng trở lại tâm trạng đó.
Tâm trạng chung: Bao trùm bầu không khí lạc quan hay bi quan - sức phấn đấu
chung của nhóm hay cá nhân đều chịu ảnh hưởng của tâm trạng chung đó. Ví dụ:

6


lời nói, cử chỉ, việc làm, cách nhìn của một thành viên đều có muôn màu muôn vẻ
của tâm trạng chung đó, tình cảm của nhân cách được kết tinh dần dần từ đó.
Thi đua: Là phương thức tác động qua lại giữa cá nhân, nhóm và tập thể làm
tăng kết quả hoạt động của nhau. Nhiều phẩm chất nhân cách, tập thể được phát

triển qua thi đua.Ví dụ: sự thi đua trong lớp học nhằm đạt kết quả cao trong học
tập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ở mỗi thành viên sự nỗ lực học tập.
Bắt chước: Thể hiện ra trong mọi lĩnh vực của đời sống. Bắt chước diễn ra
một cách có ý thức hay không có ý thức, bắt chước trong cách giao tiếp, ngôn
ngữ, trong ăn mặc. Đặc biệt trẻ con trong độ tuổi ấu thơ rất hay bắt chước người
lớn. Vì vậy, cách xử sự của người lớn có tác động rất lớn đến sự hình thành và
phát triển nhân cách của trẻ sau này.
3. Nhân tố giáo dục giữ vai trò chủ đạo.
Giáo dục thường được hiểu như là quá trình tác động có ý thức, có mục đích và
có kế hoạch về mặt tư tưởng, đạo đức và hành vi trong tập thể trẻ em và học sinh,
trong gia đình và cơ quan giáo dục ngoài nhà trường. Trong sự hình thành và phát
triển nhân cách thì giáo dục giữ vai trò chủ đạo, điều đó được thể hiện:
- Giáo dục vạch ra phương hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách
và dẫn dắt sự hình thành và phát triển của học sinh theo chiều hướng đó. Quá
trình này được thực hiện bằng các mục tiêu đào tạo của nhà trường các cấp và
các cơ quan giáo dục ngoài nhà trường.
- Giáo dục có thể mang lại những cái mà các yếu tố bẩm sinh di truyền hay
môi trường tự nhiên không thể đem lại được. Ví dụ như đến một độ tuổi nào đó,
đứa trẻ làm được mọi động tác vốn có của con người nhưng muốn có được
những kỹ xảo nghề nghiệp thì dứt khoát phải học nghề.
- Giáo dục có thể phát huy tối đa các mặt mạnh của các yếu tố khác chi phối
sự hình thành nhân cách như các yếu tố thể chất [bẩm sinh di truyền], yếu tố xã
hội. Ví dụ như những trẻ khi sinh ra đã có khả năng về âm nhạc sẽ được giáo
dục một cách bài bản để có nhận thức đầy đủ nhất về âm nhạc. Đồng thời giáo
dục bù đắp cho những thiếu hụt, hạn chế do bệnh tật đem lại cho con người. Ví
dụ là nhạc sĩ chơi ghita nổi tiếng Văn Vượng của nước ta bị mù từ bé, nhờ giáo
dục mà thành tài năng âm nhạc.

7



- Giáo dục có thể uốn nắn những phẩm chất tâm lý xấu, do tác động tự phát
của môi trường hay xã hội gây nên. Chẳng hạn, công tác giáo dục trẻ em hư
hoặc cải tạo lao động đối với những người phạm pháp. Và không phải ngẫu
nhiên mà những trại cai nghiện được lập ra.
Giáo dục giữ vai trò chủ đạo quyết định sự hình thành và phát triển nhân
cách, song không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục, giáo dục không phải là
vạn năng, cần phải tiến hành giáo dục trong mối quan hệ hữu cơ với việc tổ chức
hoạt động, tổ chức quan hệ giao tiếp, hoạt động cùng nhau trong các mối quan
hệ xã hội, quan hệ nhóm và tập thể. Giáo dục không tách rời với tự giáo dục, tự
rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách ở mỗi cá nhân.
4. Nhân tố hoạt động giữ vai trò quyết định trực tiếp.
Hoạt động là phương thức tồn tại của con người, là nhân tố quyết định trực
tiếp sự hình thành và phát triển nhân cách. Hoạt động của con người là hoạt
động có mục đích, mang tính xã hội, mang tính cộng đồng, được thực hiện bằng
những thao tác nhất định với những công cụ nhất định.
Con người lĩnh hội kinh nghiệm xã hội lịch sử bằng hoạt động của bản thân
để hình thành nhân cách. Mặt khác, cũng thông qua hoạt động con người xuất
tâm lực lượng bản chất [sức mạnh của thần kinh, cơ bắp, trí tuệ, năng lực ...]
và xã hội, tạo nên sự đại diện nhân cách của mình ở người khác trong xã hội.
Sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi người phụ thuộc vào hoạt động
chủ đạo ở mỗi thời kì nhất định. Muốn hình thành nhân cách, con người phải
tham gia vào các dạng hoạt động khác, trong đó đặc biệt chú ý tới vai trò của
hoạt động chủ đạo. Vì thế phải lựa chọn, tổ chức và hướng dẫn các hoạt động
đảm bảo tính giáo dục và tính hiệu quả đối với việc hình thành và phát triển
nhân cách. Việc đánh giá hoạt động là rất quan trọng trong việc hình thành nhân
cách. Việc đánh giá sẽ chuyển dần thành tự đánh giá giúp con người thấm nhuần
những chuẩn mực, những biểu giá trị xã hội trở thành lương tâm của con người.
Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích và bao giờ cũng mang tính
tập thể, tính cộng đồng, hoạt động của con người bao giờ cũng được thực hiện

bằng những thao tác nhất định với những công cụ nhất định. Do đó mỗi hoạt động
bao giờ cũng đặt ra trước con người những phẩm chất và năng lực nhất định thì

8


mới thực hiện được. Chính trong quá trình tham gia trực tiếp hoạt động đó mà con
người hình thành và phát triển được những phẩm chất năng lực này.
5. Nhân tố giao tiếp giữ vai trò cơ bản.
Nhân cách không phải là một nét, một phẩm chất tâm lý riêng lẻ mà là một
cấu tạo tâm lý mới, là tổng hợp các đặc điểm tâm lý đặc trưng với một cơ cấu
xác định. Do đó, nhân cách của con người chỉ được hình thành trong quá trình
tham gia vào các mối quan hệ xã hội.
Giao tiếp là điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội loài người. Giao lưu là sự
tiếp xúc giữa hai hay nhiều người để trao đổi với nhau những thông tin cần thiết.
Giao lưu tạo ra các quan hệ người - người, các quan hệ xã hội. Nếu với xã hội,
giao lưu là một điều kiện tồn tại và phát triển của nó, thì đối với cá nhân, giao lữu
cũng có vai trò như thế. Không có sự giao lưu với người khác, cá nhân không
phát triển được tâm lý, ý thức của mình, không thể trở thành một nhân cách.
C.Mác đã chỉ ra rằng: Sự phát triển của một cá nhân được quy định bởi sự phát
triển của tất cả các cá nhân khác và nó giao lưu một cách trực tiếp và gián tiếp
với họ.
Thực tế chứng minh những trường hợp trẻ con do động vật nuôi đã mất bản
tính người, mất nhân cách và chỉ còn lại đặc điểm tâm lý, hành vi của con vật.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng sự giao tiếp quá hạn chế, nghèo
nàn đã dẫn đến những hậu quả nặng nề là dễ mắc bệnh đói giao lưu do nằm
viện lâu ngày [hospitalism].
Nhờ giao tiếp, con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội nền
văn hoá xã hội, chuẩn mực xã hội và tổng hoà các quan hệ xã hội thành bản
chất con người. Cụ thể hơn, con người học được cách đánh giá hành vi, thái độ,

lĩnh hội được các tiêu chuẩn đạo đức một cách trực tiếp từ cuộc sống, kiểm tra
và vận dụng những tiêu chuẩn đó vào thực tiễn, dần dần hình thành nguyên tắc
đạo đức trong cuộc sống của mình. Như vậy, những phẩm chất nhân cách quan
trọng như: tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ, tính nguyên tắc, tính trung thực, lòng
nhân ái... được biểu hiện và được hình thành trong chính quá trình giao tiếp.
Trong giao tiếp, con người không chỉ nhận thức người khác, nhận thức các
quan hệ xã hội, mà còn nhận thức được chính bản thân mình, tự đối chiếu so sánh
mình với người khác, với chuẩn mực xã hội, tự đánh giá bản thân mình như là một
9


nhân cách để hình thành một thái độ giá trị - cảm xúc nhất định đối với bản thân.
Hay nói khác đi, qua giao tiếp con người hình thành năng lực tự ý thức.
IV. Liên hệ thực tế
Mỗi thời đại, mỗi đất nước đều có những chuẩn mực nhân cách của riêng
mình và sự tác động của các yếu tố liên quan đến sự hình thành và phát triển của
nhân cách cũng không giống nhau, nhưng thời đại nào, đất nước nào cũng có
những vĩ nhân, những nhân cách lớn. Nhân loại xưa tự hào vì có nhà bác học
Đácuyn với câu nói nổi tiếng: Bác học không có nghĩa là ngừng học. Nhân
dân Việt Nam tự hào vì có lãnh tụ Hồ Chí Minh - một nhân cách lớn.
Chúng ta đang sống trong môi trường xã hội vô cùng năng động, trong một nền
kinh tế thị trường định hướng XHCN, có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy
quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Bác Hồ đã từng dạy: Có tài mà
không có đức là đồ vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Vì
thế một nhân cách hoàn thiện phải có đủ tài và đức. Để đạt được điều ấy cần có
sự tác động vào các yếu tố hình thành và phát triển nhân cách một cách thích hợp.
Khi đã có sự hiểu biết về vai trò của các yếu tố sinh thể với nhân cách, ta có
thể có những biện pháp để phát triển những mặt mạnh, kiềm chế những yếu tố
không tốt thuộc về mặt bẩm sinh di truyền trong khả năng có thể.
Ta cũng cần tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tìm hiểu các kiến

thức về xã hội để xác định được những yêu cầu chuẩn mực của thời đại mới, từ đó
có sự rèn luyện bản thân theo hướng đáp ứng một cách tốt nhất những yêu cầu đó.
Tích cực giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mọi người tạo mối quan hệ rộng
lớn, thu thập nhiều kiến thức lịch sử - xã hội giúp nhân cách được phát triển toàn
diện. Cần có sự năng động, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Là một sinh viên,
kiến thức về chuyên môn là cần thiết nhưng kiến thức, kinh nghiệm đời sống
cũng quan trọng không kém.
Phải luôn luôn tự nhìn nhận lại bản thân đánh giá đúng sai những việc đã làm,
vạch ra mục đích cần vươn tới, luôn luôn phải nghiêm khắc với chính mình, nhìn
nhận, đánh giá cuộc sống để giảm bớt những hành vi sai lệch. Quá trình tự giáo
dục phải được xác định là thường xuyên liên tục thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi.
Cuối cùng, bởi yếu tố môi trường xã hội ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành
và phát triển nhân cách, cho nên bản thân ta phải là một tấm gương về nhân cách
tốt để có thể tác động một cách tích cực tới những nhân cách mới hình thành
như: những đứa em, đứa cháu nhỏ của mình.
10


KẾT LUẬN
Năm yếu tố: bẩm sinh di truyền, hoàn cảnh sống, giáo dục, hoạt động và giao
tiếp đều có tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách, nhưng có vai trò
không giống nhau. Theo quan điểm của tâm lý học macxit thì yếu tố bẩm sinh di
truyền giữ vai trò làm tiền đề; yếu tố môi trường, đặc biệt là môi trường xã hội
có vai trò quyết định; yếu tố hoạt động và giao tiếp của cá nhân có vai trò quyết
định trực tiếp; yếu tố giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát
triển nhân cách.
Có thể nói, sự hình thành và phát triển nhân cách là một quá trình lâu dài và
phức tạp. Trong quá trình đó, giữa các yếu tố đã nêu thường xuyên tác động lẫn
nhau và có sự thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của mỗi người. Nhân cách
không phải là một cái gì đó đã hoàn tất mà là quá trình luôn đòi hỏi sự trau dồi

thường xuyên.
Nhân cách là một vấn đề vô cùng phức tạp và rất khó lý giải. Nhưng nó lại
hiện diện quanh ta hàng ngày hàng giờ. Chính bản thân ta cũng là một nhân
cách. Việc làm thế nào để có một nhân cách tốt phù hợp với những yêu cầu
chuẩn mực của xã hội là một vấn đề lớn. Nó đòi hòi ở mỗi cá nhân sự rèn luyện,
phấn đấu liên tục, không mệt mỏi. Một đất nước chỉ có thể phát triển bền vững
khi đất nước đó được xây dựng trên số đông là nhân cách tốt, đa phần là những
con người có đủ tài và đức.

11


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tâm lý học đại cương - Tập thể tác giả, Đinh Thị Kim Thoa [chủ biên] NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2009.
2. Tâm lý học - TS. Đinh Phương Duy - NXB Giáo dục , năm 2009.
3. Giáo trình Tâm lý học đại cương Đại học Luật Hà Nội Nhà xuất bản
CAND -7/2006.
4. Giáo trình Tâm lý học đại cương - Tập thể tác giả. Nguyễn Xuân Thức
[chủ biên] - NXB Đại học sư phạm, 2009.
5. Tuyển tập Tâm lý học - Phạm Minh Hạc - NXB Giáo dục, 2002.
6. Hỏi và đáp môn Tâm lý đại cương - TS. Nguyễn Thị Huệ [chủ biên]. ThS.
Lê Minh Nguyệt - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
7. Các website:
- //tamlyhoc.net/
- //tamly.com.vn/

12




Video liên quan

Chủ Đề