Tại sao con sam lại dính nhau

Vợ chồng sam  Chào các bạn,Trong văn hóa Việt Nam, sam là biểu tượng của vợ chồng chung thủy, dùng thường xuyên để giáo dục đạo vợ chồng. Nhưng biểu tượng này có nguy cơ tuyệt chủng vì ngày nay người ta rầm rộ quảng cáo “đặc sản sam”, “món ăn không thể bỏ qua”, “tuyệt vời gỏi trứng sam” trong các nhà hàng.

Sam (tên khoa học Tachypleus tridentatus), đôi khi được gọi là sam biển, thường sống ở các cửa biển và các khúc sông gần cửa biển, luôn đi đôi một cặp vợ chồng. Sam cái lớn hơn sam đực, đi trước. Sam đực theo sau, bám chặt vào sam cái. Nếu người ta bắt sam thì luôn luôn bắt hai con bám nhau như thế. Vì vậy, từ xưa sam đã được dùng làm biểu tượng cho vợ chồng chung thủy, để dạy chúng ta ăn ở thủy chung.

Bài dân ca miền nam “Lý Con Sam” sau đây là bài ca giáo dục chung thủy. Làn điệu của bài hát này được gọi là làn điệu lý con sam cũng rất được mến chuộng trong dân ca miền nam, nên rất thường được dùng trong các tuồng cải lương.

Lý Con Sam

Sông sâu nước chảy có nguồn
Con sam có cặp theo luồng nước sông
Hỡi ai biết cặp con sam
Mình đồng chân sắt mắt lại trên lưng
Uống nước thôi cầm chừng
Đói no xin nhờ vợ ta đừng có theo ai
Ấy là đôi cặp con sam
Sam ơi sam lội sam vùi dưới sông

Sông sâu cách trở con đò
Đi đêm khó gẩm theo dò bóng đêm
Nghĩa nhân có đặng keo sơn
Bền lòng son sắt ắt đẹp duyên hương
Chớ thiếp luôn chiều chồng
Mới nên duyên chồng vợ
Xin chàng chớ quên em
Ấy là duyên nợ con sam
Sam ơi sam lội cho chồng ấm no

Hỡi ai biết cặp con sam
Mình đồng chân sắt mắt lại trên lưng
Uống nước ta cầm chừng
Đói no xin nhờ vợ ta đừng có theo ai
Nghĩa nhân có đặng keo sơn
Bền lòng son sắt ắt đẹp duyên hương
Chớ thiếp luôn chiều chồng
Mới nên duyên chồng vợ
Xin chàng chớ quên em
Ấy là duyên nợ con sam…
Ấy là duyên nợ con sam

Mời các bạn nghe bài Lý Con Sam qua giọng hát của nghệ sĩ Minh Lý.

Sự Tích Con Sam làm giàu nền văn hóa thủy chung đất Việt.

    Sự tích con sam

    Ngày xưa có hai vợ chồng một người đánh cá nghèo. Một hôm người chồng ra khơi với bạn nghề. Không may có một trận bão rất lớn nổi lên giữa lúc họ đang thả lưới. Không một người nào thoát khỏi tai nạn. Tin dữ về đến làng, tất cả mọi gia đình đánh cá đều đau khổ. Tiếng khóc lan đi các nhà. Riêng người đàn bà lòng đau như cắt. Như điên như cuồng, bà bỏ nhà ra đi, hy vọng tìm thấy chồng. Bà cứ theo bờ biển đi, đi mãi. Trải qua hai ngày đến một hòn núi lớn. Bà trèo lên rồi vì mệt quá ngủ thiếp dưới một gốc cây. Đang ngủ bỗng có một tiếng nổ dữ dội. Bà choàng dậy thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ đứng trước mặt mình, hỏi:

    – Người là ai mà dám đến nằm trước nhà ta?

    Người đàn bà mếu máo đáp:

    – Tôi đi tìm chồng. Cụ làm ơn chỉ giúp kẻo tôi nóng lòng nóng ruột quá!

    Cụ già nói:

    – Ta là thần Cây. Thấy nhà ngươi chung tình ta rất thương. Vậy ta báo cho biết là chồng ngươi còn sống, hiện ở ngoài hải đảo.

    Nói rồi, ông cụ trao cho người đàn bà một viên ngọc và bảo:

    – Ngươi hãy ngậm viên ngọc này vào miệng thì sẽ bay qua được biển để gặp chồng. Nhưng phải nhớ là nhắm mắt ngậm miệng kẻo rơi ngọc mà nguy đó.

    Ông cụ nói xong biến mất. Bà ta lấy ngọc ngậm vào miệng và nhắm mắt lại. Thốt nhiên trời bỗng nổi gió ù ù. Bà thấy người như nhẹ bỗng, hai bên tai nghe tiếng vo vo. Được một lúc sau thấy chân chấm đất, bà mở mắt ra thì thấy mình đang đứng trên một bãi cát lạ mà gió bấy giờ đã lặng. Trông thấy chồng ngồi co ro trên bãi, bà mừng quá. Hai vợ chồng hàn huyên một hồi lâu rồi mới tính chuyện trở về làng cũ.

    Người chồng ôm ngang lưng vợ để vợ đưa qua biển cả. Lòng người vợ sung sướng không thể nói hết. Vì thế, bà ta đã quên mất lời của thần Cây dặn. Miệng mắc ngậm ngọc nhưng bà vẫn cố hỏi chuyện chồng. Đột nhiên viên ngọc văng ra giữa không trung. Bà chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi cả hai vợ chồng đều sa xuống biển. Rồi đó họ hóa thành những con sam. Ngày nay, những con sam thường đi cặp đôi ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái như khi chồng ôm vợ để bay qua biển. Có câu tục ngữ “Thương như sam”, là do truyện này mà ra.

    Trích “Sự tích đất nước Việt” – Nguyễn Đổng Chi

Ngày trước không nghe ai nói ăn sam. Hình như người dân không ăn sam bao giờ, có lẽ vì tôn trọng biểu tượng chung thủy cao quý. Nhưng ngày nay, đột nhiên chúng ta có quảng cáo và truyền hình nói ồ ạt về các đặc sản sam: Món ăn độc đáo, Đặc sản, Món ăn không thể bỏ qua…

Đặc biệt món “trứng sam” được quảng cáo như món ăn tuyệt vời.

Các bạn, ăn trứng sam là cách nhanh nhất để sam tuyệt chủng, vì đương nhiên là không còn trứng thì không thể có con.

Mời các bạn xem vài video sau đây:

Cách bắt và làm thịt sam biển rất bá đạo

Đặc sản sam biển (Quảng Ninh). Clip này có cho biết sam ngày nay rất hiếm

Về Cần Giờ ăn gỏi trứng sam. Nướng sam khi còn sống. Nướng trứng ngay trong mai của sam mẹ. Cực kỳ thất đức

Các bạn, vấn đề rất rõ là nếu người ta thích ăn trứng sam thì nhất định sam sẽ tuyệt chủng, vì không có con để tiếp tục nòi giống.

Endanger Species International (Tổ chức quốc tế Các Loài Có Nguy Cơ Tuyệt Chủng) đang lên tiếng báo động về sam (Asian horseshoe crabs): “Sam có chỗ đứng rất quan trọng trong chuỗi thực phẩm biển vì là sinh vật ‘dọn đáy’ sông biển, cũng như ăn các sinh vật khác và làm thức ăn cho các sinh vật khác.” Các bạn, có thể xem thông tin ở đây.

Nếu sam tuyệt chủng, không chỉ là môi trường sinh thái bị xáo trộn, mà chúng ta còn mất một biểu tượng văn hóa lớn về giá trị gia đình. Đó là chưa nói cách ăn trứng sam thật là quá nặng về sát sinh. Mỗi bữa ăn là ta giết bao nhiêu nghìn con sam.

Đây lại là món ăn chơi, không phải là món ăn cần thiết như cơm để nuôi sống chúng ta. Tội và nghiệp!

Các bạn, có cách nào chúng ta tuyên truyền, giải thích, quảng bá để mọi người ngưng ăn sam không?

Nam mô A di đà Phật.

Hoành

Tháng Hai 24, 2017 - Posted by | Buddhism, Thiền, Video PPS, Văn Hóa | Phật học, Thiền, Video, Video PPS, Văn Hóa